Thứ Tư, 6 tháng 10, 2010

PHẬT PHÁP

Meditation 6

Thế giới tâm linh là cái gì? Linh hồn là cái gì? Có lẽ đó là một trong những câu hỏi ám ảnh nhân loại nhất. Hầu hết (nếu không nói là tất cả) các tôn giáo đều khẳng định sự tồn tại của linh hồn. Sự khẳng định này dựa trên cơ sở bạn phải có niềm tin tôn giáo, tức là thứ niềm tin không thể biện giải được và cũng không cần biện giải. Có tin có thấy! Nhưng như thế thì bạn lại dễ rơi vào một trong những nguỵ biện mà logic hết sức tránh xa. Thứ nguỵ biện đó có tên gọi là "lấy kết luận làm tiền đề - post hoc ergo propter hoc!".  Một niềm tin kiểu đó chẳng khác nào bạn sẽ kết luận mặt trời mọc là tại vì gà gáy sau hàng ngàn hàng vạn năm bạn "kinh nghiệm" hể gà gáy là mặt trời mọc hoặc mặt trời mọc là gà gáy. Từ xa xưa có một ông Khổng Tử lừng danh né tránh vấn đề đó bằng cách nói "kính nhi viễn chi", bởi chưa có ai chết rồi mà lại lừng lững trở về giữa nhân gian bằng xương bằng thịt như cũ để nói cho thiên hạ biết mình đã đi đâu và làm sao lại trở về được. Khoa học hiện đại chỉ cố gắng tiếp cận với cái gọi là giác quan thứ sáu và chưa bao giờ có câu trả lời dứt khoát. Còn bình dân nói chung là người ta kể những câu chuyện ma hồi hộp, hấp dẫn, ghê rợn hoặc huyền bí chẳng bao giờ xác định được tính chân thật của sự kiện!

Con người có lẽ là sinh vật lạ lùng nhất trong chúng sinh. Con người có một khả năng nhận thức mà cho tới nay chưa thấy có ở các sinh vật khác. Khả năng đó là con người có thể tự vượt ra khỏi nhà tù ý niệm đang có để nhận thức về chính mình, để nâng cao hơn trí tuệ của chính mình, để có các ý niệm khác. Điều đó chẳng khác nào một robot có khả năng nhận thức về chính chương trình đã lập trình sẵn cho mình và có khả năng nâng cao "trí tuệ" để tự-tái-lập-trình cho mình ở một mức cao hơn. Phân tâm học của Freud thì xem hành vi (và do đó nhận thức) của con người như biểu hiện bên ngoài của một thứ vô thức thống trị bởi libido tình dục. Tâm lý học hành vi thì dựa vào thí nghiệm phản xạ có điều kiện của Pavlov mà ông Marx khái quát hoá thành: "Con người là tổng hoà các mối quan hệ xã hội". Những quan niệm đó rốt cuộc ràng buộc khả năng nhận thức của con người trong nhà tù phẳng, hai chiều các ý niệm hoặc có tính chất thuần tuý sinh vật, hoặc biến con người với chữ Người viết hoa thành một nhân vật thụ động trong mối quan hệ bầy đàn! Chỉ cần thêm một bước nữa là các quan niệm đó dẫn tới F. Nietzsche! Câu hỏi linh hồn là cái gì thực chất là câu hỏi liên quan đến bản chất và nguồn gốc của trí tuệ con người, về khả năng tự tái lập trình đã nói kia. Đó là một câu hỏi nghiêm túc chưa bao giờ có câu trả lời chính xác.

Con người để lại các sản phẩm tinh thần của mình vào (hoặc chuyển hoá tinh thần vào) các phương tiện vật chất. Khi ta cầm một cái chén cổ ta có thể nhận thức được trình độ tinh thần của ông cha (đã khuất) trong hình thức, trong vật liệu cũng như công nghệ để làm nên cái chén đó. Khi ta nhìn thấy vết đạn pháo to đùng còn để lại trên tường thành Thăng Long ta có thể biết được ông cha ta đã thủ thành Hà Nội như thế nào trước sự tấn công của quân Pháp và Hoàng Diệu đã can trường ra sao. Ngay các di sản phi vật thể như một điệu lý, một câu hò, cũng cần phải được ghi lại qua một phương tiện vật thể nào đó gián tiếp.

Phương tiện (media) tức là môi trường vật chất để ghi lại nội dung tinh thần. Phần tinh thần qua nội dung mà tôi viết đây, bạn đang đọc đây, được ghi lại trên một đĩa DVD nào đó, một ổ đĩa cứng nào đó trong các web server của Google ở Mountain View (San Jose), California. Tôi cũng ghi lại nội dung này trên ổ đĩa cứng ở máy tính của tôi, trên thẻ USB của tôi. Bài thơ mà bạn đọc được trên blog của nhà thơ Cao Thoại Châu cũng được ghi lại trên HDD của Google nhưng có lẽ còn có một bản ghi trên giấy ở Long An (nếu ông ấy có thói quen xưa cũ đó). Tất cả các phương tiện đó đều khác nhau về trạng thái vật chất nhưng "nội dung" của "tinh thần" thì không hề thay đổi. Vậy có thể nào quan niệm con người - cụ thể là thân xác con người - chẳng qua chỉ là phương tiện, là cái áo để mặc cho tinh thần (hoặc gọi bằng một từ khác: linh hồn). Có thể nào quan niệm linh hồn chính là thông tin được lưu trữ trong phương tiện thân xác? Linh hồn chính là nội dung của thông tin được mang bởi thân xác?

(Ở đây ta gặp một vấn đề về khái niệm: Thông tin là gì? Có thể nói gọn, mặc dù không chính xác lắm: Thông tin chính là đại lượng biểu diễn sự thay đổi trạng thái, biểu diễn sự vận động. Sự vật sự việc nào đó không vận động, không thay đổi trạng thái thì không có thông tin. Nhưng sa đà vào vấn đề này sẽ dẫn entry này đi quá xa khỏi ý chính).

Lại nảy sinh câu hỏi khác: Nội dung của thông tin đó có mất đi không khi không còn phương tiện lưu trữ? Linh hồn có tồn tại độc lập với thân xác không?.v.v. Để tránh những câu hỏi bất - tận - không - cùng đó, cuối cùng phải dùng một ba cách: Cách thứ nhất, sử dụng một hệ tiên đề và các khái niệm ban đầu không được định nghĩa (hoặc không thể định nghĩa). Cách thứ hai, viện dẫn tới thượng đế, tới một đấng chí tôn nào đó. Cách thứ ba, nhận thức về một nguyên lý chi phối toàn thể sự vận động của sự vật sự việc. Cách thứ nhất và cách thứ hai thực chất là một. Cách thứ nhất rốt cuộc cũng hình thành một thứ thượng đế trong khoa học mà thôi!

Còn nguyên lý? Nguyên lý nào? Có nguyên lý nào bất biến hay không? Câu trả lời hãy còn xa lắm!

4 nhận xét:

khoachien nói...

Xin bày tỏ sự đồng cảm với bài viết này của anh Bình

Vuong Duc Binh nói...

Chào Anh Khoa Chiến. Rất thú vị vì anh đã comment cho bài viết này. Thật tình ban đầu tôi không nghĩ sẽ có người quan tâm đến những vấn đề nêu trong bài viết. Viết về một vấn đề ở biên giới của tôn giáo, triết học, khoa học và cụ thể hơn thậm chí là ... của khoa học vật lý lượng tử - tương đối tính là việc quá sức khó khăn. Khó khăn đối với người viết và khó khăn với người đọc. Bắt buộc phải tránh xa các công thức, các khái niệm có tính hệ thống vốn là đặc trưng của văn phong khoa học làm tôi viết bài này (và một số bài trước nữa) một cách chật vật và lũng cũng. Một lần nữa rất cảm ơn anh đã chịu khó đọc và chia sẻ sự đồng cảm. Một sự đồng cảm rất cần thiết để tôi đủ "gan" viết tiếp loạt bài này.

khoachien nói...

Rất mong anh Bình viết tiếp vì những gì anh viết ra rất thú vị. Theo chủ quan mình, Chiến nghĩ anh diễn đạt súc tích mà không khó hiểu.
Chiến rất thích đọc tác phẩm của một số nhà khoa học biết cách truyền đạt dễ hiểu các vấn đề có tầm "biến đổi" thế giới... Trịnh Xuân Thuận, Nguyễn Tường Bách là những người trong số đó...
Đọc họ chí ít giúp cho mình nhận thức lại mình để sửa mình. Có phải Phật từng dạy: Kẻ thù lớn nhất đời người là chính mình?

Nặc danh nói...

Yοur ρost feаtureѕ vеrified helpful to myself.
Ιt’s quite informatіvе and уou reаlly are clearly quite
experienced of this type. You get eхрosed my personal eyes in order to varyіng opinion
of thіs particular ѕubject mattеr usіng intereѕting and ѕolіd aгticles.


my blog post: buy Xenical
Here is my site :: Xenical