Mình làm thơ thì chẳng ra gì, cứ gọi là văn có vần một chút mà
thôi! Thỉnh thoảng những khi rỗi rãi – và nặng tâm tư gì đó - cũng viết một
bài, và nếu (tự cho là…) tạm được cũng đưa lên blog coi chơi. Làm thơ thì phải
súc tích, cô đọng, giống như đi một đường gươm tuyệt kỹ, bộ pháp không thừa
không thiếu một chút gì. Mà tính của mình thì hay lôi thôi dông dài – kể cả
trong chuyện viết lách - nên với chuyện thơ thì mình quay ra đi thưởng thức thơ
người khác xem ra hay hơn…
Lại nữa, mình xuất thân con nhà võ nhưng học võ không tới
đâu. Hồi còn bé, tía cho học võ – có làm lễ bái sư đàng hoàng – nhưng sư phụ
mới dạy cho được vài tháng, quọt quẹt mấy thế tấn thì sư phụ chẳng may qua đời
sớm. Xong lễ tang sư phụ được vài hôm, tía bảo: “Con không có số theo nghề võ,
thôi không được bái sư với ai nữa!” Vậy là mình chuyển đam mê học võ thành đam
mê đọc truyện kiếm hiệp của Kim Dung. Thơ và võ, cái nào mình cũng lèm nhèm
không tới đâu!
Đêm nguyên tiêu qua được vài hôm. Trăng có già đi một chút
nhưng vẫn còn trăng. Buổi chiều, thầy Nguyên Minh ghé qua nhà bảo: “Này. Tối
nay họp hội đồng hương Quảng Nam.
Tới nghe thơ Hoàng Lộc nhé!” Mình không phải dân xứ Quảng nhưng đêm nay trăng
già tới nghe thơ người tình già xa xứ… thì đi!
Đêm thơ tổ chức thanh lịch và trang trọng. Những người ngâm
và bình thơ thì hay, đặc biệt anh Khoa Chiến ngâm bằng giọng Huế thì “quá đã”.
Thái độ khán giả tới nghe thơ thì có lẽ người làm thơ khó mà mơ ước hơn được!
Nhưng thú thật chỉ có mình là không thế nào chú tâm được! Nghe bài thơ này mà lại lan man nghĩ tới bài
khác, theo một dòng suy nghĩ khác. Trong dòng suy nghĩ đó lấp lánh những đường
gươm!
Nghe nhé:
anh với thuyền ngang nửa dòng
sông
trời đã ngớt thu
lục bình hết hoa cho ngày lang
thang
hình như bắt đầu mùa lũ ?
bên kia là bến mộ
nghe đâu nguyễn du nằm ở một
miếng đất bồi
gần ngô đức kế…
nghe đâu đêm khuya rền vang cãi
cọ
nhân danh đủ thứ cũ mèm
(chẳng hạn chính kiến thói lề…)
không nghe nhắc tới tài hoa
anh quay nhìn
sau thuyền mù mưa
cũng âm thanh cãi cọ của nhiều
người
cũng bàn về những thứ rất cũ
giống phía bờ kia
bất chợt vài tiếng nổ
chớp lửa chìm mưa
em cách tuổi anh hơn mười năm
làm sao theo kịp ?
anh nhìn nguồn hút mắt
và ngó biển mù tăm
chần chừ, không muốn về bến mộ
cũng không thể quay thuyền
anh gọi em
chỉ sông vẫn sóng
một phút, tìm ra mình
anh tự thuỷ táng anh
Câu cuối rất đột ngột. Thơ không phải là lôgic, thậm chí không cần lôgic, nhưng nó cần liền mạch cảm
xúc! Giữa đôi bờ, trong thế lưỡng nan (dilemma), bỗng tìm ra mình. Tiếc thay,
kiếm khách lại rơi vào cái thế gọi là “Münchhausen trilemma”. Chàng nam tước
Mun-hao-den của ta thay vì tự túm tóc nhấc mình lên lại “anh gọi em/ chỉ sông
vẫn sóng”. Và cái giải pháp rất phi lý tính (irrational) - tự thủy táng - hóa
ra lại rất liền mạch cảm xúc dù có đột ngột. Cái bi kịch này có khi còn bi kịch
hơn bóng trăng trong đêm nguyên tiêu năm nào!
thời tiết bất quá xoay vần
anh bất quá rượu say
đời sống bất quá nợ nần
thiên tài bất quá rủi tay
chim bất quá bay đi
cây bất quá gãy đỗ
ghềnh đá bất quá sóng vỗ
tháng ngày bất quá lãng quên...
nhưng em
bất quá cũng còn anh.
Bất quá, bất quá, bất quá... và rồi bất quá cũng còn có anh. Bài thơ như một bản ân-tình-kiếm-phổ: Khẩu quyết chân phương, đường kiếm biến hóa dị thường, nhưng rồi đâm
vào tim mình!…
sáng thức dậy lên núi
đọc một bài đường thi
đời dưới kia gió thổi
lòng ta như bá di
nhớ em dù có nhớ
rượu mời cũng quên về
ngẫm không cùng thế sự
sầu ta hơn thúc tề
Với nỗi sầu của Bá Di – Thúc Tề, mình ra khỏi đêm thơ. Trăng
già mười chín mới lên, vừa đủ thơ và đủ để thấy những đường gươm ân tình vẫn còn loang loáng, chỉ để
đâm vào tim mình!