Thứ Tư, 4 tháng 6, 2014

Con chó sói tưởng nhầm con trâu là con cừu.




Ông Jean de La Fontaine (1621-1695) của nước Pháp có viết một bài thơ ngụ ngôn như vầy:

Le Loup et l'Agneau

La raison du plus fort est toujours la meilleure :
Nous l'allons montrer tout à l'heure.
Un Agneau se désaltérait
Dans le courant d'une onde pure.
Un Loup survient à jeun qui cherchait aventure,
Et que la faim en ces lieux attirait.
Qui te rend si hardi de troubler mon breuvage ?
Dit cet animal plein de rage :
Tu seras châtié de ta témérité.
- Sire, répond l'Agneau, que votre Majesté
Ne se mette pas en colère ;
Mais plutôt qu'elle considère
Que je me vas désaltérant
Dans le courant,
Plus de vingt pas au-dessous d'Elle,
Et que par conséquent, en aucune façon,
Je ne puis troubler sa boisson.
- Tu la troubles, reprit cette bête cruelle,
Et je sais que de moi tu médis l'an passé.
- Comment l'aurais-je fait si je n'étais pas né ?
Reprit l'Agneau, je tette encor ma mère.
- Si ce n'est toi, c'est donc ton frère.
- Je n'en ai point. - C'est donc quelqu'un des tiens :
Car vous ne m'épargnez guère,
Vous, vos bergers, et vos chiens.
On me l'a dit : il faut que je me venge.
Là-dessus, au fond des forêts
Le Loup l'emporte, et puis le mange,
Sans autre forme de procès.

Lê Trọng Bổng dịch cái truyện thơ đó ra như vầy:

Lý kẻ mạnh bao giờ cũng nhất 
Xin chứng minh lập tức châm ngôn 
Một hôm có chú cừu non 
Ung dung uống nước trên dòng suối trong 
Nơi lão sói đói thường mò đến 
Lúc này đây xuất hiện bất thần: 
"Tên kia sao dám táo gan 
Nước của ta, mày tới làm đục lên? 
- Tiếng sói thét giữa cơn điên 
Táo gan ta phải trị liền mới xong" 
Cừu thưa: "Xin Đức Ông chớ giận 
Mà xét cho thực trạng như vầy 
Nơi con đang giải khát đây 
Nằm dưới nơi uống của Ngài rất xa 
Vậy không thể nói là làm đục" 
"Chính mày vầy bẩn nước đây mà 
Ta còn biết được năm qua 
Miệng mày từng nói xấu ta rồi còn" 
"Nói chi khi má con chưa đẻ 
Nay con còn bú mẹ hàng ngày?" 
"Chẳng mày thì thằng anh mày" 
"Nhưng con đâu có" "Lũ bay rành rành: 
Mày này, mấy thằng chăn, lũ chó 
Chẳng tha ta, ta rõ hết rồi 
Chuyến này phải báo thù thôi" 
Sói già vừa nói dứt lời 
Đã lao lên quật tơi bời cừu con 
Cắn chết tha lên non ăn thịt 
Mà chẳng cần xét xử gì hơn.


Đó là chuyện ngụ ngôn xưa! Nhưng có nói đi thì cũng có nói lại như vầy: Con sói đó đã làm ăn thành công nhiều cú ở Tây Tạng, xứ đó chỉ có các nhà sư chuyên tâm niệm Phật và quay luân xa nên biểu mấy con chó ngao mặc kệ cho nó hoành hành vì tin rằng thế nào có ngày nó cũng bị quả báo, chờ cho nó xuống âm phủ rồi hãy tính sổ. Nó cũng có vài lần đột kích xứ sở của đàn bò thiêng, cắn chân mấy con bò nhưng gân bò vừa cứng vừa lạnh nhá không nỗi, và bị bò đá thì cũng không phải là chuyện dễ chịu lắm. Nó cũng thò tay ra biển Nhật Bản khều móc đám cá kình của Thái Dương Thần Nữ. Đám cá kình ngày xưa ở eo Đối Mã lầm lì bảo nhau hãy đợi đấy! Bây giờ nó lần mò xuống Biển Đông nói với muôn loài rằng hồi thời ông cố tổ nó có đi qua đây vậy đây là đất là biển của nó! Đám đông cười ồ trêu nó: Vậy xứ sở của mấy con gà Gaulois là của mấy con thiên nga Hy Lạp, vì thần Zeus từ trên đỉnh Olympe mấy ngàn năm trước đã có sai con cháu dong thuyền tới bến Marseille và… Little Saigon chắc là của Việt Nam vì ở đó bây giờ dân Việt đông lắm. Nó cáu tiết và ngắc ngứ cãi chầy rằng từ thời ông Bành Tổ có nói đất bốn phương đều là của Tam Hoàng Ngũ Đế và trong Tây Du Ký của Ngô Thừa Ân cũng nói ngoài biển của Nam Thiệm Bộ Châu có đảo Hoàng Sa rồi, không tin xem lại Tây Du Ký hồi thứ nhất có phải là đúng như vậy không!? Bà con lại tức cười quá nói đâu phải đảo Hoàng Sa mà là nước Ngạo Lai của xứ Hoang Đường ấy chứ.
Ở ven bờ Biển Đông là xứ sở của trâu. Con trâu hiền lành, chậm chạp, chỉ ưa làm ruộng. Con trâu tắm nước Biển Đông mà lớn, cứng đầu vì có cái sừng nhọn hoắc nhưng hiền lành không làm hại ai. Con trâu xưa nay bơi ra bơi vào đảo Hoàng Sa tắm mát và làm bạn với lũ chim biển bổng nhiên thấy con sói ra ngồi chình ình trên đó. Không những thế, con sói còn lảm nhảm câu La raison du plus fort est toujours la meilleure (lý của kẻ mạnh hơn bao giờ cũng nhất). Tội nghiệp con sói cô độc vì ai cũng ngán cái tánh tráo trở và làm càn nói càn của nó, lòng tham làm mờ mắt nó và Biển Đông nhiều đá ngầm làm nó quờ quạng nên nó tưởng Biển Đông là con suối nhỏ và con trâu là con cừu non. Nó ngỡ thế giới phẳng bây giờ còn là thuở hồng hoang, chỉ có nó với con cừu! Không biết cái gì sẽ xảy ra nếu nó cắn chân con trâu nữa ha !! Có khi ông La Fontaine rồi lại phải viết thêm một cái chuyện ngụ ngôn nói về một con sói cô độc thò tay vào hủ kẹo, bốc hết kẹo trong một nắm tay – bỏ bớt thì tiếc - và không thể nào rút tay ra được, trong khi sau lưng nó đang có hai ba con đại bàng nhìn chằm chằm.



hïg