Dưới ánh đèn
sân khấu, Phúc ngồi nghiêng bóng ôm cây guitar gần phía cánh gà. Sân khấu trang
trí đơn điệu – là những hoa lá còn sót lại, thậm chí có mấy cái hoa giấy đã
rách tả tơi, của một cái đám cưới. Nhà hàng dùng cùng một sảnh vừa để tổ chức
đám cưới buổi trưa và buổi chiều tối thì tổ chức đêm cà phê nhạc. Sảnh khá rộng
so với số người đến uống cà phê nên nhà hàng đã xếp lại bàn ghế dồn vào một
góc. Không gian không mấy thuận lợi cho một nhạc cụ nhỏ tiếng như cây guitar độc
tấu nhưng Phúc không mấy nề hà “chuyện nhỏ” đó. Cái nghiệp cầm ca kiếm sống với
một nhạc sĩ tầm tầm như Phúc thì còn có chỗ để đàn là quý lắm rồi. Thôi kệ!
Thôi kệ cứ
đàn-cho-hết-cho-đủ mấy bản nhạc theo như hợp đồng rồi về. Phúc chẳng buồn nhìn thính giả vì có lẽ họ cũng chẳng nghe
thấy Phúc đàn như thế nào. Khách trong sảnh nói chuyện ồn ào như chợ phiên! Đôi
lần Phúc nói vui với bạn bè muốn đàn được ở mấy chỗ đó phải biết thiền, phải
biết quay về nghe lấy chính mình. Có lẽ đúng vậy! Mặc kệ cho tiếng ồn vây quanh,
Phúc cứ cúi người lắng nghe tiếng đàn của mình. Phúc đang đắm mình trình diễn
bản Phiên chợ Ba Tư. Tiếng đàn tuôn chảy rào rạt của đoạn trémolo cũng không át
được tiếng la “vô.. vô” của một bàn phía xa sân khấu.
Đang đắm mình
trong tiếng đàn thì anh chàng dẫn chương trình chạy lên sân khấu ngắt ngang
tiếng đàn của Phúc, giành lấy cái micro nói yêu cầu của khách muốn nghe bản
nhạc khác, bản Phiên chợ Ba Tư ấy ! Phúc ớ người ra… thì đàn bản khác vậy. (Bây
giờ hỏi lại Phúc đã đàn bản gì thì ảnh cười trừ vì trong lúc bực bội đã ngẫu
hứng đàn bản nọ xọ bản kia không biết thành cái thứ gì nữa!). Dứt tiếng đàn,
Phúc chán nản đứng dậy, lịch sự cúi chào thính giả. Đột nhiên tiếng vỗ tay vang
lên rào rào. Anh chàng dẫn chương trình chạy lên sân khấu ngỏ lời cảm ơn Phúc
đã cho thính giả nghe bản Phiên chợ Ba Tư rất tuyệt diệu. Tiếng vỗ tay lại vang
lên rần rần… Phúc nghẹn thở… tiếng vỗ tay bộp bộp như những cái tát đau buốt cả lòng.
Đấy là chuyện
của anh bạn đàn rất thương mến của tôi. Còn tôi, tôi cũng mê đàn nhưng tôi may
mắn hơn ảnh là tôi không phải kiếm sống bằng tiếng đàn, cho nên ở những chốn ồn
ào bụi bặm như vậy thì tôi bèn… tắt tiếng. Bạn bè có kì kèo thì tôi bèn trả lời
là tôi đang đàn bản nhạc toàn là nốt lặng đấy thôi!
Nói vậy nhưng
cuộc đời có khi không phải vậy. Có khi vẫn phải đàn ở một chỗ chẳng có ai nghe
đàn. Vậy khi đó thì bắt chước bạn Phúc của mình tự nhủ lòng rằng đàn cho cái
đầu gối mình nghe vậy thôi. Đấy… hôm mới đây đi dự một cuộc họp mặt. Là nhân
dịp trung thu, thầy cô kêu qua chơi, cứ tưởng trung thu là tết thiếu nhi nên đã
sắp soạn mấy bản nhạc thiếu nhi và cây đàn mandoline qua đàn cho mấy cháu nhỏ
hát chơi. Ai dè tới chừng qua nhà thầy cô thì phát hiện toàn là mấy cháu U70 và
U80. Ai nói tuổi già ưa sống trầm lắng thì nên suy nghĩ lại! Đông nghịt, rần
rần ì ì, kêu la í ới như vỡ chợ. Biết mình hố rồi nên lĩnh ra vườn sau ngồi
uống trà với mấy ông bạn già cho xong chuyện. Nhưng cũng không yên, có một anh
bạn chạy ra sau cằn nhằn móc ngoéo lôi mình vô đàn cho mấy vị trẻ em già hát
hò. Thôi kệ!
Thôi kệ đàn
cho mấy vị già còn sung hát múa vậy. Ầm ỉ đến nổi mình phải càm ràm “Tôi còn
không nghe được mình đang đàn cái gì nữa đây này”. Anh bạn hét vô tai mình: Thì
cứ đệm chách chách chùm chùm… hát hay không bằng hay hát mà!”
Rằng vui thì
có rằng vui, nhưng cái kiểu văn nghệ này thì mình ớn quá nên cũng ráng ôm cái
trống bongo giữ nhịp cho mấy lão ngoan đồng vui tết trung thu vậy, chừng nào
anh bạn đàn mỏi tay thì thảy cây đàn cho mình vỗ chách chánh chùm chùm tiếp.
Thì như vậy đó cho tới lúc mọi người ra về gần hết có một lão bà đến mượn mình
tập nhạc. Mượn thì mượn! Lão bà nói nhẹ bên tai: Anh đàn nghe hay thiệt! Mình oải đến nỗi chẳng buồn nhìn xem là ai vậy
và cũng không màng lời khen không biết có thiệt không.
Cho nên mình
về nhà mà không còn tập nhạc. Cũng không biết ai mượn! Chỉ có điều đến tối ngồi
nghĩ lại thì thấy mình thiệt là có lỗi. Mình đàn chẳng ra gì mà cũng còn một
người chịu khó ngồi nghe. Thì cũng chỉ cần còn một người biết nghe là đã hạnh
phúc lắm rồi!
Cuộc sống kì
lạ như vậy đó! Có khi tưởng người ta phụ mình hóa ra mình lại phụ người ta…
Người nào đó ơi, cho mình gởi một lời hối tiếc và xin lỗi muộn màng nghe.
4 nhận xét:
Có gì đó ở một góc tâm hồn không khuất. Và nơi ồn ào nhất một nốt lặng vẫn hiển hiện theo cùng.
Hay quá
"Thì cũng chỉ cần còn một người biết nghe là đã hạnh phúc lắm rồi!"Thiệt vậy mà !
Âm nhạc là niềm vui, là nơi chất chứa nỗi buồn
Đăng nhận xét