Thứ Năm, 10 tháng 9, 2015

Xuân Thu Ức Cảm





Hai tháng trước, được bạn già Tăng Văn Dom tặng cho tập thơ. Tập Xuân Thu ức cảm photocopy trên giấy khổ A4, nhiều chỗ thủ bút. 63 bài thơ thể cổ phong bằng Hán-tự bạn đã viết trong gần như suốt một đời, từ buổi còn trẻ vất vả trầm luân ở một huyện nghèo xa xôi cho đến lúc về hưu. Bây giờ và ở đây mà tìm ra người còn đọc Đường thi đã là khó, huống chi để tìm ra người còn làm thơ bằng chữ Hán, mà lại là thể cổ phong nữa…! Mình bạc đầu rồi, học chẳng xong mấy trang Tam-Thiên-Tự, làm thơ thì lõm bõm dăm câu lạc vận, lấy tài chi mà thưởng lãm món quà trang trọng. Cũng may mà bạn chịu khó phiên âm Hán–Việt để mình có được cơ duyên thưởng thức của hiếm này.
Nhà giáo Tăng Văn Dom, hiệu Giác Tuệ, tính tình có phần trầm mặc - nửa như kẻ sĩ ước thúc lạc lõng, nửa giống cư sĩ thiền gia tự tại – làm thơ chỉ vì
Bần cùng đêm ngủ hay mơ
Tuổi già rảnh rỗi làm thơ giải sầu.
Mình rót chén trà rồi cùng bạn ngồi đọc tập thơ, bồi hồi thấy lung linh bóng dáng ông đồ già u uẩn ngày nào của Vũ Đình Liên - từ trong quá khứ mịt mờ sương khói - lại tiêu dao bước về giữa những trang thơ…

***

Mơ và sầu! Cuộc đời vốn chất đầy những mơ ước và những nỗi sầu! Giác Tuệ trải qua nhiều cảnh đời, nhìn và thấy không thiếu gì chuyện bất túc và bất toàn, chứng kiến bao nhiêu thứ đau khổ của cõi người, thì làm thơ như gieo một vần làm cầu nối những sầu nhân thế với những giấc mơ đời.
Thơ là thơ chữ Hán mà hồn lại là hồn Việt đậm đà…
Cảm cái tình bạn trong buổi chiều tan, mình cố làm một chuyện khó khăn: mò mẫm trong mớ Hán tự súc tích mà rối rắm, khi phồn thể, lúc giản thể, dịch ít bài để trình cho ai người cùng đọc. Biết có ai còn đọc để cùng mơ cùng sầu!?

***

Bốn mươi năm trước Giác Tuệ cùng ta dạy học ở một huyện được kể là vùng sâu vùng xa của Bến Tre. Việc đi lại quá sức khó khăn nên nhiều khi thày giáo trẻ nhớ mà không thể về thăm nhà. Cùng một tâm cảnh, nên những tối buồn, ta đôi lúc cũng ghé chơi chỗ Giác Tuệ. Bài thơ này làm nhớ con đường đến nhà trọ của Giác Tuệ. Trung thu ở đây không giống trung thu bên Tàu để có trời đẹp trăng trong. Chốn này cuối tháng tám, mưa đêm rỉ rả lê thê, đêm nào không trăng con đường tối đến nỗi xòe bàn tay trước mặt không thấy được ngón tay, còn đêm trăng sáng thì cũng bị hai hàng cây bên đường che mờ mờ, không gian huyễn hoặc liêu trai. Thiệt là: Tiêu tiêu tế vũ âm thu dạ / Thời thời khuyển phệ nguyệt ảnh tà! Bài “Thu dạ ức gia” đây chính là cái cảnh tình đó:

秋 夜 憶 家

僬 僬 細 雨 陰 秋 夜
時 時 犬 吠 月 影 斜
眠 斷 依 囪 觀 月 盡
不 知 何 日 再 歸 傢


Thu dạ ức gia

Tiêu tiêu tế vũ âm thu dạ
Thời thời khuyển phệ nguyệt ảnh tà
Miên đoạn ỷ song quán nguyệt tận
Bất tri hà nhật tái quy gia

Đêm thu nhớ nhà.

Đêm thu hiu hắt mưa bụi bay
Năm canh chó sủa bóng trăng phai
Đứt giấc dựa song xem trăng lặn
Biết đến hôm nao trở lại nhà ?

Rất lâu mới về thăm quê nhà một lần nên đến cái ngày... có đội mưa về cũng không gặp lại nàng nữa:

入 雨 憶 人

故 鄉 离 別 三 秋 去
落 日 迴 歸 雨 雰 雰
誰 家 少 女 欣 欣 哨
停 步 低 头 忆 故 人

Nhập vũ ức nhân

Cố hương ly biệt tam thu khứ
Lạc nhật hồi quy vũ phân phân
Thùy gia thiếu nữ hân hân tiếu
Đình bộ đê đầu ức cố nhân

Đi trong mưa nhớ người

Quê xưa ly biệt ba năm
Chiều nay về lại mưa thâm mù mù
Nhà ai hớn hở tiểu thư
Chậm chân cúi mặt chần chừ tưởng ai.

Mấy năm đó vừa hết giặc này lại đến giặc kia. Kinh tế cạn cùng, thường bữa ăn chẳng no – áo không được lành, lòng người ly tán. Lý này lẽ nọ nhiều kẻ phải tha hương, một bước ra đi không dám tưởng có ngày còn sống mà được trở về quê: Lạc diệp ly chi biệt bất hoàn. Bước ra đi mà lòng đau như cắt. Bài Cố hương này là kí thác tâm tình của một người bạn của Giác Tuệ trong cảnh ấy. Ta hỏi Giác Tuệ vậy chớ độ-cựu-giangcựu-giang nào. Giác Tuệ bảo thì bến phà Rạch Miểu ấy mà! A… người con nào của Bến Tre ngày xưa ra đi mà không nhớ dòng sông Tiền mênh mang và những chuyến phà Rạch Miểu. Chẳng biết Đằng-Vương-Các-Tự đẹp cỡ nào mà Vương Bột viết được câu Lạc hà dữ cô vụ tề phi, thu thuỷ cộng trường thiên nhất sắc”, chớ này bạn ơi, nếu một chiều êm nào có dịp ngồi trên chuyến phà Rạch Miểu mơ màng nhìn xa về phía cửa Đại thì mới thấy đúng là thu thủy cộng trường thiên nhất sắc… Vậy làm sao mà kẻ ra đi không nửa đêm tỉnh giấc, bồi hồi tự hỏi biết có ngày nào qua lại chuyến phà xưa!

故 鄉

狂 風 忽 起 掃 林 山
落 葉 離 枝 別 不 還
故 鄉 夜 夢 眠 斷 問
何 日 歸 來 渡 舊 江

Cố hương

Cuồng phong hốt khởi tảo lâm san
Lạc diệp li chi biệt bất hoàn
Cố hương dạ mộng miên đoạn vấn
Hà nhật quy lai độ cựu giang

Làng cũ

Núi rừng bỗng nổi cuồng phong
Rơi không trở lại lá lìa cành khô
Giật mình hỏi giữa cơn mơ
Bao giờ về lại quê xưa qua đò.

Người đi thì đã đành vậy, nhưng còn mẹ già trong bóng chiều:

望 子

來 秋 葉 又 洛
茅 屋 萋 綠 蕪
庭 暮 母 攜 杖
望 子 十 悲 秋

Vọng tử

Lai thu diệp hựu lạc
Mao ốc thê lục vu
Đình mộ mẫu huề trượng
Vọng tử thập bi thu

Ngóng con.

Thu về lá lại rơi rơi!
Nhà tranh rậm rịt xanh rì cỏ hoang
Mỗi chiều lê gậy trước sân
Mười năm buồn bã trông con, mẹ già.

Bạn cũ cũng nhớ nhau:

除 夜 忆 故 人


亭 前 點 點 梅 花 開
天 地 悠 悠 與 入 春
除 夜 寂 寞 酒 独 飲
舉 杯 我 愁 忆 故 人

Trừ dạ ức cố nhân.

Đình tiền điểm điểm mai hoa khai
Thiên địa du du dữ nhập xuân
Trừ dạ tịch mịch tửu độc ẩm
Cử bôi ngã sầu ức cố nhân.

Đêm giao thừa nhớ bạn cũ.

Trước thềm mai lấm tấm hoa
Đất trời khắp nẻo chan hòa sắc xuân
Giao thừa ngồi nhớ bâng khuâng
Rượu đầy nhưng chẳng cố nhân uống cùng.
(Giác Tuệ dịch)

Bao nhiêu năm ở chốn quê người, làm thân lãng tử, cầu cho được câu lá rụng về cội! Rồi một ngày bạn xưa cũng về tới đường xưa, nào cỏ, nào trúc, nào mai… Thế nhưng Giác Tuệ lại để vắng bóng người… Hay bóng mẹ (母- mẫu) đã ẩn vào dáng mai (梅 - mai)!!! Mẹ ơi con đã về đây!

歸 家


歸 路 草 芽 碧
飄 姚 綠 竹 枝
門 前 梅 含 咲
浪 子 白 頭 歸


Quy gia

Quy lộ thảo nha bích
Phiêu diêu lục trúc chi
Môn tiền mai hàm tiếu
Lãng tử bạch đầu quy.

Về nhà

Đường về xanh mướt cỏ non
Trúc xanh phơ phất vẫn còn lối đi
Mai vàng trước cửa cười chi
Con già tóc bạc hồi quy đây mà !

Rồi tới một ngày buồn lắm! Giác Tuệ mất đứa con gái yêu đầu lòng:

夜 闌 念 子

夜 闌 眠 忽 斷
囪 外 月 渺 渺
喔 喔 雞 鳴 起
念 子 何 處 飄

Dạ lan niệm tử.

Dạ lan miên hốt đoạn
Song ngoại nguyệt diêu diêu
Ốc ốc kê minh khởi
Niệm tử hà xứ phiêu.

Đêm khuya nhớ con

Cuối đêm thức giấc giật mình
Ngoài song kia đã mờ mờ trăng lu
Óc eo gà gáy canh tư
Thương con chẳng biết gió đưa nơi nào


Ngày giáp tết đi quét mộ cho ông bà, thấy có nấm cỏ xanh không năm nào có người chăm sóc cũng động tâm:

春 感

墓 上 萋 萋 滿 亂 草
新 岁 春 來 無 人 扫
几 渡 黃 梅 对 墓 开
寂 人 此 時 何 处 到

Xuân cảm

Mộ thượng thê thê mãn loạn thảo
Tân tuế xuân lai vô nhân tảo
Kỷ độ hoàng mai đối mộ khai
Tịch nhân thử thời hà xứ đáo


Cảm xúc ngày xuân

Mộ ai cỏ rối rầu rầu
Sao không người tảo để sầu gió xuân?
Mai vàng đã nở bao lần !
Người xưa nay đã nương thân chốn nào?
(Giác Tuệ dịch)

Đọc suốt tập thơ không mấy khi thấy Giác Tuệ được thanh thản trừ buổi dong thuyền trên dòng Hương:

香 江 夜

遊 船 香 江 夜
輝 輝 月 瓏 波
左 岸 聞 聲 琴
南 哀 如 落 花
右 岸 樹 漠 漠
御 坪 月 光 斜
鐘 聲 天 姥 點
執 杯 向 月 歌

Hương giang dạ

Du thuyền Hương Giang dạ
Huy huy nguyệt lung ba
Tả ngạn văn thanh cầm
Nam Ai như lạc hoa
Hữu ngạn thụ mạc mạc
Ngự Bình nguyệt quang tà
Chung thanh Thiên Mụ điểm
Chấp bôi hướng nguyệt ca.


Đêm sông Hương

Sông Hương một tối dong thuyền
Long lanh bóng nguyệt dập dềnh sóng đưa
Nam Ai vẳng khúc nhặt thưa
Bờ kia tưởng tiếng hoa mưa giữa dòng
Ngự Bình chừ nhạt trăng trong,
Bờ ni mờ mịt hàng thông soi mình
Chuông chùa Thiên Mụ rung rinh,
Ngó trăng, nâng chén với mình ngân nga.
(Diệu Hạnh dịch)


Dù sớm hay muộn khi đã kinh qua những hư vọng sắc tướng, phập phù những nỗi nhân sinh, rồi thì cũng đến lúc trầm tư về cuộc trần ai, lẽ sinh tử:

人 生

水 底 玲 瓏 秋 月 影
彬 彬 霞 色 眺 長 天
人 生 不 异 霜 江 早
貧 富 枯 榮 只 夢 眠

Nhân sinh

Thủy để linh lung thu nguyệt ảnh
Bân bân hà sắc diểu trường thiên
Nhân sinh bất dị sương giang tảo
Bần phú khô vinh chỉ mộng miên.


Cõi người.

Trăng thu đáy giếng lung linh.
Ráng chiều rực rỡ bóng hình trời cao.
Cõi người sương khói như nhau,
Nghèo giàu tươi héo mộng phào mà thôi.

Tập thơ kết thúc bằng hai câu:



廣 川 浪 浪 岸 不 見
寂 心 必 悟 向 渡 江

Ngộ

Quảng xuyên lãng lãng ngạn bất kiến
Tịch tâm tất ngộ hướng độ giang.

Mênh mông nào thấy bến bờ
Tâm tư buông xả thuyền chờ qua sông.
(Giác Tuệ dịch)

Chẳng được như Giác Tuệ, mình thì đôi lúc thấy lòng mình cũng không chắc rõ tâm mình… biết làm sao để cho tâm tịch mịch!?

Còn bạn, người đọc Giác Tuệ, bạn có đồng cảm hay chia sẻ gì không ? 


1 nhận xét:

tieudao nói...

Người viết có tứ có tình , người dịch có hồn có tâm .
Và người đọc cảm thấy lòng vui nhưng man mác một nỗi niềm !