Thứ Tư, 31 tháng 1, 2018

KHI TA Ở CHỈ LÀ NƠI ĐẤT Ở...

Hình ảnh trích từ:
http://tongdaivemaybay.net/tin-tuc/air-vietnam-co-the-ban-chua-biet-194
(Bản thảo, còn cập nhật...)

1. Trước đây những 52 năm, sau khi Ba qua đời, một ngày năm 1966, Mẹ dẫn 4 đứa con nhỏ lên một chuyến bay của Air VietNam rời sân bay Cà Mau. Hồi đó nhà nghèo chết được, giàu có gì đâu mà đi máy bay! Chỉ tại khi đó đường bộ Cà Mau-Saigon thường xuyên bị mấy ông Việt Cộng "đắp mô", xe đò nhiều ngày không chạy được, Mẹ phải bấm bụng trích phần tiền bán nhà ít ỏi mua vé cho cả nhà đi máy bay. Mấy đứa em gái còn nhỏ xíu. Cô út bấy giờ mới chỉ học lớp tư (tức là lớp 2 bây giờ). Ngồi trên "con ngựa thồ" DC-3 cũ xì, tiếng động cơ rần rần, nhìn ra cửa sổ máy bay thấy nhớt thấm thành dòng quằn quện trên mặt cánh mà bắt nhợn. Lúc máy bay nghiêng cánh lấy độ cao, nhìn xuống thị xã Quản Long - tức là thành phố Cà Mau bây giờ - nhỏ út hỏi thằng anh hai khi đó cũng mới 13 tuổi: Chừng nào anh em mình mới về đây nữa hả "hia"? Đứa "tù hia" là mình ngơ ngơ có biết gì đâu mà trả lời! Không biết trả lời sao nhưng câu hỏi đó vẫn đau đáu trong lòng mình suốt ngần ấy năm. Bây giờ già rồi, về hưu cả rồi, anh em mới có dịp cùng đi một chuyến về thăm "cố hương". Chỉ dám gọi là cố hương vì Cà Mau chẳng phải quê nội lẫn quê ngoại, cũng chẳng có bà con gì còn ở đó! Cà Mau chẳng qua là một nơi ở của Ba Má, một nơi mà trên đường xuôi ngược kiếm sống phải tạm cư. Một cuộc tạm cư kéo dài hơn chục năm, vừa đủ hình thành một kí ức về Cà Mau đẹp và buồn, tối tăm và mơ hồ, quấn chặt lấy tuổi thơ ...

2. Trong kí ức của mình Cà Mau là cánh đồng những ngày mưa trắng mênh mông, nước ruộng trong veo lấp lánh mấy con cá bạc đầu và cá bãi trầu, mọc đầy năng đầy sậy với những bờ ruộng sâu xây tròn nhiều bọt ổ cá lia thia màu trắng vàng đục. Cà Mau là cái nhà thờ bên con đường Phan Đình Phùng rất vắng có cái gác chuông với mấy cây cột gỗ đen xì. Là con đường có những cột đèn đường hiếm hoi mỗi đêm vàng ệch hiu hắt, tụ hội vô số cào cào châu chấu, đặc biệt là cào cào sắt có hai cái ngạnh rất nhọn, lủ trẽ con chạy chơi vòng quanh cột điện vừa hát rồng rắn lên mây có cây thánh giá (!) có nhà hiển linh... Là con kinh 16 nước xanh màu lục có vô số cá chốt. Cá nhiều đến nổi chỉ cần khuấy động nước là chúng bu lại, chen lấn nhau rào rào tung tóe. Chỉ cần lấy rổ hớt một cái là được hai ba chục con (Nhưng dân Cà Mau thời đó chẳng ai ăn cá chốt hết. Cá lóc cá rô thiếu gì ai mà thèm ăn con cá chốt !)... Là chùa Bà Mã Châu lúc nào cũng mù mịt khói hương đến ngộp thở của những cuộn nhang đốt từ đầu năm đến cuối năm chưa cháy hết cùng với một lời nguyền (!): Người họ Quách đến xứ này mà không đến lể Bà thì Bà vật cho ói máu (!!!). Năm nào chùa Bà cũng cúng "giựt vàng" qui tụ dân nghèo-xe lôi-xe kéo-khuân vác bu lại đen đầu hò reo đè đạp lên nhau tranh giành mấy cái thẻ được đổi ra bánh in hoặc "mì sụa" hoặc vài lít gạo, hoặc vài cục đường thẻ, đường hột soài... Là con đường Lê Phú Nhung ở đầu đường có cái nhà làm cà rem cùng câu rao hết sức dễ thương: Cà rem Kim Tòng con gái chưa chồng đồng bạc một cây / Cà rem Kim Tòng con gái có chồng đồng bạc hai cây. Cô nào mua cà rem mà nói tui có chồng rồi a! là chú bán cà rem lấy con dao nhỏ cắt cũng cây cà rem đó thành hai khúc kèm theo một cây tăm khuyến mãi để cầm cho dễ... hi hi! Đi tới một đoạn có rạp hát Huỳnh Long phía trước có hai tấm "ba nô" quảng cáo phim vẽ rất đẹp. Sân rạp buổi tối có mấy bóng điện sáng trưng, thường có mấy tụ xóc dĩa, bài ba lá hoặc bầu-cua-cá-cọp. Tụi con nít chạy ra chơi hát nghêu ngao Ò e Rô Be (Robert) đánh đu/ Tạc Dăng (Tarzan) nhảy dù / Do Rô (Zorro) bắn súng / Chết cha con ma nào đây? Thằng Tây nhảy dù / Thằn lằn cụt đuôi... Ò e ... để chờ gần hết phim được xả giàn vô coi khúc cuối! Và cũng như hầu hết những đứa trẻ, Cà Mau đối với tôi là những ngôi trường khiêm tốn như ngôi trường chỉ có hai phòng học của quận Đầm Dơi. Ngôi trường đó bé tẹo, ở gần bờ sông có mấy cây me tây, có cái sân đất trồng một cây ô môi to xù và chẳng có rào dậu gì hết. Giờ ra chơi tụi con nít có thể chạy thẳng về nhà uống một ca nước rồi chạy trở vô lớp học tiếp. Hay ngôi trường tiểu học Quản Long (bây giờ là trường trung học phổ thông Hồ Thị Kỷ) có cái ao bự chảng giữa sân. Nước ao thiệt trong, thiệt sạch và mát lạnh. Có cái nhà thủy tạ rệu rã mà cầu ra nhà thủy tạ chỉ còn là hai hàng cột xiêu vẹo sắp hàng giữa mấy bụi bông súng. Tại cái ao đó tôi và thằng bạn suýt chết chìm: Có một bửa chủ nhật, tôi chỉ mới biết bơi lủm bủm mà làm tài khôn kéo thằng bạn tên Lê Văn Bá lẻn vô trường để "tập lội" cho nó! Hai đứa bơi chuyền từ cây cột này qua cây cột kế tiếp từ bờ ra tới giữa ao. Tới giữa ao nó hụt hơi với tay ôm cổ tôi kéo tuột xuống đáy ao. Hai đứa giảy giụa dưới đáy ao nổi bùn luôn! Chết chắc! Thời may có ông tùy phái giữ trường mới thấy đó hai đứa nhỏ mà bây giờ đâu mất tiêu! Ổng chạy ra bờ ao thấy nước quợn đục ngầu liền nhảy xuống lặn vớt lên. Ổng vác hai thằng nhỏ chạy xốc ngược cho ộc nước cứu sống, xong đá cho mỗi đứa một đá đuổi cổ ra khỏi trường!!! Mà tôi cũng xin thầy cô hồi đó của tôi tha tội cho tôi vì tôi chẳng nhớ được ai. Làm sao nhớ ai được nếu như Ba Mẹ tôi có cái kiếp sống trôi dạt long đong, thì tôi cũng thuộc loại "trôi theo dòng đời". Mỗi trường, mỗi lớp có khi tôi cũng chỉ học được có một hai tháng rồi... chuyển trường! Cái tên Lê Văn Bá mà tôi còn nhớ được đó là nhờ kỷ niệm chết hụt mà thôi!
Người ta sống thì phải ăn đúng không? Ai nhớ Cà Mau có món gì không biết chớ tôi thì tôi nhớ hai thứ: Món thứ nhất là kẹo da trâu và món thứ hai là nhớ bánh cống. Kẹo da trâu không phải là món ngon gì. Nó là thứ kẹo của xứ nghèo và con nhà nghèo. Mấy tiệm bánh người ta gom bột vụn, thậm chí là thứ bột cạo thớt, thêm chút gừng, ngào với đường thùng, cán ra thành miếng mỏng chừng 5 li rồi xắt thành cục khoảng 4cm x7 cm. Rắc thêm ít bột cho đừng dính rồi đem phơi. Ối trời! Bây giờ nó mới đúng là da trâu, vừa đen sì vừa cứng vừa dai. Xin ba mẹ 5 cắc ra tiệm chạp phô mua một  cục kẹo đem về lấy dao phay chặt làm đôi chia mỗi đứa một miếng ăn cả buổi chưa hết! Còn bánh cống thì đúng là món ngon của Cà Mau. Không biết nên gọi nó là đặc sản của Cà Mau không, nhưng ở các tỉnh khác hiếm khi thấy thứ bánh này, mà có thì cũng không ngon (Chỗ này xin khoan dung cho tôi chút, có khi tại tôi thành kiến mà thôi!). Tui không biết kỹ thuật nấu nướng gì nhưng đúng là bánh cống Cà Mau vừa đậm đà vị con tép chiên, sợi giá mềm, bột giòn rụm nhưng lại không cứng mà tan ngay trong miệng. Cuốn bánh với rau thơm, chấm vào dĩa nước mấm ớt có chút đồ chua. Ngon ê răng luôn!
Còn nhiều chuyện lắm! Nhớ còn không hết làm sao mà kể! Những chuyện để tôi nhớ Cà Mau thắt thẻo mỗi khi đi đâu đó mà phải ngồi nhìn cơn mưa trắng trời! Vũ vô kiềm tỏa năng lưu khách mà... ngồi buồn chờ mưa dứt thì làm gì bây giờ? Nhớ và buồn! Nói kiểu ông bà xưa là nhớ ông bà ông vãi gì đâu!
















































1 nhận xét:

Tien Vuong nói...

Cây gì (có nhiều trái trên thân) ngộ quá vậy ba?