(Hồi ức).
Ở
đất của người, đêm nay tôi nằm nghe gió thu nhẹ ngoài
song lạnh. Trong lòng nhớ quá câu ru:
Gió
mùa thu mẹ ru con ngủ
Năm
canh dài thức đủ vừa năm.
Chỉ
có hai câu ru đơn giản như vậy của một ngày xưa mà
sao ám ảnh tôi suốt bao nhiêu năm trường.
Khoảng
năm 1985 tôi đi công tác ở huyện Mỏ Cày cùng với nhà
thơ Lê Nguyễn Hàm Luông. Hàm Luông phụ trách môn văn,
còn tôi dạy toán cho một lớp “chuyên tu” để chuyển
từ hệ đào tạo 2 năm Sư Phạm cấp 2 thành hệ đào tạo
3 năm Cao Đẳng Sư Phạm. Lịch làm việc và học tập rất
căng thẳng. Học buổi sáng và làm bài tập buổi chiều
sao cho để trong một tháng là xong môn giải tích cổ
điển. Thời buổi đó khó khăn đủ bề, đường xá đi
lại nhiêu khê, cơm gạo chỉ vừa đủ no là may mắn lắm.
Nên tôi và Lượng (tức Hàm Luông) chọn ở lại Huyện
suốt tháng cho... dễ tính.
Tôi
và Lượng có phải là giảng viên giỏi hay không? Chắc 100% là không phải rồi! Nhưng tôi e rằng tôi phải công nhận
học viên của tôi toàn là những đầu óc siêu việt, vì
họ có thể học toán cao cấp một ngày 10 tiếng đồng
hồ và có thể nuốt hết một khối lượng kiến thức
toán học đồ sộ chỉ trong vòng 1 tháng – Khối lượng
mà sau này các lớp chính quy, cũng chính do tôi dạy (hoặc
hướng dẫn) phải thực hiện đến 2 học kì (tức 6
tháng)! Nhưng mà thời buổi như vậy, điều kiện như
vậy, yêu cầu như vậy thì đành phải... như vậy!
Và
để đối phó với những đầu óc siêu việt như vậy
thì tôi phải làm việc cật lực trong chuyện soạn giảng.
Nhà thơ Hàm Luông của tôi mỗi đêm có thể gác cao tay
lên đầu mà ngủ trong khi tôi phải miệt mài thức để
soạn bài, để giải bài tập. Cứ vài hôm thì Ủy Ban
Nhân Dân huyện là nơi xét duyệt cấp cho tôi dầu lửa
để thắp đèn cho mục đích soạn bài lại ta thán không
biết ông Bình ổng có uống dầu thay nước trà không mà
sao hao dầu dữ vậy! Đêm nào tôi cũng được cấp cây đèn dầu ABC
to đùng sáng trưng để soạn bài. Cây đèn ấy “uống”
dầu rất hãi. Trung bình mỗi đêm tôi thức tới 11 hoặc
12 giờ đêm là mất đứt 1 lít dầu. Cái thời mà mỗi
người mỗi tháng chỉ được mua có 2 lít dầu lửa thì
tôi bị ta thán như vậy là phải rồi. Nhưng Ủy Ban cũng
không dám đình chỉ vụ cấp dầu. Tôi mà buồn bụng,
tôi và Lượng bỏ về thì cả đám giáo viên toán cấp 2
của huyện và dĩ nhiên là Ban Giáo Dục Huyện khốn đốn
cho mà coi!
Thế
đấy! Nhưng có đêm tôi chưa kịp soạn bài xong thì
lại... hết dầu. Chắc là do tôi vặn đèn sáng quá nên
hao dầu quá định mức! Soạn bài chưa xong thì rất khó
yên giấc!Thế là tôi đành phải nằm thao thức trong bóng
tối. Phải nói thêm là Ban Giáo Dục bố trí cho hai ông
trời con là tôi và Lượng ở trên một cái Hội trường
rộng rinh – giống như bị bỏ hoang - cở 10x20 mét vuông
và xếp mấy cái bàn viết lại làm giường ngủ. Ban đêm
trời mưa. Tối thui. Lạnh hiu hắt. Đắp cái mền mỏng
te, nằm nghe gió sông thổi qua song ù ù! Buồn mênh mông.
Thế
mà trong đêm sâu lạnh ấy, bỗng đâu giữa tiếng gió
rít trong lá, văng vẳng tiếng người mẹ trẻ nào ầu ơ
ru con:
Gió...
mùa thu là... là mẹ ru là con ngủ.
Tiếng
ru êm ái kéo dài ngân nga trong đêm trường, bập bềnh
theo tiếng võng đưa. Khó mà biết được tiếng ru ấy là
từ bên kia sông vang lại hay từ xóm nhỏ của hẻm chợ
mà tới đây.
Ầu
ơ... ầu ơ. Năm canh dài mà... năm canh dài mà...
ầu
ơ... thức đủ vừa năm.
Nước
mắt chảy dài trên mặt tôi. Tiếng mẹ ru đó mà. Là
tiếng của hồn đất. Là âm vang của hồn nước. Tiếng
ru để con yên lòng ngủ yên và lớn lên giữa đêm mưa
gió. Có mẹ đây. Năm canh sẽ không còn dài. Ngày mai trời
sẽ sáng.
Bây
giờ thì tôi không còn mẹ nữa, nhưng câu ru kia nâng đỡ tôi mỗi bước trong cuộc đời. Mẹ vẫn còn đó, trong
câu ru! Hạnh phúc thay cho tôi có được câu ru là tiếng
mẹ vẫn còn vang vọng!
2 nhận xét:
Cái thời khổ đó...nhắc lại lạnh cả người. Có nhiều khi em nghĩ, sức đâu mà mình chịu được như vậy. Rồi cũng qua hết đó anh. Nhờ nếm trải mà bây giờ dù khổ tới đâu mình vẫn chịu được. Điều quan trọng là nhờ vậy mà mình biết quý những gì đang có.
@ Cỏ Tranh:
Vậy là bài này rốt cuộc cũng có người đồng cảm. Quí lắm. Đa tạ.
Đăng nhận xét