Thứ Tư, 7 tháng 11, 2018

TUYẾT TÙNG LỮ QUÁN




Đó là ngày Halloween! Nghe thằng cháu nhỏ thầm thì với má nó như vậy. Mình thì không mấy quan tâm về ngày ấy ngoại trừ mấy tuần trước thấy ngộ ngộ về trái bí vàng rực, to đùng được tía nó rinh về rồi khoét làm mắt mũi miệng với hàm răng cười nhe nhăn nhở. Trái bí ấy đặt ngoài vườn, dưới gốc dây hồng leo, buổi tối có đặt một cái đèn cầy cháy leo lét bên trong. Không biết có ai đi ngang qua ngắm nghía cái công trình ấy không, chứ riêng mình chỉ thấy mất công, vì bị bà ngoại kêu ông ngoại nó đi dọn cái đầu lâu đó, khi trái bí đã thúi rã thành một đống chèm nhẹp rỉ nước nhơn nhớt và có giòi bên trong!

Hôm nay là ngày Halloween! Thằng cháu ngồi ở băng ghế sau nhắc lại với má nó kèm theo một tràng dài tiếng Đức mà mình không hiểu gì tất! Chỉ biết vậy khi má nó trả lời Ừ. Đúng. Chút nữa con sẽ thấy ma quỉ đi đầy đường đầy phố cho coi. Vậy là thằng nhỏ chịu ngồi yên chờ đợi!

Đường thì dài và mệt mỏi. Hồi trưa đã ghé Schwangau để leo núi lên xem lâu đài Neuschwanstein. Cuốc bộ cả chục cây số gần chiều tối mới trở xuống đi tiếp. Đói rã cẳng và lạnh! Xem ra trời chẳng chiều người! Tía nó lái xe chạy có vẻ lòng vòng! Hình như không rõ đường đi. Má nó ngồi ở băng sau càu nhàu Chạy dzì kì dzậy! Chạy đường nào dzậy!? Chàng rể cũng tỏ vẻ bực bội: Phải chạy đường khác. Hồi sáng sơ xuất chạy vô lãnh thổ nước Áo, may mà không bị chặn lại xét vé, đòi tiền mãi lộ, may mà trở ra an toàn! Để tui kiếm đường khác đi! Mọi người trong xe lại im lặng. Xe chạy mải miết về hướng Garmisch. Trời đã tối, nhận dạng tên đường khó khăn nên chủ yếu phải dựa vào cái smartphone với App dẫn đường của Gmap gắn trên kiếng xe. Mấy lần phải quay đầu xe chạy ngược trở lại. Chạy một hồi lại thấy trở về chỗ cũ, ngay một công trường làm đường, đất đá nham nhở, bị rào chắn tứ phía không biết lối ra. Má nó ngồi ở băng sau lại càu nhàu Chạy dzì kì dzậy!!! Trên màn hình, cái đầu mũi tên định vị chiếc xe biến đâu mất, chỉ còn hành trình phải đi tạo thành một vòng lặp vô tận màu xanh kì quái. Chạy ngã nào rồi nó cũng dẫn quay về cái vòng màu xanh đó. Cái đốm tròn màu trắng chỉ vị trí nơi đến cũng biến đâu mất. Chàng rể đành kiếm một chỗ trống ven đường, lủi xe vô đó rồi gào lên bực bội Cái Gmap này tào lao quá ! Con vợ nó đế vô Thì tại Ba Tuấn muốn xài đồ miễn phí mà! Không chịu mua cái navigator cho ngon lành, chuyên dụng! Ông Bà Ngoại đang ngồi yên nín thinh bỗng Úy... con ma này!!! Ah ah... Trên lề đường, ngoài cửa xe, lướt qua một bóng đen với cái lưỡi đỏ hồng dài tới rún và cánh tay xương trắng ởn vun vẩy trong đêm lạnh. Trong bóng tối lại thêm mấy con ma lưỡi đỏ nữa chạy trên mấy cái đèn LED chớp chớp rượt theo con ma kia. Rồi... vậy là Gmap bị ma ám rồi! Bỏ Gmap đi... nó bị quỉ ám rồi! Haha...



Thôi! Bỏ Gmap đi... sử dụng cái App nào khác đi! Đây rồi, thấy cái điểm đến đây rồi, cũng gần thôi. Không hiểu tại sao nảy giờ nó biến đâu mất! Lại chạy chầm chậm qua mấy con phố vắng, đèn đường vàng vọt mờ mờ, quẹo bên trái lên một cái dốc nhỏ, lại quẹo phải lên một cái dốc nhỏ nữa. Thấy rồi, tấm bảng nhỏ ghi: Landhaus Hohe Tannen Gästehaus – Herzlich Willkommen (Lữ quán Đại Tuyết Tùng - Thân ái chào mừng). Có hàng rào vẻ như hàng rào dâm bụt nhưng không có cửa rào. A ha... Vô môn quan! Cứ lủi vào! Không thấy ai. Chỉ có mấy chiếc xe con đậu im ỉm trong bóng tối dưới một gốc tuyết tùng cổ thụ. Lục tục xuống xe. Đèn trước nhà khách bỗng tự động bật lên mờ mờ. Ở cánh cửa trên bậc tam cấp hẹp té thấy treo một phong thơ lúc lắc trước gió. Chàng rể gở phong thư xuống xem. Thư in đàng hoàng bằng font gothic, như đã được chuẩn bị – đã chờ đợi từ thế kỷ 17 hay 18: Các bạn đến trể quá, quán tôi không đợi được! Các chìa khóa trong phong bì. Tự mở cửa và tự vào các phòng đã đặt trước (*). Vậy đó. Bây giờ mới 21 giờ! Tiếp đón cực kì cẩn trọng và ấm cúng!

Mở cửa. Bước vô. Có một hành lang hẹp và ngắn đi ngang qua một phòng ăn nhỏ. Nhìn qua cửa kiếng thấy phòng ăn sáng đèn được bày biện tươm tất, ba dãy bàn ăn với khăn trải bàn trắng tinh và bình hoa có nhánh hoa tươi nhỏ. Đói bụng quá! Vắng ngắt. Không có tiếp tân nào của nhà khách ở đây. Đi tới vài bước thì gặp một thềm nghỉ hẹp với một cầu thang tối om dẫn lên đâu không biết. Sát tường có một cái bàn nhỏ, một ghế dựa tròn, trên bàn một kệ nhỏ xếp mươi chai rượu vang cùng vài thức uống nào đó nằm lăn trên mặt bàn. Khát! Một cái đèn bàn hiu hắt rọi lên tường kia một thứ ánh sáng âm u... Ối ối, có một người nào đẫm máu cúi gục đầu, đứng dựa tường và máu tươi vẫn còn đang chảy nhễu giọt xuống nền gỗ lót thảm len hơi tối. Không... không có gì, đó chỉ là bức tranh tường chúa cứu thế chịu nạn trên thánh giá! Trên một cái tủ thấp bên phải kệ rượu có cái gì đó như mấy khúc xương khô. Tò mò thử sờ xem thì là đống xương sọ của mấy con dê núi và sừng dê. Trên mặt bàn có một dĩa nhỏ đựng một bó nhỏ tỏi khô. Sao có tỏi khô ở đây? Người ta dùng tỏi khô để xua đuổi tà khí và ma cà rồng! Ở đây có bóng dáng ma cà rồng!? Tôi ngó quanh quất. Không thấy gì. Chỉ là cái hành lang này hơi hẹp, hơi tối, nhưng vẫn ấm cúng! Chỉ có chúa im lặng đứng chịu nạn ở đó.


Dọc theo hành lang là ba phòng đánh số thứ tự 001 đến 003 với những cánh cửa phòng nhỏ hẹp bằng gỗ màu cánh gián. Phòng tôi là 002. Phòng cháu ngoại là 003. Ở đây - dường như để khỏi kinh động giấc ngủ vĩnh hằng của ai đó - mọi người đều có thói quen ăn nói khẽ khàng, không làm ồn, và hình như không có dấu hiệu gì ở ngoài để biết có người trong phòng hay không, nên không thể biết có ai đã đến phòng 001 chưa. Đó là điều được chủ khách điếm giữ bí mật. Điều bí mật mà ngày mai chỉ Sherlock Holmes mới bỏ công điều tra nếu đêm nay tôi bị giết hoặc mất tích!

Chìa khóa phòng rít lên trong ổ khóa. Xoay hai vòng. Rốt cuộc tôi cũng tới được căn phòng chờ đợi. Là một phòng ở góc chái khách điếm với các cửa sổ có hoa anh thảo đỏ ở bệ cửa nhìn lên dãy Alpes đen thẩm trên nền trời đêm. Nệm giường đơn giản nhưng sạch tinh tươm và ấm cúng. Có một bộ salon bọc vải đỏ bố trí dọc tường bán nguyệt với hệ thống sưởi trung tâm. Mở một cửa sổ ra để thông khí và đặt hai bàn tay lên hệ thống sưởi. Một luồng hơi mát lạnh của đêm miền núi tràn vào phổi và luồng ấm áp lan trong lòng bàn tay. Quá dễ chịu!


Nhưng phải giải quyết cơn đói. Dù đã rất mệt, cả nhà lê thê xuống phố để tìm cái ăn. Cái quán gần nhất trên bản đồ cho thấy (nó) cách đây hơn 600 mét đường chim bay. Ah... trong phố núi này thì 600 mét có thể... và thực tế là phải cuốc bộ tới 20 phút. Đi lòng vòng lên dốc xuống dốc trên những con đường vắng vàng vọt ánh đèn đêm. Vượt qua một cái cầu nhỏ bắc ngang một con suối nước tràn trề trong vắt. Cứ tưởng phố nhỏ này đã đi ngủ cả, vậy mà vẫn còn một quán sáng đèn. Tự nhiên thấy nhớ mấy cái quán cháo-lòng-suốt-đêm ngày xưa hay gặp trên quốc lộ 1A khoảng giữa giữa Mỹ Tho - Long An. Bảng hiệu ghi hàng chữ Ristorante pizzeria. Là một cái quán của người Ý và món bánh pizza là món “quốc hồn quốc túy”. Thôi cũng được! Bây giờ mà có cho ăn mầm đá còn thấy ngon nữa là! 


Đang ngồi cúi xuống xem tờ thực đơn thấy có bóng che tối tối, ngước lên bỗng giật mình vì có một đoàn lướt thướt mấy xác chết diễu qua trước bàn. Có cả một cô bé mặt tái xanh móp méo, với hai dòng lệ máu chảy ướt xuống cổ, đang nhìn mình đăm đăm và một cô chắc là cô chị xinh đẹp (sic!) với cái răng nanh lộ ra trắng ởn hoen máu như vừa hút máu một nạn nhân nào gần đây. Ở trên cổ cô chị còn choàng cả khăn liệm nữa hay sao ấy!? Cái khăn liệm lất phất trộn lẫn mùi nước hoa, mùi lá khô ẩm mốc. Bạn có tin rằng ma cũng rất quyến rũ không? Có đấy. Đinh Hùng chẳng đã từng viết: 



Ta gởi bài thơ anh linh,
Hỏi người trong mộ có rùng mình?
Nắm xương khô lạnh còn ân ái?
Bộ ngực bi thương vẫn rợn tình? (**)

Cả đoàn ma cà rồng ấy im lặng diễu hành ngang chỗ mình ngồi rồi an vị ở một góc quán. Không biết họ có kêu cái món đẫm máu ra thưởng thức không. Đó là một món trông rất ghê rợn tôi từng thấy ở quán rượu vang (besen) Holzapfen ở Wilfenseeweg Neckarsulm. Gồm một cái saucisse huyết đỏ bầm với một tảng rõ to thịt heo nướng tái còn máu tươi chảy ròng ròng... trong đĩa. Quái! Nhưng họ lại rất yên lặng. Hình như cư dân xứ Garmish-PartenKirchen này đều quen với gia đình ma ám nọ hay sao đấy? Không thấy ai có vẻ hốt hoảng gì! Những cư dân lịch thiệp và một gia đình ma ám lịch thiệp!!! Đơn giản là hãy để yên cho ma cà rồng thưởng thức những món của ma cà rồng. Còn tôi thì tôi chậm rãi thưởng thức phần bánh pizza hải sản rất thơm ngon và chai vang trắng không chê vào đâu được. Lạy chúa! Khi no bụng thì tôi và ma quỷ đều dễ thương như nhau phải không!?

Chai rượu làm kẻ giang hồ liêu xiêu trở về khách điếm. Có vẻ trời đã khuya vì thấy mọi nhà đều tắt đèn im ắng. Vắng vẻ thấy sợ! Tự nhiên nhớ con cú vẫn hay kêu trong vườn của mình. Con cú ấy ban ngày ở đâu chẳng thể biết được. Chỉ biết mỗi khi trời khuya thì nó lại về đậu nhánh cây sa kê trước sân chốc chốc rúc lên ...hu hu... who who... ai đó ai đó! Lúc đầu nghe cũng sợ nhưng riết thành quen, Thậm chí thành thân thuộc! Không-thời-gian này mà có thêm con chim cú thì tuyệt! Biết đâu nó sẽ đậu trên cây tuyết tùng trước lữ quán buông lời thăm hỏi “Who who... ?” À... kịp nhớ một chuyện về xứ Garmisch này trên Wikipedia. Một hai trăm năm trước (Đâu có lâu phải không! Đời người trăm năm vốn dĩ ngắn ngũi mà!) xứ này bị dịch hạch nặng nề, người chết như... dịch hạch! Nên có lắm người ở đây bị kết tội phù thủy - thống kê trên Wiki thì đâu chừng sáu bảy chục mạng – bị nướng trên dàn hỏa! Phải tìm đường trở về lữ quán cho mau để lỡ gặp phù thủy thì... tiêu tùng đời trai!

Về phòng. Chút rượu làm hơi khó ngủ. Lục cái tủ nhỏ để đèn bàn đầu giường. Không biết tại sao mình làm vậy. Vì có định tìm kiếm cái gì đâu! Cái mình thấy làm mình ngạc nhiên hết sức. Xưa nay đã ở bao nhiêu phòng khách sạn, nhà nghỉ mà chưa gặp bao giờ! Đấy là một quyển kinh thánh dày cộp! Ơ hơ! Quyển kinh bằng ba thứ tiếng hẳn hoi: Tiếng Đức, tiếng Anh và tiếng Pháp. Đôi khi mình cũng đọc kinh thánh mặc dù mình là kẻ ngoại đạo, đơn giản là mình thấy trong đó có nhiều điều hay. Và nữa, tại sao quyển kinh lại ở đây, trong không gian này? Mình không nghĩ là dân ở đây mộ đạo đến mức cần phải có một quyển kinh thánh cho mỗi khách du! Thì cứ mở ra đọc. Nhằm ngay phần Khải huyền... Lạy chúa Giê-su, xin hãy đến! Tôi đặt quyển sách trên ngực mình và thiếp ngủ. Satan hay thậm chí Dracula có đến thăm phòng này đi nữa thì chắc sẽ không hại tôi được! Ngủ yên!




Tôi ngủ ngon cho đến khi trời sáng hẳn. Nhìn ra cửa sổ thấy rặng Alpes rất gần với mấy đỉnh núi phủ tuyết vạn niên. Mở cửa sổ để hít một chút không khí trong lành. Trời hơi lạnh nhưng dễ chịu. Nghe cả tiếng mấy con gà kêu líp chíp trong sân. Ra phòng ăn. Éc ? Éc ?... Cái gì kêu éc éc!!! Rồi lại kêu phê, phê! Úy! Có một bà (Không biết có hành nghề phù thủy không? Không biết nên gọi là cô hay bà!) đầu tóc rũ rượi, có vẻ như còn ngái ngủ hoặc mới lên đồng, với cái áo nhăn nhúm lùi xùi, không biết từ đâu bỗng xuất hiện đứng sau lưng mình nhắc lại éc éc... A, hiểu rồi Egg? Egg? Coffee? Cafè? Vậy là bà ta hỏi mình có muốn dùng thêm trứng hay cà phê gì không? Vậy là bà chủ lữ quán đây! Ja.. ja Éc éc ca phe ca phe... Chọn mấy món buffet đem lại bàn ngồi nhâm nhi buổi sáng trong khi chờ bà ấy luộc trứng và pha cà phê! À há... phù thủy ở đây cực kì dễ mến!

Trời sáng đẹp. Ra sân nhìn cho rõ cái lữ quán này. Dù cho bao nhiêu truyền thuyết, dầu bao nhiêu điều kinh khủng đã đi qua, cái lữ quán này quá đẹp và rất ấm cúng. Có một chút gì đó thôn dã, một chút bí ẩn, một chút ấn tượng của quá khứ lẫn khuất, một chút đường nét truyền thống được giữ gìn cẩn trọng! Bạn có thấy bầy gà kêu líp chíp trong sân lữ quán không. Bạn biết không bầy gà đó biết nghe tiếng người! Thật đấy, chàng rể nhà tôi đã khám phá ra trong chuồng gà của bà chủ quán có gắn một cái radio nhỏ xíu để bầy gà nghe tin tức và âm nhạc... cho đở buồn! 

Tới đây và nhìn xem! Ngó nghiêng và cảm nhận cái đẹp quá vãng còn lửng lơ ở chốn này!





























(*) Ở đây người ta thiết kế các chìa khóa rất hay. Mỗi chìa khóa đều có thể mở cửa tất cả các lối đi chung, nhưng chỉ mở cửa được một phòng duy nhất (của bạn)!
(**) "Gửi người dưới mộ" - Thơ Đinh Hùng - Khổ 6, câu 25...28.

Không có nhận xét nào: