Tôi có vài anh bạn khá kì dị, những người cõi trên, bạn bè thường trêu chọc thế. Gọi là người cõi trên vì mấy anh bạn này hình như có thêm một đời sống nào đó “vượt khung”. Ví như chuyện này, anh bạn thứ nhất tên M. Đừng tưởng M là người kém hiểu biết, mê muội! Anh là giáo viên dạy toán. Anh luôn có các lí luận rất sắc bén, và đánh cờ tướng thì tôi thua xa anh tới mấy bậc. Xét về tâm trí mà nói thì anh là một người rất bình thường và có lẽ chỉ số IQ của anh còn cao hơn cái chỉ số 129 của tôi. Vậy có khi anh còn thông minh hơn cả Einsten nữa vì chỉ số IQ của ông này – nếu tôi nhớ không lầm - cũng chỉ đến 130! Thôi không bàn về sự thông minh của anh nữa, vấn đề là anh đã nhiều lần làm tôi phát hoảng. Lần thứ nhất: Hồi đó chúng tôi cùng học sau đại học chung một trường và Thứ bảy nào tôi cũng về cùng anh trên chiếc cub 78 cà tàng của tôi. Nhà anh ở thành phố Mỹ Tho còn tôi ở Bến Tre vì vậy hai đứa tôi có chung một đoạn đường dài dần 70 cây số vi vu trên quốc lộ. Chúng tôi đều thích một cái quán cà phê dọc đường, khoảng ra khỏi Tân An một chút, gần tới cầu Tân Hiệp. Xích lên trên cái quán chừng vài trăm mét hồi đó có một cây phượng, đầu mùa mưa nở đỏ rực. Màu đỏ của hoa phượng giữa màu xanh lục của vườn ruộng hai bên đường trông rất đã mắt. Cảnh đẹp! Một trưa ghé quán xong, vừa chạy ra khỏi quán một đổi, ngồi ở phía sau anh ghé tai tôi hỏi chen giữa tiếng gió ù ù:
- Ông thấy nó không?
Tôi không hiểu chuyện gì nên rề rề chạy chậm lại dừng sát lề đường.
- Thấy gì? Cái gì?
Trong tâm trí của tôi cái quan trọng cần nhìn nhất khi di chuyển trên quốc lộ ngoại trừ phải lưu ý đến các xe khác đang cùng di chuyển và biển báo giao thông là … coi chừng công an giao thông. Mấy ông nội này lo điều phối giao thông thì ít mà rình rập để xé giấy phạt thì nhiều. Một khi bị mấy ông nội ngoắc vô rồi thì … đừng có cãi. Cãi vô ích, có 1001 lí do để mấy ông nội phạt, chẳng hạn xe này dơ quá (mà xe tôi dơ thiệt!) hay xe này đèn signal bị bể (mà xe tôi bị bể đèn signal thiệt!). Tôi nói tiếp:
- Đâu có công an!
- Không phải. Nó ngồi trên nhánh phượng kìa. Anh vừa nói vừa chỉ cây phượng.
- Nó nào. Con gì vậy?
Có vẻ anh hơi phật ý vì mấy câu hỏi lại của tôi nhưng anh cũng hơi buồn (sao tôi biết anh hơi buồn!?) trả lời:
- Nó đang ngồi khóc đó. Thấy không?
Vậy không phải con gì mà là người nào. Chỉ có con người mới biết cười biết khóc, tôi tin vậy.
- Có ai đâu. Thấy ai đâu!
Tôi thấy anh nhìn tôi hơi lạ - có gì đó hơi trầm ngâm – rồi nói:
- Thôi … ông không thấy vậy thì đi tiếp.
Tôi chạy tiếp. Không thắc mắc. Chắc cái đứa ngồi khóc trên nhánh phượng tuột xuống rồi nên tôi không thấy. Mà bận tâm làm gì những chuyện như vậy không biết! Cái ông bạn trời ơi này!
Tới Mỹ Tho tôi phải để anh xuống. Tôi còn một chuyến phà và hơn mươi cây số trước mặt. Anh lại hỏi:
- Hồi nãy ông biết ai không?
Tôi quên chuyện hồi nãy rồi. Tôi lái xe – cũng có nghĩa là lái cuộc đời mình – nên tôi phải để ý tới con đường trước mặt. Tôi mà vô ý một chút gây tai nạn thì khốn. Tôi chỉ để ý xử lí những chuyện tôi thấy trước mắt mà thôi. Đừng mất tập trung! Ai tham gia giao thông cũng biết điều đó.
- Ai là ai?
- Thì cái đứa ngồi khóc đó.
- À …
- Nó chết lâu rồi. Bị tai nạn giao thông chỗ đó. Không siêu thoát nên nó còn ngồi đó khóc!
- Trời!...
Tôi hết biết. Mọi thứ ngôn ngữ, mọi thứ lôgic đều bất lực trước trường hợp này. Có lẽ tôi nhìn anh quái dị lắm nên anh nói:
- Thôi ông chạy đi… Thứ hai nhớ ghé rước tôi nghe.
Thì tôi chạy đi chứ sao. Tôi biết làm gì khác hoặc nói gì khác đây. Tôi chỉ tự nhủ cái ông bạn này của tôi âm lịch thiệt!
Lần khác: Một bữa tôi và M đi uống cà phê rồi thả rong loanh quanh. Khi về trên đường Nguyễn Chí Thanh thì đã rất khuya. Tôi thích khúc đường gần Ngã sáu Chợ Lớn này vì có mấy hàng dầu sao cổ thụ rất trữ tình. Lúc đó đường không còn xe, vắng tanh và hơi tối. Chắc khoảng 2 giờ đêm. Saigon chỉ yên tĩnh vào giờ đó mà thôi. Hai đứa đang thả bộ rề rề thì anh níu tay tôi lại hỏi:
- Ông nghe tiếng khóc không?
- Ai? Ai khóc?
Tôi chẳng nghe tiếng khóc nào hết. Gần tết trời lạnh hoa dầu rơi rơi xoay tròn trong không gian rồi đáp nhẹ xuống nền đường. Những “tiếng rơi rất mỏng như là rơi nghiêng” của nhà thơ nào quên tên rồi. Ngoài tiếng rơi nhẹ đó thì chỉ có mùi hoa dầu thơm ngát trong đêm sương.
- Nó đứng khóc. Bên gốc dầu đó!
Tôi nhìn quanh quất trong đêm, quan sát mấy gốc dầu. Chẳng có ai! Đã có kinh nghiệm với ông bạn âm lịch này rồi nên tôi nghe lạnh nổi gai ốc.
- Chậc. Không có ai đâu.
Xin nói thêm là tôi không phải đứa nhát gan để ai đó có thể dễ dàng nhát ma. Tôi may mắn không cầm súng dù ở phía bên này hay phía bên kia trong chiến tranh. Nhưng tôi cũng phải sống trong cuộc chiến đó, như bao người bình thường khốn khổ khác. Từ nhỏ lắm tôi đã bước qua xác người mà đi nhiều bận rồi. Trong chiến tranh, khi người ta chạy tìm đường sống, không mấy ai đủ thời gian để nhìn kỹ những cái chết nằm đó, không thể dừng lại để thương cảm những cái chết không toàn thây, trương phình. Tôi đã từng vuốt mắt cho ông tôi, bà tôi và cha tôi nữa. Tôi chẳng thấy sợ nhà xác chút nào khi đến nhìn mặt bạn bè lần cuối. Trái tim tôi đã chai lì vì chiến tranh rồi! Nhưng lần này thì tôi lạnh người thật.
- Nó là đứa con gái. Nó chết trẻ. Giặc giã. Chết oan. Nó không siêu thoát…
Tôi đến khổ vì ông bạn âm lịch. Tôi không biết thính giác và thị giác của anh bạn này có gì bất thường không. Tôi biết cái đầu của anh bạn tôi không có gì đáng ngờ nhưng mắt tai của anh sao cứ cảm nhận những cái gì thế không biết.
- Thôi mà … lo đi đi ông ơi…
- Nó còn khóc thiệt mà …
Trời! Cái con đường này với những người chết oan qua bao đời giặc giã chắc có tới nhiều ngàn. Các đời vua Minh Mạng, Tự Đức đã chém biết bao nhiêu người liên quan đến Lê Văn Khôi, Lê Văn Duyệt. Bác tôi nói những người đó đều được dẫn ngang qua đây. Dưới nền đường, nền nhà cát bụi của vùng Chợ Lớn này đã đón về, nhận lại bao nhiêu oan kiếp kể từ hồi đó, chưa kể qua hai hồi chống Pháp và chống Mỹ. Tủi hờn của lịch sử còn vọng lại lâu lắm nhưng là trên các trang giấy chớ làm sao mà thành hình thành tiếng trong mắt trong tai của anh bạn tôi được!? Tôi không biết. Tôi không lí giải.
***
Một người cõi trên khác. Anh bạn này từng đi lính nhưng mà là lính kiểng, không muốn bắn và cũng chưa bắn ai viên đạn nào. Năm 75 cũng phải học tập cải tạo như ai – là hạ sĩ quan mà! Mừng hết lớn. Học vài ngày rồi về. Thôi kệ, còn sống là tốt rồi. Còn sống rồi sẽ tính chuyện làm ăn. Khổ nỗi làm ăn khó quá. Cái lí lịch lính tráng nó ngáng chân anh, té dập mật mấy lần. Vừa mừng đó rồi chán liền… cái xã hội phân chia công dân hạng nhất công dân hạng hai này. Nhưng còn sống là còn phải ăn phải uống chớ. Phải cào cấu gì đó mà bỏ vào miệng để cái bao tử nó đừng kêu gào. Kể từ đó anh hay cao giọng nói mĩa cái chân lí “Lao động là vinh quang!” kèm theo hạ giọng “lang thang là chết đói bồ tèo ơi!”. Cực khổ đói kém trăm đường thế là anh ngã bệnh nặng. Tưởng đi theo ông theo bà rồi nhưng anh lại ngồi dậy được, lại lừng khừng bước vào cuộc trần ai. Cái kì lạ là anh đổi tâm đổi tánh. Bây giờ lại hay làm phước, làm từ thiện và ngộ hơn hết là anh lại quay ra chữa bệnh bằng … tâm linh. Đã có lần tôi định quạt cho anh một trận vì tôi ngờ là anh đang lường gạt người khác. Nhưng không, anh làm tất cả những việc đó không lấy của ai đồng xu nào. Chỗ anh ngồi trị bệnh cho các con bệnh cũng rất kì: cái quán cà phê cóc ổi với mấy cái ghế xệu xạo. Tôi từng ngồi xem các con bệnh đến với anh rồi. Họ đến, kẻ đi xe tay ga sang trọng lẫn mấy ông xe lôi, xe ôm, bà bán cá ngoài chợ và họ ngồi xuống kề anh. Chẳng có gì hết, anh chỉ nhẹ nhàng nắm tay họ và cả hai yên lặng rất lâu, cuối cùng lần nào cũng vậy anh hỏi họ “Thấy đở chưa, bớt đau chưa?” và tôi lại nghe câu trả lời “Đở nhiều rồi. Cảm ơn anh. Lần sau anh giúp tôi nữa nghe”. Những con bệnh đó tôi không biết họ đau cái gì mà sao một cái nắm tay lại làm họ đở đau đến vậy. Chẳng biết có ai hết bệnh nhờ những cái nắm tay đó không!?
Thảng một vài lần anh có ghé qua tôi, không báo trước. Tôi ớn nhất là ngồi nghe anh giảng về mối liên quan huyền bí giữa con người với nhau và về năng lượng tâm linh nào đó. Những cuộc đối thoại giữa anh và tôi đôi khi giống như cuộc trò chuyện giữa hai kẻ câm điếc.
- Thì ông nói vậy, tôi nghe vậy! Tôi không hiểu gì đâu.
- Không sao đâu. Rồi ông sẽ hiểu.
- Xem này. Tôi không phủ định cái gì ông nói mà tôi cũng không khẳng định được. Những cái ông nói không có cơ sở gì để chứng minh.
- ….
- So sánh như vầy cho dễ hiểu: Tôi là người mù bẩm sinh. Tôi nghe ông mô tả về màu xanh màu đỏ bao lâu đi nữa thì tôi cũng đâu có biết màu xanh là cái gì và nó khác màu đỏ ra sao.
- Vậy mở mắt ra đi.
- Có mắt đâu mà mở.
Vậy đó, câu chuyện lại rơi vào bế tắc. Nhưng anh chẳng bao giờ giận tôi. Đã nói rồi mà, anh là người cõi trên.
Những người cõi khác, họ có đang sống cùng chúng ta không? Tôi không biết. Kính nhi viễn chi! Chỉ có một điều tôi biết: Những nỗi đau thì có thật và sự vô cảm cũng có thật.
16/5/2009