Với thế giới thơ văn tôi là kẻ ngoại đạo dù đôi khi cũng rắp ranh viết lăng nhăng vài thứ “đở buồn”. Là kẻ không hiểu mấy về thơ, lại càng mù tịt về các trào lưu văn học nghệ thuật hoặc các lí luận về nghệ thuật! Nói khác hơn tôi chỉ là một người thưởng thức vẻ đẹp của thơ văn trong cái cảm xúc tự nhiên, ban sơ mà chẳng bận tâm mấy tới lí luận. Như vậy chắc có đôi phần hạn chế khi phải phân tích cái hay cái đẹp nơi chỗ tác giả đã dụng công tinh tế, nhưng bù lại có lẽ đỡ phải vướng víu những lối mòn tư duy, đỡ phải ám ảnh sắc tướng làm méo mó hiện thực, đỡ phải lấy bụng ta suy ra bụng người. Thấy thích thì nói thích, không thích thì cứ để qua một bên, để cảm xúc của mình chảy cùng nhịp với nhạc điệu thơ, tứ thơ, sống với hình ảnh thơ! Như người nhà quê kia xem cải lương tới chỗ mùi mẫn thì khóc cười với nhân vật, theo Lục Vân Tiên tới chỗ Ông quán thì cùng ghét yêu những nỗi đời, theo Kiều tới chỗ Từ Hải chết đứng thì cũng “đứng tim” rồi kêu lên một tiếng: Trời ơi!
Thơ Đường, lục bát, thơ mới, hài cú, thơ thời nào… chẳng quan trọng gì nhiều miễn là để cái tâm của mình đồng điệu với cái tâm của người thơ. Người viết cho tôi đọc, tôi xem, tôi nghe và tôi cảm được thì tôi nhớ, tôi mượn cái phần hồn đó để tôi sống tiếp với người, để hồn người sống tiếp trong tôi còn bằng không thì … xin lỗi các tác giả, có khi tôi cũng không buồn nhớ tôi đã đọc cái gì nữa! Cái để lại trong tôi sau khi đọc một câu thơ, một bài thơ, một tập thơ là một cảm xúc, một thấu cảm do thơ mang lại. Cái nào gây cho mình cảm xúc thì nhớ rất lâu – thậm chí đến nỗi có đêm chợt thức giấc lại lẩm bẩm một câu nào đó, của ai đó, mới đọc hồi sáng thấy “cảm” quá. Còn cái nào chẳng gây cảm giác gì thì … có ráng nhớ được vài hôm rồi cũng ớn nhợn trợn trạo mà ói ra khỏi đầu thôi!
Xin như vậy, để nói câu chuyện NGỰA HỒNG!
Một cơ duyên ngộ nghỉnh làm tôi đến gần nhà thơ Cao Thoại Châu bằng mấy câu:
CÁNH CỬA DUNG NHANVà lại gặp một dung nhan mới
Mới đến xao lòng, không phải một dung nhan
Là ánh sáng buổi tàn đông loáng thoáng
Khoác lên thân như tấm áo ngự hàn
Khoác vào cho vơi bớt hoang mang
Những hoa tuyết và cành phong lá rụng
Bên lò sưởi chiếc ghế còn để trống
Vội vã quay về quên hết hành trang
Suốt đời tôi chỉ những vội vàng
Những dung nhan cũng vì tôi lớn vội
Hoa cỏ từ những miền xa tới
Sợ tôi buồn cũng vội lớn cho nhanh
Như thế đấy thứ gì cũng gấp
Ngày của tôi chỉ sáng lúc lên đèn
Mỗi giấc ngủ đến như lời tự nhủ
Mất mát những gì thế cũng thành quen
Ngày ra đi em đánh rơi một chút
Một chút gì tập mãi không quên
Cũng có thể chỉ như chiếc bóng
Mà bao năm xao xuyến mãi trong lòng
Bước chân về hãy như chiếc lá
Điều chưa kinh ngạc thế bao giờ
Và hãy nói như một người xa lạ
Chỉ vô tình lạc bước đi qua
Tôi tự gánh cho mình nhiều thứ
Áp thấp về mang những cơn mưa
Những ngày nắng chói chang đổ lửa
Bao cơn buồn lên trắng cả trang thơ
Chỉ một lần không thể vượt qua
Em để lại bức tường thành sừng sững
Linh hồn tôi lúc bấy giờ rất mỏng
Nếu vô tình có thể lẫn trong sương…..
…..
Bài thơ này tôi đọc lần đầu tiên từ
Blog của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư. Có tám khổ thơ thì đến bảy khổ đầu tiên cảm thì có cảm mà không hiểu mấy. Là dân lập trình máy tính, đầu óc đầy những mệnh đề toán học và cấu trúc tư duy kiểu nhị nguyên luận thì thật là khổ sở để thưởng thức hai câu:
Và lại gặp một dung nhan mới
Mới đến xao lòng, không phải một dung nhan
Hai câu mở đầu này ngay tức khắc đã buộc người đọc - trong khi vẫn trong vòng sắc tướng - phải rủ bỏ thế giới sắc tướng, nhập vào cõi bất khả tư nghì, dĩ tâm truyền tâm. Dĩ nhiên Cao Thoại Châu không định nói gì Phật pháp ở đây, thậm chí xa lạ với Phật pháp, chỉ là do tôi nghĩ vậy. Vậy thì thôi, tôi cứ để Cao Thoại Châu dùng nhạc điệu thơ dẫn hồn tôi theo cho đến hai câu cuối:
Linh hồn tôi lúc bấy giờ rất mỏng
Nếu vô tình có thể lẫn trong sương…..
Ô hay, do cách nào đó tôi cảm thấy mình rất gần với màn sương mong manh để có thể tới với Cao Thoại Châu. Không cần phải phân tích. Phân tích sao cho được để thấy “Linh hồn tôi lúc bấy giờ rất mỏng”?! Thật tệ lắm nếu tôi là một kẻ vô tình! Phản ứng đầu tiên của tôi là comment ngay vào blog đó:
"Linh hồn tôi lúc bấy giờ rất mỏng
Nếu vô tình có thể lẫn trong sương".
Ôi ông Cao Thoại Châu ơi! Ông là ai vậy. Ông có cho phép "tại hạ" được làm quen với ông không. …
Như vậy đó … và tôi biết ông. Một sự biết muộn màng và đáng tiếc vì khi đó ông đã là nhà thơ “lão thành”. Thôi đành tự an ủi mình: Thơ thật là thơ đâu có tuổi!
Cho đến một ngày được nhà thơ trao tặng
Rạng đông một ngày vô định. Lần đầu tiên trong đời được tặng một tập thơ! Tập thơ thì mỏng nhưng cầm trên tay tưởng như cầm một cõi đời, cõi người nặng trĩu. Biết có giữ nổi trên tay?
Hãy đọc:
Ngựa hồng
Lao về phía trước tung bốn vó
Bụi hồng bỏ lại phía sau lưng
Vun vút vó câu qua cửa sổ
Đo bao giờ hết khoảng hư không
Mà hư không dài đến vô cùng
Hốt hoảng những đêm rừng bão lá
Thảng thốt nghe tiếng ghềnh thác đổ
Chất cơn buồn trên lưng ngựa hoang
Trong đam mê biết bao điều không tưởng
Khơi bếp hồng cho ấm buổi vào đông
Cơn gió núi bao lần qua kẽm trống
Thoát về đồng lãng đãng trên sông.
Ta về đây không kịp vui buồn
Và phải về trước cả thời gian
Thơ ta đấy, món quà trân trọng
Trân trọng về, mệt lả dưới chân em.
Và ta về trân trọng vết thương
Vết của một đời ưa chạy nhảy
Quà trời cho xin em nhận lấy
Nhận lấy và không hỏi gì thêm.
(Rạng đông một ngày vô định. Trang 59,60)
Ta về đây, không kịp vui buồn
Và phải về trước cả thời gian
Gấp gáp nào trong đời để câu thơ cần tới bến đợi trước cả thời gian. Gấp gấp nào để người uống cho kịp cạn giọt cuối cùng của chén đắng. Chỉ có ngựa hồng mới kịp đưa người tới với tôi, mới kịp chở tất cả vui buồn trao cho tôi.
Thơ ta đấy, món quà trân trọng
Trân trọng về, mệt lả dưới chân em.
…..
….
Quà trời cho xin em nhận lấy
Nhận lấy và không hỏi gì thêm.
Quả thực từ đó tôi đã đọc thơ của ông với thái độ "nhận lấy và không hỏi gì thêm".
Đinh Thị Thu Vân giới thiệu Cao Thoại Châu trong Rạng đông một ngày vô định như người “không quen vui” . Lời giới thiệu đó có thể gây ngộ nhận Cao Thoại Châu là người yếm thế, bi quan, người mang trên vai mình nỗi buồn đi khắp cùng cõi thơ. Không phải thế! Người “không quen vui” mà sau này tôi biết hóa ra là người yêu tha thiết cuộc sống, và sẳn sàng dâng cho cuộc sống cả xác thân của mình. Tôi đã đọc nhiều nhật kí của ông dưới dạng
“Chào ngày mới” hoặc các bài viết về nhân tình thế sự đăng báo, người “không quen vui” này chỉ không vui với những chuyện không vui của cuộc đời mà người đã trải. Mà những chuyện như thế thì đầy rẩy trong cuộc sống này! Chuyện không vui thì làm sao mà vui được. Người “không quen vui” sống thật và đầy đủ với mình trong từng phút giây của cuộc sống. Cao Thoại Châu chắc chưa hề để ý tới Phật pháp, chưa từng để chiêm nghiệm sắc không và hư huyễn hiện hình vào câu thơ của mình như gần hết các nhà thơ, nhạc sĩ Việt Nam khác (Xin lỗi Cao Thoại Châu nếu tôi có tùy tiện gán ép chỗ này cho ông, đơn giản có thể chỉ vì tôi chưa đọc hết toàn bộ các tác phẩm và bài viết của ông), nhưng bù lại thái độ hiện sinh đó trong cuộc sống rất rõ trong:
Trên thuyền tôi em có nghe không
Tiếng đời vỗ đục trong róc rách
Em có thấy ngọn đèn chài trên nước
Thả đi tìm những kiếp lưu vong
(Đêm mơ trên sông Vàm Cỏ - Rạng đông một ngày vô định. Trang 22,23)
Sống và nghe tiếng đời trong mỗi phút giây, đó là Cao Thoại Châu. Sống và thấy thế gian như nó vốn như vậy, không huyễn hoặc mình trong bất kì hình ảnh nào, đó là Cao Thoại Châu:
Trăng đêm nay đâu phải trăng Tiền Đường
Lẽ giản dị đây là sông Vàm Cỏ
Đời còn thiếu của em nhiều món nợ
Tiếng thơ buồn tôi thả trôi sông
(Đêm mơ trên sông Vàm Cỏ - Rạng đông một ngày vô định. Trang 22,23)
Hoặc:
Và ta lại ra đi
Không phải đi dưới trời sương gió
Những thứ ấy làm gì ta có
Dành cho anh hùng hảo hán mà thôi
Còn ta đi có nghĩa là ngồi
Trên chiếc ghế xe đò xe buýt
Cạnh những người đàn bà đi hàng chạy chợ
…..
(Vô định hình – Ngựa hồng . Trang 8,9)
Cái thấy không hư huyễn đó nhiều khi đáng sợ. Thơ vốn hay huyễn hoặc, lung linh nhưng trong cái lung linh mơ hồ sương khói đầy chất ẩn dụ của thơ ông lại rất thật của hiện thực
Trên bờ cây cối vẫn còn đây
Mỗi chiếc lá rơi một lần ly biệt
Theo chân lá em cũng bay đi mất
Cây một mình trơ trụi giữa trời không
Đứng một mình nhìn xuống dòng sông
Tôi nào thấy thứ gì ngoài nước
Tấm chài rộng ai tung lên rất đẹp
Sẽ rất buồn vì chẳng được gì đâu!
(Trên đôi bờ cây cối vẫn còn đây. Ngựa hồng. Trang 53)
Và cả cái trăn trở những lựa chọn ngập ngừng trên Con đường đau khổ. Để tới được hoa hồng phải bước qua gai, một sự hiện thực nội tâm đầy sống động:
Ta đang vướng phải chân mình
Liêu xiêu những bước gập ghềnh khó đi
Những ngày dài, những đêm khuya
Bờ hoang bến lạ nẻo về còn xa.
(Vu vơ một hồi âm. Ngựa hồng. Trang 12,13)
Đến nổi rồi có khi:
Tôi lấy hồn tôi làm miếng vá
Trăm năm nguyên vẹn trái tim người
(Hoa cỏ tương tư. Ngựa hồng. Trang 29)
Và lại ra đi:
Không phải kiếm một nửa nào chi hết
Trong những thứ bày ra trên mặt đất
Ta đi kiếm mình, kiếm mỗi một ta thôi!
(Vô định hình. Ngựa hồng. Trang 8,9)
Mười năm mọi sự đều nghi vấn
Cả vầng trăng không đáng để tôi tin
Rất im lặng chỗ ta ngồi năm ấy
Trăng thì hiền nhưng rất khéo ngụy trang.
Về đây có thể sẽ đi tìm
Nghi vấn về điều gọi là hạnh phúc
Nơi tạm trú của người yên ổn nhất
Tôi yên lòng, cứ thế lại lang thang!
(Vầng trăng nghi vấn. Ngựa hồng. Trang 14,15)
Không phải câu thơ nào của ông cũng làm tôi thích! Có những câu thơ làm tôi choáng:
Cuối cùng chỉ có tiên sinh
Nhân gian đông đúc mà không có người
Mộ ông họ đã xây rồi
Bít bùng ông khóc ông cười được không?
(Chuồn chuồn châu chấu vẫn bay. Ngựa hồng. Trang 6,7)
Giả sử Bùi Giáng có đọc được mấy câu đó thì Bùi Giáng sẽ nên cười hay khóc. Hay là Bùi Giáng mếu máo vì mắc kẹt giữa cõi thị phi và hư vô không lối thoát!
Hay:
Chao ôi, loài người sao đông đúc quá
Còn ép ta cho đến khi nào
Chờ tới lúc cuộc đời ta méo mó
Mới tha cho về làm chính ta sao
(Ký họa tự vẽ. Ngựa hồng. Trang 47)
Con người yêu tha thiết cuộc sống đó, thậm chí là “ham sống” hóa ra giận cuộc đời đến thế sao!? Tôi cũng là một trong số loài người đông đúc đó. Biết đâu bằng bài viết này tôi cũng là kẻ ép ông thành ra méo mó. Cho nên đáng sợ thay khi nghe … Cao Thoại Châu trách:
Mang thơ ra đứng giữa trời
Khư khư chỉ sợ đánh rơi câu nào
Cõi người sầu đã lên cao
Sợ vô tình rớt thơ vào tay ai.
(Có người làm thất tán thơ ta. Ngựa hồng. Trang 36,37)
Than ơi, có người xưa đã não nề:
Nhị cú tam niên đắc
Ngâm thành giang lệ lưu
Tri âm như bất thưởng
Qui ngọa cố sơn thu
(Ba năm làm được hai câu
Ngâm lên lã chã hai hàng lệ rơi
Như bằng bạn chẳng hiểu lời
Thu về núi cũ nằm chơi cũng đành)
(Giả Đảo)
Ông thì chắc không có ngọn núi thu nào năm xưa để về rồi, cùng lắm là:
Nửa đêm ta đứng gọi đò
Thất thanh lạc giọng khi giờ đã khuya
Chuyến xe chót đã quay về
Trống trơn chẳng có lời thề năm xưa
Thì thôi, nếu tôi không là kẻ tiếp được hồn thơ của ông, xin cho tôi được như:
Tàu đi qua sóng đánh vào bờ
Em đánh vào hồn tôi khi em tới
Con tàu sinh ra để không ở lại
Mặc kệ đôi bờ bọt nước đang tan
(Trên đôi bờ cây cối vẫn còn đây. Ngựa hồng. Trang 52,53)
Tập thơ Ngựa hồng có điều kì lạ là không có bài Ngựa hồng. Nhưng có sao đâu! Cho tới nay toàn bộ đời thơ của Cao Thoại Châu đã là ngựa hồng. Vậy thì tôi xin nhận lấy:
NGỰA HỒNG, CHÀO ĐẠI CA!
Và không hỏi gì thêm.