Thứ Năm, 31 tháng 12, 2009

Đọc Feed back...

Cái anh Google Blogger này thì ác thật! Tưởng ảnh thật tình ai dè ảnh chơi màn nói nhỏ chuyện của mình với người khác... Để xem, nếu mình đăng kí theo dõi một cái blog nào đó là bao nhiêu chuyện blogger viết nháp mà không đăng/chưa đăng thì ảnh cũng đem thông báo vào mục Feed của mình ráo. Cái này thì cũng có lợi cho mình khi muốn comment cái gì đó vào một blog quen, mình sẽ biết trước blogger đó đã viết cái gì mà không đăng, đang chỉ ở dạng bản nháp, do đó mình sẽ tránh được một số comment "hố!". Nhưng như vậy là Google không mấy tôn trọng sự riêng tư rồi! Để xem lại điều khoản thỏa thuận với Google Blogger coi có nói gì về cái vụ này không? Vậy ai đó không muốn cho mình biết bản viết nháp thì xin ... xóa mình ra khỏi danh sách theo dõi blog của bạn nghe.
Xin bá cáo cho bà con làng trên xóm dưới được biết!

Thứ Bảy, 26 tháng 12, 2009

Ghi trong chiều ...


Ngồi lặng lẽ trong vườn, làm cỏ. Không biết từ hồi nào đâm ra ghiền làm vườn. Không phải nông dân! Bằng chứng là cây cối trong vườn dở òm, trái lưa thưa. Làm vườn để khỏi phải suy nghĩ mông lung, để tránh stress. Đã quá mệt mỏi với bao nhiêu thứ phải suy nghĩ. Cái nghề của mình là cái nghề suy nghĩ: từ suy nghĩ để lập trình máy tính đến suy nghĩ để viết cái giáo trình mà hạn chót phải giao ngày càng đến gần, rồi lại suy nghĩ về CNTT trong giáo dục mà ngài hiệu trưởng đặt cho mình phải viết (Cái này thì đang suy nghĩ không ra! Hứa lèo với ngài hiệu trưởng mấy bận rồi! Lẽ ra ông ta nói với mình phải làm gì thì lại đi hỏi ngược lại mình! Khổ thay!) Ông bạn Tấn Phúc nói nửa đùa nửa thật: Ông anh đau khổ vì ông anh đi trước thời đại! Chậc! Nghe như mình không phải là nhà chiến lược thì cũng là đấng tiên tri không bằng! Bà nhà thì phán cho một câu: Anh là một người lệch chuẩn! Ơ hơ … chuẩn ra làm sao nhỉ?! Cô bạn sính thơ thì độp cho hai câu: Nghiệm chẳng tới chân niềm diệu thú/Suy chưa cùng lý chuyện đời trêu. Trời! Cái lý của cuộc đời ra làm sao vậy ta? Có khi mình còn không hiểu mình nữa là! Đại ca Cao Thoại Châu thì gán cho mình: L’homme qui en savait trop - Kẻ biết quá nhiều. Đại ca nghĩ mình thì biết cái gì mà quá nhiều!? Con cái thì không dám nói gì tía nó nhưng có vẻ như chúng đang suy nghĩ: Ba… giống ông già Khốt-Ta-Bít. Ngồi ngó cái bóng bụi chuối đổ dài trên cỏ khô. Cái bóng đó khi này khi khác, thay hình đổi dạng theo gió lay mấy tàu lá chuối. Mình thì giống bụi chuối còn mọi người thì thấy mình giống cái bóng chuối!

Đang làm cỏ thì có điện thoại từ nơi xa lắc - tận những Sacramento - gọi về. À! huynh Tịnh Trung. Chỗ đó giờ đang là 1 giờ đêm, thời tiết đang là -2 độ. Lạnh cóng mà ngồi gác cổng cái sân bay mênh mông, lặng ngắt thì chắc huynh này nhớ nhà, nhớ mái ấm Bồ Đề, nhớ Bến Tre đây. Đêm khuya lơ khuya lắc gọi về nói chuyện đời chuyện đạo. Vứt cây dao làm cỏ qua một bên nghe huynh tâm tư về lẽ sống. Huynh Tịnh Trung kết thúc câu chuyện dài trên điện thoại bằng một câu: Hạnh phúc = Tâm an + Thân khỏe. Úy trời! Cái đẳng thức này hay à nghe! Quá đúng! Rằng hay thì thiệt là hay … Lại suy nghĩ lan man (suy nghĩ nữa rồi!), lại nhớ nhà văn Nguyễn Ngọc Tư muốn đặt tên cho con là Tâm An. Cái ước muốn của bà nhà văn này thiệt là … vĩ đại! Vĩ đại ở chỗ Ông Huy Cận đã từng viết về các vị La Hán:


Mặt cúi nghiêng, mặt ngoảnh sau
Quay theo tám hướng hỏi trời sâu
Một câu hỏi lớn. Không lời đáp
Cho đến bây giờ mặt vẫn chau.


Vấn đề nhè ở chỗ giữa cuộc trần ai:


Các vị ngồi đây trong lặng yên
Mà nghe giông bão nổ trăm miền
Như từ vực thẳm đời nhân loại
Bóng tối đùn ra trận gió đen.


Tìm đâu ra cái “Tâm An” đó chớ? Thôi! Không suy nghĩ nữa!


****

Thứ Năm, 24 tháng 12, 2009

Noël tỉnh lẻ.


Vinh danh thiên chúa trên trời
Bình an dưới thế cho người thiện tâm.



Tin lành


Công giáo


Đêm huyền ảo


Nhảy múa loạn xạ!


Bên kia sông...


Về lại lặng lẻ chốn này



và ... tự thắp cho mình một ngọn nến, rót cho mình một ly rượu độc ẩm.

Thứ Tư, 23 tháng 12, 2009

Nhìn


Tôi nhìn tôi trong chiều

Thứ Ba, 22 tháng 12, 2009

SỎI





Đá từ trên núi cao lăn theo triền dốc, va chạm với vách núi sắc cạnh vỡ dần, lúc đến được bờ biển thì chỉ còn nhỏ vừa nắm tay, thành hòn sỏi nằm yên trên bãi cát. Ngày ngày sỏi nghe biển rì rào trong tiếng gió. Biển kéo sóng đến thăm hỏi: Sỏi ơi sao người tròn trịa thế? Sỏi trả lời: Những gì sắc cạnh tôi đã đánh rơi dọc đường cả rồi! Gió ghé ngang hỏi: Sao người không lăn nữa? Ở chân trời kia còn nhiều điều thú vị lắm! Sỏi bảo: Bờ cát này êm ái giữ chân tôi. Ở đây có thể chiêm ngưỡng rạng đông lẫn hoàng hôn! Gió giục biển đẩy hòn sỏi khỏi bờ cát lăn trên đường mòn. Trước khi bỏ đi, gió và biển còn nói với theo: Bọn tôi đi đây, bây giờ bạn có thể tiếp tục lăn, thế giới còn rộng lớn lắm. Hòn sỏi lăn dọc đường thiên lý khô khan, nắng sớm mưa chiều mãi chẳng thấy gì hay ho, chỉ bị giẫm đạp. Một sớm chớm thu lạnh, cô tiên nhỏ tình cờ gặp hòn sỏi. Cô nắm hòn sỏi trong lòng tay êm ái hỏi: Sỏi ơi sao người rắn vậy? Người lăn không biết đau à! Sỏi đáp: Sao lại không đau, chỉ không giữ lại vết đau trên người thôi! Cô tiên hỏi: Sỏi ơi ta có một cành hoa hồng, ta đem người về đặt nơi chậu hoa nhà ta nghe, người sẽ làm chậu hoa của ta bớt cô quạnh. Sỏi đáp: Ta không ích gì cho hoa, hồn của ta biển và gió đã đem đi rồi. Ta cần tìm lại họ. Em có giúp ta không? Cô bé tiếc rẻ nhưng dịu dàng đem hòn sỏi trả về bãi cát.

Thứ Sáu, 18 tháng 12, 2009

Im lặng trong cành du.

Xem thống kê các nơi ghé thăm blog
thấy có nhiều người mình chưa biết.
Một số chỉ truy cập một lần rồi ... thôi,
chắc là do tình cờ lướt trên mạng mà gặp,
nhưng nhiều truy cập còn trở lại.
Nếu bạn đã trở lại thì bạn tìm thấy gì ở đây?
Mình có thể chia sẻ gì với bạn?
Trang này chỉ viết bằng tiếng Việt
vậy mình gần chắc bạn là người Việt.
Ở nơi xa xôi đó bạn nhớ nhung gì một cảnh quê, một tâm tình cũ?
Mùa này ở các xứ ôn đới là mùa tuyết rơi ...
Post lên đây một bài thơ của Vũ Khắc Khoan
với hy vọng cũng là tâm cảnh của một vài trong số các bạn.

NGỠ XUÂN

Nửa khuya nghe chim lạ
Hót lẻ trong cành du
Thoảng lời kinh vô ký
Chập chờn ánh lửa giang đầu
Lắng nghe con chim lạ
Hót khẽ trong cành du
Chợt nhìn qua khung cửa
Bạt ngàn ngợp trắng trang lu

Xuân đã về miền Hương Tích?
Sao có hoa mơ nở trắng rừng mơ?
Hỡi ơi không trắng hoa rừng mơ
Mà trắng miền đất lạnh
Hoa tuyết bay trắng rực Ngũ Đại Hồ
Hoa tuyết rơi liệm trắng màu hoa miền nhiệt đới
Nơi tuyết rơi chỉ ở trong thơ
Hoa tuyết bay lất phất
Nghe như rờn rợn lời tâm sự
Mưa nhỏ thở dài trong giàn dưa
Liêu-trai-chí-dị
Nửa khuya đất Hồ
Có con chồn già thùy lệ

Lại nghe con chim lạ
Hót lạnh trong cành du
Lạnh ấm trà hoa cúc
Lạnh lẻn vào trong tôi

Tôi từ thưở xa miền nhiệt đới
Đến đây kết nghĩa với cây du
Lòng vẫn nhủ lòng rằng thôi đừng nhớ
Ngày ngày ngồi gốc cây du
Mơ cưỡi một con trâu
Đi về miền nắng quái

Lá du như sao buổi sớm
Nhưng biết đùa với nắng mùa thu
Cũng vàng cũng nhuộm màu quan tái
Và rụng khi cành gầy ôm tuyết trắng
Đi vào thiền khoảng cuối mùa thu

Nhưng bỗng nhiên im lặng
Im lặng trong cành du
Lắng tai tìm chim lạ
Nghe nhẹ bổng cành du

Cúi đầu tưởng đến duyên kỳ ngộ
Mong manh chim lạ cành du
Rồi những khuôn mặt cũ
"Cùng lận đận bên trời một lứa"
Giờ đây thưa thớt
Như lá mùa thu
"Ước cũ duyên thừa"
Có còn tiếp nối?
Hay chông chênh sát na một thoáng
Chim lạ bỏ cành du
Cánh nhỏ vụt nhòe trong cánh tuyết?

Ngùi ngùi mái tóc mờ sương thu
Tuổi già lệ như "lác đác
Rừng phong hạt móc sa"
Đâu có thùy lệ?
Chỉ rưng rưng sầu.


*****

Chủ Nhật, 13 tháng 12, 2009

Nói nhãm với Khoa Chiến

Lâu lâu xin phép viết lăng nhăng một chút!
Ai không chịu được thì xin đừng đọc hoặc bỏ quá cho.
Bởi vì có những chuyện không nói lăng nhăng
thì cũng không biết phải nói làm sao
cho nó khỏi lăng nhăng!
Cũng xin lỗi trước
Nguyễn Khoa Chiến vì viết một bài rất cảm động -
lẽ ra giúp tôi trở nên nghiêm túc hơn -
mà hóa ra tôi lại lăng nhăng hơn!

Có một dạo tôi có một anh bạn rất mê cái câu trong Hamlet: To be or not to be. That's the question! Tôi không chắc mình hiểu đầy đủ được cái câu vĩ đại đó của Shakespeare vì chưa bao giờ tôi đã đọc hay xem hết Hamlet! Một phần tại vì làm biếng và ... phần khác tại vì có quá nhiều thứ phải đọc. Không đọc đầy đủ Hamlet nhưng chắc tôi có bỏ ra nhiều thì giờ để nghĩ ngợi về câu đó khi này khi khác trong những lúc rơi vào thế lưỡng nan. Đó không phải là chuyện thuần túy văn chương, văn nghệ hay chuyện triết học xa vời! Đó là chuyện một ngày nọ khi anh đã bị cuộc sống quăng lên quật xuống khá nhiều mới phát hiện thấy cái gì từ hồi đó tới giờ anh vẫn hằng tin là đúng thì té ra nó chỉ là một thứ không có mấy giá trị, nếu không nói đó chỉ là một mớ giẻ rách. Một thứ giẻ rách thật sự cũng cùng một giuộc với những cái anh vốn vẫn hằng tin là sai. Cho nên đôi lúc tôi cũng tin rằng cái trăn trở lẩm bẩm của Hamlet không phải ở chỗ The solution is to be ... hoặc The solution is not to be... Cái trăn trở của Hamlet chính là ở chỗ Hamlet biết tỏng rằng chẳng làm gì có câu trả lời giải thoát cho nỗi đau thường trực của nhân loại một khi nhân loại đó vẫn cố chấp tin rằng cái phần con là ít hơn cái phần người trong con người. Con có trước hay người có trước? Câu hỏi đó quá lớn đến nỗi tôi e rằng nhân loại có thể cãi nhau cho tới khi cái giống người bị đưa vào sách đỏ trong số các loài có nguy cơ bị mất giống vẫn còn tiếp tục cãi... Vấn đề (sic!) ở chỗ "To be" và "Not to be" không phải là hai thứ mâu thuẩn nhau như các nhà logic vẫn tưởng, có lẽ hai thứ đó cũng chỉ là hai thứ tương phản nhau thôi. Tức là cả hai không thể cùng sai nhưng có thể đều cùng đúng cả, hoặc là hai thứ không cùng đúng cả nhưng có thể cùng sai một giuộc như nhau! Bất khả tư nghì! Đọc hết bài viết rất cảm động của Khoa Chiến rồi mới thấy cái nhãn phân loại phía dưới "GIỮ CHÚT LÒNG". Chỉ có mấy chữ như vậy là quá đủ rồi Khoa Chiến ơi. Cái nhãn ấy làm mình muốn rơi nước mắt đấy!


Tôi cũng xin nói rằng anh bạn
vốn mê cái câu của Shakespeare kia
lâu nay không thấy ảnh nhắc tới câu đó nữa.
Có lẽ ảnh cũng thấy rằng không cần cái câu ấy
thì ảnh cũng tồn tại mà, có sao đâu!

Thứ Tư, 9 tháng 12, 2009

Chiều nghe đàn ở sân nhà bạn

4 giờ chiều. Ghé Kiệt.
Cái sân nhỏ, mát, yên tĩnh với vài cây hoa.
Ngồi dưới bóng râm của cây dâm bụt vàng,
cây dâu tằm ăn và cây hoa sứ.
Nắng dịu hanh.
Mùi hoa sứ thoang thoảng.
Tiếng chim nhẹ nhàng trên đầu cành.
Nghe Kiệt đàn romance interdit.
Hạnh phúc đôi khi thật đơn sơ!

Hồn thảo mộc hanh vàng trong nắng nhẹ
Gió đủ vừa lay rụng mấy đài hoa
Chim thảng thốt, tiếng đàn như nhỏ lệ
Nỗi buồn xưa còn đọng tới bây giờ!

Thứ Sáu, 4 tháng 12, 2009

Bài thơ tạ lỗi


Ta viết bài thơ xin tạ lỗi
Xa chốn nào người có biết không?
Đôi tim yêu đã có lúc tương phùng
Rồi năm tháng cách chia lời yêu mãi

Ta viết bài thơ xin tạ lỗi
Gánh tình yêu đã đặt lại bên đường.
Lối đi xưa phượng đã không còn.
Khăn hồng tặng đã trả người lau khô lệ.
Con sông chảy một thời không quay lại.
Mấy dòng đời hai ngả hết tìm nhau.

Ta viết bài thơ xin tạ lỗi.
Xin lỗi cơn mưa, mưa trắng ngập trời
Đã đồng lõa để ta đưa người qua phố
Xin lỗi nắng trưa, nắng đã rạng ngời
Cho cái cớ để ta che người khỏi nắng
Xin lỗi quít thơm, phần em phân nửa
Em dùng dằng, phần của anh đâu?
Xin lỗi tiếng ve, rì rào trên ngọn
Giúp một trời lãng mạn để yêu thương.
Xin lỗi bạn bè, gán ghép với nhau
Để mắt nhìn ngay bỗng thành bối rối.
Và xin lỗi em, tình yêu không trọn
Lặng lẽ một đời, ôm cả đắng cay.

***

Tôi viết bài thơ xin tạ lỗi
Không còn mưa trắng
Hết cả nắng trưa
Tình tôi hối lỗi biết sao vừa!

Thứ Năm, 3 tháng 12, 2009

Gởi bạn quê mình.




Mấy hôm trước đi dự một lệ giỗ, cũng là một ngày họp mặt bạn bè mái ấm Bồ Đề (Bến Tre). Trước 30/4/1975 Bồ Đề là một trường trung học thuộc giáo hội Phật giáo. Các anh chị em mái ấm Bồ Đề là các cựu học sinh của trường. Trường không còn nữa nhưng tinh thần Bồ Đề của trường thì vẫn giúp anh chị em gắn bó với nhau. Hôm thì rủ nhau lên chùa nghe thuyết pháp, hôm thì rủ nhau đi làm từ thiện, giúp đỡ nhau sống thiện sống tốt. Thời gian trôi qua có người thành đạt, có người gian truân, có người vẫn ở mãi bên dòng Hàm Luông, dưới bóng dừa, có người xa xứ. Tôi chỉ là một người lạ, chưa từng học Bồ Đề, chỉ thảng một đôi khi căng thẳng chuyện đời, chuyện công việc thì vào chùa tìm đến quì trong chánh điện, nhờ sự yên tĩnh của không gian thờ tự, nghe tiếng chuông ngân nga mà tĩnh tâm, niệm một tiếng A di đà để lòng lắng xuống... để đủ sức sống tiếp! Nhờ vậy mà quen biết với mái ấm Bồ Đề. Nhờ vậy mà có mặt trong lệ giỗ này...
Lệ giỗ thì ồn ào nhắc nhớ lại người này người kia, ai còn ai mất, ai đang xa xứ. Lại nhắc tới một người đang ở tận Hoa Kỳ. Anh bây giờ chỉ là một người làm bảo vệ, gác cổng một sân bay, lúc nào rảnh thì vác cái cưa máy đi kiếm cơm thêm. Tìm được bao nhiêu tiền thì ngoài phần dành cho mình sống khổ hạnh còn thì gởi về nước nhờ mái ấm Bồ Đề đi làm từ thiện. Cách làm của anh khiến tôi nhớ tới một ông giáo người Pháp lúc trước dạy ở Đại học sư phạm Saigon. Trước giải phóng ở Đại học sư phạm Saigon có 3 nhà giáo người Pháp, tôi chỉ nhớ tên Ông Béchir vì ông trực tiếp dạy tôi và tôi thường nói chuyện lan man với ông bằng thứ tiếng Pháp ngắt ngứ mỏi tay của tôi. Còn một bà thì tôi không nhớ tên nhưng tôi rất thích bà vì mỗi lần có chiếu phim tiếng Pháp ở giảng đường phục vụ các lớp Pháp văn thì tôi hay gặp bà để xin xem ké, lần nào thì bà cũng cười rất tươi - Oui... Oui... alors.... Nhưng tôi lại rất ấn tượng với ông, ông gì tôi quên tên rồi, thôi tôi cứ gọi là ông Thiery (mà hình như là vậy!). Ông Thiery khác hẳn các vị giáo sư khác - chẳng hạn ông Béchir lúc nào cũng đi chiếc Peugeot 404 láng bóng - quanh năm suốt tháng tôi chỉ thấy ông Thiery đi một chiếc Mobylette cà tàng dơ mốc cời và hình như ông chỉ có một bộ veste cũng hơi mốc mốc! Tụi tôi là dân sinh viên ở trong hũ ra (đó là cách nói sinh viên gốc gác ở các tỉnh... Cái tĩnh hay cái hũ gì thì cũng là một thứ đựng nước mắm thôi!) thì ăn cơm vĩa hè, cơm quán là phải rồi! Nhưng ông Thiery cũng quanh năm ăn cơm vĩa hè, quán cóc mới là chuyện kì khôi. Khẩu phần ăn của ông có khi còn tệ hơn của tôi nữa, vì sau bữa ăn có hôm tôi cũng dám tự đãi mình một ly sữa đậu nành còn ông Thiery thì lúc nào cũng chỉ một ly trà đá! Rốt cuộc có hôm ông Thiery cũng ăn trưa một bàn với tôi ở quán bà Bô. Không ngăn được tò mò tôi bèn hỏi: - Sao ông tiết kiệm vậy? Lương ông nhiều thế, tiết kiệm để làm gì? - Ô, moa tiết kiệm là để giúp đỡ đất nước! - Ơ nước Pháp giàu thế mà còn nhờ ông giúp đỡ à! - Không, moa gởi tiền về Israel để giúp đỡ. Moa người gốc Do Thái. Thật đáng nễ! Israel lúc đó mới lập quốc chưa được mấy năm, khó khăn còn trùng trùng. Có những người con như thế bảo sao Israel không dần dà trở nên hùng mạnh cho được. Bây giờ tôi lại biết một ông Thiery Việt Nam, là cái ông có bài thơ dưới đây. Anh chị em trong bàn tiệc giỗ cao hứng gọi cho anh: -Anh Hưng này, nói chuyện với anh Bình chút nghe! -Alô. Anh Hưng đó hả. Anh đang làm gì vậy. - Tôi đây. Mỗi ngày tôi gác sân bay từ 7 giờ chiều đến 7 giờ "sáng mơi". Giờ này khuya, máy bay bay đi hết rồi, chỉ có mình tôi trên sân bay thôi, ngồi một mình buồn lắm, nhớ quê lắm! - Anh chị em đang nhắc anh quá đây! - Chờ chút nghe, để tôi làm bài thơ gởi anh chị em đọc coi như tôi có mặt với mái ấm Bồ Đề nghe. Thiệt tình tôi không nghĩ anh có thể làm ngay được bài thơ. Cái không gian Mỹ 100% phần đó làm sao giúp anh tìm được ý thơ! Nhưng mọi người cũng lấy viết ra chờ anh đọc bài thơ đột xuất. Bài thơ như vầy (cái tựa là do tôi đặt).

Gởi đến bạn bè.

Bạn bè gặp nhau hãy cứ vui
Chuyện đời như nước chảy mây trôi
Lợi danh như bóng mây trôi nổi
Có chút tình thương để lại đời
Bạn bè gặp nhau hãy mến thương
Chung trường năm cũ vẫn còn vương
Chút tình giữ mãi lòng thương ấy
Chia sẻ mọi nơi mọi nẻo đường
Bạn bè gặp nhau thì cứ cười
Bao nhiêu thú vị ở trên đời
Vui cười với ý tình cao nhã
Cuộc sống thêm vui ấy tuyệt vời
Bạn bè có chi cứ việc mời
Mận, ổi, xoài, lê vẫn còn tươi
Hoa quả thơm ngát đời thêm vị
Kết hợp ý tưởng cả mọi người.


Bài thơ mộc mạc, ý thơ chân phương, nhưng chứa biết bao nhiêu tình gởi gấm, thương quá là thương!

Thứ Tư, 2 tháng 12, 2009

ARANJUEZ MON AMOUR



Nhạc thính phòng không phải ai cũng thích,
và cũng không dễ nghe.
Post bản nhạc này lên đây
vì một chút nhớ người bạn cũ La Tùng Sơn.
Cuộc đời chìm nổi ai biết ai giờ ở đâu,
sống chết thế nào,
chỉ vọng lại trong tâm tưởng một tiếng đàn!


Giọng ténor lừng danh Andrea Bocelli với Aranjuez ...



Paco de Lucía độc tấu cùng dàn nhạc Concerto de Aranjuez (2nd mouvement)



Richard Anthony với ca khúc ...




ARANJUEZ, MON AMOUR
Paroles: Guy Bontempelli


Mon amour, sur l'eau des fontaines, mon amour
Òu le vent les amènent, mon amour
Le soir tombé, qu'on voit flotté
Des pétales de roses

Mon amour et des murs se gercent mon amour
Au soleil au vent à l'averse et aux années qui vont passant
Depuis le matin de mai qu'ils sont venus
Et quand chantant, soudain ils ont écrit sur les murs du bout de leur fusil
De bien étranges choses

Mon amour, le rosier suit les traces, mon amour
Sur le mur et enlace, mon amour
Leurs noms gravés et chaque été
D'un beau rouge sont les roses

Mon amour, sèche les fontaines, mon amour
Au soleil au vent de la plaine et aux années qui vont passant
Depuis le matin de mai qu'il sont venus
La fleur au cœur, les pieds nus, le pas lent
Et les yeux éclairés d'un étrange sourire

Et sur ce mur lorsque le soir descend
On croirait voir des taches de sang
Ce ne sont que des roses !
Aranjuez, mon amour


Một ít về Aranjuez...

Aranjuez là một thị trấn nhỏ cách Madrid, thủ đô Tây Ban Nha, khoảng 48 km. Aranjuez được thế giới biết đến rộng rãi qua Concerto de Aranjuez của Joaquín Rodrigo (1901-1999). Là một dương cầm thủ bị mù từ năm lên 3, bản concerto này của ông được viết cho guitar và dàn nhạc vào năm 1939, tại Paris, khi nguy cơ chiến tranh thế giới lần thứ hai đang treo lơ lửng, và được đề tặng cho ca sĩ Regino Sainz de la Maza . Concerto này gồm 3 hành âm (mouvement): Allegro con spirito, AdagioAllegro gentile. Hành âm thứ hai Adagio được biết đến rộng rãi nhất, thường được gọi là Aranjuez con tu amor (Aranjuez tình yêu của tôi), do giai điệu tha thiết, yên tĩnh và trầm lắng của nó. Đây là một concerto khá bất thường do tác giả đã đặt cây guitar solo với âm sắc ấm và nhỏ tiếng – nhưng không bị lấn át - đối thoại với dàn nhạc đầy đặn, hùng hậu gồm kèn corn Anh, bassoon, oboe, horn, violin và cello. Đó là thứ tiếng nói nội tâm sâu sắc, cá nhân giữa ồn ào bi kịch của lịch sử. Người ta tin rằng trận bom bi thảm Guernica (1937) - trận bom đã được miêu tả trong bức họa cũng nổi danh không kém "Guernica" của Picasso - đã có ảnh hưởng sâu sắc tới tác phẩm. Mặt khác người ta cũng tin rằng tác phẩm đã diễn đạt tình yêu đằm thắm trong tuần trăng mật của ông với Victoria (1st Mov: Allegro con spirito) - cũng như nỗi đau hoang vắng do mất đứa con đầu lòng (2nd Mov: Adagio) – và sau cùng đôi vợ chồng tìm thấy sự khuây khỏa sau nhiều năm dài u sầu (3rd Mov: Allegro gentile).

Các clip trên chỉ trình bày hành âm thứ hai Adagio.
Video clip đầu tiên do ca sĩ opéra mù bẩm sinh Andrea Bocelli trình bày.
Video clip thứ hai do Paco de Lucía trình bày.
Video ca khúc tiếng Pháp do Richard Anthony trình bày.

Tạm dịch ca khúc như sau:



Aranjuez tình tôi.

Tình tôi những giếng làng ta
Chiều tà gió thổi đài hoa bập bềnh
Những tường vôi nứt xinh xinh
Nắng mưa năm tháng phủ xanh hoa hồng

Một ngày họ đến
Giữa khúc quân hành
Vết đạn dị kì
Trổ trên tường xinh

Những dây hoa hồng
Bò theo vết đạn
Tên người người đã khắc
Trên những tường vây.

Tình tôi những giếng cạn khô
Nắng hanh gió thổi đồng xa lùa về
Người về một sớm tháng năm
Sáng ngời ánh mắt nụ cười
Chân trần, bước chậm, giữa tim hoa hồng

Chiều xuống tường vôi
Tưởng còn vệt máu
Chỉ là đóa hồng
Aranjuez... ơi hỡi tình tôi.