Thứ Tư, 27 tháng 1, 2010

CÂY SI BAMBINO.



Trước cổng nhà tôi mọc một cây si. Cây si chỉ mọc vào buổi chiều, sau giờ tan học. Lúc đầu tôi không chú ý lắm. Con đường trước nhà khá nhiều xe cộ rộn ràng chạy tới chạy lui, thế thì nếu có một chiếc xe dừng ở mé cổng một lúc thì đâu có gì là lạ phải không? Tháng trước, có một buổi chiều hôm, tôi bắc thang để tỉa tót cái cổng chuẩn bị ăn tết mới để ý tới thằng nhỏ dừng xe và ngồi yên lặng ở đó. Cái kiểu ngồi yên trong bồn chồn rất dễ nhận ra. Tôi tỉa xong cái cổng hoa, nghĩa là hơn một giờ đồng hồ, mà thằng nhỏ vẫn ngồi yên trên xe. Thôi kệ, trời gần tối rồi, còn phải lo tưới tắm mấy cái cây trong vườn.

***


Hôm nào vào giờ tôi đi tưới cây cũng thấy thằng nhỏ ngồi trên yên xe ở đó, yên lặng. Tưới hết một vòng cây cối trong vườn gần mấy chục thùng nước vẫn thấy thằng nhỏ còn ngồi đó… Rồi tôi cũng biết cậu chàng trồng cây si con bé ở cái nhà xéo bên kia đường cách đó vài chục mét, là cái nhà bán vật liệu xây dựng của thằng cha có cái mặt “rất hắc”. Chắc cậu chàng sợ ông già của con bé hay sao mà đậu xe tuốt đằng này. Cũng không phải chuyện hẹn hò gì, vì tôi chưa thấy con bé ấy ra nói chuyện, hay thấy cậu chàng chở con bé bao giờ. Thằng nhỏ chỉ ngồi yên ở đó để chờ thấy “bóng hồng thấp thoáng” mà thôi. Và khi chiều xuống loang tím cả con đường, khi con bé ra dọn gạch men, tôn lạnh vào trong tiệm thì cậu chàng nhà tôi có cái điệu khắc khoải rất đáng thương. Khi nàng dọn xong hàng là cậu chàng cũng quay đầu xe chạy … về nhà (tôi chắc vậy!)
Một hôm tôi bèn nói đùa với thằng nhỏ: - Nè, phải đem theo một cuốn vở chứ chú nhỏ! Cậu chàng ngệch mặt ra: - Để chi vậy bác? – Làm thơ chớ để chi! Ngồi chờ lâu như vầy chú có thể viết đầy một tập thơ đó chứ! Cậu nhỏ nhà tôi bẻn lẻn vì cậu còn nhỏ lắm mà, khoảng 17, 18 thôi.

***

Ờ … đấy là cậu nhỏ Bambino và mối tình thơ dại trước cổng nhà tôi. Nhà tôi cũng thuộc loại làng nhàng thôi nhưng cái cổng thì tôi có thể tự hào là đẹp nhất nhì con đường này. Biết đâu khi cậu nhỏ làm thơ thì cái cổng nhà tôi có cơ may vào được văn học sử. Tôi cầu trời cho đó là một mối tình đẹp. Một mối tình đẹp trú ngụ dưới một cái cổng đẹp cũng đáng thành một bài thơ đẹp lắm chứ. Cậu nhỏ ơi! Đôi khi tôi cũng ráng tỉa tót cái cổng nhà tôi cho đẹp vì cậu nhỏ đấy!

*******

Dalida hát Bambino.

 

Lời nhạc:
Les yeux battus la mine triste et les joues blêmes.
Tu ne dors plus. Tu n'es plus que l'ombre de toi-même.
Seul dans la rue tu rôdes comme une âme en peine
Et tous les soirs sous sa fenêtre on peut te voir

Je sais bien que tu l'adores Et qu'elle a de jolies yeux
Mais tu es trop jeune encore Pour jouer les amoureux

Et gratte, gratte sur ta mandoline, mon petit Bambino
Ta musique est plus jolie que tout le ciel de l'Italie
Et canta, canta de ta voix câline , mon petit Bambino
Tu peux chanter tant que tu veux. Elle ne te prend pas au sérieux
Avec tes cheveux si blonds Tu as l'air d'un chérubin.
Va plutôt jouer au ballon Comme font tous les gamins

Tu peux fumer comme un Monsieur des cigarettes
Te déhancher sur le trottoir quand tu la guettes
Tu peux pencher sur ton oreille, ta casquette
Ce n'est pas ça, qui dans son coeur, te vieillira
L'amour et la jalousie ne sont pas des jeux d'enfant
Et tu as toute la vie pour souffrir comme les grands

Et gratte, gratte sur ta mandoline mon petit Bambino
Ta musique est plus jolie que tout le ciel de l'Italie
Et canta, canta de ta voix câline , mon petit Bambino
Tu peux chanter tant que tu veux, Elle ne te prend pas au sérieux

Si tu as trop de tourments. Ne les garde pas pour toi
Va le dire à ta maman, les mamans c'est fait pour ça

Et là, blotti dans l'ombre douce de ses bras
Pleure un bon coup et ton chagrin s'envolera

Đẹp bình dị


Thứ Bảy, 23 tháng 1, 2010

Cảm thán lục bình.




Cũng giống lục bình
Trong con rạch cạn
Rốt cuộc đời ta
Nước lớn trôi vào
Nước rút trôi ra!


***

Ai bảo với ta
Lục căn thanh tịnh,
tâm thức an bình!
Ta kẹt giữa dòng
Gió thổi xơ rơ.

***

Hoa lục bình tím
Lòng còn tím hơn
Lơ thơ con nước
Chiều xuống liêu xiêu
Về đâu... hoa tím.

Thứ Hai, 11 tháng 1, 2010

Lời chúc cho lứa đôi đã gởi đến tôi thiệp cưới

********** To: Alison & Kim *********************************








Mariage d'amour - Hôn nhân tình yêu. Trình diễn bởi Richard Clayderman
*******************************************

Tin nhắn

"
nguyenphongcsgt
9:19 AM
11/1
(1/5/2010 5:56:15 AM)
Tin khan cap: Moi nguoi tuyet doi ko duoc an hoa qua Trung Quoc nhu tao, cam, quyt, le, nho... Ben TQ dang len tivi cam doan nguoi dan an vi co chat pha huy noi tang. Trung Quoc lap tuc day hang sang VN. Tin chinh xac tu Dai Su quan VN. Cho nen ban hay goi tin nhan nay cho ban be va nguoi than ban biet.

"

Đây là tin nhắc offline mình mới nhận được. NO COMMENT! BẠN HÃY TỰ SUY XÉT!

Thứ Sáu, 8 tháng 1, 2010

Buồn

Dạo này đọc nhiều blog, từ blog của các đại lão cho đến kẻ trung niên, cả blog của mấy đứa nhỏ, không hiểu sao thấy blog nào cũng buồn. Chắc vui thì không viết blog được! Hay vui thì không có gì để viết?


Mỗi blog mình đọc là một tâm tình cực kì khác nhau, lung linh trong một thế giới khác nhau, niềm tin và ước vọng khác nhau, yêu đương và đau khổ khác nhau. Phải chăng điều đó là một động lực để mỗi con người đi tới? Phải chăng nỗi buồn cũng cần thiết như niềm vui? Hoặc nỗi buồn cũng cần được viết ra - như cái blog hôm nay mình thêm vào trong danh sách những "blog thích xem" đây - của một ông tiến sĩ sinh học ở Singapore giờ đây thất nghiệp đi lái taxi: Cuộc sống ơi! Còn ai ở đó không? Hãy chia sẻ với nhau một chút tâm tình này!

Con người không chỉ tìm kiếm niềm vui mà nó cũng cần ... được buồn! Phải đâu là lẩm cẩm!

Thứ Tư, 6 tháng 1, 2010

Chiều


Gió thổi,
nắng vàng,
khô chiếc lá!

Thứ Ba, 5 tháng 1, 2010

Đạo


Người sa-di đi đã nhiều ngày dọc theo bờ sông. Con sông nào rồi cũng chảy ra biển cả nhưng sông thì dài mà bước chân thì ngắn. Trên hành trình người đã thấy nhiều nỗi đau, đã thấy giọt mồ hôi giữa cơn lửa hạ cháy bỏng ruộng đồng, đã thấy mưa dầm nước ngập cả thôn xóm, đã thấy những thù hận hóa thân thành binh khí reo lên những tiếng kêu sắt máu, đã thấy những bửa tiệc ê hề nơi này và người chết đói nơi kia, thấy niềm hoan hỉ trên khuôn mặt trẻ thơ, thấy sự thèm khát khoái lạc của chúng sinh và thấy năm tháng khắc trên mặt mỗi người già nỗi buồn vô hạn. Mỗi ngày khi rạng đông người sa-di nhìn về phía mặt trời tụng một thời kinh cầu mong một ngày an lạc cho tất thảy chúng sinh. Mỗi ngày khi hoàng hôn người sa-di lại cúi đầu tụng một thời kinh cảm ơn ngày đã qua đi, cảm ơn những bước chân đã dẫn người về gần với biển.
Người sa-di đi đã lâu. Biển vẫn còn xa. Người sa-di già theo năm tháng nhưng dòng sông vẫn mãi tươi trẻ và ngày một lớn rộng. Nhiều lần tưởng dòng sông là biển rồi lại thấy mình lầm.
Một chiều nọ người sa-di không đi được nữa, không bao giờ đứng dậy đi được nữa, sức đã cùn. Biển vẫn còn xa. Người sa-di vẫn là người sa-di, sông vẫn chảy. Người sa-di đánh rơi bình bát của mình xuống con đường. Giữa một chút bụi mù chỗ cái bình bát rơi xuống, trước khi tia nắng cuối cùng kịp tắt, lần duy nhất trong cuộc đời người sa-di còn kịp nhìn thấy hằn lên cát bụi, lên con đường một chữ mờ ảo: Đạo.