Tuần qua ngày nào cũng vào Internet để đọc tin về thảm họa kép tại Nhật. Một thảm họa quá lớn, không chỉ cho người Nhật mà – nếu không may nhà máy điện nguyên tử Fukushima nổ - có thể cũng là thảm họa cho cả loài người. Tin tức, hình ảnh động đất, sóng thần thì dễ sợ, thấy con người hết sức nhỏ bé trước thiên nhiên. Tuy nhiên ở một góc độ khác thì cũng thấy con người cao thượng và lớn lao vô cùng: Nhìn cái cách mà những người Nhật bình tĩnh, trật tự trong thảm họa, nghe cái cách mà một em bé Nhật 9 tuổi chia sẻ phần mình cho những người cùng hoạn nạn, nhìn cái cách mà con chó ở Arabama chăm sóc một con chó bị thương khác trong sóng thần thì thật là cảm động. Ôi những người Nhật, những thứ của Nhật, làm cho người ta nghiêng mình kính trọng nước Nhật. Thấy thiên nhiên thì dữ dội nhưng cuộc sống thì thật đáng sống, đáng yêu. Thấy cần làm một cái gì đó cho nước Nhật, dù rằng điều đó có thể là rất nhỏ bé như một lời cầu nguyện.
Tuần qua cũng phải đọc những tin tức về Libya. Ở đó đang rối như canh hẹ. Bên nào đúng thì còn hạ hồi phân giải (bỗng nhớ lời của một đặc phái viên Liên Hiệp Quốc về cuộc chiến Darfur: "Ở đó không có kẻ đúng và kẻ sai, chỉ có kẻ ác và kẻ ác hơn mà thôi!") nhưng coi cái cách mà các nước lớn bu quanh thì cũng y như một bầy kên kên đang bu quanh một con mồi, chờ cho con mồi kiệt sức để nhào vô! Cái cách mà người ta lợi dụng danh nghĩa Liên hiệp quốc để can thiệp vào một nước khác thiệt đáng để … cười buồn. Ở Libya đã có quá nhiều súng đạn và đổ máu rồi. Người ta đang mong có đổ máu nhiều hơn để tìm kiếm từ đó các quyền lợi chính trị, quân sự và kinh tế. Cái nước Mỹ của ông Obama và nước Anh của ngài David Cameron tưởng đã khá hơn, té ra vẫn cái não trạng ta đây là chân lý, là tiêu chuẩn của thế giới. Cái não trạng dẫn G. Bush vào cuộc chiến Iraq bằng cách qui kết một đống tội lỗi không thể nào chứng minh được của Saddam Hussein, và gây ra cái chết thương tâm cho cả trăm ngàn người Iraq vô tội,.v.v. Cái não trạng đó khiến nước Mỹ (không cần nhắc tới nước Anh, cái nước Anh mà mặt trời không bao giờ lặn đã là một quá khứ không ai buồn nhớ tới. Còn nước Pháp của ông Sarkozy thì chỉ như theo đóm ăn tàn…) - sau vài năm mắc lầy trong vũng bùn Iraq – phát hiện Trung quốc bây giờ đã đi quá xa, phát hiện nước Mỹ ngập ngụa trong nợ công, phát hiện nước Mỹ bây giờ là chốn thất nghiệp khổng lồ, phát hiện trong thế kỷ XXI nước mạnh nhất chắc chắn không còn là nước Mỹ, và những giá trị Mỹ thiệt ra cũng có ít giá trị mà thôi. Ông Obama đã có quyền can thiệp vào Libya. Nhưng ông Obama sẽ dẫn nước Mỹ về đâu? Có làm thế giới kính trọng nước Mỹ hơn không? Rồi ông Obama có thay ông G. Bush xin lỗi những người Iraq vô tội đã chết, xin lỗi những người lính Mỹ đã chết và sẽ chết cho những giá trị hoang đường, không cần thiết. Rồi ông Obama sẽ có xin lỗi chính cái nước Mỹ đang ngày một suy sụp hay không? Một hình ảnh thế giới thiệt là buồn nôn!
1 nhận xét:
"Ở đó không có kẻ đúng và kẻ sai, chỉ có kẻ ác và kẻ ác hơn mà thôi!"
--
My blog: http://dacbietthuvi.net
Đăng nhận xét