Thứ Ba, 30 tháng 8, 2011

NIỆM

Ví dầu tình có dỡ dang
Thì xin giọt lệ giải oan lời thề...

NGỒI NIỆM BÊN HIÊN CHÙA.

Ta ngồi niệm một tiếng
Xin người thôi khổ đau
Ta ngồi niệm hai tiếng
Xin ta đừng nhớ nhau.

***

Ta ngồi niệm ba tiếng
Cúi mặt vẫn thấy người
Mắt người sao nhòa lệ
Thấm mềm cả tim ta
Xin người thôi ẩn hiện
Tà áo xưa năm nào.

***

Ta ngồi niệm liên miên
Cả đất trời chao đảo
Lòng ta đầy phong ba.
Ai dộng dùm tiếng chuông
Xin lòng người tĩnh lặng
Xin lòng ta tĩnh lặng
Ngân nga… để tình qua.

(30/8/2011)


BÀI THƠ SÁM HỐI TẶNG VỢ

Chắc kiếp trước anh với em
yêu nhau nức nở
Nên kiếp này hồi mới gặp nhau
Ngờ ngợ đã quen lâu
***
Chắc kiếp trước anh rất vụng đường tu
Nên kiếp này vận vào mình rất nhiều
Thứ dở
Lâu lâu say quắt một lần
Làm em quá khổ
Tính khí nhiều lúc cộc cằn
Tại vì cuộc đời... mệt đà hết thở
Và cái số đào hoa
Chạy trời làm sao khỏi số!
***
Em ơi
Cuộc trần giấc mơ nhân quả
Kiếp sau em có làm ni cô
Anh chỉ dám mong
Làm cái cây bóng mát
Đứng trong sân chùa
Nghe em tụng kinh gõ mõ
Và mỗi nỗi buồn anh
Là chiếc lá vàng khô
Chìm trong cơn gió
***
Em ơi
Đừng vô tình.
Mỗi khi lá đổ
Đọc giùm anh
Bài kinh sám hối
Nghe em...

(30/9/2011)


Thứ Năm, 25 tháng 8, 2011

HOA

Hoa mỏ két
Hiên sau vắng vẻ. Chiều âm u, mưa lấm tấm, ướt át nhưng sắc hoa lại bừng lên...

Thứ Ba, 23 tháng 8, 2011

CHUYỆN NGHỀ.

.
Suốt cuộc đời làm người gõ đầu trẻ mình đã dạy khá nhiều môn – đôi khi bị đồng nghiệp gọi vui: Thầy Ganidan, thầy Xuyên Tâm Liên, chuyên trị đa khoa! Chuyện dạy lắm môn như vậy cũng có cái hay cho mình nhưng là xuất phát từ cái dỡ của nhà trường. Hầu như lần nào phải ôm bóng đá lộn sân cũng do hoàn cảnh nhà trường thiếu giáo viên ở một môn nào đó mà cần phải lấp chỗ trống trong thời khóa biểu hoặc đối phó với một chuyên ngành mới chưa có ai chịu đảm nhận. Những năm dạy ở Thạnh Phú có lúc phải dạy “quàng” môn vật lý bởi vì lúc đó hoàn cảnh kinh tế khó khăn, giáo viên bỏ việc nhiều quá, không đủ giáo viên bố trí cho bộ môn đó. Mấy năm ở Châu Thành lại dạy môn chính trị cũng do nhà trường lúc đó không có giáo viên chuyên trách môn này. Về Trường Sư Phạm cấp 2 (bây giờ là Cao Đẳng Bến Tre) có lúc lại bị giao cho môn Vẽ kỹ thuật vì Bộ Giáo Dục lúc đó "đẻ ra" môn này trong chương trình của các lớp thuộc Khoa tự nhiên, mà trường lúc đó cũng không có giảng viên nào biết tí gì trừ mình là có “biết chút chút”, có lúc lại dạy một môn có cái tên “tự nhiên” nhưng lại hoàn toàn thuộc Khoa Học Xã Hội: Lịch sử Khoa Học Tự nhiên. Dĩ nhiên phần lớn thời gian là mình dạy các thứ đã được đào tạo chính qui: Môn Toán, và gần 20 năm nay là các chuyên ngành của Công Nghệ Thông Tin.  Đôi khi cũng tự an ủi tại vì mình thuận tay trái nên bị cái nghiệp dạy trái tay hoài! Hoặc đôi khi cũng tự trào: Đừng xem nhẹ tay này nhé, tay này là tay… cán giá chớ bộ chơi sao! Dạy trái tay hoặc phải đảm nhiệm một môn mới “phải tay” hồi nào cũng rất hồi hộp: Có đủ thời gian để “học” cái môn mới ấy không, tài liệu liên quan tìm ở đâu, thực sự có kịp nhuần nhuyển cái môn ấy để “lên lớp” không,  có khi nào do không được học chính qui mà đâm ra dạy cái gì sai kiến thức không, phương pháp dạy bộ môn ấy là thế nào???? Để không xảy ra sự gì trục trặc thì phải khẩn trương tìm tài liệu cho càng nhiều càng tốt, đọc túi bụi ngày đêm, làm bài tập như bị ma đuổi, nếu môn có thực hành thì bản thân thầy cũng phải làm trước để “coi nó ra làm sao”. Điều được an ủi lớn nhất là… cho tới bây giờ chưa “được” nghe ai than phiền mình dạy cái gì đó không đạt yêu cầu và cũng chưa thấy mình "hay ho" cái môn gì ráo!! Dĩ nhiên rồi, bây giờ không thấy ai dùng Ganidan hay Xuyên tâm liên để trị bệnh nữa, nhưng từng có lúc thiếu viên Ganidan là “không được”.
Năm nay lại được giao dạy “thử nghiệm” một môn trong Khoa chưa có ai có kinh nghiệm bao giờ: Trí tuệ nhân tạo. Thật ra không phải là một nhiệm vụ được giao đột ngột. Khoa đã “đặt hàng” từ 2 năm học trước, có đủ thời gian chuẩn bị để xây dựng chương trình, để viết giáo trình, chuẩn bị “phần cứng” “phần mềm”. Nhưng cái cục đá này rắn quá. Nhá đến gảy răng mà giờ đây còn hoang mang, cảm thấy chưa hiểu gì hết ngay từ đầu. Bây giờ thấy hối tiếc sao hồi đó không nghe lời Thầy Hoàng Kiếm, không chịu trở về Trường Sư Phạm làm đề tài về trí tuệ nhân tạo do thầy hướng dẫn mà lại “dinh tê” qua Trường Bách Khoa mò mẫm mấy con IC, sờ soạn mấy em phần cứng. Không hình dung được ngay tiết đầu mình sẽ dạy ra làm sao nếu có sinh viên “cắc cớ” hỏi: Trí tuệ là gì? Cái gì làm nên trí tuệ?
Có ai trả lời giúp mình không? Mình còn chưa hiểu trí tuệ là gì, không biết cái gì đã làm cho con người có “trí tuệ” và cái "trí tuệ" ấy nó hoạt động ra làm sao, thì làm thế quái nào mà âm mưu xây dựng chương trình có khả năng “trí tuệ nhân tạo” được! Bó tay!

Chủ Nhật, 21 tháng 8, 2011

Bạn già và đào tiên.

.
Quán nửa khuya của bọn mình đây!
Bửa trước có cô tiên nhỏ, là học trò cũ vừa mới tốt nghiệp nhạc viện thành phố ghé qua, tặng ba trái đào tiên. Vừa "báo cáo" kết quả học tập, vừa thăm thầy cô lâu quá chưa gặp lại. Mấy trái đào to, ửng hồng thật đẹp và thơm, cứ như là vừa hái về từ vườn đào của bà Tây vương mẫu. Hai vợ chồng mân mê mãi mấy trái đào rồi lại kháo nhau: Tụi mình ăn mấy trái đào này đây rồi sống tới vài ngàn tuổi thì khốn! Lúc đó ngó quanh quất thấy thiên đường lạnh lẽo chẳng còn ai, thì không biết sống để làm gì, chắc sẽ buồn đứt ruột mất! Bèn bọc mấy trái đào vô cái túi vải, chiều tối đem lại nhà hai ông bà bạn, thêm hai vợ chồng người bạn khác nữa và Dì Hai. Tất cả là 7 người làm một cái tiệc tiên giới. Có tuyên bố lý do tiệc tùng đàng hoàng: Tiệc bàn đào này là để chia nhau mấy ngàn năm thọ. Ăn xong làm ơn sống với nhau lâu lâu, đừng có ai "đi trước" sớm quá để buồn cho bạn bè. Mấy ông cười hà hà nói: Cha chả, bắt sống thêm tới vài trăm tuổi mà tiệc không có linh đơn (viagra) thì coi bộ nên xếp mấy bà qua ở Cung Hàn cho khỏi sinh sự!
Sau vài ly rượu đủ thơm râu, ông "từ" Bảy Xuân lấy cây mandoline ra dạo réo rắt, Bảy Tuấn đệm guitar, Bà Hoàng vợ Bảy Xuân phụ trách cái tambourine, mình thì bắt chước ban nhạc Aquabella đệm contre-basse (bằng miệng) cho mấy ca sĩ hát hò nhặng xị. Tới cái bài hát gì của Lê Yên có một đoạn có tiếng ngựa hí, đã giao cho bà Mịnh vợ bảy Tuấn - không biết hát thì phải hí - nhưng bà này không chịu hí nên mình cũng phụ trách luôn nhiệm vụ hí ;-) Tiếng hí của mình giống con ngựa bị ăn cám hay sao đó nên làm Dì Hai cười run run, hấp háy cặp mắt đã mờ trông rất là... thương. Dì Hai má chị Bảy Xuân đã 83 tuổi, lụm cụm rồi nhưng mỗi khi nghe cái đám ô hợp rụng răng này họp lại thì thế nào cũng bắt ghế ra ngồi nghe. Dâng cho Dì Hai một miếng đào tiên hơi "bự" một chút, mong Dì Hai còn sống dài dài để nghe "tụi con" hát hò...

Vui vẻ hát hò tới "giao thừa" luôn. May mà cái "quán nửa khuya" của chị Hoàng không gần nhà hàng xóm nào hết nên cũng không làm phiền ai. Dắt nhau ra về chạy xe chầm chậm trên đường khuya, trong cái vắng lặng của đêm thâu, nghe hiểu lòng nhau rất mến thương. Các bạn ơi, chúc cho một đêm không trằn trọc, yên lành.

Thứ Bảy, 20 tháng 8, 2011

Công án...



Hôm nay theo anh chị em trong Mái Ấm Bồ Đề qua huyện Châu Thành, đi chùa HỘI PHƯỚC làm công quả. Chùa chuẩn bị trùng tu. Chẳng làm được gì nhiều, trừ lăng xăng làm "thợ vịn" để dời đại hồng chung nặng tới 300 kg và bưng bê một số nhang đèn, kinh kệ dời tạm qua nhà hội kế bên.


Ở gian nhà tổ đột nhiên nhìn thấy bức hoành, vì lúc trước lần nào đến nhà tổ cũng chỉ lo cúi xuống lạy và quay mặt nhìn Tổ Đạt-Ma chớ có ngẩng lên nhìn phía sau lưng đâu mà biết. Có bốn chữ đại tự như vầy:


  月  成  風  香 

(HƯƠNG PHONG THÀNH NGUYỆT)

E hèm!... Để nghĩ coi, Tổ khai tự muốn truyền đạt điều gì!

Thứ Năm, 18 tháng 8, 2011

Tour du lịch mini...


Sáng sớm ra thăm vườn một chút...

Nắng sớm rất dịu dàng...
Mấy cái bông đậu biếc này đơn sơ mà đẹp dễ thương quá!
Rốt cuộc thứ kiêu kỳ này cũng chịu trổ bông

Thứ cỏ tên không đẹp này lại có mùi rất thơm.
Các sư cô dặn trồng nó để góp tặng cho tủ thuốc nam.
Không biết các sư cô ở chùa dùng cỏ này để kê toa trị bệnh gì? 
E hèm, em hoa hồng này có vẻ kiêu hảnh!
Thì người ta phải kiêu hảnh một chút...
 khi người ta đẹp phải không?


Trái gấc này hứa hẹn bà xã lại nấu một nồi
 xôi gấc hay cơm gấc nữa đây. Ăn riết gần phát ơn rồi!
Xin lỗi, em tên gì hả? Qua quên tên em rồi!


Lá tai tượng.Thấy bắt thèm rồi,
thứ này ăn với mắm kho thì... chết liền!





Dàn mướp bắt đầu phát triển mạnh.
Mấy cái lá mướp non này trông ngon lành quá.
Vò lá mướp non xào với thịt heo, thêm chút tiêu chút chút...
 thì ăn cũng... chết liền.
Nhưng thôi để chờ nó ra hoa kết trái đã!!











Thứ Ba, 16 tháng 8, 2011

Thiên đường và địa ngục... suy nghĩ lan man.



1. Không rõ có xứ nào trong thế giới loài người không có khái niệm thiên đường hay địa ngục? Thiên đường và địa ngục là hai khái niệm phổ biến và là cặp phạm trù đối ngẫu. Dù cho việc hình dung ra cảnh giới thiên đường và cảnh giới địa ngục khác nhau từ dân tộc này qua dân tộc khác, từ tôn giáo này qua tôn giáo khác, từ thời này qua thời khác, nói chung thiên đường bao giờ cũng là một lời hứa hẹn cho những kẻ đã sống một đời trong sạch và làm điều thiện. Bản thân sự phân biệt trong khái niệm để nhận thức hành vi nào là trong sạch và cái gì là điều thiện là một khái niệm có tính xã hội, do mỗi xã hội và hoàn cảnh xã hội đặt ra. Do đó thiên đường (hoặc địa ngục) là một sản phẩm của tinh thần xã hội. Tùy theo dân tộc, tôn giáo (chỉ trừ Phật giáo) mà thiên đường là chốn linh hồn có thể tìm thấy niềm an lạc (desire) hoặc lạc thú (pleasure) vĩnh viễn. Đối với Phật giáo thiên đường/địa ngục cũng chỉ là một "giai đoạn" trong quá trình phát triển của "linh hồn". Mặc dù thiên đường (hoặc địa ngục) là khái niệm có tính xã hội, trừu tượng hóa những chuẩn mực xã hội áp dụng vào việc đánh giá phần thưởng hay sự ra đòn trừng phạt đối với cá nhân, là một sự mở rộng của tòa án nhân gian sang "thế giới vô hình". Sự trừu tượng hóa từ thế giới thật sang thế giới vô hình đó làm cho mỗi xã hội có một thứ thiên đường khác nhau và có một địa ngục khác nhau. Có thể khá hài hước để nói rằng mỗi xã hội có riêng một địa ngục, một hoặc nhiều ông Diêm vương diện mạo khác nhau và các ông Diêm vương đó xử án bằng các bộ luật khác nhau. Trong tác phẩm Tây du ký của Ngô Thừa Ân ta có thể thấy chuyện tức cười đó. Ở hồi thứ mười (Lão Long vương phạm phép trời, Ngụy thừa tướng gởi thư nhờ âm sứ) và hồi thứ mười một (Chơi âm phủ Thái Tông về trần, dâng quả bí Lưu Toàn gặp vợ) Ngô Thừa Ân đã mượn tay Ngụy Thừa tướng trong cơn mê để xử trảm Long vương vì tội dám làm trái qui luật của trời đất (dám làm mưa chậm một giờ và thiếu ba tấc tám giọt nước) nhưng Ngô Thừa Ân cũng mượn tay Thôi phán quan để giả mạo sổ trời[1] cứu Đường Thái Tông ra khỏi địa ngục. Tiêu chuẩn kép (double standards) như vậy là có từ ngàn xưa (được Trung Quốc áp dụng lâu rồi) chứ có phải là thứ được các nước phát triển G7/G8 mới áp dụng đây đâu!

Nhưng những sự dễ chịu, đau đớn, an lành hoặc khốn nạn mà con người phải chịu đựng trong cuộc sống của nó thì lại có tính cá nhân, cụ thể, có tính chất vật lý, sinh học hoặc hóa học. Vì vậy trong tâm thức của mỗi con người thì thiên đường (hoặc địa ngục) là một cảnh trí khác nhau, và là một tâm cảnh có thật! Cái ảo trừu tượng đã biến thành cái thật hiển hiện với mỗi sinh linh! Ngay cả đối với những người theo chủ nghĩa duy vật thô, tức là chỉ tin theo vũ trụ được hình thành từ vật chất - là sự kết hợp có tính hóa học - các nguyên tố trong bản phân loại tuần hoàn của Mendeleev và sự vận động thường hằng của khối vật chất đó sinh ra các thứ vô cơ hoặc hữu cơ, sinh ra sự tương tác cơ học, hóa học hoặc sinh học, thậm chí tương tác điện từ để làm nên thứ gọi là "tinh thần", đúc kết trong câu nói nổi tiếng "Tinh thần là tổng hòa các mối quan hệ xã hội". Nhưng câu nói nổi tiếng ấy cũng khó mà lý giải trong thực tế khi nào thì nhân gian hết đau khổ. Cái địa ngục hiểu theo nghĩa thô sơ ấy - trong "tinh thần" ấy - đồng nghĩa với các đau khổ trần gian mà cấu trúc xã hội ấy gây ra và áp đặt lên những con người cụ thể, giai cấp cụ thể. Cái địa ngục đó rốt cuộc có thể được quan niệm: Địa ngục chính là người khác! Đấy, bây giờ địa ngục đã có một diện mạo cụ thể. Cụ thể đến nổi có thể xây dựng một chiến lược "tìm và diệt" cái địa ngục ấy trong thực tế!
Con người - hay nói chung mọi sinh linh sống trên quả đất này - có lẽ chẳng bao giờ có thể nhận thức được hết đại ngã. Lý thuyết về vụ nổ lớn (Big Bang) và các đo đạc liên quan cho thấy vũ trụ (universe) "của chúng ta" chỉ cần chưa tới mười lũy thừa trừ 20 giây để bung từ cái số không tuyệt đối (!) đạt tới kích thước hiện nay được biết[2]. Nhưng kích thước quan sát được của vũ trụ hiện nay, dù đã dùng đến kính thiên văn Hubble hay các kính thiên văn vô tuyến khổng lồ gì đi nữa cũng chỉ giới hạn trong bán kính 42 tỉ năm ánh sáng. Đó là bán kính nhận thức vũ trụ của chúng ta. Ở ngoài bán kính đó là cái gì? Là một đa vũ trụ[3] cấp 1 (level 1 multiverse) hoặc cấp 2 (level 2 multiverse)? Ở ngoài cái tầm chi phối bởi "sắc thanh hương vị xúc pháp" đó, ở nơi mà khả năng cảm nhận trực tiếp hoặc gián tiếp bởi "nhãn nhĩ tỷ thiệt thân ý" kết thúc, ở nơi mà bước đầu tiên của quá trình "thọ tưởng hành thức" không thể thực hiện được nữa thì có cái gì và cái đó là cái gì? Ở nơi hiển hiện khả năng "vô trí diệc vô đắc, dĩ vô sở đắc" thì nội dung của tâm trí là cái gì??

Khoa học và kỹ thuật hiện tại đã tiến một bước rất dài kể từ khi được giải phóng khỏi bóng tối thần quyền của thời kỳ trung cổ. Kể từ sau thời kỳ đó, tức là kể từ khi bắt đầu thời kỳ "ánh sáng" (enlightenment era), mới có thuật ngữ "khoa học". Kể từ đó để phân biệt những nhận thức thô sơ với những nhận thức được gọi là khoa học người ta đặt ra những tiêu chuẩn nhận thức. Có thể kể những tiêu chuẩn đó như sau:

* Một là, thỏa mãn chủ nghĩa duy nghiệm. Chủ nghĩa duy nghiệm đó phát biểu như sau: Một kết luận được coi là kết luận khoa học nếu nó được rút ra từ những thí nghiệm có thể lặp lại được và từ cùng những điều kiện nhất định của thí nghiệm phải thu lại được cùng kết quả. Điều này dẫn đến mọi kết luận khoa học nhất thiết phải được lượng hóa bằng các phép đo. Ngay cả các nghiên cứu liên quan đến các quá trình ngẫu nhiên, các diễn biến hỗn độn cũng phải được lượng hóa bởi một độ tin cậy/độ ngờ nhất định. Đây là một biểu hiện khác của nguyên lý nhân quả được thu hẹp trong phạm vi thế giới khả tri mà thôi.

* Hai là, thỏa mãn chủ nghĩa duy lí. Chủ nghĩa duy lí đó phát biểu như sau: Mọi quá trình suy luận, mọi tính toán phải đảm bảo tính chặt chẽ lôgich. Tính chặt chẽ lôgich bao gồm không vi phạm nguyên lý triệt tam (không có phát biểu nào không đúng không sai), nguyên lí phi mâu thuẫn (không có phát biểu nào vừa đúng vừa sai) và đảm bảo các qui tắc suy luận đã được chấp nhận. Vì lẽ nếu chấp nhận chủ nghĩa duy lí nhị nguyên luận đó thì buộc phải lần ngược để xem xét tính đúng đắn của những phát biểu lấy làm nền tảng ban đầu. Nhưng những câu hỏi lần ngược kiểu đó không thể kéo dài vô tận được. Phải đến một câu hỏi chí tử mà ở đó ta phải chấp nhận câu trả lời hoặc là "Thượng đế đã nói như thế" hoặc xem câu trả lời nào "tàm tạm chấp nhận được" để sử dụng như một tiên đề. Nhưng hầu như tất cả các nhà khoa học không thích lôi thôi với thượng đế, thậm chí có nhà khoa học đã phát biểu "Sau khi đã quan sát kỹ lưỡng vũ trụ thì không thấy có chỗ nào cho thượng đế cả!" Nói cách khác các hệ tiên đề trong khoa học đã thay thế hoặc chính là các thượng đế của khoa học vậy.

Nguyên lý thứ hai này không thay thế được cho nguyên lý thứ nhất, mặc dù nó phải luôn luôn được áp dụng trong mọi suy luận khoa học. Nguyên lý thứ hai này được vận dụng trong trường hợp mà các thí nghiệm là bất khả thi trong điều kiện của trình độ khoa học kỹ thuật có bị hạn chế ở thời điểm giả thuyết khoa học được phát biểu. Lý thuyết tương đối hẹp của Einstein trong đó không-thời gian có thể co dãn được là một ví dụ. Còn nếu một giả thuyết khoa học được kiểm chứng là đúng đắn bởi nguyên lý thứ nhất mà lại phát sinh mâu thuẫn với những hiểu biết đã có - vi phạm tính ổn định lôgich -  thì nhất định là có gì sai... ở các tiền đề rồi. Đã nói các tiên đề là thượng đế trong khoa học nên khi đó buộc phải làm một việc là mời thượng đế cũ đi chỗ khác chơi và tấn phong một thượng đế mới vậy. Đôi khi vị thượng đế cũ xem ra vẫn còn có ích trong nhiều trường hợp thì đành phong vương cho ngài và nhắc ngài bái thượng đế mới làm hoàng đế nhé! Trường hợp vật lý cổ điển của Newton và vật lý tương đối tính của Einstein là một ví dụ quen thuộc.

Không thể nào xây dựng một hệ tiên đề cho một lý thuyết mà tránh được việc đến lúc nào đó nó phát sinh mâu thuẫn nội tại trong lý thuyết đó. Trong tin học lý thuyết có một định lý "rất tức cười", đó là định lý Cohen "Không một chương trình máy tính nào diệt được tất cả các chủng loại virus máy tính, nếu có một chương trình nào như thế thì chính nó là một virus máy tính". Nó sẽ là kẻ thù của chính nó và tiêu diệt chính nó. Bản thân khoa học cũng chứa những mâu thuẫn nội tại. Khi nó được xây dựng nên từ tinh thần của thế kỷ ánh sáng, nó đã từ chối thần quyền, từ chối chỗ ngồi cho thượng đế và mọi loại thần thánh trong lâu đài khoa học. Nhưng nó cũng từ chối luôn những vấn đề của thế giới tâm linh, với tính cách những vấn đề đó lâu nay vẫn bị gán ghép với thế giới thần quyền. Điều đó chẳng khác gì khi ta từ chối chỗ ngồi của thần sấm, thần sét đồng thời quay lưng luôn với sự hiện thực của hiện tượng sấm sét. Nếu chẳng may đã có sự quay lưng như thế thì ngày hôm nay ta không thể nào có truyền hình, máy tính, những thứ mà trước đây chỉ có trong các câu chuyện thần thoại hoặc chuyện cổ tích. Nàng Bạch Tuyết và bảy chú lùn ắt là buồn lắm nếu cái gương thần đã bị đánh mất vĩnh viễn chớ không được gắn thương hiệu mới của Iphone hay Ipad! Chúng ta có thể quay lưng với cả đống thiên đường, quay lưng với vườn địa đàng và nàng Eva eo thon, quay lưng với muôn vàn địa ngục ngự trị bởi Diêm vương râu dài và chó ngao lông xù, nhưng quay lưng với thế giới tâm linh thì ta gặp trở ngại trong việc giải thích hàng loạt vấn đề, trong đó có vấn đề về nguồn gốc trí tuệ của con người. Chúng ta có thể giải thích tại sao cá thể này có đặc tính di truyền - có tính cách sinh vật - của cá thể khác bằng hiểu biết về chuỗi ADN, nhưng chúng ta sẽ không thể giải thích vì sao đặc điểm trí tuệ của con người khác con khỉ hay con chó đến vậy. Ngay khi chúng ta có thể nghiên cứu kỹ lưỡng từng nơ-rôn thần kinh và sóng alpha phát ra bởi não bộ, chúng ta sẽ không có căn cứ nào để giải thích những hiện tượng vẫn được xếp vào hiện tượng cận tâm lý.

Chúng ta đã thiếu một nguyên lý nào vậy trong khoa học? Cái nguyên lý sẽ khiến chúng ta hiểu ra bản chất của chu trình sinh diệt? Cái nguyên lý sẽ thúc đẩy chúng ta đến chỗ hiểu ra đằng sau cái bước chuyển hóa giữa hai đầu sinh diệt, khiến cho cái chết không phải là một sự phủ định tuyệt đối đầy thê lương mà chỉ là một nốt cuối trường canh của bản hòa âm dìu dặt và rộng lớn của nhân quả vĩnh cữu.

Đó là một câu hỏi lớn, thậm chí rất lớn.



[1] (Diêm vương) Nói xong, sai ngay vị phán quan mang sổ sinh tử lại trình, xem tuổi thọ của nhà vua ở dương thế được bao nhiêu năm. Phán quan họ Thôi vội quay vào ty phòng, mang cuốn sổ hưởng lộc trời của vua chúa các nước trong thiên hạ ra xem xét lại một lượt, thấy ghi Thái Tông hoàng đế nhà Đại Đường , thuộc Nam Thiệm Bộ Châu hết số năm Thịnh Quán thứ mười ba. Thôi phán quan giật mình, vội vàng lấy bút chấm đẫm mực viết thêm hai nét chữ nhất rồi đưa sổ ra trình. Mười Diêm vương soát lại một lượt từ đầu, thấy ghi ở dưới tên của Thái Tông là ba mươi năm, bèn thất kinh hỏi:
- Bệ hạ lên ngôi được mấy năm rồi?
Thái Tông thưa:
- Trẫm lên ngôi đến nay là mười ba năm.
Diêm vương nói:
- Bệ hạ hãy yên tâm đừng lo nghĩ, bệ hạ còn hai mươi năm hưởng thọ ở trần gian nữa kìa. Lần này xuống đây đối chất minh bạch rồi, bây giờ xin mời bệ hạ trở lại trần thế.
Thái Tông nghe nói, cúi mình cảm tạ. Mười Diêm vương sai Thôi phán quan, Chu thái úy đưa Thái Tông về trần. .....
(Tây Du Ký - Ngô Thừa Ân - Bản dịch của Như Sơn, Mai Xuân Hải, Phương Oanh - Nhà xuất bản Văn Học - năm 2009 - Hồi mười một, trang 192)


[2] The inflation debate (Is the theory at the heart of modern cosmology deeply flawed?) - Paul J. Steinhardt - Scientific America - April 2011 - pages 36-43.

[3] Does the multiverse really exist? Proof of parallel universes radically different from our own may still lie beyond the domain of science - George F. R. Ellis - Scientific America - August 2011 - pages 18-23.

Thứ Bảy, 13 tháng 8, 2011

NGỌC LAN

Dương Thiệu Tước và... Ngọc Lan
Tác giả: Quỳnh Giao

Nếu Dương Thiệu Tước là người viết ca khúc khêu gợi nhất từ thời “tiền chiến”, thời phôi thai của tân nhạc cải cách, thì ông cũng là tác giả của một ca khúc lãng mạn thanh quý nhất. Trước “Cỏ Hồng” của Phạm Duy dễ mấy thập niên, bài “Dưới Ánh Trăng” của Dương Thiệu Tước là ca khúc mang rất nhiều ẩn dụ âm dương.
Anh như ánh trăng thanh
Em như hoa trên cành
Trăng lồng hương sắc thắm
Âu yếm cho mộng tàn canh.
Ánh trăng mà ái ân với nụ hoa đầu cành, không là nghệ sĩ giàu trí tưởng tượng thì ít ai nghĩ ra! Chữ “lồng” của ông trong đoạn mở đầu quả là đắt! Ðông phương thời xưa vốn không nghèo ý lạ thì cũng phải chịu chữ này là hay. Là động từ hay hình dung từ vậy, mà ánh trăng lại lồng cho hương sắc thắm?
Người ta thường nói Dương Thiệu Tước kết tinh tài hoa của đất Bắc ngàn năm văn vật vào một thể loại mới là nhạc cải cách, mà ông cũng là một trong mấy tác giả tiên phong. Ông sinh năm 1915 tại làng Vân Ðình tỉnh Hà Ðông, là cháu nội cụ Dương Khuê của văn học sử. Những bậc cao niên ngày nay vẫn còn nhắc đến Dương Thiệu Tước tại Hà Nội của sáu mươi năm về trước, môi đỏ tựa son, da trắng hồng, tóc đen nhánh, gợn sóng như một công tử tài hoa đất Hà Thành. Ông thuộc loại nhạc sĩ quán triệt nhạc thuật Tây phương lẫn văn hóa Ðông phương nên mới cho “trăng lồng hương sắc thắm” trong ca khúc thuộc loại đầu đời của tân nhạc cải cách. Sau ông, nhiều nhạc sĩ khác cũng nổi danh trong trường phái tân nhạc cao sang về lời từ và quý phái trong giai điệu. Họ không nhiều đâu. Ðó là Vũ Thành, Nguyễn Văn Quỳ và Cung Tiến. Họ viết nhạc trên giai điệu Tây phương, rất gần với thể loại về sau chúng ta gọi là “bán cổ điển”. Nhưng, khác ba nhạc sĩ trên, Dương Thiệu Tước cũng là tác giả của nhiều ca khúc vẫn đậm nét Á Ðông, trên giai điệu ngũ cung: đó là “Ðêm Tàn Bến Ngự” vô cùng Huế, hay “Tiếng Xưa”, hết sức Nam kỳ. Nói “Tiếng Xưa” là giai điệu miền Nam thì nhiều người hoài nghi, nhưng xin nghe lại mà xem. Những người sành cổ nhạc Nam phần như Nguyễn Hữu Ba hay Việt Hùng thì không còn ở với chúng ta để xác nhận điều ấy, cho nên mình phải nghe lại, ngẫm lại!... Dương Thiệu Tước để lại cho hậu thế nhiều tác phẩm trang nhã của loại bán cổ điển, như “Áng Mây Chiều”, “Buồn Xa Vắng”, “Mơ Tiên”, “Bến Xuân Xanh” hay “Thuyền Mơ”... Bài nào cũng là viên ngọc quý trong kho tàng nhạc Việt. Riêng một bài thì rõ là một đóa hoa quý: “Ngọc Lan” tiếp nối ẩn dụ của “Dưới Ánh Trăng” đã nói ở đầu. Nhưng thanh thoát bội phần. Một số người ưa chuyện hậu trường thì cho rằng Ngọc Lan được Dương Thiệu Tước sáng tác cho Minh Trang (thân mẫu của người viết bài này!) Ðấy là tiểu tiết hay tiểu truyện không cần nói trong tác phẩm. Ðúng sai thì xin để lại cho những người trong cuộc. Dương thiệu Tước viết bài này tại đất thần kinh năm 1953, khi cùng thân mẫu của người viết về Huế thăm đại gia đình đã xa lâu rồi. Nếu “Dưới Ánh Trăng” là ca khúc tả cảnh để tả tình, để ánh trăng ân ái với đóa hoa, thì “Ngọc Lan” tả đóa hoa mà để nói về tình yêu thanh khiết. Những người không hiểu lời, ngoại quốc chẳng hạn, hoặc nếu chỉ nghe phần nhạc có hòa âm công phu, thì vẫn cảm nhận được nét đẹp lả lướt mà không lả lơi, phóng khoáng mà không phóng túng và nhất là giai điệu rất trang trọng, quý phái. Trước vẻ đẹp của hoa, người nghệ sĩ chỉ có thể trầm trồ như vậy!


Viết trên cung Mi giáng Trưởng, dìu dặt khoan thai theo tiết điệu “ba bốn” của một bài luân vũ chậm, ca khúc Ngọc Lan có ba nhạc đề. Phần đầu tha thiết dịu dàng mở ra như một đóa hoa ngọc lan mới nở và phả ra hương thơm ngoài hiên nắng. Từ cánh hoa trắng muốt như bạch ngọc, nhạc sĩ chuyển qua phần hai, ngợi ca cả thanh lẫn sắc. Hóa ra hoa chỉ là người. Mà phải là người rất đẹp. Qua đến nhạc đề thứ ba, tác giả chuyển từ cung Mi giáng Trưởng sang Si giáng Trưởng rồi qua Sol thứ trước khi trở lại Si giáng Trưởng để chuyển về nhạc đề đầu tiên. Nhạc đề này diễn tả sự hôn mê rung động của người ngắm hoa. Tác giả khiến ta nghĩ rằng trước vẻ đẹp tinh khiết của hoa, người nghệ sĩ phải lùi lại, ngậm ngùi nhìn nét đẹp như hương thơm, cứ thoảng dần trong gió và để lại nơi đây, trong cõi đời này, biết bao thương nhớ. Nhạc thuật gợi lên nào thanh, nào sắc nào hương và nỗi tình si của người không dám sỗ sàng bước tới, mà chỉ chìm dần trong làn hương thắm do đóa hoa vương lại. Về cách diễn tả thì khi trở về nhạc đề thứ nhất, người ca sĩ sẽ hát cho đến cuối nhạc đề hai bằng hai câu kết tuyệt vời, một trên cung Trưởng, một trên cung Thứ và đáp lại bằng Mi giáng Trưởng lâng lâng, đầy thương nhớ. Ngày xưa, trong các đài phát thanh của Sài Gòn, khi hát câu cuối, người ca sĩ phải lên đến nốt Sol cao ngất, ở ngoài dòng kẻ. Nhưng đó là chuyện ngày xưa! Ngọc Lan là ca khúc kén người hát lẫn người nghe. Muốn hay thì trước hết phải có hòa âm ra hồn, mà về hòa âm không phải nhạc sĩ nào cũng diễn tả được nét thanh quý của tác phẩm. Không chỉ là một bài hát, Ngọc Lan là một bài thơ, một bức họa và một đóa thơm lãng mạn. Ca khúc này được nhiều người trình bày, nam lẫn nữ, nhưng có lẽ thích hợp với giọng nữ hơn là nam. Ðiều này hơi lạ vì nội dung gợi ý về bậc nam tử thấy người ngọc trong “giấc xuân yêu kiều” bỗng mê đắm mà... lùi lại để tơ vương trong tâm tưởng. Ngợi ca đóa hoa như vậy thì phải là nam tử chứ? Về nhạc thì vậy, về lời từ thì thật đáng thương cho Dương Thiệu Tước, cháu nội cụ Dương Khuê. Ông viết nhạc đã hay mà dùng chữ rất tài cho một hậu thế lại coi thường chữ nghĩa và nỗi dụng công của ông. Khi viết “ngón tơ mềm, chờ phím ngân trùng, mạch tương lai láng”, ông dồn hết thi họa và nhạc vào một câu làm người ứa lệ trước cái đẹp. “Mạch tương lai láng” là một điển cố nói về giọt lệ. Nhưng đời sau lại hát ra “mạch tương lai sáng”. Dẫu có buồn thì cũng chưa đáng khóc bằng “mạch tuôn” hay “mạch tuông lai láng”! Dễ hiểu hơn đấy, nhưng khiến tác giả không hiểu gì nữa... Thương cho một đóa ngọc lan.

Chủ Nhật, 7 tháng 8, 2011

TRONG CHIỀU

.
Mấy tháng nay đâm ra biếng viết blog. Không phải biếng suy nghĩ mà là biếng góp tiếng nói trong cái cõi bỗng dưng thấy nó quá nhộn nhạo, chán chường này. Bằng chứng là vẫn viết, mà viết không tới đâu! Có cả đống bài viết đầu voi đuôi chuột, nhập đề và thân bài thì hùng hỗ mà càng gần tới kết luận thì lừng khừng, hết ý, chán... Thôi bỏ luôn! Vì vậy đâm ra mê làm vườn, mê trồng cây này cây kia. Kết quả là được một giàn mướp, một giàn đậu rồng, một vạt bạc hà đủ nấu canh chua ăn hoài không hết, một vạt rau cải xanh đủ để khỏi mua ba cái thứ rau ô nhiễm ngoài chợ, tỉa được một vạt bắp đếm được gần trăm gốc đủ sắp tới đây mời anh sui chị sui hoặc mấy ông bạn già, bà bạn già hết răng tới "đốt lửa trại" và cạp bắp một bữa! Ô hê, chẳng thích đi đâu nữa! Mấy đứa con cứ cằn nhằn sao ba chẳng chịu đi đâu chơi. Sao ba chẳng chịu đi xứ này xứ kia cho biết đó biết đây, biết thiên hạ hiện đại ầm ầm, biết chỗ này chỗ kia lâu đài lộng lẫy, nhà cao cửa rộng! Để làm cái gì? Có giải quyết được cái gì những bài toán khổ đau muôn đời của con người? Thôi khỏi cần, muốn biết thì mỗi ngày lên Internet mở Le Figaro hay báo Le Monde Online ra đọc. Muốn biết nhanh chóng hơn nữa thì mở CNN online là thấy đầy con mắt, nghe đầy lỗ tai chuyện thế giới cấu xé nhau, thấy ở đằng này sự phù phiếm xa hoa thì ở đằng kia thiên hạ vẫn chết đói dài dài .v.v. Còn nếu không chán thì mở Tuổi trẻ Online hoặc VnExpress đọc mấy tin già khú và nguội ngắt cũng được!
Chiều nay nắng đẹp, sách dao ra làm cỏ vườn. Cái thứ cỏ bất trị, đang làm cỏ đàng trước mặt thì nó đã ồ ạt lên sau lưng mình rồi. Kệ nó, nó lên cứ lên mình làm cứ làm. Chiều êm ả, nắng hanh vàng trên đám cỏ êm xanh rờn. Ngay mấy cái lá khô quắn dồn đống tự hồi nào cũng đẹp. Làm cỏ mà thích quá. Nắng chiều nhạt nhòa làm nhớ bài nhạc của Phạm Duy: Chiều rơi trên đường vắng, có ta rơi giữa chiều. Hồn ta như vạt nắng, theo làn gió đìu hiu... Tại sao mình không thưởng thức cái đẹp của buổi chiều, dù cái đẹp đó đôi khi rất u uẩn. Nỗi buồn đâu phải bao giờ cũng đau, nỗi buồn có khi cũng êm ái chứ, như nỗi buồn trong buổi chiều êm này vậy!

Đang làm cỏ thì nghe lạo xạo sau lưng. Chàng tuổi trẻ lại tới! Anh bạn trẻ kém tôi hơn một thế hệ. Tính cho chính xác toán học là kém 35 năm. Cười cười hỏi hôm nay có chuyện gì nữa đây. Hỏi cho ra hỏi thôi chứ nhìn cái mặt chảy nhão kia thì biết anh chàng của tôi hôm nay thất tình đậm lắm rồi. Chậc... nói về cái vụ thất tình thì ở tuổi nào cũng đau khổ. Mấy ông bà lắm tuổi khi thất tình còn đau khổ hơn cả bọn choai choai nữa kia, có điều họ sâu sắc hơn trong nỗi buồn của mình và họ ôm ấp nỗi sầu một cách cẩn trọng và có phần cao ngạo hơn. Anh bạn trẻ của tôi tới tại vì anh bạn chẳng biết thổ lộ với ai về nỗi đau của mình. Cái dung nhan nguyên nhân của nỗi đau thì tôi chưa gặp bao giờ nhưng tôi thuộc gần hết đặc tính của cả dòng họ cái dung nhan ấy, thậm chí còn biết được nhà "nàng" có mấy con chó, mấy con mèo. Con chó nào dễ thương và con mèo nào kênh kiệu! Tôi trở thành chuyên gia tư vấn bất đắc dĩ. Trời ạ, tôi cũng thất điên bát đảo trong ma trận ái tình chớ có hay ho gì đâu mà tư vấn! Sau khi loanh quanh năm điều bảy chuyện trên trời - đại loại như sao hôm nay trời không mưa hả thầy, sao mấy cọng cỏ này mọc lẹ quá vậy, sao mấy trái bưởi này tròn quá ha. Những câu hỏi ngớ ngẩn và những câu trả lời chắc cũng lơ ngơ không kém. Mà thôi, trách làm gì những kẻ đang yêu!

Cuối cùng những câu hỏi "đàng hoàng" cũng tới.

- Thầy, giúp em chút kinh nghiệm xử lý chuyện này đi thầy.
- Kinh nghiệm thì làm được gì?
- Thì kinh nghiệm là mẹ thành công mà...
- Kinh nghiệm là mẹ thành công hồi nào!?
- Thì... thất bại là mẹ thành công. Người ta nói như vậy mà!
- Ai nói vậy? Thất bại này là... bà nội thất bại khác thì có.

Mấy câu trả lời không được đàng hoàng lắm nhưng thiệt tình. Trời, sao khi không tôi vướng vô cái chuyện tình này vậy? Nhưng tôi lỡ uống hết chai rượu hôm trước chàng tuổi trẻ đem đến tặng tôi rồi, bây giờ tôi phải có trách nhiệm làm "Bà Tùng Long gỡ rối tơ lòng" thôi. Vái trời chàng tuổi trẻ - và biết đâu có khi cả ông già bà già của chàng nữa - đừng có một hôm nào đẩy tôi vô cái thế ngu nhất trần đời là đóng vai làm ông mai. Cái sợi chỉ hồng là sợi chỉ khó buộc nhất và cũng dễ tuột nhất. Thiên hạ nhờ mình buộc giùm nhưng có khi mới quay lưng là thiên hạ đã tháo sợi chỉ ra mà còn mắng vốn mình buộc không chặt nữa, hoặc mắng vốn mình buộc chặt quá bây giờ muốn tháo ra mà tháo không được! Vái trời cái dung nhan lạ hoắc đó đừng có làm khó dễ chàng tuổi trẻ của tôi nữa. Thiệt tình tôi đã mắng thầm trong bụng không biết cái con nhỏ đó sao mà nó làm chảnh thế không biết, cái con nhỏ đó chắc vườn nhà nó chỉ trồng chanh trồng khế hay trồng sung chắc. Nhưng thôi không nói ra làm chi cho chàng tuổi trẻ của tôi mất hết "nhuệ khí"! Tôi không chắc mình thông minh nhưng chắc chàng tuổi trẻ của tôi thì "hậu sinh khả úy", vậy nên tốt nhất là "đi hai hàng", chọn phương án 5 ăn 5 thua để chàng tuổi trẻ của tôi tùy cơ ứng biến. Tôi cũng hài lòng thấy chàng tuổi trẻ của tôi biết lập luận chặt chẽ, thậm chí chàng còn phân tích bài toán tối ưu bằng một ngôn ngữ toán học không chê vào đâu được, trong lựa chọn quyết định khi ngày mai đi gặp cái dung nhan khủng khiếp đó. Tội nghiệp chàng trai của tôi quá, lần nữa tôi lại vái trời cho cái con nhỏ đó không phải là một lập trình viên máy tính hoặc là một thứ gì đại loại tương tự. Trong trường hợp đó chắc tôi phải/bị giải bài toán tương tác giữa hai con robot (hoặc cái bài toán tối ưu của chàng tuổi trẻ có thể lâm vào thế vòng lặp vô tận và chàng có thể còn làm phiền tôi dài dài).

Trời sụp tối. Tôi tưởng tôi thoát được chàng rồi. Dè đâu chàng lại cật vấn tôi sau bao nhiêu lời hoa mỹ của tôi về tình yêu.

- Thầy ơi. Tình yêu là điều có thật không thầy?

Tôi nản quá. Có những thứ người ta chỉ có thể trải nghiệm mà thôi. Bực quá tôi bèn độp luôn một câu:

- Thì yêu đi rồi biết!

Chàng tuổi trẻ của tôi bây giờ có khuôn mặt chảy xệ như mặt ngựa, như mặt tài tử Jean-Paul Belmondo vậy. Thế là tan tành cái buổi chiều êm đềm của tôi!

Thứ Hai, 1 tháng 8, 2011

Tặng cô bé đi biểu tình




TẶNG CÔ BÉ ĐI BIỂU TÌNH

cô bé làm tôi rơi nước mắt
khi cô áo trắng, đời đang thơ
nghĩ hưng vong cô còn hữu trách
mà nhói lòng tôi, gã thất phu

tôi ở bên trời thương nhớ quá
dễ chia cô đôi chút ân cần
cô ung dung bước cùng lẽ phải
bởi lòng cô có những bà Trưng

để bất ngờ hoa nở sớm mai
cho tôi muôn dặm biết thương người
cô trong tôi ngàn lần hoa hậu
thơm ngát quê xa, phía mặt trời

HOÀNG LỘC
24-7-2011