.
Suốt cuộc đời làm người gõ đầu trẻ mình đã dạy khá nhiều môn – đôi khi bị đồng nghiệp gọi vui: Thầy Ganidan, thầy Xuyên Tâm Liên, chuyên trị đa khoa! Chuyện dạy lắm môn như vậy cũng có cái hay cho mình nhưng là xuất phát từ cái dỡ của nhà trường. Hầu như lần nào phải ôm bóng đá lộn sân cũng do hoàn cảnh nhà trường thiếu giáo viên ở một môn nào đó mà cần phải lấp chỗ trống trong thời khóa biểu hoặc đối phó với một chuyên ngành mới chưa có ai chịu đảm nhận. Những năm dạy ở Thạnh Phú có lúc phải dạy “quàng” môn vật lý bởi vì lúc đó hoàn cảnh kinh tế khó khăn, giáo viên bỏ việc nhiều quá, không đủ giáo viên bố trí cho bộ môn đó. Mấy năm ở Châu Thành lại dạy môn chính trị cũng do nhà trường lúc đó không có giáo viên chuyên trách môn này. Về Trường Sư Phạm cấp 2 (bây giờ là Cao Đẳng Bến Tre) có lúc lại bị giao cho môn Vẽ kỹ thuật vì Bộ Giáo Dục lúc đó "đẻ ra" môn này trong chương trình của các lớp thuộc Khoa tự nhiên, mà trường lúc đó cũng không có giảng viên nào biết tí gì trừ mình là có “biết chút chút”, có lúc lại dạy một môn có cái tên “tự nhiên” nhưng lại hoàn toàn thuộc Khoa Học Xã Hội: Lịch sử Khoa Học Tự nhiên. Dĩ nhiên phần lớn thời gian là mình dạy các thứ đã được đào tạo chính qui: Môn Toán, và gần 20 năm nay là các chuyên ngành của Công Nghệ Thông Tin. Đôi khi cũng tự an ủi tại vì mình thuận tay trái nên bị cái nghiệp dạy trái tay hoài! Hoặc đôi khi cũng tự trào: Đừng xem nhẹ tay này nhé, tay này là tay… cán giá chớ bộ chơi sao! Dạy trái tay hoặc phải đảm nhiệm một môn mới “phải tay” hồi nào cũng rất hồi hộp: Có đủ thời gian để “học” cái môn mới ấy không, tài liệu liên quan tìm ở đâu, thực sự có kịp nhuần nhuyển cái môn ấy để “lên lớp” không, có khi nào do không được học chính qui mà đâm ra dạy cái gì sai kiến thức không, phương pháp dạy bộ môn ấy là thế nào???? Để không xảy ra sự gì trục trặc thì phải khẩn trương tìm tài liệu cho càng nhiều càng tốt, đọc túi bụi ngày đêm, làm bài tập như bị ma đuổi, nếu môn có thực hành thì bản thân thầy cũng phải làm trước để “coi nó ra làm sao”. Điều được an ủi lớn nhất là… cho tới bây giờ chưa “được” nghe ai than phiền mình dạy cái gì đó không đạt yêu cầu và cũng chưa thấy mình "hay ho" cái môn gì ráo!! Dĩ nhiên rồi, bây giờ không thấy ai dùng Ganidan hay Xuyên tâm liên để trị bệnh nữa, nhưng từng có lúc thiếu viên Ganidan là “không được”.
Năm nay lại được giao dạy “thử nghiệm” một môn trong Khoa chưa có ai có kinh nghiệm bao giờ: Trí tuệ nhân tạo. Thật ra không phải là một nhiệm vụ được giao đột ngột. Khoa đã “đặt hàng” từ 2 năm học trước, có đủ thời gian chuẩn bị để xây dựng chương trình, để viết giáo trình, chuẩn bị “phần cứng” “phần mềm”. Nhưng cái cục đá này rắn quá. Nhá đến gảy răng mà giờ đây còn hoang mang, cảm thấy chưa hiểu gì hết ngay từ đầu. Bây giờ thấy hối tiếc sao hồi đó không nghe lời Thầy Hoàng Kiếm, không chịu trở về Trường Sư Phạm làm đề tài về trí tuệ nhân tạo do thầy hướng dẫn mà lại “dinh tê” qua Trường Bách Khoa mò mẫm mấy con IC, sờ soạn mấy em phần cứng. Không hình dung được ngay tiết đầu mình sẽ dạy ra làm sao nếu có sinh viên “cắc cớ” hỏi: Trí tuệ là gì? Cái gì làm nên trí tuệ?
Có ai trả lời giúp mình không? Mình còn chưa hiểu trí tuệ là gì, không biết cái gì đã làm cho con người có “trí tuệ” và cái "trí tuệ" ấy nó hoạt động ra làm sao, thì làm thế quái nào mà âm mưu xây dựng chương trình có khả năng “trí tuệ nhân tạo” được! Bó tay!
1 nhận xét:
Hihi, papa còn là thầy dạy nhạc của con, nhưng vì trò không có năng khiếu nên chưa làm thầy hãnh diện được, hic hic.
Đăng nhận xét