Chủ Nhật, 24 tháng 6, 2012

Điển tích...





Ai đốt Cô Tô thành vì đôi mắt giai nhân hề 
Lửa cháy bao đêm ròng, thành quách tan. 
Ai trót nhấp men tình để Mỵ Cơ thương nhớ 
Khi thác rồi, khi thác rồi, Tiên Nhẫn vẫn còn mơ 
Ai xui ta gặp nhau, để tình gây oan trái 
Để tình anh bẽ bàng, và tình em lỡ làng, và ngàn sau lá vàng khóc tình ta. 


Từ nay bèo trôi, cầu xiêu, con đò nát 
Và mây đìu hiu cây rụng lá, thân mình về đâu? 
Đàn chùng, dây phím lỡ, mái đổ nhà xiêu, nhẹ như tiếng khóc thầm. 
Mây sầu vương chót núi, đường che biên giới, người xa nhau mãi. 
Giấc chiêm bao đêm nào chìm trong sương khói thời gian. 


Xưa có người Phù Sai rắc hoa vàng sau mỗi bước giai nhân. 
Đến bây giờ yêu không đành, mà ghét cũng không đành, mà dứt cũng không đành. 
Cầu mong thời gian dần phai bao lời hứa
Và đêm từ nay không tưởng nhớ đến người mình yêu. 


Chịu được sao giông tố, cánh buồm mong manh, nhẹ như cánh bướm vàng. 
Khi mùa thu đến báo, tình duyên đã dứt, đường chia đôi lối. 
Gió nâng mây về trời đời nào quên cánh diều baỵ. 
Em khác gì Quỳnh Dao lúc cát lầm phung phí hết xuân xanh. 
Lúc đêm về thương cho đời, mà cũng ghét cho đời, mà cũng chán cho đời. 


Mưa dồn trôi nước lũ, 
xuôi dòng thả hết bụi nhơ, 
xuôi dòng trầm câu hát tương tư. 
Nhủ lòng thôi hết những mùa thu. 


Lá thu bay về anh, như những cánh hoa đời em. 
Còn đâu cành hoa màu tím - đường đi dệt gấm vàng son. 
Lòng anh chua xót 
Cánh hoa vì đợi anh rã rời, úa vàng, héo tàn, vùi sâu trong lớp thời gian. 

Bản nhạc ngoài giai điệu thiết tha như một aria, ca từ ai oán đắm đuối, còn sử dụng nhiều điển tích tình sử làm cho tình và cảnh được diễn đạt chứa một vẻ bi lụy cổ điển đầy sương khói. Thật là: 

Vấn thế gian tình thị hà vật 問世間情是何物 
… 
… 
Thiên sầu vạn cổ 千愁萬古 
Vi lưu đãi tao nhân 為留待騷人 
Cuồng ca thống ẩm 狂歌痛飲 
Lai phóng nhạn khâu xứ 來訪雁丘處 


Hỏi thế gian, tình là vật gì 
… 
… 
Ngàn mối sầu vạn cổ 
Lưu lại đợi người thơ 
Hát trong điên cuồng, ca trong đau khổ 
Tìm lại nơi đâu nấm mộ chim nhạn năm nào

(Trích Mô ngư nhi của Nguyên Hiếu Vấn)


***

Cảm thụ thì cũng “cảm” được! Tuy nhiên hiểu đầy đủ thì nhiều chỗ Bình tôi không hiểu, thí dụ “nàng Quỳnh Dao”, “Tiên Nhẫn” “lúc cát lầm”. Đoàn Chuẩn thì qua đời rồi, biết hỏi ai? Xin ai biết giải thích dùm cho thì thiệt là cảm ơn.

8 nhận xét:

Chù nói...

Chào thầy: Trước khi con giải bài này của thầy, phải công nhận là đề bài thoạt nghe chừng đơn giản, nhưng khi học trò bắt đầu "đọc đề bài" mới thấy đây là dạng câu hỏi phổ quát rất sâu rộng :-)

Bác Đoàn Chuẩn nhà mình trong lúc buồn tình (buồn vì một tình yêu bế tắc, hay một người yêu vừa cất bước?!), đau khổ, nên viết một bài tuy là tình ca nhưng bi tráng. Vì bác ấy mang vào trong lời ca thiệt là nhiều thứ ...bi kịch nổi tiếng từ Đông sang Tây, từ cổ chí kim mà hậu thế nhiều người phải vò đầu bứt tóc để hiểu mà còn chưa chắc hiểu thấu.
Thế thì thầy cho phép con vừa ngâm kíu vừa trả lời Thầy nhé! :-)

Chù nói...

Trước khi phân tích lời ca, chắc mình dành 5p nói về bối cảnh sáng tác, kiểu như hiểu đồng chí nhạc sĩ lúc ấy đang nghĩ cái gì trong đầu, đang ở đâu, làm gì, với ai v.v. thì sẽ có manh mối để biết "ý đồ tác giả" khi sáng tác ra tác phẩm.

(Thấy đọc tới đâu thấy con viết sai thì thầy sửa giùm thầy nhé)

Đoàn Chuẩn viết bài này (Bài Ca Bị Xé, hay Vàng Phai Mấy Lá, hay Vĩnh biệt) vào năm 1955, nghĩa là khi ông đã có vợ và 3 người con. Bài này, được rất nhiều người cho là nhạc sĩ viết khi nàng thơ của ông là ca sĩ Thanh Hằng đi lấy chồng. Mối tình giữa hai người là một "mối tình nghệ sĩ", không vướng cơm áo gạo tiền, chỉ có thơ với nhạc và lời ca tiếng hát, là cảm hứng để ông viết nhạc. Nổi đau khổ vì mối tình dang dở khi nàng quyết định dứt áo ra đi theo chồng, rồi chính tay xé tan và đốt thành tro nhưng lá thư hai người trao đổi, đã khiến nhạc sĩ viết ra bài hát đầy nhớ thương ai oán này.

Chù nói...

Trong bài hát có dẫn một số chuyện tình bi thảm của nhiều đôi tình nhân nổi tiếng:

1. Cô Tô Thành: chuyện tình Tây Thi Phạm Lãi

2. Tiểu Nhiên Mị Cơ (hay Tiên Nhẫn Mị Cơ) là hai nhân vật với tên Việt hóa trong bản dịch câu chuyện tình nổi tiếng trong truyền thuyết xa xưa "Tristan và Iseult" của Vũ Ngọc Phan(nguồn: http://tieulun.hopto.org/download.php?file=TucNguCaDaoDanCaVietNam1> Vì chàng uống phải bùa yêu (nhấp chén men tình) nên hai người yêu nhau say đắm dù trải qua rất nhiều gian truân chia cắt của mối tình tay ba, và cuối cùng kết thúc bằng cái chết bên nhau.

Chù nói...

3. Quỳnh Dao, cát lầm

Cây Quỳnh cành Dao trong truyện Kiều chỉ sự đẹp đẽ thanh tao. Cho nên có thể không phải có một nàng tên Quỳnh Dao, mà là một nàng có vẻ đẹp như Quỳnh như Dao.

Cũng trong truyện Kiều, sau lúc Kiều bị Hoạn Thư ghen hành hạ ngay trước mặt Thúc Sinh, chàng có đoạn sau:

"Thấp cơ thua trí đàn bà,
Trông vào đau ruột nói ra ngại lời.
Vì ta cho lụy đến người,
Cát lầm ngọc trắng thiệt đời xuân xanh."

Tại sao ĐC dẫn Kiều vào trong nhạc, mà lại ngay đoạn này?

Theo "giang hồ" và báo chí đồn đãi, thì nàng thơ của ông ra đi, vì một ngày nọ người vợ chính thức của ông, sau khi biết "tình chàng ý thiếp", đã đến gặp nàng mà hỏi khéo nàng dăm câu. Sau đó người đẹp tỉnh ngộ khỏi mối duyên ngang trái, và quyết định đoạn tình. Mạn phép đoán rằng, nhạc sĩ muốn mượn tình cảnh bị ghen tuông của Kiều, để cảm thương cho tâm trạng tương tự, hạt ngọc trắng bị cát vùi lấp của nàng ấy chăng?!

Vuong Duc Binh nói...

Cảm ơn bạn Chù đã góp ý, giải thích. Về hoàn cảnh sáng tác bản nhạc này và về hai chữ "cát lầm" vậy là rõ rồi, nhưng về nhân vật "Tiên Nhẫn" hình như vẫn chưa thỏa đáng! Nếu theo hướng giải thích đó thì vẫn còn chưa hiểu tại sao bổng dưng Đoàn Chuẩn nhảy từ một điển tích Trung Quốc sang một câu chuyện ở thế kỷ XVII từ một huyền thoại La Mã cổ đại. Rất tiếc tôi không có trong tay bản phóng tác đó của Vũ Ngọc Phan nên cũng chưa hiểu ông ấy đã cho chàng Tristan (Tiểu Nhiên) chết trong yêu oán Iseult (Mị Cơ) như thế nào. Hơn nữa tại sao Đoàn Chuẩn lại viết Tiêu Nhiễn (có ca sĩ hát là Tiên Nhẫn) chứ không phải “Tiểu Nhiên”. Dĩ nhiên do cách phát âm của người Việt tương ứng với giai điệu đó mà phát âm "Tiểu Nhiên" chắc ca sĩ phải "bẻ miệng" một cách khổ sở! Tôi không nghĩ rằng Đoàn Chuẩn đã tự ý sửa tên nhân vật một cách tùy tiện như vậy để phù hợp với giai điệu. Ở đoạn cuối Đoàn Chuẩn lại nhắc tới Ngô Phù Sai với nàng Quỳnh Dao cũng là một điều kỳ lạ! Gần với ca từ này, trong nhạc phẩm Hương Xưa thì Cung Tiến có nhắc tới nhân vật "Quỳnh Như"
(...
Dù có bao giờ lắng men đợi chờ
Tình Nhị Hồ vẫn yêu âm xưa
Cung Nguyệt Cầm vẫn thương Cô-tô
Nên hồn tôi vẫn nghe trong mơ tiếng đàn đợi chờ mơ hồ
Vẫn thương muôn đời nàng Quỳnh Như thuở đó ....

)
Không hiểu nàng Quỳnh Dao ở đây có phải lại là một "dị bản" về nàng Quỳnh Như không nữa!?

Chù nói...

Thật ra khi soi lại kỹ các điển tích mà ĐC dùng trong bài, người ta có thể thấy trong đó toàn là các câu chuyện tình tay ba:

1. Phạm Lãi - Tây Thi- Phù Sai
2. Tristan - Iseult - vua Mark of Cornwall
3. Kiều-Thúc Sinh-Hoạn Thư

Cho nên việc ĐC nhảy từ chuyện xứ này sang xứ kia chắc là cũng để nói cảnh ngang trái trong tình yêu đời nào cũng có, xứ nào cũng có chăng?

Truyện Tristan và Iseult nói về chàng thanh niên đi "rước dâu" giùm cho chú ruột là vua Mark, ai ngờ trong chuyến hải trình về nước, hai người uống nhầm ly rượu bùa yêu của nhạc mẫu pha chế dành cho chú rễ, nên bi kịch xảy ra: Iseult dù phải cưới vua Mark nhưng lại yêu Tristan, một tình yêu bất tử. Truyện có từ thời xa xửa xừa xưa Trung cổ, được biết là có nhiều dị bản về đoạn kết, một trong số đó là Tristan bị thương nặng sắp chết, Iseult quay về cứu chàng, nhưng vì một sự hiểu lầm xảy ra, khiến cả hai gục chết bên nhau. Còn cái tên Tiểu Nhiên, con đoán là chắc nếu để như vậy thì ca sĩ hát méo miệng luôn nên nhạc sĩ phải sửa lại chăng? Vì đàng nào 2 cái tên này trong bản dịch của VNP vốn đã kg gần lắm với nguyên bản?!

Về Phù Sai, thật ra ông vua này được nhắc trong một đoạn tách hẳn khỏi đoạn so sánh Quỳnh Dao. Nên có thể nói, chuyện nào ra chuyện đó, kg bị lẫn vào nhau.
Và giả thuyết cây Quỳnh cành Dao khá hợp lý vì chúng nằm trong cùng một câu với cát lầm mà ĐC dẫn từ trong Kiều.

Tuy nhiên, như thầy nói về nàng Quỳnh Như, thì con chỉ được nghe chuyện Phạm Thái-Quỳnh Như, nhưng câu chuyện này kg đúng mạch với "cát lầm", và cũng chẳng phải chuyện "tay ba", nên có vẻ không hợp lý. Ngoài ra, cũng kg nghe Tây Thi...có tên hiệu là Quỳnh Như. Nên gắn Phù Sai với Quỳnh Như thì sợ mất công ổng kiện, vì kg phải vợ ổng?!

Thầy thấy sao?

Tà lua nói...

Chù phân tích quá hay và hợp lý

Unknown nói...

Không phản biện vào đâu được. phân tích chí tình, chí lí.Cám ơn CHÙ