Thứ Tư, 8 tháng 10, 2014

Tình như hạt cát.


Bài này lúc đầu tôi định viết
 cho một đóa hoa khiêm tốn bên đường,
nhưng hoa ấy không hiểu ngôn ngữ của tôi
nên tôi đành post lên đây vậy.



Tình như hạt cát nhỏ
Gió thổi rơi bên đường
Em là hoa nội cỏ
Nắng hè làm khô hanh

***

Tình như hạt cát nhỏ
Lao xao trong bụi mờ
Tiếng tình nghe đồng vọng
Biết hướng nào thấy nhau!?

***

Tình như hạt cát nhỏ
Sa mạc đời hoang vu.
Tôi trong hạt bụi nhỏ
Mênh mông tình thiên thu.













Chủ Nhật, 21 tháng 9, 2014

BẠC BẼO TIẾNG ĐÀN



Dưới ánh đèn sân khấu, Phúc ngồi nghiêng bóng ôm cây guitar gần phía cánh gà. Sân khấu trang trí đơn điệu – là những hoa lá còn sót lại, thậm chí có mấy cái hoa giấy đã rách tả tơi, của một cái đám cưới. Nhà hàng dùng cùng một sảnh vừa để tổ chức đám cưới buổi trưa và buổi chiều tối thì tổ chức đêm cà phê nhạc. Sảnh khá rộng so với số người đến uống cà phê nên nhà hàng đã xếp lại bàn ghế dồn vào một góc. Không gian không mấy thuận lợi cho một nhạc cụ nhỏ tiếng như cây guitar độc tấu nhưng Phúc không mấy nề hà “chuyện nhỏ” đó. Cái nghiệp cầm ca kiếm sống với một nhạc sĩ tầm tầm như Phúc thì còn có chỗ để đàn là quý lắm rồi. Thôi kệ!

Thôi kệ cứ đàn-cho-hết-cho-đủ mấy bản nhạc theo như hợp đồng rồi về. Phúc chẳng buồn  nhìn thính giả vì có lẽ họ cũng chẳng nghe thấy Phúc đàn như thế nào. Khách trong sảnh nói chuyện ồn ào như chợ phiên! Đôi lần Phúc nói vui với bạn bè muốn đàn được ở mấy chỗ đó phải biết thiền, phải biết quay về nghe lấy chính mình. Có lẽ đúng vậy! Mặc kệ cho tiếng ồn vây quanh, Phúc cứ cúi người lắng nghe tiếng đàn của mình. Phúc đang đắm mình trình diễn bản Phiên chợ Ba Tư. Tiếng đàn tuôn chảy rào rạt của đoạn trémolo cũng không át được tiếng la “vô.. vô” của một bàn phía xa sân khấu.

Đang đắm mình trong tiếng đàn thì anh chàng dẫn chương trình chạy lên sân khấu ngắt ngang tiếng đàn của Phúc, giành lấy cái micro nói yêu cầu của khách muốn nghe bản nhạc khác, bản Phiên chợ Ba Tư ấy ! Phúc ớ người ra… thì đàn bản khác vậy. (Bây giờ hỏi lại Phúc đã đàn bản gì thì ảnh cười trừ vì trong lúc bực bội đã ngẫu hứng đàn bản nọ xọ bản kia không biết thành cái thứ gì nữa!). Dứt tiếng đàn, Phúc chán nản đứng dậy, lịch sự cúi chào thính giả. Đột nhiên tiếng vỗ tay vang lên rào rào. Anh chàng dẫn chương trình chạy lên sân khấu ngỏ lời cảm ơn Phúc đã cho thính giả nghe bản Phiên chợ Ba Tư rất tuyệt diệu. Tiếng vỗ tay lại vang lên rần rần… Phúc nghẹn thở… tiếng vỗ tay bộp bộp  như những cái tát đau buốt cả lòng.

Đấy là chuyện của anh bạn đàn rất thương mến của tôi. Còn tôi, tôi cũng mê đàn nhưng tôi may mắn hơn ảnh là tôi không phải kiếm sống bằng tiếng đàn, cho nên ở những chốn ồn ào bụi bặm như vậy thì tôi bèn… tắt tiếng. Bạn bè có kì kèo thì tôi bèn trả lời là tôi đang đàn bản nhạc toàn là nốt lặng đấy thôi!

Nói vậy nhưng cuộc đời có khi không phải vậy. Có khi vẫn phải đàn ở một chỗ chẳng có ai nghe đàn. Vậy khi đó thì bắt chước bạn Phúc của mình tự nhủ lòng rằng đàn cho cái đầu gối mình nghe vậy thôi. Đấy… hôm mới đây đi dự một cuộc họp mặt. Là nhân dịp trung thu, thầy cô kêu qua chơi, cứ tưởng trung thu là tết thiếu nhi nên đã sắp soạn mấy bản nhạc thiếu nhi và cây đàn mandoline qua đàn cho mấy cháu nhỏ hát chơi. Ai dè tới chừng qua nhà thầy cô thì phát hiện toàn là mấy cháu U70 và U80. Ai nói tuổi già ưa sống trầm lắng thì nên suy nghĩ lại! Đông nghịt, rần rần ì ì, kêu la í ới như vỡ chợ. Biết mình hố rồi nên lĩnh ra vườn sau ngồi uống trà với mấy ông bạn già cho xong chuyện. Nhưng cũng không yên, có một anh bạn chạy ra sau cằn nhằn móc ngoéo lôi mình vô đàn cho mấy vị trẻ em già hát hò. Thôi kệ!

Thôi kệ đàn cho mấy vị già còn sung hát múa vậy. Ầm ỉ đến nổi mình phải càm ràm “Tôi còn không nghe được mình đang đàn cái gì nữa đây này”. Anh bạn hét vô tai mình: Thì cứ đệm chách chách chùm chùm… hát hay không bằng hay hát mà!”

Rằng vui thì có rằng vui, nhưng cái kiểu văn nghệ này thì mình ớn quá nên cũng ráng ôm cái trống bongo giữ nhịp cho mấy lão ngoan đồng vui tết trung thu vậy, chừng nào anh bạn đàn mỏi tay thì thảy cây đàn cho mình vỗ chách chánh chùm chùm tiếp. Thì như vậy đó cho tới lúc mọi người ra về gần hết có một lão bà đến mượn mình tập nhạc. Mượn thì mượn! Lão bà nói nhẹ bên tai: Anh đàn nghe hay thiệt!  Mình oải đến nỗi chẳng buồn nhìn xem là ai vậy và cũng không màng lời khen không biết có thiệt không.

Cho nên mình về nhà mà không còn tập nhạc. Cũng không biết ai mượn! Chỉ có điều đến tối ngồi nghĩ lại thì thấy mình thiệt là có lỗi. Mình đàn chẳng ra gì mà cũng còn một người chịu khó ngồi nghe. Thì cũng chỉ cần còn một người biết nghe là đã hạnh phúc lắm rồi!

Cuộc sống kì lạ như vậy đó! Có khi tưởng người ta phụ mình hóa ra mình lại phụ người ta… Người nào đó ơi, cho mình gởi một lời hối tiếc và xin lỗi muộn màng nghe.




Thứ Ba, 26 tháng 8, 2014

BÓNG CHIỀU VÀ CHÙM RUỘT.








Đầu sân có cây chùm ruột. Hồi còn đi dạy có nhiều học trò đến chơi nên trồng cho tụi nhỏ có cái để ăn vặt và vui đùa. Bây giờ về hưu rồi không còn học trò nhỏ ghé chơi còn học trò cũ thỉnh thoảng ghé thăm thì… bọn họ cũng già rồi, thậm chí có đứa tóc bạc còn nhiều hơn thầy cô và răng còn rụng trước thầy cô nên không màng tới cái thứ chua lè đó nữa! Bây giờ thì lại trông cháu ngoại mau lớn để đùa giỡn dưới gốc chùm ruột. Nhưng cháu còn bé quá và chỉ về thăm vội vàng rồi đi, chưa kịp biết chùm ruột vàng óng đang mời gọi.


eTïTTïTf



Dứt cơn mưa chiều ra nhìn gốc chùm ruột. Những chùm ruột đã già lắm rồi, nhiều trái đã chín nẫu đổi thành màu trắng úa tím nhạt. Dưới gốc cây ướt sũng nhiều trái rụng lăn lóc. Tội nghiệp những chùm ruột bạc phếch, ướt nước mưa và quạnh quẽ trong màu nắng sót chiều hôm.


Thứ Năm, 24 tháng 7, 2014

QUỲNH GIAO




Than ôi! Đã gẫy cây quỳnh cành giao!














Thứ Hai, 21 tháng 7, 2014

CÔNG VIỆC NỬA ĐÊM.



Một giờ đêm. Khó ngủ, chưa chợp mắt được chút nào đã nghe tiếng xe tải nặng nhọc ầm ù xoay trở ngoài đường. Xe gạch về tới. Lồm cồm thức dậy mở cái cửa tạm nặng chịch để xe de vô. Vừa mới dứt cơn bão rớt nên cái gì cũng ướt sủng nước. Sương xuống ướt đầm. Do xây nhà ở trong khu vực đường cấm xe tải chạy ban ngày nên suốt năm sáu tháng trời mỗi lần vận chuyển vật liệu hoặc mấy chiếc xe thi công ra vào đều phải đến và đi trong đêm.

Những người phu, gần như im lặng, lầm lũi làm việc. Trong đêm vắng tiếng gạch va chạm nhau nghe lóc róc đều đặn như một giai điệu tạo thành bởi các phím của âm vực cao nhất trên cây đàn dương cầm. Rất sợ bà con hàng xóm than phiền bị mất ngủ vì thứ âm nhạc không mấy dễ chịu này! May là chưa nghe hàng xóm trách móc gì!

***
Pha một bình trà nóng, uống vào cho ấm người và để chịu sương gió. Hai vạn rưỡi viên gạch phải xuống và chất ngay ngắn trong đêm nay. Khó mà xong việc trước sáu giờ sáng mai. Thế là thêm một đêm trắng…


Chủ Nhật, 13 tháng 7, 2014

MƯA Ở BÊN ĐƯỜNG.


(Truyện ngắn. )

Giữa mùa mưa! Trời âm u từ sáng tới chiều, mưa rỉ rả, nước đọng thành vũng hai bên lề đường. Qua khỏi cây cầu nhỏ, một cái lò gạch cũ đang tỏa hơi khói âm u sà xuống mặt ruộng xa phía bên kia. Trong hơi mưa cái mùi lò gạch hăng hắc gây gây ngột ngạt, nhột nhạt lỗ mũi, nặng nặng lồng ngực. Xéo xéo lò gạch, ở chỗ gốc trâm bầu, có một lối mòn. Đi một đoạn ngắn theo lối mòn thì tới nhà già Tám. Trời lại sắp thêm một cơn giông. Ghé nhà già Tám mà đụt mưa vậy!
***
Già Tám có một thằng con trai trời ơi đất hỡi tên Tửng. Nghe nói hồi đó Tửng học cũng được, nhưng tới lớp 9 bỗng đâm ra mê game. Tửng mê game đến nỗi ngồi lì ngoài quán net – chừng nào chủ quán đóng cửa đuổi về mới chịu về - rồi bỏ học. Thời buổi bây giờ học hành không tới đâu, lại thêm không có sức thì không biết làm cái giống gì để mà ăn nữa!? Xin một chân bảo vệ nhà hàng khách sạn – tưởng nhàn nhã - mới được 2 tuần, thức khuya không nổi, cự lộn với đồng nghiệp, bị người ta cho nghỉ. Còn những công việc nặng nhọc thì Tửng mà làm được cái gì! Từ nhỏ Tửng đã bị gọi là đực lãi rồi, y như người ta phân biệt trâu lãi với trâu cồ vậy. Xin làm một chân phụ hồ thì Tửng chỉ làm được nửa ngày!  Vác bao xi-măng bộ giò cóm róm đi run run, chỉ mới trộn một bả hồ mà đã đứng thở dốc mặt mày xanh lét… Vậy thì làm nên cái tích sự gì! Ai mà mướn! Ru rú mãi trong nhà cũng buồn nên Tửng nã tiền hai ông bà già ra quán game để giải sầu hoặc đi nhậu với đám bạn cũng trời ơi không kém. Có hôm Bà Tám đi thăm bạn già về thấy Tửng ngồi sẵn ở hiên nhà, cái mặt thua độ hầm hầm. Bà Tám chưa kịp định thần thì nó đã hỏi:
-         Bà cho tui xin vài trăm coi!?
-         Trời! Chi vậy ?
-         Chơi game chớ chi ? Tui thua tụi nó chầu nhậu rồi!
-         Không. Mà tiền đâu tao cho mầy.
-         Bà đưa không!? Vậy chớ tiền hôm trước bà bán đất đâu hết!? Không thì tui giết bà bây giờ…
Thấy nó chụp cây dao phay để sẵn trên bàn, bà Tám hoảng hồn, kêu trời kêu đất rồi chạy tuốt qua hàng xóm lánh nạn, chờ Già Tám về bà mới dám về theo. Già Tám chỉ buông một câu:
-         Thôi đi. Thằng khùng đó hết thuốc chữa rồi!
Nó lại đi ra quán game năn nỉ chủ quán cho chơi thiếu. Cái game đó nó đã chơi tới mức thành Quần hùng Đại ca. Đại ca “vai năm tấc rộng lưng mười thước cao” có thanh đao to đùng nặng ngàn cân lượng, oai phong lẫm liệt. Đại ca múa nhẹ một đường đao là bao nhiêu quái thú tan tác và bao nhiêu kẻ ngáng đường đều bỏ mạng. Đại ca cần phải luyện thêm vài tuyệt kỹ, gặp gỡ làm quen thêm vài cô nương và giết thêm vài mạng nữa mới nâng cấp lên thành anh hùng cái thế. Khi đó đại ca mới phát lộ chân mạng đế vương được. Vậy mà hết tiền chơi tiếp! Vậy mà xin tiền ổng bả không cho! Đúng là những kẻ ngáng đường, không đáng mặt giang hồ! Chỉ những “chiến hữu đàn em” biết chia sẻ với đại ca ly rượu khi buồn vui trên đường hành hiệp mới đáng mặt kẻ giang hồ! Nhưng khổ nỗi bà chủ quán nhậu đầu đường lại không bán chịu cho dân giang hồ sạch túi và bả cũng không biết “xài” ngân lượng của “game thủ”… Thực đáng ghét, đáng ghét!

***

Thì thà hai cái thân già cứ phải cưu mang cái-thằng-đồ-bỏ-đi, thì thà Tửng cứ lê la chơi game suốt ngày hay nhậu nhẹt với đám bạn trời ơi cũng không làm cho bà Tám đau khổ bằng một buổi chiều bỗng Tửng bồng một đứa nhỏ về nhà và nói thản nhiên:
-         Bà bồng nó đi, con của tui đó!
Hai ông bà già choáng váng! Sau giây phút thấy đất sụp dưới chân, bà Tám – như một phản xạ tự nhiên – giơ tay ra ôm đứa nhỏ vào lòng. Trời ơi con bé ốm nhom xanh rớt mà cặp mắt dễ thương quá. Nó nhìn lom lom bà một chút rồi dụi đầu vào ngực bà ra vẻ yên tâm tin tưởng lắm. Già Tám bị rơi vào thế triệt buộc:
-         Má nó là đứa nào!?
-         Thì ông bà nuôi nó đi. Mai mốt tui dẫn má nó về.
-         Nó được mấy tháng rồi?
-         Gần thôi nôi rồi.
-         Trời ơi! Nó đủ sữa không?
-         Tui không biết!
-        
Tuần sau nó dẫn con vợ nó về ra mắt ông bà Tám. Ông bà Tám không hài lòng cái kiểu sui gia trên trời rớt xuống nhưng cũng không có cách nào khác. Thôi thì nấu mâm cơm mời ông bà ngoại của con bé qua uống ly rượu để cháu mình có đủ ông bà nội ngoại cho tròn trịa vậy!
Người ta nói phải lắm, thương con không bằng thương cháu. Từ hồi có mấy đứa cháu ông bà mệt ngất ngư, chi tiêu cho bản thân phải dè xẻn rất nhiều, để lo cho cháu nó ăn cho đủ, nhưng mà tận trong lòng thì cũng thấy vui. Già Tám tự an ủi là đây chẳng qua là nghiệp quả ông bà phải trả, tại hồi đó ông bà dạy dỗ thằng Tửng không chu đáo mới gây ra nông nỗi.
Giờ này Tửng không có ở nhà. Ngó vô cái bếp lạnh tanh, cơm chiều chưa nấu. Vợ Tửng đang gây với Bà Tám, vùng vằn đòi bồng con bỏ về nhà ba mẹ ruột:
-         Mầy đi thì đã đành, má không dám cản, nhưng má thương mấy đứa nhỏ đó con! Tội quá!
-         Thì tội gì chớ! Tui ở đây mấy năm mà có được cái gì đâu!
-         Thì mầy muốn được cái gì bây giờ!?
-         Thôi! Tui không nói nữa. Tui chán rồi!
-         Tội lỗi!..
-         Ai tội !? Mấy người có tội không ?
-        
-         Thằng Tửng đi đâu? Sao giờ này chưa về?
-         Con mấy người sao mấy người hỏi tui!? Không ngồi đồng ngoài quán game thì cũng say xỉn đâu đó rồi chớ đâu!
-        
Hai đứa nhỏ tròn xoe mắt ngơ ngác nghe má và bà nội nói gay gắt với nhau. Hai đứa bỏ chạy ra nhà trước. Con chị chừng 4 tuổi thanh mảnh xinh xắn có đôi mắt trong vắt còn đứa em trai chừng 2 tuổi ốm còi xanh xao, nói bập bẹ. Con chị bảo đứa em:
-         Chơi gì đi.
-         Chơi ? Gì ?
-         Hát đi.
-         Gì?
-         Hát tía em đi…
Hai chị em gõ lon sữa bò cộp cộp hát nghêu ngao lạc điệu một bài hát thiếu nhi:
-         Tía em… hùm hùm … má em… hùm hùm… chúng em… hùm hùm.
Già Tám nảy giờ nhăn mặt, im lặng, ngồi thu lu, thun người lại trong cái ghế bố mục đứt lòng thòng mấy sợi nylon, cười chua chát rồi lẩm bẩm hát chế:
-         Tía em hình như… hơi khùng khùng. Má em hình như hơi… khùng khùng. Chúng em là một bầy … man man…
Hai đứa nhỏ nghe vậy hát theo:
-         Tía em khùng khùng, má em khùng khùng. Chúng em… hùm hùm…
Bà Tám nảy giờ quạo quọ nghe vậy còn nổi sân thêm, cười gằn:
-         Ai khùng ? Hai con trâu già này phát khùng thì có!
Con vợ Tửng cười không nỗi! Mới ngoài hai mươi, hai đứa con, như cái hoa chưa kịp mãn khai đã héo, môi còn hồng mà cái mặt đã âm trì địa ngục, tay chân nổi gân xanh, vừa lấy chân lùa đống quần áo dơ hôi òm vô góc nhà, lấm lét nhìn chừng ông bà già chồng vừa lầm bầm bực bội kiểu gì đó không ra một điệu lý mà cũng không phải ca dao:
-         Chồng em sao chẳng giống trâu!
Trâu đi còn biết đường về,
chồng em đi nhậu không về như trâu!
***


Tôi là khách không mời mà ghé, ngồi trú ở mái hiên nhà người ta nhìn ra mưa rơi, nghe trong nhà giọt mưa rào rạt trên mái tôn, nghe mưa gió đổ xuống cuộc đời mà không biết khi nào dứt. Trời chẳng chiều người. Mưa chắc còn dai. Thôi phải chào chủ nhà mà về. Sợi mưa xiên xiên đâm vào con mắt, lạnh rát mặt. Gió giựt quằn quại trên mấy ngọn tre, dồn ép lào xào trong hàng rào dâm bụt, thổi bay xuống lề đường mấy cái bông còn búp hoặc chưa kịp nở hết mà đã rửa nát. Chiều chưa tối mà đã âm u thiếu điều không thấy đường đi…

 bTa

Chủ Nhật, 22 tháng 6, 2014

Tưởng nhớ mùa hè...









Hè về !
Xa xôi thầy cũ bạn xưa. Viết một bài thương nhớ.
Cũng gởi đăng ở Blog của Hội quán Nhường Trà.

THẦY VÀ BẠN CŨ


Tôi ít có bạn học thân thiết để mà nhớ mặt nhớ tên và cũng ít gần gũi thầy cô của mình. Đơn giản là vì hồi tôi còn nhỏ ba mẹ cứ phải đổi chỗ ở hoài. Ba mẹ kiếm sống vất vả, lúc thì ở một cái huyện tít mù xứ muỗi Cà Mau, bước ra khỏi nhà mấy bước là đụng rừng sậy rừng đước mịt mùng, khi thì ăn nhờ ở đậu nhà ông bác ở Sài Gòn, ở một con đường nghe cái tên cũng tức cười – đường Da Bà Bầu - cơm cháo không mấy no lại quay đầu về Sóc Trăng sống với ông bà nội, suốt ngày nhong nhong ngoài ruộng với mấy con cua đồng và với mấy đứa nhỏ mốc cời người dân tộc Khmer. Cái kiếp trôi sông lạc chợ như vậy dù không đến nỗi phải bỏ học nhưng thậm chí có lớp mới vào học hơn tháng, chưa kịp thân với bạn nào đã phải lặng lẽ xách bị đệm đi xứ khác. Chẳng những không nhớ bạn cũ mà ngay cả thầy cô cũ hồi tôi còn nhỏ bây giờ cũng chỉ nhớ được thầy Mô khai tâm tôi hồi lớp năm và lớp tư, còn thì kí ức của tôi tệ đến nỗi vô phương nhớ được các thầy cô khác đã dạy tôi hồi tiểu học, đệ thất và đệ lục.

Phần lớn kí ức của tôi trong quãng đời học tập là từ lớp đệ ngũ trở đi vì từ đó việc học tập của tôi mới đi dần vào ổn định. Ba mất sớm, khi tôi mới 12 tuổi, thế là mẹ dẫn cả bầy con về quê ngoại Bến Tre! Nhưng trước đó phải lên Sài Gòn ăn nhờ ở chực hết nhà của bác rồi nhà của cậu đâu gần cả năm, lơ ngơ láo ngáo chẳng học hành gì! Khi tôi được nhận vào lớp đệ ngũ Trường Trung Học Công Lập Kiến Hòa thì đã gần hết đệ nhất lục cá nguyệt, không biết mẹ năn nỉ thầy hiệu trưởng làm sao để thầy cho tôi được vô học nữa! Hậu quả là lớp có 52 học trò thì hầu như tháng nào tôi cũng hạng 50 hoặc 51. Không biết đứa nào xui rủi học dở hơn tôi hạng 52 thì tôi… không nhớ! E hèm… vậy cũng tốt, có đứa hạng bét dở hơn thì tôi cũng đỡ quê! Trừ các môn âm nhạc, vẽ, còn thì chỉ có môn Việt văn của thầy Nguyễn Văn Cò và môn Pháp văn của thầy Nguyễn Duy Oanh là tôi ấm ớ được chút đỉnh, còn mấy môn khác tới giờ học là tôi sợ bị kêu trả bài đến xanh mặt! Đặc biệt tới giờ môn toán của cô Uyển là trái tim của tôi nó rớt tọt xuống dưới chân, mỗi khi bị cô gọi lên bảng là trái tim đập phình phịch giữa hai cái chân ốm nhách run rẩy đi muốn té! Vậy đó, nhưng tôi cũng lên được lớp đệ tứ sau khi bị thi lại mấy môn. Hồi đó thi rớt bằng trung học đệ nhất cấp thì vô quân trường Quang Trung là cái chắc. Mẹ lo sợ lắm nên mùa hè năm đó mẹ mua cho tôi mấy cuốn sách giúp trí nhớ mỏng dính để tôi tự ôn, tự lấy lại căn bản! Dù vậy tôi làm gì có thời giờ để học cho chu đáo như mấy đứa khác. Mẹ phải đi làm, mấy đứa em còn nhỏ lắm nên tôi phải lo tất tần tật chuyện giặt giũ, gánh nước, kiếm củi và nấu cơm. Ngày nào cũng xách cái rổ xúc nhảy xuống con kinh trước nhà để chao tép và nếu tệ lắm thì mỗi ngày phải ráng kiếm cho được một tô hến mới có cái gì mặn mặn dằn bụng đi học. Làm gì có thời giờ học bài. Ôi trời, cái khó làm ló cái khôn! Vậy là tôi nghĩ ra cách học: Trước hết phải đọc thuộc lòng đề bài, nhớ hết các giả thiết và yêu cầu chứng minh (Để thuộc lòng đề toán thì chỉ cần ít phút thôi!) Nhờ nhớ như vậy tôi không cần phải cầm cuốn sách hay cây viết nữa. Rồi tôi phải tập tiếp một khả năng nữa: ngồi giặt quần áo cho mấy đứa em cũng suy nghĩ về bài toán, đang ở dưới mương chao cá lòng tong cũng suy nghĩ về lời giải bài toán, đang đi ngoài đường cũng suy nghĩ về bài toán, thậm chí đang ngủ cũng suy nghĩ về bài toán. Đó là một khả năng hoàn toàn có thể luyện tập được (Nhưng xin bạn nào đang đọc lời trần tình của tôi đây đừng bắt chước cái kiểu đó trong lúc lái xe nghen, tôi không chịu trách nhiệm đâu!). Khả năng đang ngủ mà vẫn suy nghĩ là một khả năng hoàn toàn có thật. Minh chứng là sau này, khi đã làm thầy giáo dạy toán rồi (sic), nhiều đêm tôi vẫn sực tỉnh giấc giữa cơn mơ thấy mình đang giải mấy bài toán khó đã ra cho sinh viên mà chưa kịp viết vào giáo án hoặc không có đủ thời giờ ban ngày để giải ra cụ thể. Cũng nhờ khả năng đó mà lên lớp 12 tôi thoát nạn khi bị thầy Lê Văn Trinh kiểm tra bài tập: trong lúc có một đứa đang giải toán trên bảng – hình như là Nguyễn An Cư - thì thầy đi kiểm tra mấy đứa chuẩn bị bài ra sao. Tới bàn tôi thầy biểu mở tập ra cho thầy coi. Có trời đất chứng giám! Cuốn tập của tôi trống trơn không có lấy một dòng bài giải. Có lẽ thầy giận lắm nên hỏi một câu cụt lủn: Sao hả !!? Tôi gải đầu lắp bắp: Em có giải rồi. Thầy hỏi một câu còn cụt hơn: Đâu ? Tôi đáp rụt rè: Em chưa ghi vô tập. Tôi chắc là thầy nghĩ cái tên này vụng chèo… mà cũng vụng chống đây. Tôi còn nhớ thầy cười… một nụ cười khó hiểu: Giỏi hen, vậy lên bảng giải cho tui coi! Trời đất, tôi bước lên bảng trong trạng thái của một cơn mê sảng… Trong cơn mê đó tôi đã giải tròn trịa bài toán. Sau đó thầy chỉ cười độ lượng và hừ một tiếng xóa tội cho tôi!

Nhưng mà khả năng đó cũng không làm tôi “vượt lên chính mình” được. Phải có hai người quan trọng mà trời đất sắp xếp để giúp tôi lấy lại lòng tự tin, giúp cho tôi thấy rằng tôi không phải là đứa chuyên ở gần hạng bét, và rằng tôi… cũng có chút giá trị nào đó trong cuộc đời!

Người thứ nhất là thầy Trần Thanh Sao, thầy dạy tôi môn vật lí hồi lớp đệ tứ. Tôi thích cách dạy của thầy lắm: khoan thai, mạch lạc và hấp dẫn. Nhưng như đã nói trên, tôi là đứa học trò không hồi nào thuộc bài (hiểu theo nghĩa đọc vanh vách cái gì được chép vô tập). Bởi vậy mỗi lần ấp úng lên trả bài là tôi có nguy cơ nhận cây gậy dưỡng già hoặc con ngỗng về nấu cà ri! Lần đầu tiên thầy gọi tên lên trả bài, tôi ngắc ngứ đứng trồng cây trên bảng, tự nhiên quên đâu hết trơn bài học. Thầy hỏi hiền từ: Em chưa học bài hả? Tôi đáp lí nhí: Dạ, em hiểu bài nhưng không đọc lại được. Thầy đưa cho tôi cục phấn và nói: Em hiểu làm sao, cứ nói lại coi. Tôi lấy lại bình tĩnh, và tôi bỗng dưng “thông minh đột xuất”! Cầm lấy viên phấn tôi trình bày lại như mình hiểu về điện trở, cường độ dòng điện và điện thế cũng như các công thức liên quan. Thiệt tình là khi trình bày xong tôi đã đứng ngây người chờ “kêu án”. Dè đâu thầy cười hiền từ nói gọn: Tốt! Tôi được điểm tuyệt đối. Nếu tính theo thang điểm 10 thì đó là điểm 10 đầu tiên trong cuộc đời học trò của tôi. Dù sau này tôi còn được nhiều điểm 10 khác, kể cả sau này khi tôi học ở Trường Đại Học Bách Khoa, mỗi lần nhớ lại cái điểm 10 đó tôi còn muốn khóc. Trước điểm 10 đó hình như tôi chỉ làm cho các thầy cô bực bội vì… ngu. Điểm 10 đó và sự ôn tồn của thầy đã mở tung cánh cửa tâm trí cho tôi. Nếu thầy Mô là người đã khai tâm cho tôi thì thầy Trần Thanh Sao mới là người mở trí cho tôi. Gần đây đọc một bài trong tạp chí Scientific American nghiên cứu về vai trò cốt yếu của người thầy dạy khoa học trong thời đại công nghệ thông tin – thời đại mà tri thức tràn ngập không gian thông tin, chỉ cần gõ một dòng từ khóa vào Google và một cái nhấp chuột là có gần đủ các tri thức cần biết - người ta xác định rằng điều quan trọng nhất của người thầy ấy là truyền được cảm hứng và lòng yêu khoa học cho học sinh chứ không phải bản thân cái khối lượng kiến thức cần phải nhồi nhét. Tôi mang ơn và may mắn biết bao có được một người thầy đức độ và “đi trước thời đại” như thế trong cuộc đời.

Người quan trọng thứ hai là thằng bạn tên Việt. Việt nó học giỏi toán thì khỏi phải nói rồi mà nó còn giỏi nhiều môn khác nữa. Tôi thích nó và hay tới nhà nó chơi trước tiên không phải tại vì nó giỏi. Tôi thích nó trước tiên vì… nó không có Ba giống như tôi. Tại sao nó không có Ba thì tôi không biết, và cũng không nên biết. Thời kì chiến tranh đó đừng hỏi vì sao người đàn ông không thấy có mặt ở nhà! Cái câu hỏi đó khó trả lời hoặc là một câu hỏi nguy hiểm! Má nó là một người phụ nữ mộc mạc, rất hiền, có một sạp bán guốc ngoài chợ. Má nó và mẹ tôi quen nhau, thỉnh thoảng mẹ cũng sai tôi đem mấy đôi guốc mòn sứt quai của bà tới nhờ má nó đóng lại bộ quai mới, cũng là một lí do để tôi đến nhà nó. Lí do khác là nó chẳng bao giờ “chộ” tôi vì những kiến thức tôi bị thiếu sót, mất căn bản, và nếu tôi vẫn còn u ơ thì nó thân ái nhắc lại một cách nhẹ nhàng, giải thích tận tường như thể nó là thầy của tôi vậy. Cứ thế, cho đến lớp 12 thì tôi cũng được “ngang ngửa” với nó rồi. Nói rằng tôi thân với nó thì cũng không thân. Việt là đứa con ngoan, chăm chỉ hạt bột, trừ đến trường tôi không thấy nó đi chơi, còn tôi là đứa đôi khi lêu lổng – thậm chí “cúp cua” và có lần còn bị cấm túc. Khi đi đâu chơi hầu như tôi quên nó mà đi với bạn khác. Giả sử tôi có rủ rê nó – ví dụ đi uống cà phê nghe Ca khúc da vàng của Trịnh Công Sơn ở quán Giao Châu (không phải tôi đã đến hồi dư dả gì đâu, chỉ là nhịn ăn sáng để uống cà phê tối mà thôi) - chắc nó cũng không đi đâu! Dù vậy, nó quan trọng đối với tôi, cả trong học tập lẫn trong tình bạn. Còn tôi có quan trọng đối với nó không thì tôi không biết. Biết làm sao được khi bạn có một người bạn luôn luôn trầm tĩnh, kín đáo, chẳng khi nào nói với bạn chuyện gì trừ chuyện học!


          Thời cuộc gây ra biết bao nhiêu ngả rẽ trong cuộc đời. Những nhánh sông rồi mải miết chảy về phía trước, chẳng bao giờ gặp lại. Tôi với nó cũng vậy. Tính ra đã gần 40 năm rồi bặt tin nhau. Có một lần họp mặt ở quán Nhường Trà, thấy tôi ngồi chông ngốc một mình, và chắc cái bản mặt của tôi giống cái đám un hay sao đó nên một bạn trong ban tổ chức đến hỏi: Sao ngồi cô đơn vậy? Không gặp bạn cũ nào à? – Đúng rồi có khi người ta cô đơn kinh khủng giữa một đám đông những người quen biết. Nhà thơ Lamartine đã viết “Un seul être vous manque, et tout est dépeuplé!”. Lamartine viết câu đó vì mất người tình Envy. Còn tôi, tôi không mất một người tình, chỉ là thiếu một người bạn mà hồn tôi cũng trống vắng vô cùng.

eTf


Thứ Năm, 5 tháng 6, 2014

Cướp biển cấp nhà nước.








Không thể nào gọi sự việc này bằng một cái tên khác được: Cướp biển cấp nhà nước!


Hãy suy nghĩ xem Trung Quốc có còn xứng đáng
là một thành viên của Hội Đồng Bảo An - Liên Hiệp Quốc
hay không !




Thứ Tư, 4 tháng 6, 2014

Con chó sói tưởng nhầm con trâu là con cừu.




Ông Jean de La Fontaine (1621-1695) của nước Pháp có viết một bài thơ ngụ ngôn như vầy:

Le Loup et l'Agneau

La raison du plus fort est toujours la meilleure :
Nous l'allons montrer tout à l'heure.
Un Agneau se désaltérait
Dans le courant d'une onde pure.
Un Loup survient à jeun qui cherchait aventure,
Et que la faim en ces lieux attirait.
Qui te rend si hardi de troubler mon breuvage ?
Dit cet animal plein de rage :
Tu seras châtié de ta témérité.
- Sire, répond l'Agneau, que votre Majesté
Ne se mette pas en colère ;
Mais plutôt qu'elle considère
Que je me vas désaltérant
Dans le courant,
Plus de vingt pas au-dessous d'Elle,
Et que par conséquent, en aucune façon,
Je ne puis troubler sa boisson.
- Tu la troubles, reprit cette bête cruelle,
Et je sais que de moi tu médis l'an passé.
- Comment l'aurais-je fait si je n'étais pas né ?
Reprit l'Agneau, je tette encor ma mère.
- Si ce n'est toi, c'est donc ton frère.
- Je n'en ai point. - C'est donc quelqu'un des tiens :
Car vous ne m'épargnez guère,
Vous, vos bergers, et vos chiens.
On me l'a dit : il faut que je me venge.
Là-dessus, au fond des forêts
Le Loup l'emporte, et puis le mange,
Sans autre forme de procès.

Lê Trọng Bổng dịch cái truyện thơ đó ra như vầy:

Lý kẻ mạnh bao giờ cũng nhất 
Xin chứng minh lập tức châm ngôn 
Một hôm có chú cừu non 
Ung dung uống nước trên dòng suối trong 
Nơi lão sói đói thường mò đến 
Lúc này đây xuất hiện bất thần: 
"Tên kia sao dám táo gan 
Nước của ta, mày tới làm đục lên? 
- Tiếng sói thét giữa cơn điên 
Táo gan ta phải trị liền mới xong" 
Cừu thưa: "Xin Đức Ông chớ giận 
Mà xét cho thực trạng như vầy 
Nơi con đang giải khát đây 
Nằm dưới nơi uống của Ngài rất xa 
Vậy không thể nói là làm đục" 
"Chính mày vầy bẩn nước đây mà 
Ta còn biết được năm qua 
Miệng mày từng nói xấu ta rồi còn" 
"Nói chi khi má con chưa đẻ 
Nay con còn bú mẹ hàng ngày?" 
"Chẳng mày thì thằng anh mày" 
"Nhưng con đâu có" "Lũ bay rành rành: 
Mày này, mấy thằng chăn, lũ chó 
Chẳng tha ta, ta rõ hết rồi 
Chuyến này phải báo thù thôi" 
Sói già vừa nói dứt lời 
Đã lao lên quật tơi bời cừu con 
Cắn chết tha lên non ăn thịt 
Mà chẳng cần xét xử gì hơn.


Đó là chuyện ngụ ngôn xưa! Nhưng có nói đi thì cũng có nói lại như vầy: Con sói đó đã làm ăn thành công nhiều cú ở Tây Tạng, xứ đó chỉ có các nhà sư chuyên tâm niệm Phật và quay luân xa nên biểu mấy con chó ngao mặc kệ cho nó hoành hành vì tin rằng thế nào có ngày nó cũng bị quả báo, chờ cho nó xuống âm phủ rồi hãy tính sổ. Nó cũng có vài lần đột kích xứ sở của đàn bò thiêng, cắn chân mấy con bò nhưng gân bò vừa cứng vừa lạnh nhá không nỗi, và bị bò đá thì cũng không phải là chuyện dễ chịu lắm. Nó cũng thò tay ra biển Nhật Bản khều móc đám cá kình của Thái Dương Thần Nữ. Đám cá kình ngày xưa ở eo Đối Mã lầm lì bảo nhau hãy đợi đấy! Bây giờ nó lần mò xuống Biển Đông nói với muôn loài rằng hồi thời ông cố tổ nó có đi qua đây vậy đây là đất là biển của nó! Đám đông cười ồ trêu nó: Vậy xứ sở của mấy con gà Gaulois là của mấy con thiên nga Hy Lạp, vì thần Zeus từ trên đỉnh Olympe mấy ngàn năm trước đã có sai con cháu dong thuyền tới bến Marseille và… Little Saigon chắc là của Việt Nam vì ở đó bây giờ dân Việt đông lắm. Nó cáu tiết và ngắc ngứ cãi chầy rằng từ thời ông Bành Tổ có nói đất bốn phương đều là của Tam Hoàng Ngũ Đế và trong Tây Du Ký của Ngô Thừa Ân cũng nói ngoài biển của Nam Thiệm Bộ Châu có đảo Hoàng Sa rồi, không tin xem lại Tây Du Ký hồi thứ nhất có phải là đúng như vậy không!? Bà con lại tức cười quá nói đâu phải đảo Hoàng Sa mà là nước Ngạo Lai của xứ Hoang Đường ấy chứ.
Ở ven bờ Biển Đông là xứ sở của trâu. Con trâu hiền lành, chậm chạp, chỉ ưa làm ruộng. Con trâu tắm nước Biển Đông mà lớn, cứng đầu vì có cái sừng nhọn hoắc nhưng hiền lành không làm hại ai. Con trâu xưa nay bơi ra bơi vào đảo Hoàng Sa tắm mát và làm bạn với lũ chim biển bổng nhiên thấy con sói ra ngồi chình ình trên đó. Không những thế, con sói còn lảm nhảm câu La raison du plus fort est toujours la meilleure (lý của kẻ mạnh hơn bao giờ cũng nhất). Tội nghiệp con sói cô độc vì ai cũng ngán cái tánh tráo trở và làm càn nói càn của nó, lòng tham làm mờ mắt nó và Biển Đông nhiều đá ngầm làm nó quờ quạng nên nó tưởng Biển Đông là con suối nhỏ và con trâu là con cừu non. Nó ngỡ thế giới phẳng bây giờ còn là thuở hồng hoang, chỉ có nó với con cừu! Không biết cái gì sẽ xảy ra nếu nó cắn chân con trâu nữa ha !! Có khi ông La Fontaine rồi lại phải viết thêm một cái chuyện ngụ ngôn nói về một con sói cô độc thò tay vào hủ kẹo, bốc hết kẹo trong một nắm tay – bỏ bớt thì tiếc - và không thể nào rút tay ra được, trong khi sau lưng nó đang có hai ba con đại bàng nhìn chằm chằm.



hïg

Thứ Tư, 28 tháng 5, 2014

Vè Chaienism






Những hành đông gây hấn hiện nay của Trung Quốc
chỉ là sự kế thừa thói đại Hán
của các triều đại phong kiến phương Bắc - Ảnh: Lê Quân
Thanh Nien Online (27/5/2014)
E hèm có chú Chai-en (*).
Tưởng mình to béo người ta hãi hùng
Ôi giời... Chai-en-ní-dùm!
Chú mày khệnh khạng có ngày dập gan
Lên gân hống hách cả làng
Coi chừng sụp lỗ ngoài đàng chân trâu!
Chú thích:
Chaien (Goda Takeshi - hay Jaien) là nhân vật trong truyện tranh Doraemon của Fujiko Fujio, to béo và hay bắt nạt bạn bè, đặc điểm tiêu biểu của Chaien là chú rất nặng (đến 50 kg) nhưng chiều cao của chú khiêm tốn quá (138 cm) và chú có một cái rún lồi khủng khiếp. Nghe nói đến hôm nay cái rún của chú phình to đến gần 90% diện tích Biển Đông. Tội nghiệp cho chú! Cái bệnh này chắc hết thuốc chữa!



Thứ Ba, 20 tháng 5, 2014

CHÁU NGỦ CHO NGOAN.






Đang cất lại cái nhà. Dồn hết bao nhiêu vốn liếng làm lụng cực nhọc cả một đời để làm cái nhà coi cho nó “hoành tráng” một chút. Đủ thứ bề bộn. Buổi sáng - còn sớm bửng - ngồi ở bàn trà nói chuyện với thợ. Có một chú thợ tên Hùng hỏi:
- Hồi tối coi TV thấy hỗm rày Trung Quốc quậy mình quá thầy há?
- Ừa, thì nó quậy mình hoài mà, có gì lạ đâu!
Chú thợ ngồi trầm ngâm một hồi, bỗng bật ra một câu hỏi:
- Bây giờ con đi bộ đội được không thầy!
- E hèm… chú mấy tuổi rồi đó hả?
- Dạ. 34 tuổi.
- Người ta nhận chú không đó?
- Mình làm đơn tình nguyện được không thầy?
- Ừm… khoan đã… chú mà đi bộ đội thì ai xây cái nhà cho tôi hả?
- Ông nội con đánh giặc. Ba con đánh giặc. Bây giờ con cũng không ngại đâu!
Mấy người nói chuyện hào hứng lớn tiếng, làm thằng nhỏ 4 tháng tuổi còn đang ngủ giật mình khóc oe oe. Bà ngoại dỗ cháu rồi càm ràm:
- Um sùm quá cháu tôi không ngủ được đây!
Bà dỗ cháu ầu ơ rồi thủ thỉ:
- Cháu ơi… cháu bú cho no, rồi ngủ ngoan, mau lớn nghe, để cho ông ngoại đi lo chống giặc nghe…

Hà hà… thì ông ngoại đi chống giặc chớ sao!


bTa

Thứ Hai, 12 tháng 5, 2014

Huệ tú cầu...





( Ha ha... Cái này là để "cạnh tranh" với blog của cô Cỏ Tranh !)



Thứ Năm, 8 tháng 5, 2014

Sự ngạo ngược của kẻ cướp.




Ta là một thầy giáo ở quê. Hết thời dạy học thì chỉ muốn về hưu làm vườn, sống bình dị với ngọn rau tấc cỏ của đất của nước theo đúng nghĩa đen của nó. Không đủ tài thao lược và cũng ghét việc sát sinh nên không muốn viết về chuyện binh-đao-chính-trị dù lúc nào cũng đau đáu sự hưng vong của đất nước.

Lâu rồi kể từ trước 1975 - khi thừa cơ người Việt đang lâm vào cảnh "nồi da xáo thịt", anh em một nhà còn chưa thống nhất, Trung Quốc đánh thằng em để cướp đảo và cũng là đâm một nhát hiểm độc vào lưng thằng anh “đồng chí”! – ta đã dè chừng dã tâm của Trung Quốc đối với các lân bang. Một Trung Quốc phía bắc thì o ép người Duy Ngô Nhỉ, phía tây đất Phật Tây Tạng cũng không tha, tàn bạo chi xiết kể đối với các nhà sư là những người vốn không làm hại đến cả một con côn trùng, nội trị thì dùng đủ mọi nhục hình với Pháp Luân Công, lại thêm một việc Thiên An Môn đã làm lộ rõ chân tướng tàn độc của những kẻ đang lãnh đạo Trung Quốc. Nội trị của nó như vậy thì không dè chừng sao được!

Nội trị là vậy, đến khi Trung Quốc theo sách của Đặng Tiểu Bình không cần phân biệt mèo trắng mèo đen, miễn có thịt chuột ăn là được thì về thực chất đã vứt Marx và Engel vào sọt rác, lấy mục đích biện minh cho phương tiện! Ngẫm nghĩ cái cách Trung Quốc từng nuôi dưỡng và chống lưng cho bọn diệt chủng Pôn-Pốt tàn sát dân Campuchia là đủ rõ! Nhờ mấy chục năm phát triển liên tục giàu có lên, chế tạo sắm sửa khí tài quân sự tưởng như không thiếu thứ gì, tâm lý Trung Quốc là trung tâm của thiên hạ, là hoàng đế của bốn phương lại trỗi dậy. Ngạo mạn và ngang ngược bất chấp đạo lý, ngôn ngữ ngoại giao của Trung Quốc trở nên trâng tráo, không biết sỉ nhục và hành xử theo kiểu côn đồ hạ cấp, mục hạ vô nhân.

Tàu cảnh sát biển Việt Nam bị tàu Trung Quốc đâm.
Nguồn: Tuổi trẻ online
Thế giới đã trãi qua lắm kiểu đế quốc. Phần lớn các đế quốc đều thêu dệt cho mình một lá cờ chính nghĩa. Lá cờ tôn giáo của cuộc thập tự chinh, lá cờ khai sáng của chủ nghĩa thực dân chiếm giữ thuộc địa, lá cờ tự do của chủ nghĩa thực dân mới, lá cờ dân tộc thượng đẳng của chủ nghĩa phát-xít, lá cờ chủ nghĩa đại đồng của phát-xít Nhật… nhưng lần này Trung Quốc không cần thêu dệt cho mình một lá cờ! Cái lý luận “chủ quyền Trung Quốc có trước UNCLOS” thực chất chỉ có nghĩa là “lòng tham vô độ của tôi là trên hết, danh dự và lẽ phải là thứ không có ý nghĩa”. Chủ nghĩa đế quốc mà Trung Quốc đang ngạo nghễ bước tới chỉ có thể gọi là chủ nghĩa đế quốc trơ tráo.

Ta ở trong vườn, tưởng được yên tâm làm bạn với sâu với cỏ, ngờ đâu phải nặng lòng thấy Trung Quốc đang thèm khát một cuộc chiến tranh, làm đủ mọi thứ ngang ngược để có cớ cho một cuộc chiến nhằm chia lại miếng bánh của thế giới, trước hết là giựt miếng bánh của các nước nhỏ. Ta ở trong vườn lại thấy một cuộc đao binh chập chờn trước mắt, không viết vài lời không đành! Những người đang lãnh đạo Trung Quốc hình như quên lịch sử đã chứng minh rằng một nước dù tiềm lực mạnh tới đâu cũng không thể chống lại loài người. Có cái bản đồ nào của thế giới từng chấp nhận cái lưỡi bò của Trung Quốc không hay chỉ có các bản đồ gần đây của Trung Quốc? Có ai cho rằng Trịnh Hòa đặt bàn chân tới đâu thì ở đó là đất của Trung Quốc không? Phải một đầu óc bệnh hoạn hoang tưởng lắm mới nghĩ như thế! Mỹ mạnh hơn Trung Quốc nhiều (Mỹ dù đang suy thoái thì chí ít là trong vài chục năm tới cũng còn mạnh hơn Trung Quốc) nhưng người Mỹ cũng chưa bao giờ lên giọng ngạo ngược như Trung Quốc. Achille dù mạnh tới đâu cũng có cái gót chân dễ tổn thương chí tử. Trung Quốc có ý thức cái gót chân của mình không!




Thứ Ba, 22 tháng 4, 2014

Bà và cháu





Bà ngoại quay người giấu đi một giọt nước mắt. Ông hỏi: Gì vậy...? Bà trả lời run run: Coi cái hình của cháu ngoại thấy thương (cháu) quá. Coi nó lầm lũi kìa... Ông nói khẽ khàng: Có ba má nó đấy mà! Bà vẫn không vui tí nào... hẳn là bà nghĩ phải có bà kề bên cháu thì bà mới yên lòng chắc! Năm nay cháu lớn rồi, chẳng những biết đi mà còn biết chạy rất nhanh và biết hỏi đủ thứ, biết đi nhà trẻ rồi. Chỉ có điều bà phải về quê... mà quê nhà thì xa lắm, con chim bay mỏi cánh qua mấy núi mấy biển cũng chưa tới đâu cháu ơi. Thế nên bà nhớ cháu ghê lắm...


Năm trước cháu còn bé tí. Bà qua chơi và chăm sóc cháu.
Bồng cháu ra công viên chơi và chỉ cho cháu bụi hoa hồng.
Cháu hãy còn chưa biết nói và chưa biết đi


Năm nay hết mùa đông vuông sân nhỏ sau nhà lại xanh cỏ
 và mấy cây hoa tulip, hoa bồ công anh lại đâm chồi nảy lộc và lại trổ hoa.
Cháu đã biết đi thăm cái vườn hoa bé tí tẹo của mình rồi đấy. 


Cháu chỉ mới cao hơn cây hoa tulip một chút xíu
nhưng biết chăm sóc tưới tắm cho hoa rồi...
và ngồi yên lặng ngắm nhìn vuông sân...
Người ta chỉ có ít cây hoa
nhưng người ta sẽ thương nó lắm


Trong trí tưởng tượng của bà ngoại
thì cháu sắp sửa hỏi: Ngoại đâu rồi...

--- *** ---


Thứ Năm, 17 tháng 4, 2014

đừng nghiêng hạt lệ




Hoàng Lộc


rồi em ngồi trước hiên nhà
ngày xuân vừa cuối
mùa hoa héo tàn
dễ buồn chi chút dung nhan
thuở phung phí
thuở ngỡ ngàng tặng nhau

tôi xa em kể dài lâu
mùa xưa đã lặn
mùa sau chẳng về
chân trời góc bể còn se
những trôi
những dạt
những lìa lạc sông

em yêu con em thương chồng
yêu câu thơ nặng tấm lòng của tôi
để khi đứng giữa hiên đời
mới hay hạt lệ mắt người vừa nghiêng




Trong các nhà thơ hay trách móc người tình có lẽ nhà thơ Hoàng Lộc là người có nhiều bài thơ và những lời thơ trách móc thuộc hàng dữ dội nhất, đằm thắm nhất, thiết tha nhất, "quạo quọ" nhất .v.v. Nghĩa là đủ hết những cung bậc của cái sự trách móc !!! Đến nỗi nhiều khi thấy "tội nghiệp" người ấy! Thôi thì, nhân đọc bài thơ này của Hoàng Lộc, viết vài lời giúp "người ta" vậy... Và cũng phải nói qua một chút mấy câu ca dao giới thiệu dưới đây: Hai câu đầu thì là lời thề tưởng son sắt nhưng mà mới đó bước qua hai câu sau đã tính chuyện chia lìa rồi... Chàng ơi, xin chàng rộng lòng một chút !!!


                                                                         





   đừng nghiêng hạt lệ

Đi đâu cho thiếp theo cùng
Đói no thiếp chịu, lạnh lùng thiếp cam
Mai sau tình có dở dang
Thì cho thiếp gọi đò ngang thiếp về
(Ca dao)

em về ngồi trước hiên nhà
đèn đêm hắt ngọn
nhìn hoa đã tàn
còn gì một chút dung nhan
thuở phung phí
trắng hạ vàng tặng nhau

xa nhau xa đã dài lâu        
mùa trăng trước lỡ
mùa sau lỗi thề
ông tơ bà nguyệt chẳng se
thì thôi
bèo dạt
cho lìa bến sông

trách chi những chuyện con, chồng
câu thơ xưa… xót tấm lòng người xưa
mái đời quá đủ nắng mưa
lệ trong khóe mắt, van lòng đừng nghiêng.
                                                                (vdb)


Chủ Nhật, 6 tháng 4, 2014

CÂY ME



Sau nhà có một cây me. Tán cây đủ mát cho những ngày nắng gắt và đủ rộng để cho lũ chim yên tâm về làm tổ, bắt sâu trong vòm lá dày. Buổi sáng sớm nào - còn nằm trong giường - cũng nghe vài con chim chích chòe bay đến kêu lãnh lót trước khi nghe tiếng bọn se sẻ dậy trễ ríu rít rộn ràng chuyền giữa những nhánh cây. Buổi chiều và tối thường có con chim vịt - ban ngày ở sâu trong vườn nào đó - bay về hót mãi đến khuya. Tiếng hót tha thiết của con chim ấy bắt nhớ đến câu ca dao:
Chiều chiều chim vịt kêu chiều
Bâng khuâng nhớ mẹ chín chiều ruột đau.
Thỉnh thoảng còn có con cú đi ăn đêm ghé ngang rúc lên những tiếng ghê ghê nhưng rồi nghe riết cũng quen, có khi tôi còn xách đèn pin ra rọi xem hôm nay nó lớn được chừng nào rồi. Những đêm nghe như thế lại liên tưởng tới bài thơ Đông dạ văn trùng của Bạch Cư Dị:
Đông dạ văn trùng
蟲聲冬思苦於秋
不解愁人聞亦愁
我是老翁聽不畏
少年莫聽白君頭
Trùng thanh đông tứ khổ ư thu,
Bất giải sầu nhân văn diệc sầu.
Ngã thị lão nhân thính bất uý,
Thiếu niên mạc thính bạch quân đầu.
Tạm dịch chơi là:
Đêm đông nghe tiếng côn trùng
Kêu đông khổ ý côn trùng,
Không buồn nghe cũng phát khùng thu lâu.
Ta già nghe chẳng sợ đâu,
Tuổi non nghe chắc bạc đầu như chơi.
Chẳng phải mùa đông mùa thu gì và cũng không phải tiếng côn trùng trong đêm của Bạch Cư Dị, nhưng tiếng rúc thê lương của chim cú hay tiếng gọi khắc khoải của chim vịt trong đêm sâu cũng làm khó ngủ và đoạn trường lắm!
Cái gì cũng có mặt trái của nó. Dù cây me từ hồi nào đã trở thành một phần đời sống quen thuộc của gia đình thì ngoài những điều thú vị cũng có những sự khó mà cây me đem lại. Thế nên – giữa mùa hè xanh này - có một cuộc biểu quyết về số phận cây me. Con gái thì thấy không thoải mái vì sợ sét đánh khi mùa mưa về, không chịu nỗi những thứ chim kêu khó ngủ, và hình như có cái phim khoa học trời ơi nào đó nói chim có thể lây bệnh cho người. Con bé thấy nghe nhạc trên iPad, ngồi trong phòng máy lạnh xem TV, ra chợ mua me về ăn dễ chịu hơn là ngồi hóng gió dưới tán me và cây me thì chỉ đáng giá vài cái thớt me mà thôi. Bà vợ thân yêu thì khó chịu vì lá me khô bay đầy trong nhà bếp và nấu canh chua với vài vắt chanh thì khỏe hơn chờ cây me ra lá non. E hèm… trong cuộc biểu quyết đó đa số thực dụng mạnh mẽ đã thắng cái lãng mạn yếu ớt của tôi! Dầu sao tôi cũng đã, trong tuần trước, thực hiện nghị quyết một cách nghiêm túc bằng cách xách lưỡi cưa cá mập to đùng ra để hạ gục cây me.

Chiều nay tôi bỗng nghe tiếng con chim vịt kêu mơ hồ xa xăm đâu đó bên vườn hàng xóm. Ngồi bệt xuống đất khô, tôi thảng thốt nhớ bóng dáng cây me, nhớ những tiếng chim tội nghiệp, nhớ mấy trái me dốp treo lủng lẳng, nhớ những trận mưa lá me khô vàng rắc trên thềm sau. Nỗi nhớ sao cũng giống như đống cành khô lá úa của cây me đang héo quắt đi dưới nắng mà tôi đang gom dọn đây vậy!