Ông Năm đã già quá. 98 tuổi rồi
còn gì ! Sống qua mấy cuộc chiến tranh. Thấy đủ hết mọi đau thương trầm luân của
cuộc sống. Tuy vậy ông hãy còn mạnh khỏe và siêng năng. Sáng nào cũng thấy ông
cầm cái đồ hốt rác đi lững thững dọc theo con ngỏ vào nhà ông để làm cỏ. Nói
đáng tội, cái ngỏ đó không có mấy cọng cỏ lớn lên nổi với ông, nên ông lặng lẽ đi
ra đi vào cái ngỏ dài 50 mét mà chẳng có gì để làm cho tới khi nắng lên thì về
trú nắng dưới mái hiên nhà. Ông ngồi yên đó gần suốt ngày chẳng nói chuyện với
ai, mà cũng chẳng ai nói chuyện với ông. Thỉnh thoảng nhác thấy ông bên kia
hàng rào tôi lại không khỏi nghĩ đến bài tập làm văn của đứa bé có lần được bêu
trên Internet: “Nhà em có nuôi một ông nội. Ông nằm trùm mền suốt ngày. Đến giờ
ăn thì ông ló đầu ra hỏi: Cơm chín chưa bây,...”. Ông Năm thì không như vậy,
ngày nào cũng thấy ông đi ra đi vào, có khi thấy ông còn chẻ củi nữa...
Mươi mười lăm năm trước, thỉnh thoảng
tôi vẫn còn nói chuyện với ông. Ông là người ham hiểu biết, vì vậy mỗi lần nói
chuyện là ông lại hay hỏi thầy giáo ơi tại sao cái này, tại sao cái kia! Chẳng
hạn ông hỏi tại sao nước mưa tưới cây thì tốt hơn tưới bằng nước máy, tại sao
máy bay lại bay được, tại sao cái truyền hình lại có hình và lại nói được .v.v.
và ông lắng nghe rất chăm chú với cặp mắt sáng ngời.Tội nghiệp cho ông vì ông
ham học nhưng ông chỉ được học chút đỉnh ở mấy lớp bình dân học vụ xóa mù, vừa
đủ cho ông đọc được chữ mà thôi! Bây giờ thì tôi không còn nói chuyện với ông nữa
vì ông đã điếc hẳn rồi. Sấm có nổ bên tai chắc ông cũng chẳng nghe gì! Người
nông dân già đó sống thọ và sống khỏe, chỉ đáng tội là ông sống trong sự yên lặng
cô đơn tuyệt đối. Ông chỉ còn là cái bóng ở bên lề cuộc sống mà thôi...
Chiều nào tôi cũng ra làm cỏ vườn.
Về hưu rồi thì tôi đâm ra nghiện làm vườn làm đất. Đó cũng là cách để tôi không
phải trăn trở nữa về những thứ chộn rộn ngoài kia, về những thứ thị phi của một
xã hội đầy dẫy bất an. Trong khi cúi mặt xuống đất, nghe đất nói, thì tôi mới thấm
thía đoạn sau đây trong Terre des hommes (*):
“La terre nous en apprend plus long sur nous que tout les livres. Parce
qu’elle nous résiste. L’homme se découvre quand il se mesure avec l’obstacle.
Mais, pour l’atteindre, il lui faut un outil. Il lui faut un rabot, ou une
charrue. Le paysan, dans son labour, arrache peu à peu quelques secrets à la
nature, et la vérité qu’il dégage est universelle.”
Bùi Giáng đã dịch đoạn đó như sau:
Cõi người ta:
“Đất dạy ta hiểu ta hơn mọi sách vở. Vì đất cưỡng kháng lại ta. Con người
tự khám phá ra mình là lúc đọ sức với trở ngại. Nhưng muốn đạt tới, cần phải có
một dụng cụ. Cần một cái bào, hoặc một cái cày. Trong cuộc cày bừa, người nông
dân dần dà cướp giật được của thiên nhiên một vài bí nhiệm, và chân lý anh tìm
được cũng là chân lý suốt cõi muôn năm.”
Liệu tôi có như người nông dân kia,
rồi sẽ tìm ra một vài bí mật, hay tìm ra một vài chân lý nào đó, dù rằng điều
đó đôi khi cay đắng! Chẳng phải Camus đã từng viết: Il n’est pas une vérité qui ne porte avec elle son amertume. (Sự thật
nào mà chẳng mang theo nó vị đắng!) Khi tôi trốn chạy những cuộc thị phi bằng
cách cúi mặt xuống đất, liệu rồi tôi có lại đọc được từ đó những điều cay đắng hay
không?! Dù sao đi nữa thì dòng đời vẫn chảy theo cái kiểu của nó, tôi có muốn
nó khác đi cũng không được...
Trong khi làm cỏ vườn thì tôi thấy
ông Năm ngồi quay lưng lại với tôi bên kia hàng rào. Ông già đã ngồi ở đó chắc là từ
rất lâu, hai bàn tay chống cái đầu cúi xuống, yên lặng trong vạt nắng chiều, giống
như ông đang ngủ ngồi. Nhưng rõ ràng là ông không ngủ vì chốc lát ông lại đổi
tư thế, bàn tay lại chống lên càm. Chẳng có ai ngủ ngồi bằng cách chống tay lên
càm cả! Tôi không gọi ông, vì có gọi ông cũng chẳng nghe. Tôi chỉ ngồi đó và
quan sát ông mà thôi. Tôi chỉ thắc mắc không hiểu ông ngồi yên lâu như vậy thì
ông đang suy nghĩ điều gì, nhớ nhung cái gì trong tất cả kỷ niệm dài dằng dặc của
đời ông (nếu như trí tuệ của ông nó còn khá tốt, còn chưa bị cái thứ Alzheimer
nó hành hạ). Rốt cuộc tôi trở vào lấy máy ảnh chụp cái hình bạn thấy đây.
Tôi không tính chụp lén đâu, đơn giản là tôi có muốn gọi ông để xin phép cũng
không được kia mà!
Nếu có điều gì mà tôi học được từ
đất, từ cái cuộc làm cỏ của tôi ngày hôm đó, là tôi học được từ hình ảnh này của
ông Năm: Tuổi già và nỗi cô đơn trong bóng chiều.
(*) Tác phẩm của Antoine De Saint-Exupéry.
Viết thêm (24/5/2015): Bài tản mạn này tôi viết khi nửa đêm, người khá mệt mỏi, nên đôi chỗ có phần sơ lược và khó hiểu. Lẽ ra tôi nên nói rõ khi tôi cúi mặt xuống đất và nghe đất nói ấy là tôi đang nhìn lại chốn cát bụi - nơi mà tôi đã từ đó đến đây - để tìm thấy lại chính mình. Và khi tuổi già xế bóng như ông Năm, thì cái việc nhớ nhung điều gì trong tất cả kỷ niệm dài dằng dặc của đời ông là một hành động tìm lại cái thứ mà mình đã đánh mất trong dòng thời gian - bất khả tái hồi. Và tôi cũng muốn bắt chước Bùi Giáng trong đề tựa của bản dịch Cõi người ta để viết thêm:
Câu chuyện kể, là chuyện làm cỏ và chuyện già Năm. Nhưng giọng người là giọng trần gian đi tìm linh hồn mình giữa nước non hiu quạnh.
(*) Tác phẩm của Antoine De Saint-Exupéry.
3 nhận xét:
Chỉ mong sao khi già, còn đủ trí để nhận biết, khi không còn thì ngã ra chết. Cô đơn hay không không có gì quan trọng anh!
@ Hoa Sen:
Cảm ơn Hoa Sen đã có một nhận xét tích cực. Nhưng mà...... Hoa Sen ơi! Người chưa bao giờ thấm thía nỗi cô đơn sao ?
Thấm thía nhiều mới tự tin nói như thế!
Đăng nhận xét