1. Từ nhỏ không hiểu sao tôi rất thích những con đường, và thích đi trên đường. Tôi không thích nơi mình muốn tới, mà nhiều khi tôi cũng không biết mình muốn tới đâu, đơn giản là tôi thích lang thang trên đường. Mẹ tôi mắng: Đồ cái thằng
ma-cà-bông. Hồi còn nhỏ thì tôi cứ tưởng mẹ nói tôi là đứa hư hỏng, như một thứ ma quỉ nào đó. Mãi sau tôi mới biết cái âm ma-cà-bông đó xuất phát từ tiếng tây vagabond mà từ điển Larousse định nghĩa là “Qui erre çà et là. Personne sans domicile”. Dịch ra tiếng ta thì rằng là “cái giống lang thang không nhà”. Thiệt tình thì tôi là đứa có cha mẹ hẳn hoi, có nhà có cửa dù rằng phần lớn cuộc đời của ba mẹ tôi là ở nhà mướn … và bị đuổi nhà hoài muốn chai mặt. Vậy đó, tôi không thích ở trong nhà mà thích ở ngoài đường. Cũng xin nói thêm sở thích của tôi không có gì giống với mấy em tuổi teen con của mấy đại gia hiện nay ưa “dạt vòm”. Đơn giản là tôi thích vẻ đẹp của những con đường, và có thể lắm, là thích cái thứ bí mật ở đằng xa, cuối nơi con đường, sau những chân trời. Một khi đã ra khỏi nhà là tôi cứ đi, bị quyến rũ bởi những thứ lạ lẫm trên đường và đi mãi … hết biết đường về nhà
. Do cái tính thích lang thang vơ vẩn đó mà hồi bé tôi đã đi lạc vài lần! Rất may lần nào ba mẹ (và những người hàng xóm tốt bụng) cũng tìm lại được tôi.
2. Cái thị xã Cà Mau bé tẹo của tôi, tới bây giờ vẫn nằm một chỗ êm ái nhất trong trái tim tôi. Đó là chốn chứa đầy những kỷ niệm thơ dại của tôi mà tôi còn nhớ được. Và cái tôi nhớ nhất là con đường đi từ tòa hành chánh mãi cho tới Tắc Vân. Thuở đó con đường ấy rất vắng, lâu lắm mới có một chiếc xe chạy qua, hai bên đường đầy cỏ dại men theo một dòng sông đục lừ ngăn cách phía bên kia một cánh đồng rộng mênh mông. Tôi 10 tuổi đi lan man mình ên trên con đường đó ngắm nghía những thứ cỏ dại, và hơi kì cục nếu tôi nói rằng đôi khi tôi ngồi hằng giờ bên bờ sông để chỉ nhìn những con ba khía, những con còng bé xíu chạy tới chạy lui. Tôi cũng hay mang theo một gói muối hột để có khi cũng nhâm nhi vài trái muối chín trăng trắng hồng hồng ven đường một cách đê mê. Bầu trời mênh mông và gió lồng lộng. Một vài lần vơ vẫn trên con đường đó – bước chân vô định - tôi cũng lang thang vào sân bay Cà Mau. Cái sân bay dân sự chỉ có một phi đạo và một nhà ga thường xuyên vắng như chùa Bà Đanh. Tôi ngồi đó trên thềm nhà ga, chẳng ai buồn để ý chi một đứa bé mốc cời, mơ màng nhìn theo những hành khách sạch sẻ, tươm tất và sau đó tưởng tượng tới những đám mây mà chiếc DC-3 hai cánh quạt sẽ lướt qua. Chiếc DC-3 sơn một cái đầu rồng xanh của hãng Hàng Không Việt Nam gầm rú chầm chậm bò từ taxiway ra phi đạo. Tôi thích cái phút chiếc máy bay ngừng một chút ở đầu phi đạo trước khi chạy lấy đà cất cánh. Đấy là phút bắt đầu của một chuyến phiêu lưu, dĩ nhiên là trong trí tưởng tượng của tôi.
Tôi rời khỏi Cà Mau năm 1966 và chỉ trở lại lần đầu vào đâu năm 1998. Tôi trở lại con đường Tắc Vân – Cà Mau không phải bằng đôi chân trần của tuổi thơ mà bằng chiếc cub 78 cà tàng. Chở theo sau lưng “bà xã thân yêu”. Tôi đã huyênh hoang với vợ tôi đủ điều về vẽ hấp dẫn của con đường. Tôi đã hồi hộp chờ đợi gặp lại con đường đó trong mấy mươi năm. Tới Tắc Vân đã 4 giờ chiều và tôi bắt đầu chạy chậm rãi để thưởng thức cho thỏa lòng nhớ của tôi. Nhưng tôi không làm sao tìm lại được con đường của ngày xưa! Nhà cửa bám đầy hai bên đường, dơ bẩn với những thứ kiến trúc ghê tởm không chịu được. Cứ như một thứ mồng gà hoa khế nào đó kí sinh và làm tàn úa con đường của tôi. Cái phi trường ngày xưa có thể nhìn thấy phi đạo từ con đường bây giờ bị che chắn đâu mất.
Sau đó tôi chán đến nỗi chỉ ở lại Cà Mau có đúng một đêm – trong một cái khách sạn xây trên một cái đầm đã bị lấp (cái đầm đó ngày xưa nước sạch và trong vắt, nhiều muỗi nhiều sậy, nhưng tắm bữa trưa ở đó thì mát tận xương. Vậy là tôi mất con đường và cái đầm). Sáng hôm sau tôi rời khỏi Thành phố Cà Mau như chạy trốn. Nếu không chạy trốn tôi có thể còn mất nhiều thứ nữa!
3. Hồi nhỏ, học Pháp văn, tôi thích đoạn sau đây trong cuốn Cours de langue et de civilisation Française (II):
“Mais, petite, ou grande, large ou étroite, la route de France reste aimable comme les villages qu’elle traverse. Elle est égayée par le chant des oiseaux, caressée par l’ombre des nuages ou des beaux arbres qui la bordent.” (Nhưng dù nhỏ hay to, rộng hay hẹp, con đường của nước Pháp để lại niềm thân ái như những làng mạc nó chạy ngang qua. Nó ríu rít tiếng chim, được mơn trớn bởi bóng mây hoặc những tán cây ven đường). Tôi chưa bao giờ đến Pháp, nghĩa là chẳng có chút xíu kỷ niệm gì với đường xá làng mạc của nó, nhưng những con đường như vậy thực đáng nhớ và có thể làm cho người ta lưu luyến cả một vùng đất!
4. Nỗi nhớ nhung những con đường nhiều khi không do con đường đẹp. Hãy nghe “Xóm đêm” của Phạm Đình Chương:
Đường về canh thâu.
Đêm khuya ngõ sâu như không mầu,
qua phên vênh có bao mái đầu
hắt hiu vàng ánh điện câu.
Đường dài không bóng.
Xa nghe tiếng ai ru mơ màng.
Mưa rơi rơi xóa lối đi mòn.
Có đôi lòng vững chờ mong.
…….
Khó mà
biết được Phạm Đình Chương đã viết về xóm nhỏ nào. Trên tiết điệu tango habanera dìu dặt, êm ái, lời nhạc là một bài thơ tha thiết. Dù có khiên cưỡng đi nữa tôi cũng thích nghĩ Phạm Đình Chương đã, bằng tài năng âm nhạc của mình, tả rất thực tình và cảnh những hẻm nhỏ của quận 4 – Saigon những năm 60 của thế kỷ trước. Quận tư của dân lao động nghèo với những căn nhà xập xệ vá chằng vá đụp treo một cái bóng đèn thiếu điện vàng quạch. Cái thuở mà quận tư Saigon còn có thể nghe một tiếng ru con trong đêm mưa và tiếng võng đưa kẻo kẹt lẫn trong tiếng còi tàu âm u - vọng lại từ Bến Nhà Rồng - trong khi người về khuya phải dò dẫm trong ngỏ hẻm lầy lội, vừa đi vừa trầm tư về một kiếp nghèo. Người ta có thể nhớ nhung một con đường như thế không? Có thể lắm! Tôi còn nhớ một bài hát – lâu quá nên quên tên tác giả - như vầy:
Xin chọn nơi này làm quê hương dẫu cho khó thương.
Xin chọn nơi này làm quê hương dẫu chưa thanh bình.
Khi mùa mưa về còn lem nhem bước trên ngõ trơn.
Khi giặc lan tràn còn lo âu trắng đôi mắt đen
.....
Ta còn những người ngồi quanh ta với đôi trán nhăn.
Nghe lòng quặn sôi lên giữa cơn mộng lành....
.....
Bài hát giúp người ta bước qua những ngỏ hẻm lầy lội mỗi mùa mưa về miễn là ở đó còn tìm thấy đám bạn chân tình, miễn còn giữ mãi niềm hy vọng, miễn còn bao thứ khác mà người ta có thể yêu mến trong cuộc đời mình...
5. Con đường không phải chỉ để đi và đến. Con đường mang theo nó những giao tiếp, chứa trong nó những hạt giống của tâm hồn:
Con đường có lá me bay
Chiều chiều ta lại cầm tay nhau về ….
.......
Nhiều năm về trước – ngay khi còn chiến tranh - người Saigon có cái thú: “Bát phố chiều chủ nhật.” Người ta đi ra phố, không phải để đi đâu, không phải để làm gì, chỉ đơn giản là hưởng cái thú lang thang trên vĩa hè nhìn ngắm. Có thể lắm do chiến sự ác liệt ngoài kia, xa khỏi thành phố một chút thôi, làm người ta không còn chỗ nào để thư giãn trừ lang thang loanh quanh trong thành phố. Nhưng muốn loanh quanh như thế thì phố xá cũng phải dễ chịu. Đừng quá ồn ào chen lấn và xe cộ cũng ít thôi. Có như thế thì Nguyên Sa mới viết được:
Nắng Saigon anh đi mà chợt mát
Bởi vì em mặc áo lụa Hà Đông.
...
Đường xá của Saigon bây giờ xe máy ầm ỉ, khói xe mù mịt, khi nắng thì ngột ngạt, khi mưa một chút là ngập thành những con kinh nước bẩn đen ngòm. Cứ nghĩ phải bước ra khỏi cửa là ngán ngẫm rồi. Dù em có là người mẫu và mặc vải gì đi nữa thì … cứ kẹt xe bởi ba cái lô cốt, bị chiếc xe sau đẩy tới, bị chiếc xe buýt lấn bên trái, bị chỗ giữ xe bên phải đẩy xuống lòng đường … còn tâm trạng nào mà … ! Những con đường của Saigon đã từng góp nên tâm hồn của Saigon giờ đây giết chết lần mòn cái phần tâm hồn đó.