Thứ Hai, 30 tháng 8, 2010

PHẬT PHÁP

...
Phật pháp thậm thâm vi diệu.
Meditation 1.

Có người bỗng nhiên đặt cho tôi một câu hỏi: Anh Bình, anh tin có linh hồn không? Dĩ nhiên trong niềm tin của tôi thì tôi trả lời: Có chứ! Thế người đó lại nói tiếp: Vậy anh duy tâm rồi! Tôi lại nói tiếp: Không! Tôi là người duy vật.
Có hay không có linh hồn? Câu hỏi thật là lớn quá. Lớn đến nỗi đó là câu hỏi ám ảnh nhân gian suốt lịch sử loài người, không chừa bất kì ai từ vua quan cho đến cùng đinh thứ dân, từ kẻ trí tuệ sáng suốt đến kẻ ngu ngơ khờ dại, từ người hiền nhân đến kẻ ác tà. Có chăng chỉ có người điên – nhưng tôi không chắc lắm – mới không đặt ra câu hỏi đó! Đơn giản là kiếp nhân sinh rồi cũng dẫn mọi người kia về đến chỗ tận cùng không cùng, đối diện với cái phủ định tuyệt đối không có phủ định lần thứ hai, không có (không (không A)) là A, là cái chết! Và ai cũng muốn biết đằng sau lần phủ định ghê gớm kia là cái gì nữa! Có lẽ đó cũng là câu hỏi mà “khoa học” – hiểu theo nghĩa hiện thời – vĩnh viễn không khi nào có câu trả lời, bất khả tư nghì! Khoa học – cho tới nay - là đường gươm cực kì sắc bén có thể rạch toang gần như mọi màn đêm các u minh ám chướng để cho con người bước ra ánh sáng của nhận thức. Nhưng, chữ nhưng này nằm đúng ngay hàng rào vững chắc của khoa học, nơi chỗ chủ nghĩa duy nghiệm và chủ nghĩa duy lí chống đở cho mọi mê lầm không xâm nhập được vào lâu đài khoa học, nơi mà nhị nguyên luận loại trừ không thương tiếc mọi lấp lững ba phải để cho mọi nhận thức đều được sáng sủa phân minh. Nếu khoa học là đường gươm sắc bén của nhận thức thì câu hỏi này đặt ngay trên cán gươm. Ô hô… không có con dao bén nào có thể gọt được chính cán dao cả!
Vì sao vậy!? Không gian các thành tựu khoa học, kể cả các thành tựu khoa học gần đây nhất của máy tính, của công nghệ thông tin đều phải đặt trên nền tảng nhị nguyên luận, và phát sinh (generate) từ trên nền tảng đó. Ngành khoa học nào cũng phải dựa trên toán học, trên nhị nguyên luận trong cái logic của nó. Đâm đầu vào logic học là đâm đầu vào hố thẳm của tư tưởng. Khoa học có thể đạt tới nhận thức về nguồn gốc phát sinh vũ trụ, về l‎ý thuyết big bang. Trong lý thuyết đó, ngay đúng trước vụ nổ, toàn thể vũ trụ chỉ là một điểm. Vũ trụ là một điểm và một điểm là toàn thể vũ trụ. Một điểm đúng như khái niệm điểm trong toán học, nghĩa là cái gì đó không có bề dầy, không có bề rộng, không có kích thước. Kể từ đó mới có thời gian. Vì thời gian không phải là cái gì khác ngoại trừ sự vận động. Tới đây thì khoa học gặp phải những câu hỏi nghiêm trọng. Đại loại như thực ra có hay không có thời gian? Tại sao con người nhận thức được cái gọi là “hiện tại” trong khi thực tế hiện tại là cái không tồn tại bao giờ mà chỉ có cái đã qua và cái sắp tới mà thôi. Ở ngay cái cán dao đó là một nhận thức khác: Sắc tức thị Không, Không tức thị Sắc. Đúng ngay nơi đó thời gian bắt đầu và thời gian không tồn tại. Đúng ngay nơi đó vũ trụ tồn tại và vũ trụ chưa hình thành. Trong mỗi lỗ đen vũ trụ có gì? Không có gì vì thông tin không thể thoát ra khỏi lỗ đen nhưng cũng chính trong lỗ đen nguyên thuỷ là tất cả, từ đó nở bung vũ trụ. Đúng ngay nơi đó ta buộc phải luận nhị nguyên về cái gọi là nhị nguyên luận.

Vậy tôi đang phủ định khoa học chăng!? Không phải!
Nhưng bây giờ thì quá khuya rồi. Phải đi ngủ thôi. Rồi tôi sẽ viết tiếp

1 nhận xét:

Nặc danh nói...

Tôi quả tình chưa hiểu ý của tác giả trong đoạn : Một điểm đúng như khái niệm điểm trong toán học, nghĩa là cái gì đó không có bề dầy, không có bề rộng, không có kích thước. Kể từ đó mới có thời gian. Vì thời gian không phải là cái gì khác ngoại trừ sự vận động. Nhưng tôi vẫn cố gắng hiểu theo kiểu của mình. Nếu nói: kể từ đó mới có thời gian, trong tầm ngắn, điều nầy mâu thuẫn với vô thủy vô chung, (thời gian miên viễn, đến nỗi hầu như không có thời gian). Nó giống như quan niệm thời gian bình cát, phát xuất từ đấng sáng tạo, chảy thẳng xuống địa ngục hay thiên đường vĩnh viễn.
Phải chăng cái tạm gọi là mâu thuẩn nầy đã bị/được hóa giải khi nói điểm không có bề dày, không có kích thức. Thời gian như một mãnh vỡ tung ra từ một thực thể to lớn vô sắc vô danh, tung ra thế giới hiện tượng, cái thế giới không đòi hỏi, vì không thể thực hiện, sự tuyệt đối.
Bài học đầu tiên về hình học là điểm không có bề dày bề cao, kích thước. Vì vậy, khi thầy nói: cho một điềm thì học sinh phải làm một dấu nhân tượng trưng cho hai đường thằng gặp nhau ở điểm muốn nói. Thế nhưng bài tiếp định nghĩa đường thằng, hay các đường, tuyến, là tiếp nối các điểm. Nếu không có bề dày làm sao cọng thành một đường thằng dài vô tận. Quỷ tích cũng ở chỗ nầy. Quỷ tích những điểm cùng tên P từ đó ta nhìn hai mút của đoạn thằng AB với góc 90o là vòng tròn có đường kính AB. Khi P chạy đến A và B sẽ không có hai góc vuông. Nếu vẽ hai góc vuông từ A và B, các cạnh sẽ cắt vòng tròn ở các điểm ngoài AB.
Những thiếu hụt tự nhiên đó là những cái “ngại” vì vậy phải tìm ra một nơi gọi là “vô ngại” để thấy các vần đề tâm linh, những tế vi của cuộc sống. Vô ngại giải quyết thỏa đáng, chứ không phải tương nhượng; anh bớt cái nấy, tôi bớt cái kia cho tròn gần nhau. Những vấn đề tâm linh nầy xuất hiện trong loạt “meditation” để cùng suy nghĩ chung.