Thứ Tư, 29 tháng 9, 2010
LẠNH.
Mái nhà rất lạnh!
Mỗi buổi chiều về,
Con chim gì kêu lạc lõng ngoài sau!
Đôi đũa buồn,
Khua cái chén bơ vơ.
***
Chỉ còn đoá hoa dại
Nở bên hiên
Mấy cái lá khô
Xoắn lại
Gói lòng sâu một cõi ưu phiền.
***
Một ngày.
Thêm một ngày.
Giữa đêm ngồi lặng lẽ
Bóng ai mơ hồ nhìn trên vách,
Con dế buồn rỉ rả trong đêm.
Chủ Nhật, 26 tháng 9, 2010
THỜI ĐẠI VƯỚNG MẮC.
... Hôm nay chủ nhật. Theo dự định là sẽ cuốc đất san phẳng một phần vườn đất thấp mỗi khi trời mưa vẫn bị ngập. Kêu xe ba-gát đổ đất mấy ngày nay rồi. Đống đất cao nghều nghệu trông nhức mắt. Nhưng từ sáng tới giờ trời vẫn mưa lê thê ướt át, không làm được! Thôi thì bật máy tính lên. Định vào http://www.blogger.com/ để sửa mấy chỗ gõ sai trong entry đã post lên lần trước (Tôi có thói quen gõ cho nhanh các ý xuất hiện trong đầu rồi sau đó sửa lỗi chính tả hoặc bị gõ nhầm sau). Không thể nào mở được web site đó. Dĩ nhiên tôi cũng biết cách sử dụng IP giả để truy cập các trang bị chận thôi! Có cả đống proxy sẵn sàng làm việc đó mà. Và người sử dụng net vẫn thường làm vậy. Coi thống kê số lần truy cập trang blog này do FLAG counter thực hiện là biết ngay. Lấy ví dụ con số cho tới sáng nay: 16.987 lần truy cập. Trừ những truy cập tôi biết chắc là từ đâu (hoặc bởi ai) thống kê dưới đây: US (Mỹ) 932 HU ( SG ( DE (Đức) 139 FR (Pháp) 96 CA ( AU (Úc) 71 -------------------------------- Tổng cộng: 8859 thì suy ra số truy cập bởi IP ở các nước khác: 16987-8859 = 8128 (Xấp xỉ: 48%). Làm gì có nhiều thế ai đó ở nước khác quan tâm đến trang blog tiếng Việt khá lẩm cẩm này, tiếng Việt đâu phải là thứ tiếng phổ biến trên thế giới! Trừ đi một số rất ít người ngẫu nhiên lướt qua blog, gần như có thể phỏng đoán 90% trong số 48% đó đều là người Việt, đọc tiếng Việt, ở Việt Nam! Chỉ có điều họ dùng IP giả, thế thôi! Thời đại vướng mắc! Làm cái gì đó không thật, khoác áo người khác hoặc núp bóng người khác hồi nào cũng là sự không thoải mái. Tôi không nói bao giờ đó cũng là tội lỗi. Đôi khi người ta không thật tại vì người khác không cho người ta sống thật, không cho người ta sống theo thiên lương của mình. Internet vốn là một môi trường thông tin rộng rãi, hầu như không có trở ngại về biên giới. Trừ khi chủ sở hữu web site ngăn chặn người dùng truy cập thông tin riêng của họ bằng yêu cầu sử dụng mật khẩu, bằng tài khoản riêng, trang web đó sẽ đến được với người muốn đọc bằng URL của nó. Dĩ nhiên trong một môi trường thông tin rộng rãi như vậy thì đồng thời với một kho khổng lồ kiến thức thơm tho, thông tin hữu ích cần được chia sẻ giữa loài người, cũng tồn tại một đống rác hôi thối khổng lồ không kém các web site bạo lực, phân biệt chủng tộc, hằn thù tôn giáo, lạm dụng tình dục, thông tin sai lạc về hoạt động kinh tế, các game online ngấm ngầm hình thành nơi giới trẻ các quan điểm và hành động xã hội nguy hiểm. Nhiều tổ chức xã hội hoặc nhiều chính phủ muốn ngăn chặn các web site nguy hiểm, không sạch đó. Có thể một nhà trường muốn ngăn một số trang web không cần thiết cho việc học tập của học sinh sinh viên. Có thể một công ty không muốn nhân viên truy cập linh tinh trong giờ làm việc. Có thể một chính phủ không muốn công dân của mình truy cập một số trang nhạy cảm về chính trị. Coi cái cách mà Trung Quốc ngăn chặn Google hiển thị sự kiện Thiên An Môn, coi cái cách mà Việt Có một cách tiếp cận "vui vui" về việc này! Trên tờ National Geographic (January 2010), bản tiếng Anh, có một bài nói về " .... Self-censorship is rampant in ....." (Alvin Tan, giám đốc nghệ thuật của Necessary Stage, đã cho diễn hàng chục vở với đề tài nhạy cảm như tử hình và về tình dục nói: Tự kiểm duyệt là bạo liệt ở Ở đâu cũng vậy! Cuộc đời nhiều khi không cho người ta sống ngay thẳng được! Cái hàng rào định ngăn chặn kẻ trộm vô vườn của tôi – tôi đã mất khá nhiều tiền để làm cái hàng rào đó (rất xót của vì tôi không phải là kẻ giàu có gì) - rốt cuộc không chặn được tụi ăn trộm hồi tết vừa qua. Nhưng cái hàng rào đó khiến anh bạn của tôi giận hờn vì mấy lần không gọi cửa được. Đi xa những 50 cây số đến thăm tôi nhưng anh đành quay về vì tôi ngủ trưa không nghe anh gọi lẫn tiếng chuông reo. Anh bạn tôi là thày giáo, là người ngay thẳng, vì vậy anh không làm một chuyện dễ ợt là leo rào vào nhà kêu tôi dậy pha trà. Tôi cũng vậy, sử dụng IP giả là chuyện dễ ợt! Vậy tôi sẽ leo qua cái Firewall này không? Chắc rồi tôi cũng không nói 'bắc' mà phải học nói 'đông bắc'. |
Thứ Bảy, 25 tháng 9, 2010
PHẬT PHÁP
.... Meditation 5 Tìm kiếm lời đáp cho những câu hỏi về thế giới nhận thức là việc cực kì khó khăn. Tôi còn nhớ mình đã phải suy nghĩ lung lắm để mong muốn thấu hiểu câu kinh chấn động: "Pháp bất khả tư nghì, bất lập văn tự, giáo ngoại biệt truyền, dĩ tâm truyền tâm, kiến tính thành Phật". Ít nhất tôi đã mất gần 40 năm để quán tưởng chỉ một câu đó. Từ năm tôi 18 tuổi thầy tôi đã ban cho tôi một công án. Và tôi phải đi con đường của mình để tìm ra lời giải. Con đường đó tôi đã đi từ những ngày đất nước còn chiến tranh dữ dội, suýt mấy lần mất mạng vì bom đạn, trải qua những năm tháng trầm kha vì bệnh hoạn đói nghèo sau chiến tranh, tới ngày có phần thanh thản được như hôm nay. Khi nào có thể tôi đều suy nghĩ về điều đó! Con đường dễ dàng nhất là chạy tìm một vị cao tăng nghe thuyết pháp, ngồi yên trong chánh điện một ngôi chùa để thiền định. Nhưng tôi đã không làm thế! Tôi cần phải đi giữa cuộc đời và tìm kiếm lời giải cho riêng tôi. Tại sao bất khả tư nghì? Vì sao văn tự và nói chung mọi loại ngôn ngữ trở nên bất lực trên con đường nhận thức? Tâm là gì và làm thế nào để "nội dung" của nhận thức - giả sử có thể gọi như thế - có thể truyền đạt mà không cần ngôn ngữ? Tính là gì, thực ra có cái gọi là bản chất, là tính hay không khi mọi thứ đều trong quá trình vận động, sự thay đổi mới là thường hằng? Mỗi câu hỏi đó đều có thể dẫn ta tới những hố thẳm của tư duy! Một thời gian dài tôi là một người làm toán và dạy lôgic học. Ai cũng biết rằng trong lôgic học phải tuân thủ hai luật: Thứ nhất, luật phi mâu thuẫn. Thứ hai, luật triệt tam. Không có thứ vừa đúng vừa sai và cũng không có thứ không biết đúng hay sai trong "khoa học". Chỉ đến khi tôi bắt đầu tìm hiểu về thuyết tương đối tôi mới mơ hồ nhận ra giới hạn của lôgic học nhị nguyên. Một ngày nọ khi người ta bỗng thấy mình đứng giữa các nghịch lý, như nghịch lý Bertrand Russell chẳng hạn, hoặc nghịch lý về thời gian như đoạn phỏng dịch sau đây thì người ta có thể hiểu được phân nửa câu kinh "Pháp bất khả tư nghì, bất lập văn tự". Phân nửa còn lại thì cho tới giờ này tôi cũng không hiểu được. Nói cho vui, có khi cần vài kiếp nữa mới hiểu được không chừng! Thời gian có thể chấm dứt không? Có. Và không. Có vẻ như thời gian chấm dứt vừa là điều không thể vừa là điều không tránh khỏi. Các công trình vật lý gần đây đưa ra một khuyến nghị cho nghịch lý đó. (Trích bài viết của GEORGE MUSSER) Trong kinh nghiệm của chúng ta, chẳng có cái gì là thật sự kết thức. Khi chúng ta chết đi, cơ thể của chúng ta phân rã và vật liệu (làm nên chúng ta) trở về với đất, với không khí để sáng tạo ra một sự sống mới. Chúng ta sống dựa trên những gì đến trong tương lai (nguyên văn: We live on in what comes after). Nhưng có phải bao giờ cũng như thế không? Phải chăng sẽ tới một thời điểm trong tương lai khi đó không có "sau (tương lai)"? Thật nản lòng, vật lý học hiện đại cho rằng câu trả lời là "đúng vậy". Thời gian có thể tự nó sẽ kết thúc. Mọi vận động rồi sẽ chấm dứt, và không có cái gì tái sinh hoặc phục hồi. Sự kết thúc của thời gian chính là sự kết thúc của mọi kết thúc. Cái viễn cảnh ghê gớm này, từng là một dự báo không được mong đợi của lý thuyết tương đối tổng quát của Einstein, cung cấp cho chúng ta một sự hiểu biết hiện đại về lực hấp dẫn. Trước khi có lý thuyết này, phần lớn các nhà vật lý và triết học nghĩ về thời gian như một nhịp trống phổ quát, một tiết điệu cần mẫn, không bao giờ thay đổi, gợn sóng hoặc dừng lại trong bước đi của vũ trụ. Einstein chỉ ra rằng vũ trụ giống như một phiên tắc nghẽn lớn đa tiết điệu (big poly-rhythmic jam session). Thời gian có thể chậm lại dần, hoặc bị kéo dãn, hay bị xé rách. Khi chúng ta cảm thấy lực hấp dẫn (chính là) chúng ta đang cảm thấy nhịp thời gian; các vật đều rơi theo một đường tới chỗ mà thời gian trôi qua chậm hơn. Thời gian tương tác với vật chất giống như tay trống và vũ công ảnh hưởng qua lại trong một tiết tấu cuồng loạn. Nghĩ mà xem, khi bị rớt nhịp thì thời gian có thể đột ngột nổi nóng bỏ đi ra ngoài hút thuốc giống như tay trống bị quá kích động! Thời điểm đó được biết như điểm bất thường (singularities). Thuật ngữ này hiện nay được dùng để chỉ bất kì biên giới nào của thời gian, sự bắt đầu hoặc sự kết thúc của nó. Điểm bất thường được biết đến nhiều nhất là vụ nổ lớn (big bang), thời điểm 13.7 tỉ năm trước khi vũ trụ của chúng ta – và cùng với nó là thời gian – bùng nổ sự tồn tại và bắt đầu dãn nở. Nếu lúc nào đó vũ trụ ngừng dãn nở và lại bắt đầu co lại (giống như big bang nhưng theo hướng ngược lại) trong một vụ nghiền lớn (big crunch) - sẽ làm thời gian sụp đổ và dừng. Thời gian không phải bị tiêu tùng ở mọi nơi. Thuyết tương đối nói rằng nó tiêu tùng trong các lỗ đen khi điều này xảy ra trong phạm vi rộng của vũ trụ. Các lỗ đen nỗi tiếng là huỷ hoại nhưng chúng dám còn tệ hơn bạn có thể tưởng. Nếu bạn rơi vào một trong chúng, bạn không chỉ bị xé tan mà dòng thời gian của bạn phải chấm dứt. Không một sự sống mới nào có thể thoát thai từ đống tro tàn của bạn, các phân tử của bạn không thể tái sử dụng. Giống như chữ cuối cùng trong một quyển tiểu thuyết, bạn không chỉ cảm thấy cái chết mà là sự tận thế của tồn tại! (Đoạn đầu của COULD TIME END, tạp chí Scientific American – số đặc biệt tháng 9 năm 2010 (chủ đề: Sự kết thúc – the end.), trang 66/67/68) Bài viết còn khá dài, nhưng tôi không xin phép để dịch toàn bộ vì vậy chỉ có thể phỏng dịch một phần cốt lõi. Phần còn lại trình bày những kịch bản khác nhau có thể có về chuyển động của thời gian tương ứng với sự co dãn của vũ trụ. Có thể kim đồng hồ sẽ dao động qua lại không xác định, có thể kim đồng hồ sẽ quay ngược để "tương lai" là cái gì đó xảy ra trước "quá khứ" hoặc thời gian hoàn toàn mất ý nghĩa. Tư duy, và do đó là ngôn ngữ, khi đó có mang một ý nghĩa nào không? Và khi vũ trụ hoàn toàn sụp đổ thì cái gì còn lại? Cái gì là bất biến trong nhịp thở tồn tại – hư vô? Trong vũ trụ thì không có chỗ nào cho thần linh hay thượng đế - điều đó rõ rồi - cái gì sẽ nối kết giữa hai bờ Sắc Không? |
Thứ Năm, 23 tháng 9, 2010
GIỮA THU
... Trăng vằng vặc, gió mát thổi qua bầu trời trong vắt. Hiếm khi đêm rằm trung thu đẹp như thế này. Tôi ngồi lâu mãi ngoài sân không muốn vào nhà, hồn tôi rất êm tựa chiếc thuyền trôi vô định trong biển an lạc. Sương lạnh thấm vào da thịt làm tôi tan ra, hoà vào ánh ngà hư ảo. Tôi quên hết để lòng tôi rung với nhịp thở của bao la. Hoa đêm phất phơ thơm mơ hồ. Hương đêm dìu tôi đi… Nhè nhẹ, tôi nhấc mình lên lơ lửng, bay êm đềm như một chút mây tơ tĩnh lặng. (Đêm rằm trung thu, 2010) |
Thứ Hai, 20 tháng 9, 2010
Chủ Nhật, 19 tháng 9, 2010
NÓI CHUYỆN VỚI MA.
Ngồi buồn nói chuyện với ma chơi. Lão Tư hay nói chuyện với ma. Hàng xóm của lão kháo nhau như vậy để dọa mấy đứa trẻ hay vô vườn của lão hái trộm. Nhưng đó là chuyện xưa, vì bây giờ lão đã là ma rồi, không còn nghi ngờ gì nữa việc lão nói chuyện với ma. Cục đất chỗ lão ở dễ sợ lắm. Ban đêm muốn tới nhà lão ai cũng ngại ngần. Phải đi qua một con đường nhỏ quanh co dài hụt hơi. Hai bên đường cũng có vài căn nhà nhưng do khu đất đó trước đây vốn là nghĩa địa được giải tỏa nên còn nhiều nhiều chỗ cỏ dại mọc um tùm. Cuối con đường có một cái miếu nhỏ phủ phía trước tấm màn che đỏ lòm, dòm vô trong thấy một bát nhang cắm đầy nhóc chân nhang. Trong miếu có một đôi câu đối chữ nho mà xóm giềng chẳng ai còn biết đọc, chẳng biết miếu thờ ai nhưng ai cũng e dè kẻ khuất mày khuất mặt nên nhang đèn cũng không đến nỗi hoang lạnh. Sập tối nào lão cũng ra thắp một ngọn đèn dầu tù mù đặt gần bát nhang. Trong đêm tối nhìn vô cái miếu hồng hồng mờ ảo ai cũng ớn lạnh. Vườn của lão bắt đầu từ chỗ cái miếu cho tới bờ kinh. Căn nhà của lão ở cuối vườn, phía sau một rừng chuối xiêm và mít tố nữ. Lão sống hiu hắt với đứa con gái thất tình dở khôn dở dại. Lão lại còn cái bệnh đái tháo đường trầm kha, chân cẳng hay sưng phù nên ít muốn đi đâu. Lão chỉ qua lại với cuộc đời ào ạt ngoài kia bằng mấy xấp vé số còn thế giới thực của lão chỉ là quanh quẩn trong khu vườn. Nói đáng tội, xóm giềng cũng có cho lão kéo về nhà một cái bóng điện. Lão để cái bóng đèn trắng ởn đó sáng suốt đêm mặc cho trước đây bà lão vẫn than phiền về tiền điện mỗi tháng. Hầu như ban đêm lão không ngủ, đi đi lại lại âm thầm quanh quẩn. Một hồi thấy bóng lão bên song cửa, chút xíu lại thấy lão lặng lẽ cù rù bên vách sau, chẳng biết để làm gì! Đứa con gái đêm nào cũng mớ khóc gọi ú ớ tên tình nhân giữa tiếng ho khan sù sụ vì lạnh của lão. Ai hỏi vì sao không ngủ thì lão chỉ nói gọn tại không buồn ngủ. Mà nhân gian cũng kì, vì sao lại nói buồn ngủ? Người ta có vui, có thơ thới trong lòng thì mới ngủ ngon được. Còn như lão - trăm nỗi muộn phiền , buồn đâu từ đời ông bà ông vải truyền lại - buồn thì làm sao mà ngủ được! Không ngủ được thì làm gì trong đêm vắng đây? Không biết từ hồi nào lão lại mắc cái chứng độc thoại trong đêm. Hồi sinh thời bà lão hay càm ràm chuyện lão rù rì trong đêm nhưng từ khi bị lão quát: - Nói chuyện với cái đầu gối mà cũng bị bà cấm nữa hả! thì bà lão mặc kệ. Đêm nay lão lại không ngủ. Lão ngồi bên cửa sổ mở ra vườn. Ngoài vườn tối om. Đêm im ắng, trừ tiếng gió chướng đi xào xạc trên ngọn cây - Để cửa mở cho mát mẻ, lão thường nói vậy. Lão thương con quá đổi, thấy con nhỏ đau khổ lão đứt từng đoạn ruột. Nhưng chuyện duyên số mà, cái dây xích thằng đâu phải muốn buộc vô ai cũng được. Mình thương người ta mà người ta không thương mình thì thôi! Đó là lão nghĩ như vậy nhưng cô con gái lại không chịu thế, bằng chứng là cô lại ú ớ nói mê kìa. Đã nói chuyện tình mà … dẫu lìa ngó ý còn vương tơ lòng! Không biết cô nằm mơ thấy gì nhưng gương mặt của cô trong mơ nhíu lại một nét âu sầu khó tả. Cứ thức suốt như lão thì có khỏe hơn không, khỏi phải chịu đựng các giấc mơ nặng nề. Nhiều người sợ bóng đêm. Cũng phải thôi vì trong cái tối đen yên lặng, cô quạnh đầy đe doạ kia biết đâu chừng có bóng dáng mơ hồ nào đang rình rập. Có khi cái bóng ấy bỗng hiện ra, cười ngặt nghẻo và nhảy xồ tới tóm lấy mình thì sao? Nhưng lão thì không sợ điều đó. Mọi người đều ngủ, chỉ có một lão thức giữa tiếng côn trùng rỉ rả. Lão vượt qua sự cô quạnh bằng cách thầm thì với bà lão. Bây giờ dù lão có lắm lời đi nữa thì bà ấy cũng không than phiền lão được. Quá khứ chẳng bao giờ lên tiếng than phiền và bà ấy đã là quá khứ mấy năm nay rồi! Hồi bà lão còn sống thì bà ấy gây cho lão nhiều sự khó chịu, nhưng bây giờ thì không, thậm chí lão còn thấy bà ấy dễ thương như hồi hai người mới gặp. Như hồi sáng này đây lão đã rọc một mớ lá chuối đem phơi dôm dốp để gói bánh làm giổ cho bà ấy nhưng rồi lão có gói được đâu. Nạo mới có nửa trái dừa mà trái tim già cỗi của lão đã đập thình thịch khiến lão còn để đống lá chuối trên bàn kia, từ bỏ ý định làm bánh. Lão chỉ nấu mâm cơm với tô canh chua chay và dĩa cá hủng hỉnh kho khô bày lên bàn thờ. Chẳng thấy bà ấy càu nhàu gì! Cọm rọm thắp nén hương, lão ngó nghiêng tấm ảnh duy nhất còn lại của bà lão. Khói hương mờ bay lởn vởn trong bóng đêm, trên đốm hương ngun ngún cọng than hương cuộn tròn che gương mặt của cô gái trong ảnh. Bà ấy về đấy mà, lão tin như vậy. Lão ngó nghiêng tấm ảnh, lẩm bẩm:
Chỉ đến sáng khi con gái lão thức dậy, gọi mãi không thấy lão Tư đâu, đi ra sau nhà chỗ cái sàn nước thì thấy lão đã chết cóng ở đó từ hồi nào. Trên mặt sàn nước còn mấy cái bánh ú ướt sương đêm. Người ta nói - chẳng có ai kiểm chứng được – khi mở mấy cái bánh ú đó ra chỉ thấy toàn là đất và nước. |
Thứ Năm, 9 tháng 9, 2010
Chủ Nhật, 5 tháng 9, 2010
PHẬT PHÁP
Meditation 4.
Thứ Năm, 2 tháng 9, 2010
PHẬT PHÁP
Meditation 3
Động Tà Nguyệt Tam Tinh, một vầng trăng khuyết ba sao giữa trời |