Meditation 4.
Cái nghề gõ đầu trẻ coi bộ dễ mà khó! Không dễ sao xã hội có một thời truyền tụng câu “chuột chạy cùng sào mới vào sư phạm”. Không dễ sao lão đại ca Cao Thoại Châu hồi còn nấn ná trong nghề một hôm thấy học sinh của mình rắp ranh thi vào sư phạm thì lòng có hơi mừng bèn hỏi tại sao em chọn nghề giáo. Em cũng bèn kính cẩn trả lời tôn sư rằng tại vì em học dở quá, chỉ có chọn vào sư phạm và chọn môn văn thì mới có chút hy vọng! Hỡi ơi lão tôn sư khi không bỗng thấy mình như bị ai nhét cái hột cóc chấm muối ớt vô cuống họng. Kể từ đó mỗi khi nhắc tới nghề gõ đầu trẻ là lão đại ca đầu óc lùng bùng ấm ức, viết bằng cái giọng chuối sống ăn với khế xanh! (Việc này tiểu đệ nhớ mang máng là lão đại ca có kể như thế. Nếu không có cũng xin đại ca bỏ quá cho!).
Nhưng nhắc tới chuyện gõ đầu trẻ cũng để lấy cớ mà nói chuyện khác thôi. Cái nghề đó không dễ ở chỗ: Đã làm thầy giáo thì có hai việc không được vi phạm: Đạo đức của nghề thầy và… thầy không được nói sai, nói dóc! Nói học trò không nhớ lời thày giảng, cứ nghe lỗ tai bên này là chạy tọt rơi ra ngoài lỗ tai bên kia như nước đổ lá môn là sai. Học trò tụi nó nhớ lời thầy giảng một cách kinh khủng. Tệ hạ từng gặp một em học trò cũ 30 năm sau nhắc lại vanh vách nguyên văn hồi đó, giờ học đó thầy đã nói cái gì. Thầy nghe em đó nhắc lại chuyện xưa mà dựng cả tóc gáy! Tự nhủ thầm: Mô Phật, không biết hồi đó có khi nào mình nói sai cái gì không!?
Ấy vậy mà khi xem xét lại thì cũng thấy mình có lần đã hùng hồn giảng sai. Mà giảng sai suốt cả hai năm học mới khổ chứ! Việc là một hôm cô Phó Phòng Đào Tạo gọi tệ hạ lên yêu cầu dạy một môn có tên là: Khoa học tự nhiên và kỹ thuật. Đang khi ngồi lập trình yên ổn lại bị vướng vào nợ oan gia, từ chối như thế nào cũng không được! Cô đưa cho một tờ giấy A4 in chương trình sơ lược của môn đó, đâu được vỏn vẹn có 15 dòng! Hỏi có tài liệu dạy học gì nữa không? Trả lời: Không! Tự anh xây dựng chương trình chi tiết và soạn giáo trình để dạy á! Cho anh 5 tuần để chuẩn bị!
Khổ cái thân! Thế là phải chạy đôn chạy đáo vào mấy cái thư viện. Lại phải chạy lên Sài thành lục lọi tiệm sách lớn, tiệm sách nhỏ các tài liệu có liên quan. Đi hỏi ông Wikipedia xem mấy ngài hàn lâm phân loại khoa học như thế nào. Đọc lại “Biện chứng của Tự nhiên” của ông F. Engel, đọc lại ba cái phạm trù gì gì đó của ông Karl Marx. Ôm kè kè mỗi đêm cuốn sách dày cộp hơn một nghìn trang “Lịch sử văn minh nhân loại” của Caroline F. Ware, v.v. và v.v.. Tiêu hoá vội vàng một khối lượng kiến thức đồ sộ để… ói ra!
Nói chung sau hai năm học dạy môn đó thì thấy cũng được, không thấy ai than phiền điều gì, sinh viên ra trường yên ổn cả. Phòng Đào Tạo chẳng có ý kiến gì (biết gì đâu mà ý kiến!). Cớ sự ở chỗ để bắt đầu môn học đó thì phải định nghĩa trước hết “văn minh” là cái gì vậy. Ừa, thì cho có vẻ tây tàu một chút văn minh tức là civilisation, văn hoá tức là culture, là là… Mở từ điển tiếng Việt ra xem thế nào. Mở từ điển Larousse coi anh Tây ảnh nói làm sao. Cứ thế mà yên chí!
Ba bốn năm sau, có một dịp gặp lại Tổ sư. Tổ sư đây là thầy Nguyễn Đăng Phu, là thầy dạy của tệ hạ ngày xưa, là người mà tệ hạ vô cùng kính trọng. Thầy hỏi tệ hạ đã dạy cái gì vậy. Tệ hạ thiệt tình nói đã dạy như thế như thế… Thầy yên lặng một lúc mới hỏi vậy chớ tệ hạ hiểu chữ “văn” có nghĩa là gì không? Thưa thầy, quả thực con cũng chưa rõ! Thầy ôn tồn giảng cho hai tiếng đồng hồ chỉ có mỗi một chữ “văn”. Thầy thì ôn tồn mà trò thì nghe như sấm nổ bên tai, choáng váng vì hoá ra mình đã nói sai với đám sinh viên tất tần tật. Hoá ra cái chuyện đứt mạch văn hoá nó nghiêm trọng quá chừng, nó ăn sâu vào cái cách mà mình suy nghĩ. Vấn đề không phải là mình suy nghĩ về cái gì mà là cách mình suy nghĩ về vấn đề đó. Hoá ra bây giờ mình suy nghĩ theo cái đầu của phương tây chớ không phải theo cái tâm mà ông bà đã ban tặng cho mình. Hoá ra văn minh thì không phải là civilisation!
Nhưng (lại chữ nhưng) phản bổn hoàn nguyên là chuyện cực kì khó khăn! Cái hồi ta rần rần mừng rỡ vứt bút lông đi lấy bút chì, cái hồi ta thầm cảm ơn ông Alexandre de Rhode và đức cha Pigneau de Béhaine đã xây dựng chữ “quốc ngữ” giúp dân ta có thể nhanh chóng biết đọc, biết viết tiếng Việt, chứ không như cái anh China khổ sở học tiếng China cả đời chưa chắc viết được hết tiếng China, thì ta quên một chuyện. Chuyện đó là bây giờ thì ta đọc mọi thứ rất dễ, trừ đọc lại di sản tinh thần của ông cha! Đã nói là ta đứt mạch văn hoá mà!
2 nhận xét:
Kính Chào Thầy! Mỗi lần con vào blog của mình, click on "next blog" là có thể đọc được blog của Thầy. Con không phải là học trò của Thầy nhưng sáng nay có đọc trên vnexpress đưa tin nữ sinh đánh nhau quay clip đưa lên mạng làm con chạnh lòng, cảm thấy sợ học sinh bây giờ dữ quá, vào đây đọc được blog của Thầy thấy tâm hồn mình nhẹ đi chút. Nếu như học sinh và thầy cô giáo nào cũng có tâm đạo như Thầy thì xã hội chúng ta sẽ có thêm nhiều người thân thiện và tri thức. Kính mong Thầy và gia đình nhiều sức khỏe.
@Dương Kiều Nhi.
Cảm ơn em vì những nhận xét ấm lòng. Nếu được xin ghi lại thêm đường link tới địa chỉ blog của em. Tôi cũng băng khoăng về tình trạng bạo lực học đường gần đây, đặc biệt là về phía các nữ sinh. Tôi có viết một entry về vấn đề đó nhưng chưa post lên được vì tôi sợ rằng mình chưa suy nghĩ thấu đáo các khía cạnh của vấn đề. Tuổi trẻ hôm nay giỏi giang hơn, năng động hơn, độc lập hơn, nhưng cũng phải đối đầu với nhiều vấn đề xã hội hơn và trong chừng mức nào đó lẻ loi hơn khi đối diện những bài toán của riêng mình.
Mến.
Đăng nhận xét