Tính tới tính lui kể như không qua Pháp được! Mặc dù bà chị bên ấy trông mong quá chừng, nhưng thời gian còn lại quá ít và cũng bận bịu. Cũng không phải bận bịu gì nhiều! Chỉ là một tí thì cháu ngoại khóc e e, một tí thì đòi bú, và một tí thì ông ngoại bà ngoại phải chộn rộn bồng ẳm hát ru vậy thôi. Thằng bé nhỏ tí cũng ngộ! Được sinh ra ở trời tây xa tít nhưng lại mê hát ru thấy sợ. Ca dao Việt Nam mình thì thường thường là... buồn thấy mồ! Ví như ầu ơ "Ví dầu cầu ván đóng đinh..." nghe buồn trắc trở làm sao đâu, còn câu "Gió đưa cây cải về trời... " thì buồn mênh mông thăm thẳm! Hình như nhà văn Thạch Lam - nếu mình nhớ không lầm - có viết cái truyện kể cô chị ngồi đưa em ngủ, chỉ lắng nghe tiếng ru của chính mình thôi, mà cô cũng đủ buồn rơi lệ! Chỉ cần bà ngoại hát ru ví dầu vài câu ca dao là cái miệng còn chút xíu như con chim con lại chúm chím như cười và ngủ êm ái ngon lành trên tay bà ngoại, mặc kệ trước đó dù má nó ra sức hát đủ thứ tiếng tây tiếng u thì nó cũng cứ khóc ngằn ngặt! Vậy dù chỉ bảy tám trăm cây số nữa thì tới Paris mà đành gác qua dịp khác thôi!
Nhưng ở đây muốn ăn món Việt Nam xem ra hơi khó. Ở Heilbronn có một cái "siêu thị" nhỏ tí cũng bán thực phẩm Việt nhưng muốn ăn tới những món độc như rau muống nấu canh chua nghêu, hột vịt lộn, khổ qua, mắm cá linh, mắm thái hay kiếm chai nước mắm Phú Quốc loại ngon thì... phải đi hơn 200 cây số qua Strasbourg vậy. Ở đó có siêu thị PARIS STORE có gần đủ những thứ của một cái chợ Việt thông thường và nhân viên bán hàng toàn là người Việt. Qua chỗ đó nghe tiếng Việt vui tai lắm! Ừ... thì chạy qua Strasbourg.... coi như cũng là qua Pháp! Một công đôi chuyện, đi du lịch kiểu ba lô thăm ít chỗ Strasbourg luôn vậy!
|
"Bên cầu biên giới tôi lặng nghe dòng đời..." (*): Sông Rhine.
|
|
Trước mặt là Strasbourg và... Paris,
nhưng phải chạy tới... khuya mới tới Paris! |
Mình không phải người Pháp nhưng nền văn hóa Pháp thì nó thấm khá sâu trong người qua những bài học từ thuở nhỏ nên vừa mới qua khỏi biên giới Đức - Pháp thôi cũng đã cảm thấy bồi hồi! Lại có thể đọc hiểu những biển chỉ dẫn mà cả tháng trời trên đất Đức đã làm mình vật vả lẫn hồi hộp vì không biết nó chỉ dẫn cái gì. Không hiểu những bảng chỉ dẫn lắm khi trở nên nguy hiểm dù chỉ là để... đi bộ! Ví dụ mình thấy ở Đức thì người Đức khi sắp vào giao lộ luôn luôn để ý nhường người đi bộ qua đường trên vạch băng qua đường, đặc biệt ở trong vùng ưu tiên đi bộ, đi xe đạp - gọi là zone 30 - tài xế luôn chạy dưới 30 cây số giờ và từ xa khi thấy bạn sắp qua đường thì chắc chắn họ sẽ lịch sự dừng xe chờ cho bạn qua xong. Từ đường nhánh vào đường lớn hoặc gặp giao lộ đồng cấp tài xế luôn để ý xe ở bên phải lẫn bên trái của đường cắt ngang và họ sẽ không vào giao lộ chừng nào trên đường cắt ngang còn thấy xe trong tầm mắt. Hình như ở Pháp không phải vậy, tài xế từ trong đường nhánh thản nhiên vù ra - dù họ cua sát lane bên trong - rất đáng sợ. Vì vậy chạy trên đường cứ thấy bảng chỉ dẫn - không thấy ở Đức bao giờ - "CÉDEZ LE PASSAGE" (Xin chú ý nhường đường!) để tránh bị tông vô hông cái rầm! Và mấy ông Pháp thì cũng rất kì cục trong cái vụ bảng chỉ dẫn. Coi cái hình chụp dưới đây - ở một giao lộ của Strasbourg - là tức cười...
|
Biển báo ở trên cùng : Hướng vào đường cao tốc A4, A35;
Biển thứ hai: AUTRES DIRECTIONS (Những hướng khác!);
Biển thứ ba: (Place de la République) Quãng trường Cộng Hòa;
Biển cuối cùng: Bưu Điện (Bureau de Poste).
Bạn có hiểu được cái biển thứ hai nói gì không!? Tôi thì chịu!
Đây là một ví dụ tuyệt vời về khả năng của người Pháp
để làm một thông báo "bự chành oành" mà không chứa chút xíu thông tin nào! |
Đến nơi đây cũng nhớ lại nhiều điều nằm sâu trong kí ức được học mấy chục năm trước. Nhớ vùng này (vùng Alsace-Lorraine) có một con vật được yêu mến là con cò, bởi vì đây là con vật sẽ trở về mỗi năm khi mùa xuân đến, để làm tổ trên mỗi ống khói. Đây cũng là vùng giành qua giật lại giữa người Đức và người Pháp. Và nhớ câu truyện cảm động nhất - trong số những câu truyện cảm động đầy chất thơ được viết bằng một lời văn hết sức nhẹ nhàng trong sáng - của nhà văn Alphonse Daudet: truyện "Buổi học cuối cùng".
Strasbourg đang trong những ngày cuối hè nóng nhất trong năm, và mùa thu cũng đang lấp ló trong màu cây lá. Nếu nước Đức cho ta cảm giác mọi thứ đều được sắp xếp, chăm sóc chỉnh chu thì nước Pháp cho ta cái cảm giác phóng khoáng, tự do, thân mật và đôi khi có một chút hài hước. Mình không đủ thời gian để thăm những thứ "chính qui" hay "đáng xem" của Strasbourg như gợi ý của các tua du lịch. Mình chỉ đủ thời giờ lang thang một chút góc này một chút phố kia để khám phá những thứ vốn là đời thường của nó. Và như vậy mình khám phá ra khía cạnh dễ thương của Strasbourg. Cái "khía" dễ thương nằm ở những tên đường, tên phố. Những tên đường tên phố làm mình nhớ "Hà Nội băm sáu phố phường / Hàng gạo, Hàng đường, Hàng muối trắng tinh,..." Ở đây cũng vậy mình lang thang để bắt gặp phố Do Thái (Rue des Juifs), phố chợ cá (Rue du vieux marché aux poissons) dẫn xuống một cái bến đò dọc giờ đây chỉ chở khách du lịch, phố hàng mộc (Rue des charpentiers), phố học trò (Rue des étudiants), thậm chí có một con phố nhỏ tên Phố heo sữa (Rue des cochons de lait). Những con hẻm nhỏ xíu, cũ kĩ, gợi lên niềm thân mật. Cả trên một cái quảng trường lớn trước nhà thờ Đức Bà lừng danh cũng chỉ có mấy cái khách sạn 3 sao và mấy cái café-terrasse hẹp té, chật chật. Ồ... tôi yêu cái vẻ cũ kĩ nhỏ nhắn đó. Và khi ngồi trầm ngâm bên tách café Viennois thơm nhẹ, nhâm nhi với kem bơ ngọt dịu trước quán La Cigogne (với giá rất bình dân!), nhìn nắng hắt trên sa thạch màu hồng tía của các pho tượng nhà thờ Đức Bà, để lòng vang lên bản nhạc Come back to Sorriento chen lẫn với tiếng ngân nga của thánh ca, thì cũng đủ để trở thành khách giang hồ thiệp liệp!
|
Chào Strasbourg.
Đang ngày nắng đẹp nhưng em có thấy đã chớm thu?
Con kinh này nước đang còn trong xanh nhìn tới đáy nhưng hàng cây bên bờ đã bắt đầu ngả màu.
|
|
Mới chớm thu thôi.
Lá chỉ mới trở mình.
Vàng thu còn đợi
Sao nàng thiên nga này đã cô đơn! |
|
Phố thợ giếng nước (RUE DES BATELIERS) |
|
Phố hàng mộc (RUE DES CHARPENTIERS) |
|
Phố cháy!
(Chỗ này có sự mơ hồ!
Phố nhà cháy hay là Phố hàng nướng!
Hi hi...)
|
|
Phố học trò (rue des étudiants) |
|
Xóm bia bọt ! (Le Village de la bière).
Không biết nếu dịch cho thoáng theo phương ngữ miền nam
có nên gọi là "Xóm Nhậu" hay không! |
|
Thực ra đây chỉ là tên một cửa hiệu! |
(*) Câu nhạc của Phạm Duy trong "Bên cầu biên giới".