Thứ Tư, 17 tháng 10, 2018

Mỏ muối Bad Friedrichshall





Mỏ muối Bad Friedrichshall ở làng Kochendorf. Thấy trên Google Earth ghi là Bad Friedrichshall - Kochendorf. Giải thích theo nghĩa "đùi" là làng nấu nướng (Kochen: nấu nướng. Dorf: làng). Làng nằm ở ngã ba sông Kochen - Neckar. Chẳng biết hồi đó tới giờ dân ở đó có tâm hồn ăn uống hơi nhiều hay ở đó có nấu nướng món gì ngon mà "chết danh" như vậy! Ngó qua ngó lại chỉ thấy có cái mỏ muối và ga xe lửa. Mà sân ga thì... "muôn đời buồn nhất sân ga"! Có cái món gì hấp dẫn đâu! Tới đó chi cho buồn.

Tính ra - theo đường chim bay - mỏ muối cũng rất gần đầu nguồn con suối tình Amorbach : Chưa tới 4 cây số, chưa bằng từ nhà mình ở Tú Điền chạy tới Trường Mầm Non SOS KinderGarten (ở Bến Tre) của thằng cháu ngoại cưng nữa là. Đi qua đi lại thấy mỏ muối đó hoài mà chưa buồn vô xem. Có lẽ trong bụng nghĩ đâu có thèm muối gì đâu mà "dô" đó làm chi! Vả chăng cũng phải mua vé và cũng hỏng biết chui tọt xuống đất tối thui rồi thì thấy có cái gì!

Xảy có bữa con nó nói Ba ơi cái vĩa muối đó tổng chiều dài đường hầm lò nó đào ngang đào dọc tới mấy trăm cây số lận nghen! Úy, vậy hả! Vậy có khi mình đang ngủ thì nghe nó đào lục cục dưới nhà, dưới lưng mình hả!? Ha ha hỏng có đâu, mấy cái đường lò đó sâu tới trăm mấy hai trăm mét lận! Ừa... mơi mình đi coi...




Tới nhà máy muối.
Bắt đầu từ chỗ này.
Tháp giếng phụ. 
Trục tải đặt trong nhà này.
Bên trong có một thùng cũi hai tầng
đưa người tham quan cũng như thợ hầm lò
 lên xuống mỏ.


Sau khi xuống hết giếng phụ, tới độ sâu 180 mét dưới mặt đất,
đây là đường lò xuyên vĩa đầu tiên.
Trên nóc lò có gắn đèn chiếu để dẫn đường cho khách thăm.
Cần đi theo những dấu hiệu được chiếu sáng.
Dọc theo lò xuyên vĩa có rất nhiều lò nhánh khác.
Phần lớn các nhánh lò đó có ba-ri-e ngăn lại
(hoặc có công nhân với đèn trên nón canh gác, hướng dẫn).
Đi lạc trong cái mê cung này dễ gặp vua muối (Diêm Vương)!


Khối muối dưới dạng một tinh thể khổng lồ
còn dính trong trần đường lò
và rực sáng bởi đèn chiếu

Đèn rọi trên nền đường chỉ hướng đi tiếp (>>  >>  >>)
và chú thích về gian hầm lò sắp tới:



MUỐI LÀ SỰ SỐNG
Buồng địa chất 4 / A
 Tạo ra năm 1926
Chiều dài 185 m, rộng 15,5 m, chiều cao 16 m.
Tính ra thể tích khoảng 46.300 mét khối
 và tương ứng với khoảng 100.000 tấn muối.


Bên trong gian hầm lò địa chất 4/A.


- Vệt sáng ở vách trái là khối trụ lổ khoan địa chất (carota) đường kính khoảng 10 cm, dài xấp xỉ hầm lò (185 mét). Khối trụ (các lớp đá hoặc trầm tích) được đặt trong hộp kính chiếu sáng. Mỗi thời kì địa chất đặc trưng sẽ có bảng thuyết minh ở vị trí địa tầng tương ứng của khối trụ.

- Khối khoan hình trụ các địa tầng này cho phép các nhà khoa học đọc được lịch sử kiến tạo địa chất và lịch sử sinh giới nhiều triệu năm qua của vùng mỏ này.

- Khối lập phương xanh rực thấy ở khoảng giữa hầm là rạp chiếu bóng mini. Rạp chiếu phim thuyết minh quá trình hình thành các tầng địa chất và sinh giới nói trên. Rất tiếc là mình mù chữ và điếc nên chẳng hiểu gì ráo, chỉ biết nhìn hình đoán mò mà thôi (Có vậy mới cảm thông sâu sắc nỗi khổ, nỗi đau tê tái của anh mù chữ và thất học!)

- Còn một khối như vậy nữa đặt ở gần cuối hầm (bị che khuất trong hình này) để thuyết minh về vai trò của muối đối với sự sống và hoạt động kỹ thuật công nghệ.

Đèn chiếu ảnh minh họa ở vị trí này,
người ta đã tìm được hóa thạch một con khủng long
Mô hình phục chế con khủng long!
Giống như một con cá sấu bị bệnh béo phì vậy!
Chao ơi, hóa thạch con tôm khủng này to ghê.
Cái giống này mấy vuông tôm ở Bến Tre mình chắc mê chết được.
Hình ảnh kích thước thật của con tôm đó!

Đi theo hướng này tới gian hầm
 triển lãm máy công cụ nghề mỏ  
Đèn chiếu trên vách lò nói:


MUỐI LÀ CÔNG VIỆC
Gian hầm kỹ thuật 6 / 1
Xây dựng từ năm 1904. 
Đây là một trong những phòng lâu đời nhất của mỏ.
Chiều dài 150 m, rộng 10 m, chiều cao 9 m. 
Tính ra thể tích là 13.500 mét khối 
tương ứng với khoảng 30.000 tấn muối.

Một tảng muối tinh thể nguyên vẹn được trưng bày trong hầm lò.
Muối cà pháo bằng cục muối này cả làng ăn ba năm chắc chưa hết!
Tượng nữ thánh hộ mệnh cho thợ mỏ
được đặt chìm trong khối muối khổng lồ..
Hình như đây là nơi công nhân hầm mỏ tới để cầu nguyện.
Bệ hình cầu này được khắc thẳng vào vách đá.
Đối diện với bệ này, ở trên cao vách bên kia 

là tượng của vị nữ thánh phù hộ cho họ.

Có nhiều thế hệ công nghệ khai mỏ:
1. Đào bằng tay với cuốc chim, với búa.
2. Đào với búa máy, với mìn.
3. Và... ây da... cái này là bách thiết trảo. 
Chỉ cần năm thành công lực, quơ một chưởng là cát chạy đá bay!
Gọi là thiết sa chưởng. Công phu này chỉ có chủ nhân U Tình Cốc
Hắc Diện Bà Bà mới khổ công tu luyện mà thôi!
Đây là máy đào hầm thế hệ mới nhất.
Máy không còn sử dụng nữa, chỉ để trưng bày.

Máy đào hầm bằng cách dùng các ngón 
tay sắt thép của mình cào vào vách đá.
Dấu các vết quào để lại trên vách hầm
trông như tác phẩm nghệ thuật trừu tượng nào đó.





Thì mình chỉ đi coi được bao nhiêu đó. 
Còn nhiều thứ ở đó nữa mà chưa kịp coi. 
Lúc nào có dịp nữa thì...

hoặc là xem thêm ở web site này nè...


Xin cho phép mình giải thích một chút: Trong công nghiệp khai mỏ-hầm-lò giếng dùng để vận chuyển lên trên đất đá, khoáng vật khai thác được, để bơm thông khí hoặc để vận chuyển vật liệu, thiết bị xuống hầm lò được gọi là giếng chính. Giếng dùng để vận chuyển công nhân lên xuống hầm lò gọi là giếng phụ. Một số trường hợp hai giếng này đặt gần nhau, nhưng thường là không phải.




Không có nhận xét nào: