Ulm
bên bờ Donau.
Mystère et mélancolie d´une rue Giorgio De Chirico |
Ulm
là một thành phố nhỏ, gần đầu nguồn và nằm hai bên
bờ sông Danube (tiếng Đức: Donau), gồm Ulm mới (Neu Ulm)
và Ulm cũ. Ulm mới thì rất chán, vì cũng giống bao nhiêu
thành phố khác trên thế giới với những kiến trúc
vuông thành sắc cạnh, khu siêu thị to đùng, những khu
phố rập khuôn nhạt nhẽo, buồn tẻ và lạnh lẽo, với
những bức tường phẳng và cao gợi nhớ bức tranh Bí
Mật và Nỗi Sầu Một Con Đường của Giorgio De Chirico.
Tuy nhiên mình muốn ghé Ulm vì hai lẽ: Một. Ulm là nơi
sinh ra của nhà vật lí học vĩ đại Albert Einstein. Hai.
Ulm được bao quanh bởi dòng sông Danube.
Dầu
Albert sinh ra tại Ulm, và có lẽ những ý tưởng về
thuyết tương đối hẹp của Einstein cũng nảy mầm tại
Ulm. Do Einstein là một người gốc Do Thái nên rốt cuộc
lịch sử đã dẫn dắt cuộc đời của Einstein trên đất
Hoa Kỳ, và rốt cuộc sau bao nhiêu tranh cãi Trường đại
học Ulm cũng chưa bao giờ được đổi tên là Trường
đại học Einstein. Dấu vết của Einstein ở Ulm hình như
chỉ là những mảnh vụn của lịch sử mà thôi. Còn dòng
Danube chảy qua Ulm không rộng lắm vì nó ở gần đầu
nguồn. So với cái nhìn của người con Bến Tre đã quen
với tầm bao la mênh mông của dòng Hàm Luông hoặc dòng
Cổ Chiên thì dòng Danube ở Ulm chỉ đáng gọi là con sông
nhỏ. Hoặc ở chỗ cù lao có cây cầu nối liền Ulm mới
và Ulm cũ thì Danube chỉ đáng gọi là con rạch, hay cái
xẻo Ulm gì đó! Tuy nhiên Danube gắn liền với một ca
khúc bất tử và một nhịp điệu làm cho nhân loại không
ngừng đắm say mộng tưởng: Le beau Danube bleu của Johann
Strauss. Tôi trong những ngày hãy còn thơ dại mà đã biết
say đắm với tiếng hát Thái Thanh qua bản Dòng Sông Xanh
do Phạm Duy phổ lời Việt. Bản nhạc được Thái Thanh
trình bày đúng phong cách Ad Libitum nguyên thủy của nó
trong điệu valse cuốn hút, dìu dặt của dàn nhạc thính
phòng. Phối khí gốc của bản nhạc chỉ có bộ dây
nhưng Phạm Duy đã dẫn nhập cho tiếng hát Thái Thanh bằng
tiếng sáo rất lôi cuốn. Vậy đó, tôi đến đây – Ulm
chớ không phải thành Vienne – để nghe dòng sông nhỏ
thì thầm, và rồi sẽ dẫn dắt theo lối mộng mà tới
dòng mông mênh nồng ý biếc. Ở đó Thái Thanh và Johann
Strauss sẽ gặp nhau!
2 nhận xét:
Tui đã từng yêu Thái Thanh với " dòng sông Danube" . Hôm nay tui thêm ngây ngất vì những tấm ảnh quá chời là đẹp ( tui không biết dùng từ gì hay hơn để diễn đạt nữa :)). Lại thêm những dòng tâm tình chân tình của một người Bến Tre sông nước càng làm cho bản nhạc ( của tui yêu ) thêm tuyệt ! Cảm ơn tác giả :P
@Tiêu Dao:
Đa tạ người đồng điệu.
Đăng nhận xét