Thứ Bảy, 29 tháng 4, 2023

NHÌN, NGẮM TRANH CỦA VAN GOGH. THẤY VÀ BIẾT...

!!!!!  Bài viết chưa xong... Nhìn, ngắm, thấy và biết...

Van Gogh, cái tên ấy được biết trên toàn thế giới !... 

Là một họa sĩ bị ruồng bỏ khi sống và nổi tiếng sau khi mất (do tự sát), có lẽ không phải ai cũng đồng cảm với những gì ông ấy vẻ và không phải ai cũng biết ông ấy nhận thức thực tại như thế nào để chuyển tải thực tại ấy lên khung vải. Dĩ nhiên cái gì mình thấy trên tranh thì đó là một thực tại đã được họa sĩ sàng lọc khỏi những chi tiết làm hỏng bố cục của tranh hoặc làm hỏng ý đồ sáng tác. Nhưng tranh của Van Gogh rất lạ. Ngoại trừ chất liệu * mà ông dùng để vẻ tạo cho bức tranh một cảm giác không gian 3-D (3 chiều) kì lạ mà đường nét cũng thế. Người ta xếp ông vào trường phái hậu ấn tượng (post-impressionism) nhưng ông không dùng những nét chấm phá hoặc dùng những vệt màu loang nhỏ để tạo cảm giác ấn tượng (impression) do ngoại cảnh mang lại mà dùng những đường nét run rẩy hoặc nhập nhòa giao thoa của ánh sáng để vẻ cảnh vật. Kiểu đường nét run rẩy đó sau này được thấy lại trong bức tranh The scream (Tiếng thét) của Edvard Munch. Tôi cũng thế, trong thâm tâm có phần kính nể một tài danh cả thế giới, nhưng thực tình có đôi lần được ngắm tranh của ông ấy mà tôi cũng chẳng hiểu ất giáp chi!

Để rồi sẽ tìm cách đi xem triển lãm về tranh của ông ấy. Coi người ta nói cái gì và tại sao!

A 360° Multimedia Art Journey

Van Gogh - The immersive experience + virtual reality








Một vài tranh của Van Gogh mình rất thích:

The starry night

Caf é terrasse at night

The yellow house


---------------------------

(*) Trong bảo tàng những tranh có giá trị hàng triệu đô la thì mình chỉ có thể đứng cách một khoảng để ngắm mà thôi (thậm chí còn không được phép chụp hình vì sợ đèn flash sẽ làm hỏng chất liệu để vẻ tranh hay làm hỏng màu của tranh - và tranh cũng được đặt trong phòng tối, mỗi tranh chỉ có một đèn đặt biệt - với ánh sáng hạn chế - dọi vào tranh để người xem thưởng ngoạn mà thôi). Cũng đừng dại dột đưa tay sờ vào tranh. Lỡ làm hỏng tranh thì đại nạn! Vô phương bồi thường... Vì vậy mình không thể biết được chất liệu màu để vẻ tranh đó là gì nữa! Theo mình thì đó là sơn dầu... nhưng cũng không chắc lắm.

Thứ Hai, 24 tháng 4, 2023

NÚI CAO THANH BÌNH

 




Nhìn từ lưng chừng núi Scheuerberg











Chủ Nhật, 23 tháng 4, 2023

Vườn Nhật ở Kaiserslautern

Thành phố Kaiserslautern.

Giữa nước Đức lại có một khu vườn Nhật! Bị bao vây bốn phía bởi nhà cao tầng hoặc các kiến trúc kỹ hà học, khu vườn này đem đến một không gian đào thoát, trầm mặc, thiền tính, thấm nhuần Phật đạo trộn lẫn thần đạo. Đến đây và hãy nhẹ nhàng im lặng bước trong khu vườn. Hãy tôn trọng sự yên tĩnh dành cho tâm trí... hãy hòa mình vào sự đồng điệu với cỏ cây, gộp đá, suối con...

Đường vào khu vườn Nhật
Dấu chân địa đàng... trên đá!
Cổng shinto - Thần đạo - Con đường của thần tiên.
Xuân mới vừa sang


Kìa đường lên tiên! 


...
Nhớ Lưu Nguyễn ngày xưa lạc tới Đào Nguyên 
Kìa đường lên tiên, kìa nguồn hương duyên 
theo gió tiếng đàn xao xuyến

Phím tơ lưu luyến, mấy cung u huyền 
Mấy cung trìu mến như nước reo mạn thuyền 

Âm ba thoáng rung cánh đào rơi 
Nao nao bầu sương khói phủ quanh trời 
Lênh đênh dưới hoa chiếc thuyền lan 
Quê hương dần xa lấp núi ngàn

Bâng khuâng chèo khua nước Ngọc Tuyền 
Ai hát trên bờ Đào Nguyên…

(Trích Văn Cao - Thiên Thai)
Đi đâu cho thiếp theo cùng ...

Cha & Con


Chàng và nàng ở lối đào nguyên...


Tiên Má và tiên con.

Nàng ngẩn ngơ chi bên hoa đào...

Nhân diện đào hoa tương ánh hồng
Có kẻ... "Dừng tay viết mướn lòng sầu ngẫn ngơ!"


Thiền am...










Thứ Bảy, 22 tháng 4, 2023

Làm thế nào để mở cổng thiên đường ?

Chiều nay trời bớt lạnh. Nắng đẹp. 

***



Bạn có thấy cái chong chóng
"độ lại" từ chai nhựa không?
Con gái dẫn Ba Má đi dạo mấy khu vườn nhỏ ở Amorbach bên kia đường L1095. Ở đó cư dân có những khu vườn bé tí xíu manh mún và hình như chuyện trồng trọt đối với họ không phải là việc quan trọng. Chuyện quan trọng là họ có niềm vui làm vườn, vì vậy những thửa đất đầu thừa đuôi thẹo đó đôi khi gây ra cái cảm giác được trồng trọt theo cách khác thường. Ta có thể bắt gặp một luống hoa tulip hay cây hoa hồng đột nhiên chen vào chỗ của một thứ rau xanh hoặc có vài thứ đồ chơi trẻ em - những chong chóng nhỏ làm bằng những chai nhựa bị vứt đi chẳng hạn - cắm không theo một thứ tự hay sơ đồ gì chung quanh một vuông nhỏ đất để trang trí. Những khu vườn nhỏ này gây cho ta cái cảm giác những cư dân này đến đây chăm sóc mảnh vườn hoa của họ nhằm thư giãn mà thôi, thậm chí tôi có đi ngang một cái vườn bé tí 
(Hơi hài hước nhưng
thiệt tình mình không biết
cái chòi nhỏ này dùng làm gì!!??)
có cái cổng thấp tè trồng mấy luống hoa bé xíu và cái chòi con (chẳng biết có công chúa nào đang ngủ trong chòi đấy không - như khu vườn của 7 chú lùn!)

Đang mùa hoa tháng 4 nên theo lối hẹp rất dốc, phân chia các mảnh vườn dẫn xuống lũng, có rất nhiều cỏ mọc quấn chân và hoa dại đẹp mê hồn. Cần đi chậm và đặt bước chân kỹ lưỡng trên các bậc thềm nhỏ trơn ướt nếu không muốn bị trôi tuột xuống chân dốc!


Đây là "Hoa hồng của Chúa".
Còn vì sao được gọi như vậy thì
... hỏng biết! 

Cây rosmarin già trổ bông













Có ai biết em tên gì không?



***

Rồi đi dạo tiếp ở đường hoa đào và theo lối rừng đi lên một con đồi già gần đó. Gần đỉnh đồi có một cây nở bông trắng xóa! Cây gì chẳng biết cây gì vì có thể là mơ, hay là hoa đào trắng, hay là lê... Cây nào cũng nở hoa trắng gần giống nhau. Hoa trái này của xứ người nên mình cũng ấm ớ lắm. Đôi tình nhân già bèn chụp cái hình ở đó để lưu niệm cõi đào nguyên. 

Ngồi nghỉ một chút lại leo tiếp lên theo một ngỏ nhỏ. Ngỏ này có những mảnh vườn con khá đẹp như đường lên thiên thai. Khi vừa tưởng tới chốn thiên thai thì phát hiện hàng rào chắn lối. Gặp ngỏ cụt! Xem coi! Ở cổng rào có một tấm bảng nhỏ, chắc không phải bảng hù có chó dữ. Chó ngao chỉ có ở địa ngục chứ không có ở cõi tiên! Bảng ghi rằng Willkommen in meinem paradies. À... chủ nhân chốn thảo lư này "Chào mừng đến với thiên đường của tôi". Mừng quá tưởng sắp được chủ nhân sai tiểu đồng ra mời vô uống trà ấm và ăn bánh gừng để đàm đạo chuyện lạc bước năm xưa.  Nhưng mà cái chòi lạnh kia cửa đóng then cài, tuyệt không một bóng tiên đồng hay ngọc nữ nào, bóng dáng của lão bà bà hay lão tiên ông càng không. Dưới tấm bảng lại còn một ổ khóa to đùng gỉ sét! Ngoại trừ vài đóa tu-líp ngại ngùng, và một chòm bông trắng run rẩy trong gió lạnh như bầy tiên mắc đọa, thì cảnh vật thiệt là quá đổi tiêu sơ!

Ừ thôi... ta về lại cõi trần vậy! bye bye...




Thứ Sáu, 21 tháng 4, 2023

TẢN MẠN SONG NGOẠI

Sầu thôi xuống đầy...
Làm sao em nhớ mưa ngoài song bay!
Lời ca anh nhỏ, nỗi lòng anh đây...
Trinh Công Sơn - Cuối cùng cho một tình yêu.


Mưa ngoài song bay !!! Là mưa ngoài kia, ngoài cửa sổ. Là tôi ở đây, ngoài trời xa là mối tình cũng đã xa và lạnh. Tình đã lạnh! Chỉ còn mưa... Bài hát này của họ Trịnh day dứt. Và đối với tôi nó còn chuyên chở nhiều khoảnh khắc trầm mặc!


1. Tôi đang ngồi đây, trong tầng hầm, nhìn ra ngoài cửa sổ với một con chim trắng lạnh đậu trên vách đá - Tôi gọi vui con chim ấy bằng một cái tên có phần lãng mạn: bạch tước, chỉ là một con chim bằng thiếc sơn trắng... trang trí cho vách đá của khoảnh đất sụt - Tôi gọi thế để chiều lòng một cô bạn thơ. Cô ấy có một tâm hồn nhạy cảm và chìm đắm trong tháp ngà của những mơ mộng...

2. Một cái cửa sổ rất ám ảnh bên giường bệnh của chồng một chị bạn. Khi tôi lần đầu đến thăm anh ấy thì ngoài cửa sổ phòng anh là một không gian nhỏ bé với các tường nhà, mái hồi u ám, xám xịt. Kế một bức tường nhà sau, của căn nhà đâu lưng lại, có một cây gì với mấy chòm lá đóng bụi đen mốc. Anh đã nằm bệnh nhiều năm, không ra khỏi căn phòng ấy và chỉ nằm nhìn suốt ngày cái không gian u ám đó. Giống cái không gian "song nội" mà Emily Brontë mô tả về căn phòng u tối trong lâu đài Đồi gió hú... và tôi cũng không thể nào không nhớ khung cảnh "song ngoại" với chiếc lá trên tường, trong mùa đông tuyết giá, của tác phẩm Chiếc lá cuối cùng của O´Henry!... Và rồi chiếc lá ấy đã rơi rụng mất mươi năm nay có lẽ!

3. Một cái cửa sổ khác, cũng bên giường bệnh, của anh bạn thân: Bảy Xuân. Trong phòng của Bảy Xuân có một cây đờn guitar dây sắt chẳng bao giờ được lên dây nữa. Liệt giường gần chục năm, Bảy Xuân chỉ nằm đó ngó ra ngoài cửa sổ phía dười chân. Ngoài cửa sổ là một không gian sáng sủa với một cây dâu tằm lá xanh rờn rất nhiều trái ...trái đen trái đỏ đủ cả. Chim chóc đậu lao xao giành ăn mấy trái dâu tằm. Mỗi khi đến thăm anh tôi thường nhìn đăm đăm cây dâu tằm xanh mướt ấy (để đủ lòng an tịnh) để đàn. Bảy Xuân vẫn còn nhớ và còn hát không sai lời bản nhạc Đò Chiều. Tiếng hát Bảy Xuân bay lên trên giường bệnh... Một ngày nào trên bến cô liêu... Xóm bên sông tiêu điều... Buồn hắt hiu mây chiều... Đò của người thôn nữ... Chờ đưa người viễn xứ... Đi muôn nơi xa xôi... Xây hướng cuộc đời... Ôi Bảy Xuân lang thang viễn xứ cho lắm rồi cũng về nằm đây, bên cái cửa sổ này! Và không có người thôn nữ! Tiếng đàn của tôi nó đau khổ quá, nó làm cho tôi đứt từng đoạn ruột và lòng tôi nó khóc hu hu.. nhưng Bảy Xuân vẫn mê mải hát.... Ôi trời ơi!  Cõi thiên thai và chốn đoạn trường nó chỉ cách nhau một song cửa!

4. Cái cửa sổ của căn phòng Tấn Phúc nhìn ra mấy cây cau, mấy dây trầu không, và mấy chậu hoa bằng lăng lúc nào cũng nở hoa dày đặc. Tôi ngồi đó, bên cái cửa sổ đó, nhìn ra cuộc đời đó, đàn cho Tấn Phúc nghe nhạc Trịnh, nghe một chút nỗi niềm của cuộc đời - lặng nghe bước đi êm nhẹ của gió vô thường - khi Tấn Phúc đã đến những ngày cuối. Chuyến tàu đời đã đến ga cuối!

Và đôi khi tôi, cũng như họ Trịnh kia, cũng muốn nói khẽ khàng... Ừ thôi em về! Chiều mưa giông tới...
 

Thứ Tư, 19 tháng 4, 2023

HOA ĐẸP

 

Đi Trung tâm hoa cảnh Pflanzen-Kölle (Pflanzen-Kölle Gartencenter Heibronn) bên bờ sông Neckar để tìm mua một cây cuốc chệt. Chuẩn bị cuốc đất trồng lại mấy thứ rau Việt mà con rể của mình nó thích ăn. Không thấy có cây cuốc loại đó. Người Đức họ có những dụng cụ làm vườn tốt nhưng hầu hết là to và nặng, không thích hợp với tầm vóc người Việt mình. Thôi thì sẵn dịp ngắm hoa kiểng vậy!


Hoa anh đào


Đỗ quyên



RƯỚC EM LÊN ĐỒI

Phạm Duy có bản nhạc CỎ HỒNG mà câu đầu là
Rước em lên đồi, cỏ hoang ngập lối...


Mấy hôm nay trời hãy còn lạnh và mưa lai rai, nhưng ở mãi trong nhà thì ngột ngạt tù túng không chịu nổi.
Nào... rủ rê người đẹp đi dạo ngoài rừng hay ngoài công viên cho đỡ buồn! Người đẹp chế nhạo "Đi hái hoa bắt bướm hả!?"   
Ừm... thì ...



Rước em lên đồi, cỏ hoang ngập lối!


Cúc dại và bồ công anh
đua nhau nở hoa trong cỏ xanh


Chỉ vài bước nữa thôi
là tới suối tình Amorbach.


Hãy vứt chiếc dép,
bước đi ôm cỏ mềm



Trong rừng Kochendorf! 
Hái đọt tầm ma về luộc
ăn với chao thì ngon hết biết.
Thấy người đẹp mang găng tay không,
thứ lá đó dính vô tay trần là ngứa điên khùng luôn...


Rừng Kochendorf đây.
Người ta nói ở đây nhiều ma lắm.
Đây là chỗ mà Đức Quốc Xã
từng làm trại tập trung giam giữ
và sát hại nhiều người.


Đường mòn trong rừng Kochendorf.
Ah! Trời mưa nhỏ và lạnh.
Hai người này không sợ ma đâu nhỉ!


Em ơi ! Đây con đồi dài,
như bao nhiêu mộng đời


Ven đường rừng có một vạt um sùm Bärlauch.
 Dịch thô ra tiếng Việt có nghĩa là cỏ tỏi gấu.
Thứ cỏ dại này có mùi của tỏi pha trộn với hẹ,
ăn-sống ăn-chín xào-nấu gì cũng ngon.
Với mọi người Đức đây là thứ rau truyền thống
- không gì truyền thống hơn -
luôn được hái từ rừng vào đầu mùa xuân.



Về thôi. Trời buông nắng
và mây (...đã...) về ngang bên lưng đèo... 

Chủ Nhật, 16 tháng 4, 2023

TÂM HỒN ĂN UỐNG

Ta vốn ghét làm om sòm chuyện ăn uống! Có thể tại vì Mẹ ta dạy ta rất nghiêm khắc từ thuở còn bé: Manger pour vivre. Et ce n´est pas vivre pour manger (Người ta ăn để sống chứ không phải sống để ăn!) Như vậy đó, phô bày hay nói năng, đòi hỏi gì đó về sự ăn uống đối với ta là cái sự rất "ô uế" của tâm hồn! Khiến ta từ bé đến già (!) chưa bao giờ cho phép mình tơ tưởng đến món ngon. Cứ đến giờ ăn thì trên mâm có món gì là nuốt qua loa cho xong. Tự nhủ vậy là đủ sống thêm một đoạn đời... Một tâm hồn trong sạch, thánh thiện thì không nên có chút khúc mắc nào về vật thực.

Nhưng rồi khi ta rời xa vòng tay của Mẹ ta, bươn chảy trong cuộc đời để kiếm sống (ie: kiếm ăn) thì ta mới thấy sở dĩ Mẹ dạy ta như thế tại vì... thiệt tình là ngày đó nhà ta nghèo đói quá! Không biết ăn bữa nay có đủ gạo để ăn ngày mai không. Cho nên chớ có trèo cao, mơ tưởng cái mình không có thì... chỉ làm cho thêm khổ. Ta bước vào cuộc đời, nhiều khi phải dằn lòng, ăn một chén cơm thừa, tủi hổ và chan đầy nước mắt. Và ta thương Mẹ ta hết sức vì Mẹ đã dạy ta một câu thần chú để ta vượt qua được những buổi gian nan khốn cùng! Ơn Chúa! Vì Chúa đã đặt con trong thử thách và con đã vượt qua.

***

Hôm qua con gái và con rể chở Ba Má đi chơi ở một chỗ gọi là Neckarelz, trong vùng Mosbach. Đến chiều khi đã đói bụng rồi thì dẫn Ba Má đi dạo dọc theo một con đường gọi là đường Đinh Hương. Ta ngờ rằng con đường này chắc trồng nhiều cây tử đinh hương. Đấy là tên một loài cây từ nhỏ đã đọc thấy nhiều trong các truyện dịch nhưng ta chưa thấy cây ấy trong thực tế bao giờ. Cây cối hai bên đường vừa hết mùa đông vẫn còn trơ trụi lắm nên cũng chẳng hiểu có cây nào trong hàng cây ven đường là cây đinh hương!

Đi một đổi thì bắt gặp một cái quán ăn của người Hy Lạp. Thế là quyết định ghé cái quán ấy xem coi văn hóa ẩm thực Hy Lạp nó ra làm sao. Quán tên là Mosbacher Brauhaus (Cái này mình không chắc lắm. Có thể mình nhớ lầm, vì ít lâu nay mình bị Alzheimer hơi nghiêm trọng, và Brauhaus có nghĩa là nhà máy bia! Vậy dịch là quán bia Mosbach hay quán bia Suối Rêu có ổn không? Ờ nhỉ, gần đâu đây chắc có một cái suối đầy rêu!), nhưng trừ cái khăn ăn dành cho mỗi thực khách xếp trên bàn là có in tiếng Hy Lạp còn thì thực đơn chỉ toàn món Ý thôi (cái khăn ăn ấy có ghi Καλη' Ο'ρεξη... chúc ngon miệng! Kalí Órexi!) kèm theo một trang tự điển phiên âm Hy Lạp - Đức khoảng vài chục từ và câu ngắn để giúp cho thực khách có thể giao tiếp thuận tiện với anh chàng bồi bàn người Hy Lạp. Anh chàng này thích mình lắm vì mình đã vận dụng hết kho mẫu tự Hy Lạp mà mình biết được để đánh vần cái thực đơn của anh ấy (và xạo sự) gọi món bằng tiếng Hy Lạp (Hì hì... bây giờ - mặc dù biết được thì cuộc đời đã trễ rồi - mình mới thấy học toán có ích lợi thật... biết được đánh vần alpha beta gamma epsilon thì-rằng-là có thể gọi món ăn đấy!)

Còn về tâm hồn ăn uống thì đây: Cả nhà gọi một phần bánh pizza. Gọi là pizza dành cho gia đình. Anh chàng Hy Lạp ấy đem ra một cái bánh pizza bự chảng - bự chưa từng thấy - mới nướng xong còn nóng hổi - để trên một cái đế cây hình chữ nhật. Có lẽ nên gọi là một cái pizza thớt thì chính xác hơn. Hoặc gọi là một cái bánh xèo thớt cũng hay hay. Thì dân mình vẫn yêu thích món bánh xèo mà... và cái pizza này là một thứ bánh xèo bự hơn bánh xèo. dày cộp hơn bánh xèo, nhiều thịt và bơ, cà chua, rau mùi, nhiều fromage hơn bánh xèo, thơm hơn nhưng không kêu xèo xèo như bánh xèo. Ngon (nhưng ngon hơn bánh xèo VN không thì mình không dám có ý kiến. Sợ những tâm hồn dân tộc tiến hành một cuộc đấu tranh dành chủ quyền bánh xèo thì khó phân xử lắm). Nhâm nhi pizza đó với một ly rượu vang khô trong buổi chiều lạnh này thì... cũng gần lên tới cõi thiên thai!

Cũng xin nói thêm: cả nhà ăn không hết nổi cái pizza ấy. Chú nhỏ Hy Lạp đặt phần pizza còn lại trong một cái hộp rất đẹp, giao lại cho mình kèm theo mấy ly rượu anis nhỏ nhỏ miễn phí giúp cho mình dễ tiêu. Rất chu đáo và dễ thương!

***

Chuyện đáng nói là sau khi xem lại tấm hình này thì mình không thể chịu nỗi cái bản mặt của mình. Các bạn có thấy cái bản mặt ấy giống Trư Bát Giới không! Một cái bản mặt đê mê, thể hiện khoái lạc với đôi mắt híp lơ mơ, và cái mỏ thì giống một con cá (piranha !) no mồi. Té ra mình cũng giống như bao nhiêu tâm hồn ăn uống khác trong cõi đời ô trọc này mà thôi!



Post Script:

 C´est à Capri!

(24/4/2013) Mình xin sửa lại vậy. Cái quán ấy không phải là Mosbacher Brauhaus mà tên là Capri Restaurant. Tấm bảng hiệu nhỏ treo tòn teng trước cửa ghi rõ là Pizzeria & Restaurant Capri. Chuyên về món ăn Hy Lạp và Ý. Địa chỉ: Steige 30, 74821 Mosbach. Mong rằng mình không sai lần nữa. Xin lỗi cả hai chủ nhân của cả hai quán!

Thứ Sáu, 14 tháng 4, 2023

MÂY Ở XỨ NGƯỜI

 


Ta như mây trôi ở xứ người,
ngắm nhìn đây đó đôi chút rồi lại theo gió mà đi.


Cầu nhỏ vắt qua hồ ở Rheinaue, Bonn


Lung linh nước xanh

Hoa đào vừa chớm nụ ở Rheinaue, Bonn





Mình thích cái lung linh
của mặt nước trong hình này

Dừng xe trên đầu con dốc 18% này.
Ở ngoài thấy ghê sợ hơn trong hình chụp này nhiều.
Chóng mặt vì độ dốc của nó.
Phía bên kia núi là sông Rhine rồi nhé.
Bên tay phải có một cái lâu đài tàn tạ.... chuột ở.

Nhìn xem dãy phố dưới chân con dốc (sau khi đánh lái quẹo phải cái
cua tay áo) là biết ngay... lễ độ.


Phía bên kia tòa lâu đài chuột gặm hoang phế và có vẽ tiêu sơ này
là sông Rhine, vùng Saint Goaer, nơi có nàng mỹ nhân ngư
Loreley.


Ngoài song chim lạnh đá khô

Vườn xuân vừa chớm mơ hồ bóng hoa.


Phố hoa anh đào ở Bonn.
Trời còn lạnh, hoa chỉ chớm nụ. 

Bên gốc sồi 800 tuổi.

Trầm mặc dưới nhánh hồng khô
sau vườn nhà L. Van Beethoven.