Thứ Ba, 29 tháng 12, 2015

Cháu ngoại





Có thằng cháu ngoại mới 23 tháng mà nó nói đủ thứ. Sáng nó thức dậy ngồi yên bên ông ngoại, chờ ông dậy để nhoẻn một nụ cười gạ gẫm: Ông ngoại bồng An Nhiên đi chơi đi. Buổi trưa thì nó đòi xích đu tiên, ông nói cái chân của ông đau quá thì nó nói: Ông ngoại già quá, không xích đu được. Bà ngoại phải trốn nó để ra sau làm bếp là nó hớt hơ hớt hải chạy kiếm ông ngoại mét: Bà ngoại đâu mất tiêu rồi! Chiều sập tối nó chạy ra sân nói: Ông ngoại, ông trời đi ngủ rồi, đừng làm nữa, vô đi. Buổi tối bảo nó đi ngủ thì nó kêu lên: Ông ngoại ơi, ông ngoại vô ngủ dùm con. Rồi thì ông ngoại ơi kể chuyện điông ngoại ơi ầu ơ đi! Có khi ông mệt quá thiếp ngủ trước cả cháu thì nó lay dậy: ông ngoại kể chuyện con cóc (kiện ông trời) đi. Ông buồn ngủ quá nên kể rời rạc đầu cua tai nheo, vậy là nó kêu lên: Ủa... con cóc mà (E hèm... ông ngoại nói lộn là con ếch!)! Đang bồng nó có lần nó làm ông ngoại giật mình khi hỏi: Ai đứng trong phòng vậy!? Nhưng nhà chỉ có hai ông cháu, thế thì ai đang đứng trong phòng chứ!?  Bồng nó vào phòng xem thì nó chỉ cái hình người trên tờ tạp chí hỏi lại: Ai đứng đây vậy!? À ra là vậy. Ôi trời, nó khiến ông ngoại mệt xỉu...

Nhưng bây giờ thì nó đi theo ba má nó ở xa rồi... Cái nhà trở nên quạnh hiu. Đặt mấy cái hình của nó lên bàn ăn, ông ngoại dọn cơm ra, ngồi ăn một mình. Chỉ có tiếng gió chướng thổi qua khung cửa... Ờ... nếu có nó thì nó sẽ che lỗ tai lại rồi nói: Xào xạc ... gió xào xạc... xào xạc. Ông ngoại... xào xạc.










Thứ Hai, 9 tháng 11, 2015

ÔNG VÀ CHÁU TRONG ĐÊM.



Mấy hôm nay Bà Ngoại bận việc đi Saigon, Má thì bận đi làm ở xa, cháu ngoại ở nhà với Ba và với ông Ngoại. Buổi tối cháu nằm ngủ với ông, nghe ông kể chuyện con sư tử, con gà con vịt rồi nghe ông hát ru.

Ầu ơ… ví dầu cầu ván đóng đinh
Cầu tre lắc lẻo gập ghềnh khó đi
Khó đi mẹ dắt con đi…

Thế là cháu không chịu, sửa lại:

Khó đi Má dắt Nhiên đi mà ông ngoại..

Ờ thì ông ru lại “Khó đi Má dắt Nhiên đi..” vì cháu gọi là Má mà và cháu tên An Nhiên mà…

Nhiên đi trường học, Má đi trường đời… Ầu ơ…

Cháu cũng chưa chịu ngủ, thế ông ầu ơ tiếp vậy:

Ầu ơ… gió đưa trăng thì trăng (mà) đưa gió
Ầu ơ… trăng lặn rồi gió biết đưa ai.

Ông ầu ơ hết vốn ca dao mà An Nhiên không chịu ngủ. An Nhiên thủ thỉ:

Ông ngoại tình cồ tinh cô đi…

Trời đất, cái vụ này là do ban ngày xem Youtube đây mà. Ừ thì ông hát cho nghe:

Twinkle, twinkle, little star,
How I wonder what you are.
Up above the world so high,
Like a diamond in the sky.

Ông đâu nhớ tiếp theo là gì, thế nên hát tình tình tinh tinh tính tính tinh… Vậy là cháu ngủ rồi
Nửa đêm cháu khóc, ông dậy thay tả cho Nhiên. Cháu lại không chịu ngủ. Một lúc cháu lại thiu thiu nhưng lẩm bẩm:

Ông ngoại hát đi…

Ừ thì..
Twinkle, twinkle, little star,
How I wonder what you are.

Ông buồn ngủ quá quên tiếng tây nữa rồi, vậy thì hát đại tiếng ta vậy…

Kìa kìa sao ơi sao rất cao…
Nhấp nháy đêm sao lung linh mà…
Em thấy sao…sao ở rất xa…
Lóng lánh sao kim cương trên trời…
Tình tình tinh tinh tính tính tinh…

Thế là cháu ngủ yên.
Lại nghe có con dế nhỏ kêu te te trong kẹt tủ.



Ví dầu... gió mùa thu...

Thứ Tư, 16 tháng 9, 2015

Ngoài kia mưa rơi





  • Hôm nay bão rớt. Ngồi nhìn ngoài kia mưa lê thê. Đã cuối mùa ngâu nhưng xem ra Ngưu Lang và Chức Nữ vẫn còn sụt sùi...


Ngoài song kia mưa rơi...



Ngoài ngỏ kia, ai lướt đi trong mưa !


Phối hợp đường nét và sắc màu trong mưa



***

Chợt muốn nghe Thanh Thúy hát Ướt mi:


Thứ Hai, 14 tháng 9, 2015

GIẤC MƠ

Đúng nửa đêm bỗng choàng dậy vì… mơ.
Giấc mơ quá hạnh phúc: Hai vợ chồng đang rất âu yếm bên con bé còn nhỏ tí. Con bé có cái mặt tròn vo như mèo con chạy tung tăng. Thấy có cả bà nội của con bé. Bà đang đan cái gì đó, có phải là một chiếc áo len được đan lại từ những sợi len của những chiếc áo len đã cũ rách?
Thấy đang ở trong cái nhà vách lá và con bé đang nằm nghêu ngao trên cái giường trải tấm chiếu trơn. Hai vợ chồng đang cùng cúi xuống ngắm con bé. Nó còn bé tí, chỉ chừng mới biết đi, biết chạy và đang cười khanh khách.




Cảm ơn dù chỉ là một khoảnh khắc được sống lại.
Tan cái dư hương hạnh phúc là buồn… buồn quá!
Tất cả đã qua lâu... lâu lắm rồi...

Thứ Năm, 10 tháng 9, 2015

Xuân Thu Ức Cảm





Hai tháng trước, được bạn già Tăng Văn Dom tặng cho tập thơ. Tập Xuân Thu ức cảm photocopy trên giấy khổ A4, nhiều chỗ thủ bút. 63 bài thơ thể cổ phong bằng Hán-tự bạn đã viết trong gần như suốt một đời, từ buổi còn trẻ vất vả trầm luân ở một huyện nghèo xa xôi cho đến lúc về hưu. Bây giờ và ở đây mà tìm ra người còn đọc Đường thi đã là khó, huống chi để tìm ra người còn làm thơ bằng chữ Hán, mà lại là thể cổ phong nữa…! Mình bạc đầu rồi, học chẳng xong mấy trang Tam-Thiên-Tự, làm thơ thì lõm bõm dăm câu lạc vận, lấy tài chi mà thưởng lãm món quà trang trọng. Cũng may mà bạn chịu khó phiên âm Hán–Việt để mình có được cơ duyên thưởng thức của hiếm này.
Nhà giáo Tăng Văn Dom, hiệu Giác Tuệ, tính tình có phần trầm mặc - nửa như kẻ sĩ ước thúc lạc lõng, nửa giống cư sĩ thiền gia tự tại – làm thơ chỉ vì
Bần cùng đêm ngủ hay mơ
Tuổi già rảnh rỗi làm thơ giải sầu.
Mình rót chén trà rồi cùng bạn ngồi đọc tập thơ, bồi hồi thấy lung linh bóng dáng ông đồ già u uẩn ngày nào của Vũ Đình Liên - từ trong quá khứ mịt mờ sương khói - lại tiêu dao bước về giữa những trang thơ…

***

Mơ và sầu! Cuộc đời vốn chất đầy những mơ ước và những nỗi sầu! Giác Tuệ trải qua nhiều cảnh đời, nhìn và thấy không thiếu gì chuyện bất túc và bất toàn, chứng kiến bao nhiêu thứ đau khổ của cõi người, thì làm thơ như gieo một vần làm cầu nối những sầu nhân thế với những giấc mơ đời.
Thơ là thơ chữ Hán mà hồn lại là hồn Việt đậm đà…
Cảm cái tình bạn trong buổi chiều tan, mình cố làm một chuyện khó khăn: mò mẫm trong mớ Hán tự súc tích mà rối rắm, khi phồn thể, lúc giản thể, dịch ít bài để trình cho ai người cùng đọc. Biết có ai còn đọc để cùng mơ cùng sầu!?

***

Bốn mươi năm trước Giác Tuệ cùng ta dạy học ở một huyện được kể là vùng sâu vùng xa của Bến Tre. Việc đi lại quá sức khó khăn nên nhiều khi thày giáo trẻ nhớ mà không thể về thăm nhà. Cùng một tâm cảnh, nên những tối buồn, ta đôi lúc cũng ghé chơi chỗ Giác Tuệ. Bài thơ này làm nhớ con đường đến nhà trọ của Giác Tuệ. Trung thu ở đây không giống trung thu bên Tàu để có trời đẹp trăng trong. Chốn này cuối tháng tám, mưa đêm rỉ rả lê thê, đêm nào không trăng con đường tối đến nỗi xòe bàn tay trước mặt không thấy được ngón tay, còn đêm trăng sáng thì cũng bị hai hàng cây bên đường che mờ mờ, không gian huyễn hoặc liêu trai. Thiệt là: Tiêu tiêu tế vũ âm thu dạ / Thời thời khuyển phệ nguyệt ảnh tà! Bài “Thu dạ ức gia” đây chính là cái cảnh tình đó:

秋 夜 憶 家

僬 僬 細 雨 陰 秋 夜
時 時 犬 吠 月 影 斜
眠 斷 依 囪 觀 月 盡
不 知 何 日 再 歸 傢


Thu dạ ức gia

Tiêu tiêu tế vũ âm thu dạ
Thời thời khuyển phệ nguyệt ảnh tà
Miên đoạn ỷ song quán nguyệt tận
Bất tri hà nhật tái quy gia

Đêm thu nhớ nhà.

Đêm thu hiu hắt mưa bụi bay
Năm canh chó sủa bóng trăng phai
Đứt giấc dựa song xem trăng lặn
Biết đến hôm nao trở lại nhà ?

Rất lâu mới về thăm quê nhà một lần nên đến cái ngày... có đội mưa về cũng không gặp lại nàng nữa:

入 雨 憶 人

故 鄉 离 別 三 秋 去
落 日 迴 歸 雨 雰 雰
誰 家 少 女 欣 欣 哨
停 步 低 头 忆 故 人

Nhập vũ ức nhân

Cố hương ly biệt tam thu khứ
Lạc nhật hồi quy vũ phân phân
Thùy gia thiếu nữ hân hân tiếu
Đình bộ đê đầu ức cố nhân

Đi trong mưa nhớ người

Quê xưa ly biệt ba năm
Chiều nay về lại mưa thâm mù mù
Nhà ai hớn hở tiểu thư
Chậm chân cúi mặt chần chừ tưởng ai.

Mấy năm đó vừa hết giặc này lại đến giặc kia. Kinh tế cạn cùng, thường bữa ăn chẳng no – áo không được lành, lòng người ly tán. Lý này lẽ nọ nhiều kẻ phải tha hương, một bước ra đi không dám tưởng có ngày còn sống mà được trở về quê: Lạc diệp ly chi biệt bất hoàn. Bước ra đi mà lòng đau như cắt. Bài Cố hương này là kí thác tâm tình của một người bạn của Giác Tuệ trong cảnh ấy. Ta hỏi Giác Tuệ vậy chớ độ-cựu-giangcựu-giang nào. Giác Tuệ bảo thì bến phà Rạch Miểu ấy mà! A… người con nào của Bến Tre ngày xưa ra đi mà không nhớ dòng sông Tiền mênh mang và những chuyến phà Rạch Miểu. Chẳng biết Đằng-Vương-Các-Tự đẹp cỡ nào mà Vương Bột viết được câu Lạc hà dữ cô vụ tề phi, thu thuỷ cộng trường thiên nhất sắc”, chớ này bạn ơi, nếu một chiều êm nào có dịp ngồi trên chuyến phà Rạch Miểu mơ màng nhìn xa về phía cửa Đại thì mới thấy đúng là thu thủy cộng trường thiên nhất sắc… Vậy làm sao mà kẻ ra đi không nửa đêm tỉnh giấc, bồi hồi tự hỏi biết có ngày nào qua lại chuyến phà xưa!

故 鄉

狂 風 忽 起 掃 林 山
落 葉 離 枝 別 不 還
故 鄉 夜 夢 眠 斷 問
何 日 歸 來 渡 舊 江

Cố hương

Cuồng phong hốt khởi tảo lâm san
Lạc diệp li chi biệt bất hoàn
Cố hương dạ mộng miên đoạn vấn
Hà nhật quy lai độ cựu giang

Làng cũ

Núi rừng bỗng nổi cuồng phong
Rơi không trở lại lá lìa cành khô
Giật mình hỏi giữa cơn mơ
Bao giờ về lại quê xưa qua đò.

Người đi thì đã đành vậy, nhưng còn mẹ già trong bóng chiều:

望 子

來 秋 葉 又 洛
茅 屋 萋 綠 蕪
庭 暮 母 攜 杖
望 子 十 悲 秋

Vọng tử

Lai thu diệp hựu lạc
Mao ốc thê lục vu
Đình mộ mẫu huề trượng
Vọng tử thập bi thu

Ngóng con.

Thu về lá lại rơi rơi!
Nhà tranh rậm rịt xanh rì cỏ hoang
Mỗi chiều lê gậy trước sân
Mười năm buồn bã trông con, mẹ già.

Bạn cũ cũng nhớ nhau:

除 夜 忆 故 人


亭 前 點 點 梅 花 開
天 地 悠 悠 與 入 春
除 夜 寂 寞 酒 独 飲
舉 杯 我 愁 忆 故 人

Trừ dạ ức cố nhân.

Đình tiền điểm điểm mai hoa khai
Thiên địa du du dữ nhập xuân
Trừ dạ tịch mịch tửu độc ẩm
Cử bôi ngã sầu ức cố nhân.

Đêm giao thừa nhớ bạn cũ.

Trước thềm mai lấm tấm hoa
Đất trời khắp nẻo chan hòa sắc xuân
Giao thừa ngồi nhớ bâng khuâng
Rượu đầy nhưng chẳng cố nhân uống cùng.
(Giác Tuệ dịch)

Bao nhiêu năm ở chốn quê người, làm thân lãng tử, cầu cho được câu lá rụng về cội! Rồi một ngày bạn xưa cũng về tới đường xưa, nào cỏ, nào trúc, nào mai… Thế nhưng Giác Tuệ lại để vắng bóng người… Hay bóng mẹ (母- mẫu) đã ẩn vào dáng mai (梅 - mai)!!! Mẹ ơi con đã về đây!

歸 家


歸 路 草 芽 碧
飄 姚 綠 竹 枝
門 前 梅 含 咲
浪 子 白 頭 歸


Quy gia

Quy lộ thảo nha bích
Phiêu diêu lục trúc chi
Môn tiền mai hàm tiếu
Lãng tử bạch đầu quy.

Về nhà

Đường về xanh mướt cỏ non
Trúc xanh phơ phất vẫn còn lối đi
Mai vàng trước cửa cười chi
Con già tóc bạc hồi quy đây mà !

Rồi tới một ngày buồn lắm! Giác Tuệ mất đứa con gái yêu đầu lòng:

夜 闌 念 子

夜 闌 眠 忽 斷
囪 外 月 渺 渺
喔 喔 雞 鳴 起
念 子 何 處 飄

Dạ lan niệm tử.

Dạ lan miên hốt đoạn
Song ngoại nguyệt diêu diêu
Ốc ốc kê minh khởi
Niệm tử hà xứ phiêu.

Đêm khuya nhớ con

Cuối đêm thức giấc giật mình
Ngoài song kia đã mờ mờ trăng lu
Óc eo gà gáy canh tư
Thương con chẳng biết gió đưa nơi nào


Ngày giáp tết đi quét mộ cho ông bà, thấy có nấm cỏ xanh không năm nào có người chăm sóc cũng động tâm:

春 感

墓 上 萋 萋 滿 亂 草
新 岁 春 來 無 人 扫
几 渡 黃 梅 对 墓 开
寂 人 此 時 何 处 到

Xuân cảm

Mộ thượng thê thê mãn loạn thảo
Tân tuế xuân lai vô nhân tảo
Kỷ độ hoàng mai đối mộ khai
Tịch nhân thử thời hà xứ đáo


Cảm xúc ngày xuân

Mộ ai cỏ rối rầu rầu
Sao không người tảo để sầu gió xuân?
Mai vàng đã nở bao lần !
Người xưa nay đã nương thân chốn nào?
(Giác Tuệ dịch)

Đọc suốt tập thơ không mấy khi thấy Giác Tuệ được thanh thản trừ buổi dong thuyền trên dòng Hương:

香 江 夜

遊 船 香 江 夜
輝 輝 月 瓏 波
左 岸 聞 聲 琴
南 哀 如 落 花
右 岸 樹 漠 漠
御 坪 月 光 斜
鐘 聲 天 姥 點
執 杯 向 月 歌

Hương giang dạ

Du thuyền Hương Giang dạ
Huy huy nguyệt lung ba
Tả ngạn văn thanh cầm
Nam Ai như lạc hoa
Hữu ngạn thụ mạc mạc
Ngự Bình nguyệt quang tà
Chung thanh Thiên Mụ điểm
Chấp bôi hướng nguyệt ca.


Đêm sông Hương

Sông Hương một tối dong thuyền
Long lanh bóng nguyệt dập dềnh sóng đưa
Nam Ai vẳng khúc nhặt thưa
Bờ kia tưởng tiếng hoa mưa giữa dòng
Ngự Bình chừ nhạt trăng trong,
Bờ ni mờ mịt hàng thông soi mình
Chuông chùa Thiên Mụ rung rinh,
Ngó trăng, nâng chén với mình ngân nga.
(Diệu Hạnh dịch)


Dù sớm hay muộn khi đã kinh qua những hư vọng sắc tướng, phập phù những nỗi nhân sinh, rồi thì cũng đến lúc trầm tư về cuộc trần ai, lẽ sinh tử:

人 生

水 底 玲 瓏 秋 月 影
彬 彬 霞 色 眺 長 天
人 生 不 异 霜 江 早
貧 富 枯 榮 只 夢 眠

Nhân sinh

Thủy để linh lung thu nguyệt ảnh
Bân bân hà sắc diểu trường thiên
Nhân sinh bất dị sương giang tảo
Bần phú khô vinh chỉ mộng miên.


Cõi người.

Trăng thu đáy giếng lung linh.
Ráng chiều rực rỡ bóng hình trời cao.
Cõi người sương khói như nhau,
Nghèo giàu tươi héo mộng phào mà thôi.

Tập thơ kết thúc bằng hai câu:



廣 川 浪 浪 岸 不 見
寂 心 必 悟 向 渡 江

Ngộ

Quảng xuyên lãng lãng ngạn bất kiến
Tịch tâm tất ngộ hướng độ giang.

Mênh mông nào thấy bến bờ
Tâm tư buông xả thuyền chờ qua sông.
(Giác Tuệ dịch)

Chẳng được như Giác Tuệ, mình thì đôi lúc thấy lòng mình cũng không chắc rõ tâm mình… biết làm sao để cho tâm tịch mịch!?

Còn bạn, người đọc Giác Tuệ, bạn có đồng cảm hay chia sẻ gì không ? 


Thứ Bảy, 23 tháng 5, 2015

TẢN MẠN LÀM CỎ.





Ông Năm đã già quá. 98 tuổi rồi còn gì ! Sống qua mấy cuộc chiến tranh. Thấy đủ hết mọi đau thương trầm luân của cuộc sống. Tuy vậy ông hãy còn mạnh khỏe và siêng năng. Sáng nào cũng thấy ông cầm cái đồ hốt rác đi lững thững dọc theo con ngỏ vào nhà ông để làm cỏ. Nói đáng tội, cái ngỏ đó không có mấy cọng cỏ lớn lên nổi với ông, nên ông lặng lẽ đi ra đi vào cái ngỏ dài 50 mét mà chẳng có gì để làm cho tới khi nắng lên thì về trú nắng dưới mái hiên nhà. Ông ngồi yên đó gần suốt ngày chẳng nói chuyện với ai, mà cũng chẳng ai nói chuyện với ông. Thỉnh thoảng nhác thấy ông bên kia hàng rào tôi lại không khỏi nghĩ đến bài tập làm văn của đứa bé có lần được bêu trên Internet: “Nhà em có nuôi một ông nội. Ông nằm trùm mền suốt ngày. Đến giờ ăn thì ông ló đầu ra hỏi: Cơm chín chưa bây,...”. Ông Năm thì không như vậy, ngày nào cũng thấy ông đi ra đi vào, có khi thấy ông còn chẻ củi nữa...
Mươi mười lăm năm trước, thỉnh thoảng tôi vẫn còn nói chuyện với ông. Ông là người ham hiểu biết, vì vậy mỗi lần nói chuyện là ông lại hay hỏi thầy giáo ơi tại sao cái này, tại sao cái kia! Chẳng hạn ông hỏi tại sao nước mưa tưới cây thì tốt hơn tưới bằng nước máy, tại sao máy bay lại bay được, tại sao cái truyền hình lại có hình và lại nói được .v.v. và ông lắng nghe rất chăm chú với cặp mắt sáng ngời.Tội nghiệp cho ông vì ông ham học nhưng ông chỉ được học chút đỉnh ở mấy lớp bình dân học vụ xóa mù, vừa đủ cho ông đọc được chữ mà thôi! Bây giờ thì tôi không còn nói chuyện với ông nữa vì ông đã điếc hẳn rồi. Sấm có nổ bên tai chắc ông cũng chẳng nghe gì! Người nông dân già đó sống thọ và sống khỏe, chỉ đáng tội là ông sống trong sự yên lặng cô đơn tuyệt đối. Ông chỉ còn là cái bóng ở bên lề cuộc sống mà thôi...
Chiều nào tôi cũng ra làm cỏ vườn. Về hưu rồi thì tôi đâm ra nghiện làm vườn làm đất. Đó cũng là cách để tôi không phải trăn trở nữa về những thứ chộn rộn ngoài kia, về những thứ thị phi của một xã hội đầy dẫy bất an. Trong khi cúi mặt xuống đất, nghe đất nói, thì tôi mới thấm thía đoạn sau đây trong Terre des hommes (*):
“La terre nous en apprend plus long sur nous que tout les livres. Parce qu’elle nous résiste. L’homme se découvre quand il se mesure avec l’obstacle. Mais, pour l’atteindre, il lui faut un outil. Il lui faut un rabot, ou une charrue. Le paysan, dans son labour, arrache peu à peu quelques secrets à la nature, et la vérité qu’il dégage est universelle.”
Bùi Giáng đã dịch đoạn đó như sau:
Cõi người ta:
“Đất dạy ta hiểu ta hơn mọi sách vở. Vì đất cưỡng kháng lại ta. Con người tự khám phá ra mình là lúc đọ sức với trở ngại. Nhưng muốn đạt tới, cần phải có một dụng cụ. Cần một cái bào, hoặc một cái cày. Trong cuộc cày bừa, người nông dân dần dà cướp giật được của thiên nhiên một vài bí nhiệm, và chân lý anh tìm được cũng là chân lý suốt cõi muôn năm.”
Liệu tôi có như người nông dân kia, rồi sẽ tìm ra một vài bí mật, hay tìm ra một vài chân lý nào đó, dù rằng điều đó đôi khi cay đắng! Chẳng phải Camus đã từng viết: Il n’est pas une vérité qui ne porte avec elle son amertume. (Sự thật nào mà chẳng mang theo nó vị đắng!) Khi tôi trốn chạy những cuộc thị phi bằng cách cúi mặt xuống đất, liệu rồi tôi có lại đọc được từ đó những điều cay đắng hay không?! Dù sao đi nữa thì dòng đời vẫn chảy theo cái kiểu của nó, tôi có muốn nó khác đi cũng không được...

Trong khi làm cỏ vườn thì tôi thấy ông Năm ngồi quay lưng lại với tôi bên kia hàng rào. Ông già đã ngồi ở đó chắc là từ rất lâu, hai bàn tay chống cái đầu cúi xuống, yên lặng trong vạt nắng chiều, giống như ông đang ngủ ngồi. Nhưng rõ ràng là ông không ngủ vì chốc lát ông lại đổi tư thế, bàn tay lại chống lên càm. Chẳng có ai ngủ ngồi bằng cách chống tay lên càm cả! Tôi không gọi ông, vì có gọi ông cũng chẳng nghe. Tôi chỉ ngồi đó và quan sát ông mà thôi. Tôi chỉ thắc mắc không hiểu ông ngồi yên lâu như vậy thì ông đang suy nghĩ điều gì, nhớ nhung cái gì trong tất cả kỷ niệm dài dằng dặc của đời ông (nếu như trí tuệ của ông nó còn khá tốt, còn chưa bị cái thứ Alzheimer nó hành hạ). Rốt cuộc tôi trở vào lấy máy ảnh chụp cái hình bạn thấy đây. Tôi không tính chụp lén đâu, đơn giản là tôi có muốn gọi ông để xin phép cũng không được kia mà!

Nếu có điều gì mà tôi học được từ đất, từ cái cuộc làm cỏ của tôi ngày hôm đó, là tôi học được từ hình ảnh này của ông Năm: Tuổi già và nỗi cô đơn trong bóng chiều.



Viết thêm (24/5/2015): Bài tản mạn này tôi viết khi nửa đêm, người khá mệt mỏi, nên đôi chỗ có phần sơ lược và khó hiểu. Lẽ ra tôi nên nói rõ khi tôi cúi mặt xuống đất và nghe đất nói ấy là tôi đang nhìn lại chốn cát bụi - nơi mà tôi đã từ đó đến đây - để tìm thấy lại chính mình. Và khi tuổi già xế bóng như ông Năm, thì cái việc nhớ nhung điều gì trong tất cả kỷ niệm dài dằng dặc của đời ông là một hành động tìm lại cái thứ mà mình đã đánh mất trong dòng thời gian - bất khả tái hồi. Và tôi cũng muốn bắt chước Bùi Giáng trong đề tựa của bản dịch Cõi người ta để viết thêm:
Câu chuyện kể, là chuyện làm cỏ và chuyện già Năm. Nhưng giọng người là giọng trần gian đi tìm linh hồn mình giữa nước non hiu quạnh.


(*) Tác phẩm của Antoine De Saint-Exupéry.



Thứ Năm, 21 tháng 5, 2015

SINH NHẬT




Ngày này khi Mẹ còn sống thì
mình sẽ được một hộp bánh LU
và một tờ nhạc mới.

Còn bây giờ thì mình tự đi xin mấy nhánh bông,
về cắm vào bình và tự mừng ngày mình được
Mẹ đưa vào cuộc sống vậy.




Thứ Sáu, 15 tháng 5, 2015

ĐÊM LẶNG GIÓ


Đêm tháng tư. Gió lặng. Đã quá nửa đêm nhưng trời vẫn oi bức. Không sao ngủ được. Ngồi dậy thì để làm gì !? Câu hỏi nghe có vẻ kỳ khôi. Không ngủ thì thức chứ sao! Nhưng... lại có nhiều chữ nhưng! Nhưng mình sống trơ trọi đã quen. Một mình thui thủi đi ra đi vô căn nhà. Để tránh phải suốt ngày nói chuyện với cái đầu gối – có nguy cơ lại rơi vào trạng thái trầm cảm – thì ban ngày kiếm đủ thứ việc để làm. Chẳng hạn làm cỏ quanh vườn, đó là thứ có thể làm quanh năm không hết. Chẳng hạn dọn qua dọn lại mấy đống gạch đá mà trước đây mấy chú thợ xây vứt bừa bãi. Làm chí chết tới khi nào mệt phờ phạc thì thôi, để đừng buồn cô quạnh và để mỗi đêm được ban cho một giấc yên! Nhưng dù suốt ban ngày đã làm mướt mồ hôi mà đêm nay vẫn không ngủ được! Quạnh quẻ trong đêm dài quả thực là một cực hình đáng sợ. Chẳng phải sợ ma! Giá mà có ma để nói chuyện thì cũng bớt trống trải, cũng có thể hầu chuyện Bồ Tùng Linh thêm một câu chuyện liêu trai. Ban đầu định mở mấy bài thơ của nhà thơ già ra đọc nhưng (!) đã mấy lần đọc thơ của người tình già này thấy mất ngủ thêm. Chẳng hiểu ông ấy làm một bài thơ thì mất bao nhiêu thời gian, chứ có lần mình mất cả đêm trắng chỉ để đọc có mỗi một bài thơ... và khi ngoài cửa sổ thấy nắng sớm lên thì trái tim của mình nó cũng sụt nhịp – hạ huyết áp – luôn một thể! Thôi không đọc thơ nữa, lấy cây guitar dạo vài khúc vậy! Mới chơi mấy trường canh của bản Adagio in g-moll của Tomaso Albinoni – Remo Giazotto thấy sao nó có cái hơi của hành khúc tang lễ hoặc của requiem quá. Thứ này đàn ban đêm hàng xóm biết nghe chắc rủa mình chết luôn ! Thôi không đàn nữa...
Lại đi tới đi lui trong đêm! Làm sao cho hết cái đêm lặng gió chết tiệt này!
Đêm dài quá đêm ơi! 

Thứ Bảy, 7 tháng 3, 2015

Vô đề đầu năm.


Có một người gởi cho mình một message:
“Thưa Anh ! Cái gì anh cũng có hết,
vậy anh còn muốn gì nữa... sao anh ích kỷ vậy !!!?”.
Cái message đó làm cho mình cười buồn.
Bài viết này để trần tình với người
đã gởi cho mình cái message đó.
Có thể bạn khác – khi đọc bài này – không hiểu tôi
đang tư biện nhập nhằng cái gì đây.
Xin thứ lỗi cho tôi.
Trong trường hợp đó xin bạn cười xòa,
nói rằng “rõ chán” và... đừng thèm đọc nữa! 




Cười và buồn! Đúng vậy, khi bước vào tuổi 60 thì cái gì mình cũng có. Đủ rồi! Mình có một gia đình yên ấm, con cái thành đạt, sắp về hưu và trong nghề nghiệp thì chưa có ai chê trách mình điều gì. Nghĩa vụ đối với xã hội và đối với gia đình mình đều “trả nợ” đầy đủ. Tiền bạc thì ngó lên thấy mình không bằng nhiều người nhưng như vậy thì cũng đủ sống mà không cần con cái lo toan chu cấp một khi mình về hưu. Tuy nhiên để được điều đó thì mình đã vượt qua biết bao nhiêu khó khăn và đã đánh rơi dọc đường nhiều ước mơ của lúc tuổi trẻ. Người ta nói “ngũ thập nhi tri thiên mệnh...” là xác đáng. Ngoài 50 thì biết mình đã làm được gì, còn có thể làm gì và biết những gì mình vĩnh viễn sẽ không làm được, biết chắc lưỡi ngậm ngùi cho nhiều hư vọng của tuổi trẻ đã tàn phai. Đến 60 thì biết lời giải của nhiều bài toán của cuộc sống, có thể cảm động khi đọc Bát-nhã-Ba-la-mật-đa tâm kinh và rung động với chân lý của những lời kinh Kim Cang. Mà thật ra không phải kinh Bát Nhã là lời giải cho những vấn đề của cuộc-sống-còn. Có cái gì đó như trong toán học: có những chứng minh cho một số bài toán (giải được) và có chứng minh rằng một số bài toán khác là không có lời giải và... có chứng minh rằng một số bài toán là không tồn tại, đi tìm lời giải cho những “bài toán” đó là mất công vô ích. Những hư vọng của cuộc sống thuộc về hai loại sau: hoặc là nó không có lời giải hoặc thực ra nó không hề tồn tại. Bát-nhã-Ba-la-mật-đa là nhận thức về “tính giải được” của nhận thức, là nhận thức về chính nhận thức. Và cái bi kịch của con người rằng là nó vẫn hy vọng vào một ngày nào đó giải được cái bài toán đã được chứng minh rằng không giải được hoặc nó đau khổ ôm ấp cái bài toán thật ra không hề tồn tại. 

Thưa người không quen biết đã trách móc tôi qua cái message đã nói trên kia, tôi cũng rơi vào cái bi kịch đó thôi. Tôi xin người một niệm để giải oan vậy!


Thứ Tư, 28 tháng 1, 2015

Test

Xin lỗi người đọc... Entry này chỉ để kiểm tra việc duy trì blog sau khi blog này bị tấn công bởi VDC và Trip Wellcome. Bản thân tại hạ gần đây đã không thể truy cập bình thường blog của mình nữa (trừ khi dùng giải pháp vượt qua tường lửa). Một lỗ hổng bảo mật nào đó của Google đã cho phép các web site đen nói trên chiếm quyền truy cập blog "Lời quê góp nhặt dông dài mua vui" và redirect đến các site nói trên. Test này là một cố gằng để giành lại URL đã bị kẻ xấu chiếm dụng!