(Hay Thơ gởi chị Ngọc Hạnh)
Thế là có một cái blog tôi vẫn xem hàng ngày đóng cửa vĩnh viễn rồi! Thế giới blog cũng nhộn nhạo như cuộc đời vậy, chỉ có điều nó không có biên giới hữu hình mà thôi. Khi tôi nhờ Google dựng lên cái blog của mình thì tôi chỉ định làm một thử nghiệm. Vào thời điểm đó tôi nghiệm ra rằng - trong thế giới Internet - người ta bỏ quên những người lớn tuổi. Cũng phải thôi! Trong đời thực khi anh có tuổi, và nếu anh có một chút tinh ý, là có thể nhận ra mỗi một ngày qua cuộc đời càng lúc càng xa mình. Này nhé, hãy nhìn những dòng xe đang chạy ào ạt ngoài đường kia. Tất cả bọn họ là những người trẻ. Họ đang chồm lên trong cuộc sống. Những người lớn tuổi ở đâu hết ha? Nếu họ còn đủ sức họ đang đi chậm rãi bên lề đường kia, tập thể dục để - với một chút hy vọng tuyệt vọng - kéo dài niềm vui được sống. Này nhé, ta vào siêu thị nhé. Cặp mắt của anh phản bội anh rồi! Hàng hóa được sản xuất và được chứa trong các bao bì chữ quá nhỏ mà anh không thể nào đọc được. Thị phần của những người già nhỏ bé đến nổi các nhà sản xuất không bỏ công ra để ý đến in bao bì sao cho ông già bà lão có thể đọc được mà không cần cặp kính (lở bỏ quên ở nhà/trong xe). Vào thời điểm đó trong thế giới công nghệ thông tin người ta đang tán dương tuổi trẻ, như chính cái tuổi trẻ của công nghệ này vậy. Ví như: Người trẻ thì tiếp thu công nghệ nhanh hơn, không vất vả quên tới quên lui một thao tác "dễ òm"! Người trẻ thì hào hứng kết bạn để chat, để trưng mình ra trên các mạng xã hội, để nhí nhố chia sẻ với nhau những trải nghiệm mới mẻ của cuộc sống số. Người trẻ là thị phần khổng lồ cho các sản phẩm công nghệ thông tin. Người lớn tuổi ở đâu vào lúc đó? Họ đang e dè nhìn thứ máy móc lạ lẫm có vẻ sẽ đe dọa những thói quen sống của họ... Và tôi dựng nên cái blog của mình để nói một thứ tiếng nói khác cái đang vốn có trong cuộc sống số. Điều kì diệu là khi tôi tiếp cận với chuyện viết blog thì tôi nhận ra mấy điều sau đây:
1. Blog rất có lợi cho những người lớn tuổi: Khi ta có tuổi tác, một trong các điều đáng sợ là sự suy giảm khả năng ngôn ngữ. Số lượng từ vựng theo tuổi tác sẽ giảm nhanh. Bình quân một người chỉ dùng khoảng 800 từ trong cuộc sống của mình. Chỉ các nhà văn do phải suy nghĩ và viết nhiều mới có khả năng sử dụng đến khoảng 3000 từ. Không biết có nghiên cứu khoa học nào về số lượng từ vựng của những người lớn tuổi không nhưng tôi áng chừng - sau khi ghi thử ra giấy - người lớn tuổi chỉ sử dụng khoảng trên dưới 200 từ mà thôi. Thể hiện rõ nhất điều này là người lớn tuổi hay ngập ngừng khi phải diễn đạt các ý tưởng trừu tượng hoặc tinh tế do phải gắng nhớ lại các từ vựng liên quan. Viết blog chính là một cách để duy trì khả năng ngôn ngữ, chống lại bệnh lãng trí.
2. Sự cô đơn: Người lớn tuổi dễ rơi vào cô đơn, hầu hết bạn bè của tôi đều như thế. Con cái chúng ta đều lớn cả rồi. Chúng phải sống cuộc đời của chúng, sống với công việc của chúng, sống với cái thế giới của chúng. Chúng phải ra đi khỏi mái ấm mà ta đã vất vả cả đời xây dựng cho chúng. Như chúng ta trong quá khứ vậy, chúng phải xây dựng cái mái ấm của riêng chúng ... để đến một ngày chúng cũng sẽ cảm thấy cô đơn khi cháu chúng ta lớn lên! Khi người ta chỉ sống một mình, may mắn thì còn cái phân nửa thứ hai kề bên, suốt những ngày tháng dài vắng lặng, thậm chí có khi cả tuần/cả tháng không nói chuyện với ai trừ nói với mấy con mèo, con chó trong nhà, thì người ta mới biết thực sự thế nào là cô độc/cô đơn. Khi đó blog là một cứu cánh tốt. Gần đây tôi thấy những blog do người lớn tuổi viết ngày càng nhiều. Tôi đọc thường xuyên - có thể nói là hàng ngày - khoảng trên dưới một chục blog loại đó: Blog Have a Daily cup of Mrs. Olson của một bà tự giới thiệu đã có 5 đứa con và 6 đứa cháu ở Utah-USA; Blog của Ông già Jumarao ở Puerto Rico; Blog trước đây của chị; .v.v. những blog mà tôi chưa bao giờ nêu lên trong mục Blog thích xem... Blog giúp chúng ta duy trì được mối quan hệ của mình với cuộc đời. Hãy nghĩ xem ở đâu đó trên thế giới này vẫn còn ít nhất một người vẫn chăm chú đọc mình, nghe mình, như tôi vẫn chăm chú đọc chị hàng ngày trước đây vậy, thì mình vẫn còn thuộc về thế giới này. Những buồn, những vui, những lo lắng của mình sẽ được chia sẻ. Quan tâm làm gì tới câu chữ - mình có tính trở thành nhà văn nhà thơ quái gì đâu - hãy viết như mình sống, mình thở, mình cảm nhận cuộc sống và ... để gió cuốn đi. Đừng đóng blog của mình lại, đừng đóng các comment lại, hãy để lòng mình mở ra. Sao ta quay lưng với bạn bè vậy? Sao ta quay lưng với người ta yêu? Sao ta quay lưng với người yêu ta vậy? Hãy yêu, hãy giận, hãy ghét, nhưng đừng đóng lại cỏi lòng mình! Chị không viết cái blog đó nữa. Lí do thì đã được chị phân trần trong cái mail gần đây nhất rồi. Tôi đã có ý định post cái mail đó lên đây với tiêu đề Thư từ Paris nhưng sợ chị không bằng lòng nên thôi. Ừ thì mình viết về chuyện con cái, sự lo lắng trước khi về hưu, chuyện các bà bạn đi gym, chuyện cái tay đau, nói chung là chuyện đời thường. Được quá đi chứ. Hay chị muốn viết chuyện chính trị! Ôi giời ... bỏ quách Robert Mugabée, quăng đi Sarkozy, mặc kệ Obama hay thậm chí Ông Nguyễn Tấn Dũng đi. Đời cua cua máy, đời cáy cáy đào! Chuyện đó là của những người trẻ! Hãy để cho những người trẻ biết chịu trách nhiệm về tương lai. Chuyện gì thuộc phần mình trong cuộc đời mình đã làm rồi. Mình đã từng phải chịu trách nhiệm về lũ trẻ rồi. Bây giờ đến phiên chúng phải học bài học về trách nhiệm với cuộc đời, với lịch sử!
Tôi chờ xem, chờ nghe những tiếng nói từ xa xôi, vọng lại đây đó tiếng nói khẻ khàng, nhẹ nhàng, những câu chuyện của chúng ta: Buồn ... vui ... yêu ... ghét cuộc sống!