Thứ Năm, 8 tháng 8, 2013

Buồn lộn xộn trong mưa.



  • Một:

    Chiều hôm qua có một cơn mưa lớn, có cả tiếng sấm lăn ầm ì…

    Thiệt là kì lạ vì ở quê mình hay gặp cái kiểu giông gió nổi lên ào ào trước cơn mưa như vậy, còn ở đây thường chỉ có những cơn mưa nho nhỏ lai rai. Thế là bắt ghế ra ngồi ở cửa nhìn mưa kéo đến! Gió lớn thổi ngã nghiêng mấy bụi bông hồng của nhà ông bà già Bishop kế bên, làm mấy cánh hoa hồng khô từ hôm trước bay tơi tả và lá cây thì cuốn bay loạn xạ.
    Bỗng nhiên nhớ ra một loạt mấy bài hát từ thuở nào… Đầu tiên bỗng nhớ một câu trong Ngăn Cách của Y Vân “Không… không ai giận hờn… nếu đã hay rằng… Lòng người như chiếc lá, nằm trong cơn gió vô tình...”, rồi lại nhớ Bài Luân Vũ Mùa Mưa – Bản nhạc này nguyên gốc của nó chẳng liên quan gì đến mưa (The last waltz) mà mấy câu đầu của nó là: I wonder should I go or should I stay, the band had only one more song to play, and then I see you out the corner of my eye… Thế đấy, nhưng ông nhạc sĩ nào của mình đã chuyển thành tiếng Việt là: Kìa trông trời mang mùa mưa tới bên ta rồi… làm cho từng cơn... sầu hắt hiu nhẹ rơi… Lời Việt đó (và bản nhạc đó) lần đầu tiên mình được nghe là ở Saigon. Cái không gian mưa Saigon đầu những năm 197x làm cho bản nhạc có một sắc thái lãng mạn đặc biệt: Con hẻm yên ắng ở đường Hòa Hảo, tiếng mưa rơi trên mái tôn và một mối tình tan vỡ. Thế là “kết” luôn bản nhạc. Lại nhớ mấy câu đầu của Ướt Mi: Ngoài hiên mưa rơi rơi… người ơi nước mắt hoen mi rồi!...

  • Hai:

    Chớp bể mưa nguồn ở đâu thì cũng có phần giống nhau. Tiếng mưa rơi cũng là một thứ nhạc, mưa ở đây – Neckarsulm, hay mưa ở xa vạn dặm quê nhà kia cũng có thể làm sống lại rất nhiều kỷ niệm. Người trẻ thì nhớ lại những kỷ niệm tình ái, nhớ lại những nỗi đau dịu dàng! Còn khi người ta lớn tuổi rồi thì không biết người ta có thể nhớ điều gì nhiều hơn không!? Chỉ biết trong chiều mưa này mình chao đảo trong biết bao nhiêu là hình ảnh: Hình ảnh Cà Mau với những cơn mưa trắng mênh mông, nước dâng lấp xấp nền nhà, gió lồng lộng tạt hơi mưa qua mái lá và nồi cơm sôi ùng ục trên bếp than đước đỏ lửa. Mình hãy còn là một thằng bé gầy nhom, da mốc cời màu phèn, thích dầm mưa đi bắt cua đồng. Hình ảnh Bến Tre trong mưa trên bến đò Cái Cối. Một cái bến đò đáng sợ với cái đồn lạnh lẽo dưới mưa và đôi khi có mấy chiếc ghe chở xác neo dưới chân cầu. Mình đã đủ lớn và… già háp đủ để biết nổi buồn của quê hương và ghê sợ súng đạn! Hình ảnh một Saigon êm đềm (dù là một êm đềm giả tạo!) trong cuộc chiến, ở đó có thể bình tĩnh thưởng thức ly cà phê đen rất đắng và nghe Khánh Ly hát Ca Khúc Da Vàng hay nghe Mưa Saigon Mưa Hà Nội của Phạm Đình Chương. Một Saigon với đủ thứ hình ảnh trái ngược và tình cảm trái ngược!

  • Ba:

    Và bây giờ mỗi đêm mưa – nếu ở quê nhà – thì mình làm gì!? Có lẽ mỗi lần mưa là một dịp chòng ghẹo già Bảy (Xuân) bằng cách gọi điện thoại tới nhà già Bảy: 

    - A lô… Bảy Xuân đó hả.
    - Ừa… làm gì đó!?
    - Làm gì! Nghe mưa chớ làm gì. Còn sống không? Gần chết chưa?
    - Chưa! Đang chèn cái chỗ dột.
    - E hèm… 70 tuổi rồi nghen! Leo lên leo xuống té cái đùng là… “xong phim” nghen. Đang ở nhà với ai? Bả về chưa?
    - Một mình. Chắc cuối tuần má con bả mới về.
    - … đẳng mưa lớn không?
    - Lớn… ì đùng.

    (Tiếng sấm rền)

    - Chui xuống đít ông Táo đi…
    - … !?
    - Ông nhiều tội lắm biết không? Nghe bả kể tội ông hoài. Ông cũng không biết sám hối gì hết… trời đánh bây giờ! Nhờ ông Táo đỡ đi!..

    (Tiếng sấm…)

    - Chui xuống đít ông Táo chưa!?
    - Chưa được… ông Táo của tui không có đít!
    - Chậc… thì kiếm cái thúng úp lên đầu đỡ đi!
    - Cái thúng lủng rồi!...
    - Bữa nay làm gì đó!?
    - Lợp lại cái chòi lá!
    - Chừng nào rồi?
    - Chắc mai rồi… Mai tới chơi nghe!

    E hèm… già Bảy là dân làm biếng thượng hạng. Mà không làm biếng chắc cũng không được! Mấy năm tù đã rút cạn kiệt sinh lực của lão rồi! Ngày mai chắc là tới tết
    Congo



    *** Thiệt ra chuyện của hai lão già cũng chẳng có gì đáng để dông dài. Chẳng qua là tôi - trong khi ngồi nhìn mưa mù trời mù đất - bỗng nghĩ ngợi về cái nhà dưỡng lão Neckarsulm. Cái nhà dưỡng lão đó to thiệt, chiếm một góc lớn của công viên, và từ chỗ tôi ngồi đây nhìn mưa, có thể thấy ẩn hiện cái khối nhà u ám đó sau mấy hàng cây. Những ngày ở đây tôi cũng hay ra công viên ngó nghiêng hoa cỏ và ngó chừng cái nhà dưỡng lão để coi may ra có gặp ông già bà già Đức nào của nhà dưỡng lão đó ra chơi không. Không may là tôi chưa gặp ông bà già nào của nhà dưỡng lão đó. Có khi tại vì mấy ông bà già đó chân cẳng hết lết ra công viên được mà tôi thì hơi sợ hãi cái không gian u sầu của khối nhà đó nên không dám lần vô!
     Biết đâu cho già Bảy vào cái nhà dưỡng lão đó là tốt! Vợ con thì thường xuyên đi biệt. Sống một mình khi trời mưa trời gió thì biết ai nhớ cùng!

3 nhận xét:

tieudao nói...

Khi buồn lại nhớ cái vui
khi vui thì lại lui cui ..nhớ buồn !

HAT CAT DIẸUEI SINH nói...

Người già khi ở cùng nhau... sự suy của khí dến rất nhanh. nên Cat chon mua nhà gần trường học, ồn , nhưng đầy sinh khí.
Mưa buồn hãy nghĩ cái gì vui nha...
chúc an lành ạ

Vuong Duc Binh nói...

@tieudao:
Cũng chẳng vui buồn gì nhiều đâu cô Tiêu Dao ơi. Đến hồi lẩm cẩm rồi đấy mà...
@HẠT CÁT:
Cảm ơn vì góp ý dễ thương, lành tính.