Thứ Năm, 31 tháng 12, 2009
Đọc Feed back...
Xin bá cáo cho bà con làng trên xóm dưới được biết!
Thứ Bảy, 26 tháng 12, 2009
Ghi trong chiều ...
Đang làm cỏ thì có điện thoại từ nơi xa lắc - tận những Sacramento - gọi về. À! huynh Tịnh Trung. Chỗ đó giờ đang là 1 giờ đêm, thời tiết đang là -2 độ. Lạnh cóng mà ngồi gác cổng cái sân bay mênh mông, lặng ngắt thì chắc huynh này nhớ nhà, nhớ mái ấm Bồ Đề, nhớ Bến Tre đây. Đêm khuya lơ khuya lắc gọi về nói chuyện đời chuyện đạo. Vứt cây dao làm cỏ qua một bên nghe huynh tâm tư về lẽ sống. Huynh Tịnh Trung kết thúc câu chuyện dài trên điện thoại bằng một câu: Hạnh phúc = Tâm an + Thân khỏe. Úy trời! Cái đẳng thức này hay à nghe! Quá đúng! Rằng hay thì thiệt là hay … Lại suy nghĩ lan man (suy nghĩ nữa rồi!), lại nhớ nhà văn Nguyễn Ngọc Tư muốn đặt tên cho con là Tâm An. Cái ước muốn của bà nhà văn này thiệt là … vĩ đại! Vĩ đại ở chỗ Ông Huy Cận đã từng viết về các vị La Hán:
Quay theo tám hướng hỏi trời sâu
Một câu hỏi lớn. Không lời đáp
Cho đến bây giờ mặt vẫn chau.
Mà nghe giông bão nổ trăm miền
Như từ vực thẳm đời nhân loại
Bóng tối đùn ra trận gió đen.
Thứ Năm, 24 tháng 12, 2009
Noël tỉnh lẻ.
Thứ Tư, 23 tháng 12, 2009
Thứ Ba, 22 tháng 12, 2009
SỎI
Đá từ trên núi cao lăn theo triền dốc, va chạm với vách núi sắc cạnh vỡ dần, lúc đến được bờ biển thì chỉ còn nhỏ vừa nắm tay, thành hòn sỏi nằm yên trên bãi cát. Ngày ngày sỏi nghe biển rì rào trong tiếng gió. Biển kéo sóng đến thăm hỏi: Sỏi ơi sao người tròn trịa thế? Sỏi trả lời: Những gì sắc cạnh tôi đã đánh rơi dọc đường cả rồi! Gió ghé ngang hỏi: Sao người không lăn nữa? Ở chân trời kia còn nhiều điều thú vị lắm! Sỏi bảo: Bờ cát này êm ái giữ chân tôi. Ở đây có thể chiêm ngưỡng rạng đông lẫn hoàng hôn! Gió giục biển đẩy hòn sỏi khỏi bờ cát lăn trên đường mòn. Trước khi bỏ đi, gió và biển còn nói với theo: Bọn tôi đi đây, bây giờ bạn có thể tiếp tục lăn, thế giới còn rộng lớn lắm. Hòn sỏi lăn dọc đường thiên lý khô khan, nắng sớm mưa chiều mãi chẳng thấy gì hay ho, chỉ bị giẫm đạp. Một sớm chớm thu lạnh, cô tiên nhỏ tình cờ gặp hòn sỏi. Cô nắm hòn sỏi trong lòng tay êm ái hỏi: Sỏi ơi sao người rắn vậy? Người lăn không biết đau à! Sỏi đáp: Sao lại không đau, chỉ không giữ lại vết đau trên người thôi! Cô tiên hỏi: Sỏi ơi ta có một cành hoa hồng, ta đem người về đặt nơi chậu hoa nhà ta nghe, người sẽ làm chậu hoa của ta bớt cô quạnh. Sỏi đáp: Ta không ích gì cho hoa, hồn của ta biển và gió đã đem đi rồi. Ta cần tìm lại họ. Em có giúp ta không? Cô bé tiếc rẻ nhưng dịu dàng đem hòn sỏi trả về bãi cát.
Thứ Sáu, 18 tháng 12, 2009
Im lặng trong cành du.
thấy có nhiều người mình chưa biết.
Một số chỉ truy cập một lần rồi ... thôi,
chắc là do tình cờ lướt trên mạng mà gặp,
nhưng nhiều truy cập còn trở lại.
Nếu bạn đã trở lại thì bạn tìm thấy gì ở đây?
Mình có thể chia sẻ gì với bạn?
Trang này chỉ viết bằng tiếng Việt
vậy mình gần chắc bạn là người Việt.
Ở nơi xa xôi đó bạn nhớ nhung gì một cảnh quê, một tâm tình cũ?
Mùa này ở các xứ ôn đới là mùa tuyết rơi ...
Post lên đây một bài thơ của Vũ Khắc Khoan
với hy vọng cũng là tâm cảnh của một vài trong số các bạn.
NGỠ XUÂN
Nửa khuya nghe chim lạ
Hót lẻ trong cành du
Thoảng lời kinh vô ký
Chập chờn ánh lửa giang đầu
Lắng nghe con chim lạ
Hót khẽ trong cành du
Chợt nhìn qua khung cửa
Bạt ngàn ngợp trắng trang lu
Xuân đã về miền Hương Tích?
Sao có hoa mơ nở trắng rừng mơ?
Hỡi ơi không trắng hoa rừng mơ
Mà trắng miền đất lạnh
Hoa tuyết bay trắng rực Ngũ Đại Hồ
Hoa tuyết rơi liệm trắng màu hoa miền nhiệt đới
Nơi tuyết rơi chỉ ở trong thơ
Hoa tuyết bay lất phất
Nghe như rờn rợn lời tâm sự
Mưa nhỏ thở dài trong giàn dưa
Liêu-trai-chí-dị
Nửa khuya đất Hồ
Có con chồn già thùy lệ
Lại nghe con chim lạ
Hót lạnh trong cành du
Lạnh ấm trà hoa cúc
Lạnh lẻn vào trong tôi
Tôi từ thưở xa miền nhiệt đới
Đến đây kết nghĩa với cây du
Lòng vẫn nhủ lòng rằng thôi đừng nhớ
Ngày ngày ngồi gốc cây du
Mơ cưỡi một con trâu
Đi về miền nắng quái
Lá du như sao buổi sớm
Nhưng biết đùa với nắng mùa thu
Cũng vàng cũng nhuộm màu quan tái
Và rụng khi cành gầy ôm tuyết trắng
Đi vào thiền khoảng cuối mùa thu
Nhưng bỗng nhiên im lặng
Im lặng trong cành du
Lắng tai tìm chim lạ
Nghe nhẹ bổng cành du
Cúi đầu tưởng đến duyên kỳ ngộ
Mong manh chim lạ cành du
Rồi những khuôn mặt cũ
"Cùng lận đận bên trời một lứa"
Giờ đây thưa thớt
Như lá mùa thu
"Ước cũ duyên thừa"
Có còn tiếp nối?
Hay chông chênh sát na một thoáng
Chim lạ bỏ cành du
Cánh nhỏ vụt nhòe trong cánh tuyết?
Ngùi ngùi mái tóc mờ sương thu
Tuổi già lệ như "lác đác
Rừng phong hạt móc sa"
Đâu có thùy lệ?
Chỉ rưng rưng sầu.
Chủ Nhật, 13 tháng 12, 2009
Nói nhãm với Khoa Chiến
Ai không chịu được thì xin đừng đọc hoặc bỏ quá cho.
Bởi vì có những chuyện không nói lăng nhăng
thì cũng không biết phải nói làm sao
cho nó khỏi lăng nhăng!
Cũng xin lỗi trước
Nguyễn Khoa Chiến vì viết một bài rất cảm động -
lẽ ra giúp tôi trở nên nghiêm túc hơn -
mà hóa ra tôi lại lăng nhăng hơn!
vốn mê cái câu của Shakespeare kia
lâu nay không thấy ảnh nhắc tới câu đó nữa.
Có lẽ ảnh cũng thấy rằng không cần cái câu ấy
thì ảnh cũng tồn tại mà, có sao đâu!
Thứ Tư, 9 tháng 12, 2009
Chiều nghe đàn ở sân nhà bạn
Cái sân nhỏ, mát, yên tĩnh với vài cây hoa.
Ngồi dưới bóng râm của cây dâm bụt vàng,
cây dâu tằm ăn và cây hoa sứ.
Nắng dịu hanh.
Mùi hoa sứ thoang thoảng.
Tiếng chim nhẹ nhàng trên đầu cành.
Nghe Kiệt đàn romance interdit.
Hạnh phúc đôi khi thật đơn sơ!
Hồn thảo mộc hanh vàng trong nắng nhẹ
Gió đủ vừa lay rụng mấy đài hoa
Chim thảng thốt, tiếng đàn như nhỏ lệ
Nỗi buồn xưa còn đọng tới bây giờ!
Thứ Sáu, 4 tháng 12, 2009
Bài thơ tạ lỗi
Ta viết bài thơ xin tạ lỗi
Xa chốn nào người có biết không?
Đôi tim yêu đã có lúc tương phùng
Rồi năm tháng cách chia lời yêu mãi
Ta viết bài thơ xin tạ lỗi
Gánh tình yêu đã đặt lại bên đường.
Lối đi xưa phượng đã không còn.
Khăn hồng tặng đã trả người lau khô lệ.
Con sông chảy một thời không quay lại.
Mấy dòng đời hai ngả hết tìm nhau.
Ta viết bài thơ xin tạ lỗi.
Xin lỗi cơn mưa, mưa trắng ngập trời
Đã đồng lõa để ta đưa người qua phố
Xin lỗi nắng trưa, nắng đã rạng ngời
Cho cái cớ để ta che người khỏi nắng
Xin lỗi quít thơm, phần em phân nửa
Em dùng dằng, phần của anh đâu?
Xin lỗi tiếng ve, rì rào trên ngọn
Giúp một trời lãng mạn để yêu thương.
Xin lỗi bạn bè, gán ghép với nhau
Để mắt nhìn ngay bỗng thành bối rối.
Và xin lỗi em, tình yêu không trọn
Lặng lẽ một đời, ôm cả đắng cay.
***
Tôi viết bài thơ xin tạ lỗi
Không còn mưa trắng
Hết cả nắng trưa
Tình tôi hối lỗi biết sao vừa!
Thứ Năm, 3 tháng 12, 2009
Gởi bạn quê mình.
Gởi đến bạn bè.
Bạn bè gặp nhau hãy cứ vui
Chuyện đời như nước chảy mây trôi
Lợi danh như bóng mây trôi nổi
Có chút tình thương để lại đời
Bạn bè gặp nhau hãy mến thương
Chung trường năm cũ vẫn còn vương
Chút tình giữ mãi lòng thương ấy
Chia sẻ mọi nơi mọi nẻo đường
Bạn bè gặp nhau thì cứ cười
Bao nhiêu thú vị ở trên đời
Vui cười với ý tình cao nhã
Cuộc sống thêm vui ấy tuyệt vời
Bạn bè có chi cứ việc mời
Mận, ổi, xoài, lê vẫn còn tươi
Hoa quả thơm ngát đời thêm vị
Kết hợp ý tưởng cả mọi người.
Bài thơ mộc mạc, ý thơ chân phương, nhưng chứa biết bao nhiêu tình gởi gấm, thương quá là thương!
Thứ Tư, 2 tháng 12, 2009
ARANJUEZ MON AMOUR
Nhạc thính phòng không phải ai cũng thích,
và cũng không dễ nghe.
Post bản nhạc này lên đây
vì một chút nhớ người bạn cũ La Tùng Sơn.
Cuộc đời chìm nổi ai biết ai giờ ở đâu,
sống chết thế nào,
chỉ vọng lại trong tâm tưởng một tiếng đàn!
Giọng ténor lừng danh Andrea Bocelli với Aranjuez ...
Paco de Lucía độc tấu cùng dàn nhạc Concerto de Aranjuez (2nd mouvement)
Richard Anthony với ca khúc ...
ARANJUEZ, MON AMOUR
Paroles: Guy Bontempelli
Mon amour, sur l'eau des fontaines, mon amour
Òu le vent les amènent, mon amour
Le soir tombé, qu'on voit flotté
Des pétales de roses
Mon amour et des murs se gercent mon amour
Au soleil au vent à l'averse et aux années qui vont passant
Depuis le matin de mai qu'ils sont venus
Et quand chantant, soudain ils ont écrit sur les murs du bout de leur fusil
De bien étranges choses
Mon amour, le rosier suit les traces, mon amour
Sur le mur et enlace, mon amour
Leurs noms gravés et chaque été
D'un beau rouge sont les roses
Mon amour, sèche les fontaines, mon amour
Au soleil au vent de la plaine et aux années qui vont passant
Depuis le matin de mai qu'il sont venus
La fleur au cœur, les pieds nus, le pas lent
Et les yeux éclairés d'un étrange sourire
Et sur ce mur lorsque le soir descend
On croirait voir des taches de sang
Ce ne sont que des roses !
Aranjuez, mon amour
Một ít về Aranjuez...
Aranjuez là một thị trấn nhỏ cách Madrid, thủ đô Tây Ban Nha, khoảng 48 km. Aranjuez được thế giới biết đến rộng rãi qua Concerto de Aranjuez của Joaquín Rodrigo (1901-1999). Là một dương cầm thủ bị mù từ năm lên 3, bản concerto này của ông được viết cho guitar và dàn nhạc vào năm 1939, tại Paris, khi nguy cơ chiến tranh thế giới lần thứ hai đang treo lơ lửng, và được đề tặng cho ca sĩ Regino Sainz de la Maza . Concerto này gồm 3 hành âm (mouvement): Allegro con spirito, Adagio và Allegro gentile. Hành âm thứ hai Adagio được biết đến rộng rãi nhất, thường được gọi là Aranjuez con tu amor (Aranjuez tình yêu của tôi), do giai điệu tha thiết, yên tĩnh và trầm lắng của nó. Đây là một concerto khá bất thường do tác giả đã đặt cây guitar solo với âm sắc ấm và nhỏ tiếng – nhưng không bị lấn át - đối thoại với dàn nhạc đầy đặn, hùng hậu gồm kèn corn Anh, bassoon, oboe, horn, violin và cello. Đó là thứ tiếng nói nội tâm sâu sắc, cá nhân giữa ồn ào bi kịch của lịch sử. Người ta tin rằng trận bom bi thảm Guernica (1937) - trận bom đã được miêu tả trong bức họa cũng nổi danh không kém "Guernica" của Picasso - đã có ảnh hưởng sâu sắc tới tác phẩm. Mặt khác người ta cũng tin rằng tác phẩm đã diễn đạt tình yêu đằm thắm trong tuần trăng mật của ông với Victoria (1st Mov: Allegro con spirito) - cũng như nỗi đau hoang vắng do mất đứa con đầu lòng (2nd Mov: Adagio) – và sau cùng đôi vợ chồng tìm thấy sự khuây khỏa sau nhiều năm dài u sầu (3rd Mov: Allegro gentile).
Các clip trên chỉ trình bày hành âm thứ hai Adagio.
Video clip đầu tiên do ca sĩ opéra mù bẩm sinh Andrea Bocelli trình bày.
Video clip thứ hai do Paco de Lucía trình bày.
Video ca khúc tiếng Pháp do Richard Anthony trình bày.
Tạm dịch ca khúc như sau:
Aranjuez tình tôi.
Tình tôi những giếng làng ta
Chiều tà gió thổi đài hoa bập bềnh
Những tường vôi nứt xinh xinh
Nắng mưa năm tháng phủ xanh hoa hồng
Một ngày họ đến
Giữa khúc quân hành
Vết đạn dị kì
Trổ trên tường xinh
Những dây hoa hồng
Bò theo vết đạn
Tên người người đã khắc
Trên những tường vây.
Tình tôi những giếng cạn khô
Nắng hanh gió thổi đồng xa lùa về
Người về một sớm tháng năm
Sáng ngời ánh mắt nụ cười
Chân trần, bước chậm, giữa tim hoa hồng
Chiều xuống tường vôi
Tưởng còn vệt máu
Chỉ là đóa hồng
Aranjuez... ơi hỡi tình tôi.
Thứ Ba, 24 tháng 11, 2009
Sợ blog
Thế là có một cái blog tôi vẫn xem hàng ngày đóng cửa vĩnh viễn rồi! Thế giới blog cũng nhộn nhạo như cuộc đời vậy, chỉ có điều nó không có biên giới hữu hình mà thôi. Khi tôi nhờ Google dựng lên cái blog của mình thì tôi chỉ định làm một thử nghiệm. Vào thời điểm đó tôi nghiệm ra rằng - trong thế giới Internet - người ta bỏ quên những người lớn tuổi. Cũng phải thôi! Trong đời thực khi anh có tuổi, và nếu anh có một chút tinh ý, là có thể nhận ra mỗi một ngày qua cuộc đời càng lúc càng xa mình. Này nhé, hãy nhìn những dòng xe đang chạy ào ạt ngoài đường kia. Tất cả bọn họ là những người trẻ. Họ đang chồm lên trong cuộc sống. Những người lớn tuổi ở đâu hết ha? Nếu họ còn đủ sức họ đang đi chậm rãi bên lề đường kia, tập thể dục để - với một chút hy vọng tuyệt vọng - kéo dài niềm vui được sống. Này nhé, ta vào siêu thị nhé. Cặp mắt của anh phản bội anh rồi! Hàng hóa được sản xuất và được chứa trong các bao bì chữ quá nhỏ mà anh không thể nào đọc được. Thị phần của những người già nhỏ bé đến nổi các nhà sản xuất không bỏ công ra để ý đến in bao bì sao cho ông già bà lão có thể đọc được mà không cần cặp kính (lở bỏ quên ở nhà/trong xe). Vào thời điểm đó trong thế giới công nghệ thông tin người ta đang tán dương tuổi trẻ, như chính cái tuổi trẻ của công nghệ này vậy. Ví như: Người trẻ thì tiếp thu công nghệ nhanh hơn, không vất vả quên tới quên lui một thao tác "dễ òm"! Người trẻ thì hào hứng kết bạn để chat, để trưng mình ra trên các mạng xã hội, để nhí nhố chia sẻ với nhau những trải nghiệm mới mẻ của cuộc sống số. Người trẻ là thị phần khổng lồ cho các sản phẩm công nghệ thông tin. Người lớn tuổi ở đâu vào lúc đó? Họ đang e dè nhìn thứ máy móc lạ lẫm có vẻ sẽ đe dọa những thói quen sống của họ... Và tôi dựng nên cái blog của mình để nói một thứ tiếng nói khác cái đang vốn có trong cuộc sống số. Điều kì diệu là khi tôi tiếp cận với chuyện viết blog thì tôi nhận ra mấy điều sau đây:
1. Blog rất có lợi cho những người lớn tuổi: Khi ta có tuổi tác, một trong các điều đáng sợ là sự suy giảm khả năng ngôn ngữ. Số lượng từ vựng theo tuổi tác sẽ giảm nhanh. Bình quân một người chỉ dùng khoảng 800 từ trong cuộc sống của mình. Chỉ các nhà văn do phải suy nghĩ và viết nhiều mới có khả năng sử dụng đến khoảng 3000 từ. Không biết có nghiên cứu khoa học nào về số lượng từ vựng của những người lớn tuổi không nhưng tôi áng chừng - sau khi ghi thử ra giấy - người lớn tuổi chỉ sử dụng khoảng trên dưới 200 từ mà thôi. Thể hiện rõ nhất điều này là người lớn tuổi hay ngập ngừng khi phải diễn đạt các ý tưởng trừu tượng hoặc tinh tế do phải gắng nhớ lại các từ vựng liên quan. Viết blog chính là một cách để duy trì khả năng ngôn ngữ, chống lại bệnh lãng trí.
2. Sự cô đơn: Người lớn tuổi dễ rơi vào cô đơn, hầu hết bạn bè của tôi đều như thế. Con cái chúng ta đều lớn cả rồi. Chúng phải sống cuộc đời của chúng, sống với công việc của chúng, sống với cái thế giới của chúng. Chúng phải ra đi khỏi mái ấm mà ta đã vất vả cả đời xây dựng cho chúng. Như chúng ta trong quá khứ vậy, chúng phải xây dựng cái mái ấm của riêng chúng ... để đến một ngày chúng cũng sẽ cảm thấy cô đơn khi cháu chúng ta lớn lên! Khi người ta chỉ sống một mình, may mắn thì còn cái phân nửa thứ hai kề bên, suốt những ngày tháng dài vắng lặng, thậm chí có khi cả tuần/cả tháng không nói chuyện với ai trừ nói với mấy con mèo, con chó trong nhà, thì người ta mới biết thực sự thế nào là cô độc/cô đơn. Khi đó blog là một cứu cánh tốt. Gần đây tôi thấy những blog do người lớn tuổi viết ngày càng nhiều. Tôi đọc thường xuyên - có thể nói là hàng ngày - khoảng trên dưới một chục blog loại đó: Blog Have a Daily cup of Mrs. Olson của một bà tự giới thiệu đã có 5 đứa con và 6 đứa cháu ở Utah-USA; Blog của Ông già Jumarao ở Puerto Rico; Blog trước đây của chị; .v.v. những blog mà tôi chưa bao giờ nêu lên trong mục Blog thích xem... Blog giúp chúng ta duy trì được mối quan hệ của mình với cuộc đời. Hãy nghĩ xem ở đâu đó trên thế giới này vẫn còn ít nhất một người vẫn chăm chú đọc mình, nghe mình, như tôi vẫn chăm chú đọc chị hàng ngày trước đây vậy, thì mình vẫn còn thuộc về thế giới này. Những buồn, những vui, những lo lắng của mình sẽ được chia sẻ. Quan tâm làm gì tới câu chữ - mình có tính trở thành nhà văn nhà thơ quái gì đâu - hãy viết như mình sống, mình thở, mình cảm nhận cuộc sống và ... để gió cuốn đi. Đừng đóng blog của mình lại, đừng đóng các comment lại, hãy để lòng mình mở ra. Sao ta quay lưng với bạn bè vậy? Sao ta quay lưng với người ta yêu? Sao ta quay lưng với người yêu ta vậy? Hãy yêu, hãy giận, hãy ghét, nhưng đừng đóng lại cỏi lòng mình! Chị không viết cái blog đó nữa. Lí do thì đã được chị phân trần trong cái mail gần đây nhất rồi. Tôi đã có ý định post cái mail đó lên đây với tiêu đề Thư từ Paris nhưng sợ chị không bằng lòng nên thôi. Ừ thì mình viết về chuyện con cái, sự lo lắng trước khi về hưu, chuyện các bà bạn đi gym, chuyện cái tay đau, nói chung là chuyện đời thường. Được quá đi chứ. Hay chị muốn viết chuyện chính trị! Ôi giời ... bỏ quách Robert Mugabée, quăng đi Sarkozy, mặc kệ Obama hay thậm chí Ông Nguyễn Tấn Dũng đi. Đời cua cua máy, đời cáy cáy đào! Chuyện đó là của những người trẻ! Hãy để cho những người trẻ biết chịu trách nhiệm về tương lai. Chuyện gì thuộc phần mình trong cuộc đời mình đã làm rồi. Mình đã từng phải chịu trách nhiệm về lũ trẻ rồi. Bây giờ đến phiên chúng phải học bài học về trách nhiệm với cuộc đời, với lịch sử!
Thứ Hai, 23 tháng 11, 2009
Tuyệt cú
Thiên thu nhốt kín nỗi niềm
Đêm về bới mộng ta tìm bóng ta
Nỉ non dế dỗ trăng tà
Nghe buồn như tiếng hồn ta thở dài
......
......
TRÚC GIANG
(Trích khổ đầu bài thơ MAI VỀ của Phạm Trúc Giang )
Thứ Tư, 18 tháng 11, 2009
Có ai biết không?
như vậy không biết có đúng không?
Thứ Hai, 16 tháng 11, 2009
Anh, em và thế giới.
…..
Thứ Bảy, 14 tháng 11, 2009
dưới trăng
Thứ Sáu, 13 tháng 11, 2009
Nói chuyện với ma.
Thơ thẩn nghe ma tỏ mấy lời.
(1)
Cục đất chỗ lão ở dễ sợ lắm. Ban đêm muốn tới nhà lão ai cũng ngại ngần. Phải đi qua một con đường nhỏ quanh co dài hụt hơi. Hai bên đường cũng có vài căn nhà nhưng do khu đất đó trước đây vốn là nghĩa địa được giải tỏa nên còn nhiều nhiều chỗ cỏ dại mọc um tùm. Cuối con đường có một cái miếu nhỏ phủ phía trước tấm màn che đỏ lòm, dòm vô trong thấy một bát nhang cắm đầy nhóc chân nhang. Trong miếu có một đôi câu đối chữ nho mà xóm giềng chẳng ai còn biết đọc, chẳng biết miếu thờ ai nhưng ai cũng e dè kẻ khuất mày khuất mặt nên nhang đèn cũng không đến nỗi hoang lạnh. Sập tối nào lão cũng ra thắp một ngọn đèn dầu tù mù đặt gần bát nhang. Trong đêm tối nhìn vô cái miếu hồng hồng mờ ảo ai cũng ớn lạnh.
Vườn của lão bắt đầu từ chỗ cái miếu cho tới bờ kinh. Căn nhà của lão ở cuối vườn, phía sau một rừng chuối xiêm và mít tố nữ. Lão sống hiu hắt với đứa con gái thất tình dở khôn dở dại. Lão lại còn cái bệnh đái tháo đường trầm kha, chân cẳng hay sưng phù nên ít muốn đi đâu. Thế giới của lão chỉ là từ cái miếu cho tới bờ kinh. Nói đáng tội, xóm giềng cũng có cho lão kéo về nhà một cái bóng điện. Lão để cái bóng đèn trắng ởn đó sáng suốt đêm mặc cho trước đây bà lão vẫn than phiền về tiền điện mỗi tháng.
Hầu như ban đêm lão không ngủ, đi đi lại lại âm thầm quanh quẩn. Một hồi thấy bóng lão bên song cửa, chút xíu lại thấy lão lặng lẽ cù rù bên vách sau, chẳng biết để làm gì! Đứa con gái đêm nào cũng mớ khóc gọi ú ớ tên tình nhân giữa tiếng ho khan sù sụ vì lạnh của lão. Ai hỏi vì sao không ngủ thì lão chỉ nói gọn tại không buồn ngủ. Mà nhân gian cũng kì, vì sao lại nói buồn ngủ? Người ta có vui, có thơ thới trong lòng thì mới ngủ ngon được. Còn như lão - trăm nỗi muộn phiền , buồn đâu từ đời ông bà ông vải truyền lại - buồn thì làm sao mà ngủ được! Không ngủ được thì làm gì trong đêm vắng đây? Không biết từ hồi nào lão lại mắc cái chứng độc thoại trong đêm. Hồi sinh thời bà lão hay càm ràm chuyện lão rù rì trong đêm nhưng từ khi bị lão quát: - Nói chuyện với cái đầu gối mà cũng bị bà cấm nữa hả! thì bà lão mặc kệ.
Đêm nay lão lại không ngủ. Lão ngồi bên cửa sổ mở ra vườn. Ngoài vườn tối om. Đêm im ắng, trừ tiếng gió chướng đi xào xạc trên ngọn cây - Để cửa mở cho mát mẻ, lão thường nói vậy. Lão thương con quá đổi, thấy con nhỏ đau khổ lão đứt từng đoạn ruột. Nhưng chuyện duyên số mà, cái dây xích thằng đâu phải muốn buộc vô ai cũng được. Mình thương người ta mà người ta không thương mình thì thôi! Đó là lão nghĩ như vậy nhưng cô con gái lại không chịu thế, bằng chứng là cô lại ú ớ nói mê kìa. Đã nói chuyện tình mà … dẫu lìa ngó ý còn vương tơ lòng! Không biết cô nằm mơ thấy gì nhưng gương mặt của cô trong mơ nhíu lại một nét âu sầu khó tả. Cứ thức suốt như lão thì có khỏe hơn không, khỏi phải chịu đựng các giấc mơ nặng nề.
Đoạn còn lại tôi viết vất vã quá vì tôi sợ
không khỏi xúc phạm đến người đã khuất.
Chỉ có điều tôi đã có đoạn kết như sau:
viết cho xong cái bi kịch mà tôi đã lỡ biết và lỡ muộn phiền!
Đừng phiền nếu bạn phải chờ biết phần còn lại
Thứ Năm, 12 tháng 11, 2009
Sóng cuốn bài thơ
Gởi người tha thiết bài thơ tặng
Qua đò thơ chìm nơi nước nông
Sóng nhỏ nào ngờ đêm gió lặng
Cồn hoang đò lật ướt theo dòng.
Thứ Ba, 10 tháng 11, 2009
Một mình.
Tôi ngồi thừ, nhà trống gió mênh mang.
Bếp thiếu lửa, chén cơm tôi nuốt vội,
Đàn thì buồn uể oải chẳng nên câu.
***
Hồn chợt yếu vắng em sao lạnh quá.
Nắng ngoài hiên không đủ sưởi hồn tôi.
.....
Chủ Nhật, 8 tháng 11, 2009
Mượn đở câu thơ
Tôi ngồi ôn lại bóng hình ngày xưa
Còn nguyên không thể xóa mờ
Mới như cơn gió thoảng qua rất gần
***
Xa nhau thì đã xa rồi
Hình như cũng có hai người nợ nhau
Sông sâu mắc nợ cây cầu
Con đò nợ bến khi nào trả xong
***
Hai người cách một mùa đông
Cách nhau một bếp than hồng thế thôi
Mùa đông vừa kịp tới nơi
Lá đi trốn nợ hai người khó mang.
***
Mênh mông nối tiếp mênh mông
Cành khô củi mục một dòng về xuôi
Bên này lở, bên kia bồi
Lòng tôi cũng sụp một vài chỗ theo
***
...................
Lòng tôi cũng đang sụp một vài chỗ khó mà lấp đầy đây!
Thứ Ba, 3 tháng 11, 2009
TẢN MẠN VỀ NỖI NHỚ
Tôi đi từ lúc trăng tơ,
trăng một miền hoa cỏ…
Trăng lên từ cửa ô xa vẫn chưa mờ …(1)
2. Hà Nội lãng mạn, hẳn rồi! Người Hà Nội nào mà không nhớ những phố đêm thơm mùi hoa sữa (dù thứ cây ấy đem trồng ở miền nam thì hoa tỏa một mùi nồng không chịu nổi). Người Hà Nội nào mà không nhớ Hồ Gươm với tháp Rùa trầm mặc, nhớ hồ Bảy Mẫu mênh mang mờ trong sương sớm, nhớ những mùa rét ngồi uống một chén chè lề đường đậm ngây ngất, kề bên một ông rít một hơi cái điếu cày rồi thong thả thổi ra một bụm khói thuốc lào đặc quánh. Hà Nội khác hẳn Saigon. Saigon ồn ào náo nhiệt, rần rần, vội vã. Tưởng như Saigon không có gì để nhớ, không có gì để lắng đọng. Vậy mà có một người ở Hà Nội nhớ Saigon quá đỗi!
Sầu tha hương nào mà không kèm theo nỗi nhớ, có khi chỉ là bắt đầu từ hai tiếng “hột quẹt”!
Chủ Nhật, 18 tháng 10, 2009
Đò ngang
Bến tre từng có bao nhiêu bến đò? Ai mà biết hết! Sông nước mênh mông, gió sông lồng lộng. Bước lên một chuyến đò. Qua sông!
Cả nhà chèo đò, ông ngoại chèo, cậu dì và mẹ đều chèo. Làm cái nghề khốn khó đưa người qua sông. Thiệt ra nhà cũng không có lấy một chiếc đò! Chỉ là chèo ăn công mỗi ngày. Hôm nào không chèo đò thì … làm nghề hạ bạc, chèo một chiếc ghe nhỏ đi câu đi lưới dài dài dọc sông Bến Tre sống qua ngày! Vài ba đêm chủ đò cho phép chèo lấy riêng một đêm. Đêm nào thu được vài cắc là sướng lắm! Nỗi niềm sông nước đã ăn vào da vào thịt, vào gien đến nỗi lâu lâu lại nằm mơ thấy ngồi trên đò đi qua con sông tối om.
Từ thời chỗ bến sông này còn vắng vẻ, khách muốn qua sông phải đứng bên kia bờ sông hú một tiếng dài rồi kêu bớ đò. Nhiều đêm khuya khoắc ông ngoại đang ngủ ngon giấc lật đật choàng dậy quơ vội cái mái dầm, lay cậu Sáu:
- Dậy .. dậy! Ai kêu đò. Chậc … không biết ai bệnh hoạn đẻ đái gì đây! Dậy … dậy làm phước đi Sáu.
Cậu Sáu mê ngủ bị ông ngoại đạp vô mông một cái, chiếc ghe lúc lắc nhịp sóng vỗ oạp oạp vô lườn ghe. Đêm tối thui. Bờ sông nhấp nháy vô số đom đóm. Gió đêm thổi vù vù trên mặt sông. Cứ ngó cái bóng đèn bão treo ở cầu đò bờ bên kia mà chèo riết tới. Trời ơi đất hỡi! Chỉ có hai má con mê coi hát - vãn tuồng rồi còn đi chơi khuya – “dờ này mới dìa!”. Cầm mấy cắc bạc trả công đò trong tay mà tức anh ách. Buộc đò lại vô sào rồi lo ngủ tiếp. Chút nữa canh tư là người ta bắt đầu đi chợ sớm rồi. Ngủ nghê gì được nữa!
Thời thế đổi thay. Giặc giã ì đùng. Tây bắn cháy rụi cả xóm Cái Cối mà cũng không bỏ được cái bến đò. Chèo đò tới chết! Hồi ông ngoại mất thì mẹ con đang ở tuốt trong Đầm Dơi - Cà Mau. Về chịu tang thì ông ngoại đã được an táng rồi. Hai mẹ con chỉ còn ra đứng nhìn bến đò rưng rưng. Bà con kể lại rằng hôm đưa ông ngoại đi ngang bến đò, chiếc ghe chở linh cửu cứ xoay vòng trước bến, mấy ông thanh niên có xeo cạy mái dầm gì thì cũng không được. Rốt cuộc phải tấp vô bến để ông thầy chùa đọc hai thời kinh siêu độ thì ông ngoại mới chịu đi! Sau này cứ mỗi lần nhìn cái xoáy nước xoay tròn lợn quợn dưới cân cầu đò mà tưởng như ông ngoại vẫn còn vương vấn đâu đó trên bến sông này!
Ông ngoại mất. Bà ngoại cũng dẹp xề chuối chiên ở bến đò về ngồi buồn trên chiếc chỏng tre trước hiên nhà, năm khi mười họa mới bó được một cái chổi tàu cau gởi qua chợ bán. Con cháu trôi dạt tứ tán! Thôi chèo đò!
Thứ Bảy, 17 tháng 10, 2009
RU TÌNH RỒI THÔI
Để ru tình cũ, để sầu tinh khôi.
Lỗi hẹn
Ta đi khỏi không nói câu hò hẹn
Người buồn ư, ta đâu muốn người buồn
Rồi sẽ quên, sẽ quen ngày hờ hửng
Ta phương xa, người thương nhớ mất công.
***
Ta đi khỏi, gói lòng ta vết xước
Ngoài sông mưa thuyền gió lạnh chiều thu
Người về đi, đừng để phấn hương nhòa
Thêm chiếc áo, để cho lòng khỏi ướt.
Không về
Thuyền ta nào có rượu nồng.
Mấy câu thơ ướt, một vầng trăng suông
Bến kia giờ chắc mưa tuôn.
Sợ người gió lạnh lụa chùng dáng tơ?
Đành thôi sóng cuốn bài thơ
Đành thôi tơ quấn trăng mơ trả người
Thuyền ta một kiếp chơi vơi
Cồn hoang bèo dạt gió khơi hởi người.
Chiều đi qua cầu Cá lóc
Cầu này cá lóc phải không?
Cá đâu không thấy một dòng buồn tênh!
Ta về ngang cổng nhà ai
Sợ không dám liếc, sợ mai mềm lòng!
***
Cầu này cá lóc phải không?
Ta như con cá ở trong ao rồi
Sông ơi sông chảy đi thôi.
Chim bay mõi vết, bồi hồi thấy đâu…
Rồi thôi bến đò Cái cối.
(Để nhớ P. )
Rồi thôi xa một bến sông
Đò ngang rồi lỡ, rồi ai theo chồng
Đò tôi tách bến trống không
Đêm đêm chờ tiếng thinh không gọi đò!
Rồi thôi nước chãy xuôi dòng
Áo xưa thôi trắng, mây hồng thôi bay
Bây giờ cầu mới đã xây
Bắc chi mấy nhịp, ai đi hởi cầu!
Thứ Ba, 13 tháng 10, 2009
Còn làm được gì khi về hưu?
... Thì đi chỗ khác! Nhưng nhiều người về hưu buồn lắm, còn muốn làm nhiều việc lắm. Cảm giác đáng sợ nhất của lắm người về hưu là đột nhiên thấy mình bị dẹp qua bên lề cuộc sống: Đôi chân của mình không còn đủ vững chắc để chạy theo dòng đời chăng? Trí tuệ của mình không còn đủ mẫn tiệp để góp ý với kẻ chợ chăng? Mắt mình không còn đủ tinh nhanh để ngó, nhìn, thấy chuyện đời rối rắm chăng? Tai mình đã nghểnh ngãng không còn nghe tiếng đời chăng? Nam mô quán-thế-âm Bồ tát! Người chẳng vẫn còn nghe-tiếng-đời đó ư!? Sờ lên mái tóc ... Á! mây trắng trong tay đây này!
Thứ Hai, 12 tháng 10, 2009
Thứ Năm, 8 tháng 10, 2009
Hạnh phúc - rất đơn giản!
Thứ nhất, có một giấc mơ được sống lại tuổi hoa niên. Lâu lắm rồi luôn sống với những trăn trở của đủ thứ chuyện không mấy vui, không nhận ra mình bị cằn cỗi. Sự cằn cỗi đó thể hiện ở chỗ không thể đàn được nữa. Đôi khi cũng lôi cây đàn ra .... để đàn, nhưng không còn cảm xúc nên một hồi là chán, lại cất cây đàn vô. Cái thời mà mình có thể rơi nước mắt khi nghe Aranjuez hay Pavana chìm đâu mất. Cái thời nghe Khúc tháng 6 trong Tẩu khúc 4 mùa của Tchaikovski hay nghe Ngọc Lan của Dương Thiệu Tước với sự rung động lạ thường đã tắt ngấm hồi nào không hay. Bỗng một đêm nghe trong mơ Khúc hát thanh xuân! Bỗng sống lại! Máu lại chảy êm ái trong tim. Hồn lại "dào dạt" yêu thương ...
Quán nửa khuya đèn mờ theo hơi gió
Trút tâm tư vào đêm vắng canh dài...
Không thể tưởng tượng ông bạn này, ban ngày dang nắng chạy một chiếc xe cà tàng đi rao bán bánh bao khắp hang cùng ngỏ hẽm Bến Tre, mà đêm nay hóa thân thành một nghệ sĩ sống đầy cảm xúc như thế. Và tuyệt hơn nữa, hát những bài hát tiếng Pháp với một giọng chuẩn không chê vào đâu được. Ngày xưa ông giáo Béchir - chánh gốc dân đảo Corse - đọc "dictée" cho mình viết cũng không chuẩn hơn:
Mal. Au fond du coeur. Oui j'ai mal.
Mal. Toute la vie me fait mal. De temps en temps.
Quand je regarde le soleil. Qui vole. Qui vole...
Và bà vợ già tóc bạc của ông bạn thì nhìn chồng mình một cách trìu mến, say đắm. Ô hay, sao mình được một cơ duyên sống giữa một trời hạnh phúc như thế!?
Thứ ba, ngày hôm nay - như tình cờ - lang thang vào blog của một cô bé. Mình vốn có thành kiến với những blog của các nhí vì chúng nhảm nhí quá! Đặc biệt khi mình đặt blog bên Yahoo 360 độ thì thật là khủng khiếp với cách viết của tuổi teen. Chán đến nổi vội vàng gở bỏ cái blog đó để khỏi bị comment linh tinh bằng một thứ ngôn ngữ mà Nguyễn Du đọc phải chỉ có nước tự vẫn! Nhưng blog của cô bé này - đơn giản mà tinh tế - đọc rất thú vị. Đọc để thấy cuộc sống còn những điều rất đáng yêu, để mình học lại cách giản lược suy nghĩ, để học lại cách sống đơn giản, yêu những điều đơn giản. Trẻ trung, tinh tế và đơn giản, đó không phải cũng là một thứ hạnh phúc sao?!
Thứ Hai, 5 tháng 10, 2009
Qua chiều nắng xế, chút cảm xúc.
Có biết bao nhiêu trăn trở vào cuối ngày,
có biết bao nhiêu tình không biết đền đáp vào đâu !
Ta đành làm người đứng bên hàng giậu:
Thanh thản cho lòng không ngả nghiêng
Có thể là hàng giậu mồng tơi
mà đứng bên đó Nguyễn Bính từng cảm thấy
cô đơn lắm của một chuyện tình mơ hồ
mà ám ảnh sâu sắc. Hay có thể đó là
hàng giậu - rào chắn mà cuộc đời dựng nên
để kẻ sĩ phải đặt cho mình một câu hỏi lớn về lẽ xuất xử!
Cho nên lòng người nào biết:
Ta chênh vênh trên vách núi lưng chừng
Ngọt ngào như tiếng thời xưa
Là cái thuở ta buồn bã lắm
Phên liếp đời cho những cánh thư
điều quan trọng khi người đứng lại bên này hàng giậu:
Núi vô tình núi cũng rung rinh
Cao Thoại Châu
Bên hàng giậu
Người về người đứng bên hàng giậu
Thanh thản cho lòng không ngả nghiêng
Mái tóc cũng vờn trong nắng sớm
Gió chưa quen vì mới vượt đại ngàn
***
Ta đã đi qua chiều nắng xế
Phên liếp gì đâu cũng chẳng còn
Bực mình vì thấy đời hiu quạnh
Lao mình xuống tắm một dòng sông
***
Ừ nhỉ nước sông hiền dịu quá
Ngọt ngào như tiếng thời xưa
Là cái thuở ta buồn bã lắm
Phên liếp đời cho những cánh thư
***
Người về người đứng bên hàng giậu
Chia buổi chiều mỗi nửa một bên
Và bên ấy nắng vàng rực rỡ
Một nửa tối dần theo bóng đêm
***
Ta làm con gà lên chuồng rất sớm
Sau một ngày bươi đất lang thang
Từ vườn này sang vườn nhà khác
Vườn rộng mà ta chỉ có một mình
***
Người về người đứng bên hàng giậu
Bốn bề êm ả một bình minh
Trong ký ức tiếng gà báo sáng
Lặng im không biết lúc khởi hành!
***
Người về không biết sầu đá dựng
Ta chênh vênh trên vách núi lưng chừng
Nhìn xuống thấy mờ thung lũng
Núi vô tình núi cũng rung rinh
Thứ Năm, 1 tháng 10, 2009
Như đờn đứt dây.
Bình nằm yên học bài, chữ nghĩa nhảy múa trước mắt, đầu óc lơ mơ. Trừ củ khoai mì khô còn chừa lại nửa để trên cái dĩa ở góc bàn dành cho buổi chiều, hôm nay chẳng có gì khác cho vào bụng. Còn hai ngày nữa người ta mới trả lương. Làm gia sư cho một đứa nhỏ mỗi tháng cũng có ít tiền độ nhật nhưng tháng này phải mua mấy cuốn sách nên hụt ít ngày. Chịu khó uống nước phông tên và ăn khoai mì đỡ vài hôm vậy. Bình mồ côi cha nên mẹ gởi ở nhà Bác đi học, được có chỗ ở là quí lắm, không dám đòi hỏi gì hơn. Bác đang độ làm ăn thất bát, nợ giăng tứ tung, mấy hôm nay lánh nợ đi đâu không biết! Các anh chị con Bác chạy về Bình Dương ở với Bác gái. Hủ gạo trong nhà cũng trống trơn. Con hẻm nhỏ hôm nay chộn rộn. Người ta chạy vô chạy ra lo lắng. Bà Sáu hàng xóm mấy hôm nay yếu lắm, đổ cháo không chạy nữa rồi. Không biết Bà đi chừng nào! Thôi, không học bài nữa, chạy qua xem sao.
Chị Nỉ ở nhà Bà Sáu khóc ri rỉ. Bình đứng xem tần ngần. Bà Sáu nằm trên giường mê thiếp. Chị Nỉ ngồi dưới chân giường nước mắt ràn rụa mếu máo:
- Má ơi … má đừng chết má ơi! Má nói cho con biết con là con của ai? Má ơi …
Anh chồng chị Nỉ kéo chị ra:
- Thôi để cho Má yên.
Chị Nỉ ghì lại cái chân giường, gục xuống. Mọi người chung quanh đột nhiên lặng trang. Ai cũng biết chị Nỉ là con nuôi của Bà Sáu. Bà đem chị Nỉ ở đâu về khi chị còn đỏ hỏn. Chỉ có Bà mới biết chị Nỉ là con của ai. Đến ông Sáu cũng còn không biết. Cạy miệng Bà ra thì Bà cũng không nói. Chỉ có một lần Bà suýt tiết lộ. Đó là lần chị Nỉ giận dỗi nói xúc phạm Bà:
- Má ác lắm! Thà Má đừng nuôi con, để cho cái người sanh con ra bóp mũi con chết hồi mới sanh cho rồi. Má dưỡng dục con làm chi mà không cho con biết cội nguồn! Má ác lắm!
Bà Sáu cũng quơ tay giận dữ:
- Tao mà ác à? Biết mà chi à? Tao mà ác à? Không có tao thì …
Nhưng rồi Bà im lặng nuốt cái cục giận xuống, hạ cánh tay xuống, rơi hai giọt nước mắt, nhìn im lặng chị Nỉ hồi lâu. Cuối cùng Bà nói xụi lơ đủ cho chị Nỉ và đám hàng xóm tò mò đang dỏng tai nghe:
- Thôi, chừng nào gần chết tao nói cho nghe ba má bây là ai …
Bây giờ, Bà nằm đó á khẩu, mê man.
***
- Nè ra đây. Hổm rày đói hả …
Rồi chị đưa cho cái cà-mên cơm có cái dĩa cá hủng hỉnh kho tiêu và chén canh bầu. Trời, ngon ác! Chị ngồi đó chờ cho Bình ăn trong im lặng. Lần nào cũng vậy, chờ xong hết cái cà-mên là chị nhắc lại:
- Thôi, để chị đem về rửa. Lo đi học đi. Để bụng đói vô trường học sao được!
Chỉ có vậy thôi. Bình cũng không muốn nhắc tới nỗi đau của chị làm gì. Có giải quyết được cái gì đâu. Cuộc sống còn phải lo nhiều thứ khác nữa. Những nỗi đau cũng phải gác lại để lo cho cái bao tử đừng kêu gào, để cho có thể sống qua cái thời buổi chiến tranh sống nay chết mai này.
Chuyện hợp tan của cuộc sống biết đâu mà lường! Rồi Bình xin vào đại học xá. Cuộc sống đỡ hơn nhiều vì học bổng mỗi tháng được ba ngàn mà cơm đại học xá thì chỉ có 600 đồng/tháng. Buổi cơm không ngon lành gì, mâm cơm 4 đứa sinh viên chỉ có một dĩa cá kho có hai con cá nhỏ như hai ngón tay và một tô canh toàn quốc lần nào chan tới đáy cũng thấy một hai con sâu trắng ởn chết chìm còng queo. Thây kệ, cũng là chất đạm thôi! Bình cũng không quên chị Nỉ, nhưng chỉ nhớ lại những khi buồn buồn hoặc lại bị đói. Những khi đó lại tự nhủ: Vái trời có cái bà nào giống bà Nỉ sống gần đây thì đở ngặt… Nhưng cũng bị đói hoài. Không phải tại làm biếng làm nhác gì mà bị đói. Những năm 79, 80 cả nước đói thì có tài thánh mới không bị đói. Có khi đi làm vài tháng mà không có lương, cũng không có gạo, chỉ được lĩnh mỗi tháng có vài ki lô cao lương. Suốt mấy tháng liền chỉ ăn cao lương, khoai mì và rau muống riết thèm cơm thấy sợ. Đến nỗi có bửa đi ngang qua sau nhà ai có mùi cơm mới nấu bay ra, muốn đi qua cho lẹ mà hai đầu gối cứ run lên bần bật không cách gì kềm chế nỗi, muốn sụm xuống tại chỗ. Phải dùng hết ý chí mới bước đi khỏi chỗ đó được. Lại nhớ chị Nỉ!
Chuyện hợp tan của cuộc sống biết đâu mà lường! Ba mươi năm sau. Đã thành ông giáo già. Có một đứa học trò ốm nhom, hiền thì hiền lắm mà học dở quá trời. Dạy bên lỗ tai bên này thì hình như thẳng một đường mà qua lỗ tai bên kia chạy tọt ra ngoài, chẳng có nhớ được cái gì! Tức mình, tới nhà nó xem sao, tiện thể mắng vốn luôn cái đứa chậm lụt quá thì làm sao tốt nghiệp phổ thông cho nổi. Nhà nó ở cuối một con hẻm ngoằn ngoèo đi muốn hụt hơi. Cái nhà rệu rạo, ngó lên nóc thấy đủ mây trắng trời xanh nhưng nhìn xuống đất thì thấy đen ngòm nền đất lục cục lòn hòn, chuột đào lỗ chỗ. Ngồi chổng mông thổi phù phù vào ông táo khói lá dừa mù mịt cay xè mắt là một bà lão tóc bạc xác xơ. Cái nồi cơm đen thui móp xọp đang sôi lục sục. Nó giới thiệu ông giáo với bà lão: Thày con đó ngoại. Bà lão ngước đôi mắt mờ đục nhìn ông giáo hồi lâu rồi chậm rãi chống tay vào đầu gối khom khom đứng dậy: Thày con hả… ơ … tôi lúc này đau đầu gối quá … ơ … mời thày ngồi. Ngồi ở đâu bây giờ? Có một cái ghế đẩu nhưng có vẻ mục rồi, ngồi lên đó dám té chỏng gọng, thôi ngồi ké bên cái giường có chiếc chiếu mục mốc mốc. Tôi tới thăm bà, tiện thể xem thằng Hoàng nó học hành ra sao, ông giáo nói vậy nhưng có lẽ không cần hỏi nữa vì chỉ nhìn là đủ biết hết rồi. Những lời mắng vốn để dành sẳn cũng bay đi đâu hết rồi! Nó học làm sao hả thày? Bà lão hỏi. Dạ, nó học … cũng được, ông giáo trả lời. Cũng được … cũng được … vang vang bên tai ông giáo. Cũng được là làm sao? là làm sao? là làm sao? Cái câu hỏi ở đâu vọng rền trong đầu ông giáo. Để bà già này buồn thì có ích gì … vì bả chắc buồn hết chỗ buồn rồi. Ông giáo ngồi im lặng ngó ra ngoài cửa nhà, nhìn theo con bướm cải vàng vàng bay chập chờn trên cái bông chuối đỏ hực đã bị sâu ăn te tua mấy đài hoa.
Bà lão nói một cách ngập ngừng khó khăn: Má nó dại khờ nên nó vậy đó thày giáo. Bà lão lại cuối xuống, chép miệng, buông hai chữ: Bạc phước! Rồi thôi, lại yên lặng rất lâu như cố nuốt cho trôi hai tiếng bạc phước. Nhướng cặp mặt mờ quay tìm quanh quất bà lão tìm kiếm cái bóng ngồi co ro sau cái lu nước ở mái hiên. Nảy giờ ông giáo không để ý thấy người ngồi đó. Là một người đàn bà áo xống thâm kim tơi tả, vá chằng vá đụp! Thằng Hoàng ngập ngừng: Má con đó thày. Bà lão bỗng giận dữ: Con tôi nó điên điên khùng khùng dở dở ương ương. Đi lang thang bị người ta hại nên mới có cái thằng Hoàng này! Càng nói bà càng cao giọng, thở gấp gáp. Không hiểu sao ông giáo lại tò mò: Vậy ba nó? Thằng Hoàng hoảng hốt ngó ông giáo. Bào lão quơ cánh tay mơ hồ trong không gian. Người đàn bà bỗng cười ngu ngơ. Bà lão nói như miết qua kẽ răng: Không biết, biết làm chi nữa! Biết mà chi…? Thời gian bỗng ngưng đọng lại. Bà Sáu ba mươi năm trước và bà lão này nhập vào nhau trong một cõi mông lung. Ông giáo đắng lòng: Có một Bà Sáu ở đây nữa rồi!
Thằng Hoàng thi tốt nghiệp vừa đủ điểm. Nó chẳng mong ước thi vào đại học cao đẳng gì hết, lo chạy lên Saigon làm công học việc kiếm sống. Mấy năm liền chẳng thấy nó về, cũng không tin tức gì. Cũng không biết bà lão và đứa con gái-đàn bà ngây dại đó bây giờ ra sao. Cái hẻm sâu hút đã được qui hoạch thành con đường lớn, đi ngang chỉ còn thấy một vạt đất dài trống hoác, những người ở đó bây giờ tứ tán còn biết đâu mà tìm!
Đi vắng lâu thế nhưng rồi thằng Hoàng cũng trở lại ghé thăm ông giáo. Vẫn ốm tong teo như xưa nhưng bây giờ nó có chiếc Wave alpha cà tàng. Để chạy giao hàng cho chủ thôi, nó nói vậy. Bà ngoại con mất rồi, Má con cũng mất rồi, nó nói thêm. Vậy là thằng Hoàng thành một đứa bơ vơ vật vờ. Con muốn kiếm Ba con, nó nói sau một hồi mím chặt môi. Ông giáo ngó thằng nhỏ lom lom, nhìn sâu vào cặp mắt long lanh của nó, vái trời nó đừng khóc. Nó không khóc thật. Những con người này đã hết nước mắt rồi!...
- Ừ! Con biết chút gì về Ba con không? Bà ngoại có nói cho con biết Ba con là ai không? Ba con ra làm sao?
- Bà ngoại con không nói, bà nói hồi đó ba con không nhận con vậy con biết làm chi?
- Vậy biết đâu mà tìm!
- Con hỏi mấy người ở trại cưa hồi xưa má con hay ghé. Má đi hốt mạt cưa ….
- Ai biết!?
- Người ta không biết chắc nhưng hồi đó làm thợ ở đó chỉ có mấy người!
- Mấy người.
- Dạ bảy người!
Trời đất ơi! Một người là đã khó lắm rồi. Tới bảy người lận ha? Ông giáo than thầm trong bụng. Biết ai trong cái đám đàn ông trời đánh thánh đâm làm công ở đó, cái đám đàn ông gạo chợ nước sông, nay người này mai người khác với một cô gái ngây dại thần kinh!
- Con có hỏi rồi. Trừ ông già Bảy thợ mộc ra còn sáu người. Trừ 5 ông làm công khuân vác đàng hoàng ra còn ….
Không biết tại sao nó lập luận như vậy được kìa, làm sao ai biết ai đàng hoàng kìa, mà nó hỏi ai vậy kìa!? Ông giáo ngồi lặng thinh quên hết cảnh vật xung quanh đến nỗi một con kiến vàng từ nhánh cây rớt xuống vai bò lên mặt cắn một phát vào khóe mắt chảy nước mắt ràn rụa mới tỉnh ra.
- Ừ! Thày với con đi tìm hỏi ba con vậy. Mà biết nhà ở đâu không?!
- Dạ biết!
- !?
- Con có tới mà cái bà ở nhà đó dữ quá con không dám hỏi! Thày giúp con…
Thế là hôm sau ông giáo chở thằng nhỏ đi tìm cha. Đường xa quá, chạy lòng vòng trong vườn dừa đi lạc mấy chập, phải chạy trở ra hỏi lại rồi mới trở vào. Gần tới nơi thằng nhỏ sợ bèn nói ông giáo cho nó xuống ngồi ở cái quán cóc bên đường. Một mình ông giáo dò hỏi tới nhà người ta. Là một cái nhà gạch không lớn và có vẻ bừa bãi. Lạch bạch đi ra ngó khách là một bà, nói đúng hơn là một con mẹ có cái mặt rất đanh, thảo nào thằng nhỏ không sợ sao được! Hôm trước nó gặp con mẹ này đây. Nó hỏi tên Tám Gà là con mẻ trợn mắt ngắm nghía nó từ đầu tới chân. Không biết thằng nhỏ có vẻ gì giống với thằng cha Tám Gà đó không mà con mẻ sau khi quan sát kỹ lưởng bèn nạt đùa một hơi:
- Hỏi làm gì? Không có thằng chả ở nhà? Cả ngày nhậu nhẹt không? Không biết!
Thằng nhỏ hết hồn không dám nói thêm tiếng nào, đi về luôn.
Ông giáo lấy giọng từ tốn:
- Chào bà!
- Hỏi ai? Chuyện gì?
Con mẹ này ăn nói trổng không, khó đây! Ông giáo nhủ thầm như vậy.
- Bà cho tôi hỏi thăm chú Tám.
- Ông là ai vậy? Đâu có quen!
- Tôi quen với ông chủ trại mộc hồi xưa chú Tám làm ở đó…
Ông giáo nói đại vậy chớ có quen với ông chủ trại cưa hồi nào đâu. Hy vọng con mẹ này đừng hỏi tới thì hư chuyện! Trại cưa mà nói lộn thành trại mộc…
- Ông chủ trại cưa nhờ tôi gởi lời thăm chú Tám…
- Không có ở nhà, đi làm vườn rồi.
- Chú Tám đang làm ở đâu hả bà? Tôi gặp chú được không? Đi ngã nào hả bà?
- Đường vườn lòng vòng lắm.
- ?
- Ra đầu đường, chỗ cái quán người ta chỉ cho!
Chưa gì là đuổi mình rồi, không cho khách uống một chén trà nguội nữa, tệ quá! Ông giáo quay xe trở ra cái quán. Thấy ông giáo đi ra thằng nhỏ đang ngồi rầu rĩ tươi ngay nét mặt:
- Làm sao hả thầy?
- Chưa được gì! Để hỏi tiếp.
Thằng Hoàng giống như trái banh bị xì hơi, cái mặt thành méo sẹo. Kêu ly trà đá uống cho đỡ khát rồi nhẫn nha hỏi chủ quán về Tám Gà. Té ra thằng cha này hồi xưa mê đá gà, thua xiểng liểng nợ tứ giăng, còn thêm cái tội trai gái lung tung, bị con vợ còng đầu về quê, oánh lộn một trận dữ dội rồi không cho đi đâu nữa. Tám Gà đang làm cỏ mướn ở xóm trên. Để thằng Hoàng ngồi đó, ông giáo lội bộ băng vườn qua xóm trên. Tám Gà đang làm cỏ. Để coi cái con mắt, cái mũi, cái miệng …có chỗ nào giống với thằng Hoàng không? Hơi giống … mà cũng không giống lắm! Ông giáo băn khoăn, tần ngần.
Tám Gà đang lom khom kéo cỏ thấy ông giáo thì ngạc nhiên:
- Ông là ai vậy? Kiếm ai vậy?
- Chú Tám phải không?
- Thì .. tui. Hỏi tui hả?
- Dạ. Có chút việc! Nghỉ tay cho tôi hỏi chút được không chú Tám?
Hỏi thăm vòng vo chuyện ở trại cưa một hồi rồi ông giáo mới vô đề:
- Chú có mấy đứa con?
- Ba đứa.
- Ở đây hết hả? Có đứa nào gả cưới xa không?
- Không, ở gần đây hết. Gả cưới gì đâu. Đi theo đập dập thì có!
Tám Gà đột nhiên ngồi xê ra, ngó ông giáo cảnh giác. Ông giáo nửa đùa nửa thật:
- Có gởi cho bà nào đứa nào nữa hông đó!?
Tám Gà hấp háy con mắt, ngó quanh quất, nhăn mặt.
- Tôi nói nghiêm chỉnh đó chú, chú thương cho!
Tám Gà cúi xuống, bậm bặm môi, quay mặt chỗ khác, đổ quạu:
- Đừng giỡn.
- Thì tôi có giỡn đâu. Tôi cất công đi xuống tới đây gặp chú đâu để giỡn!
- Không phải con tui!
- Ai không phải con chú? Tôi đã nói gì đâu.
- Không chắc con tui.
- Ai không chắc con chú?
- Hôm trước có đứa xuống đây rồi. Tui đã nói hỏng phải!
Vậy là con mẹ kia đã truy vấn Tám Gà rồi chắc, thằng cha này có vẻ sợ vợ.
- Thì tôi đã nói gì chú đâu. Tôi chỉ hỏi thử vậy thôi.
- Không chắc không thử gì hết. Tôi không nhận. Nhiều thằng cũng làm ở đó mà…
Ông giáo ngồi yên nhìn Tám Gà. Ông ngờ rằng cách đây hơn hai mươi năm bà lão kia cũng nghe cùng câu từ chối đó. Nói gì nữa đây? Không, không cần phải nói gì thêm! Tám Gà bực bội cầm con dao cùn chặt bụp xuống đất làm cọng cỏ đứt gốc bay văng xuống mương.
Ông giáo trở ra dắt thằng Hoàng về. Ông cũng phải nói lại cái câu ông từng thấy sợ kia: Không biết, biết làm chi nữa! Biết mà chi…?
***
Không cha không mẹ như đờn đứt dây.
Bến tre, 30/9/2009.
Thứ Tư, 30 tháng 9, 2009
BÃO VÀ LO BÃO
Thứ Tư, 23 tháng 9, 2009
TIẾNG CỦA ĐÊM ĐEN
Trùng đông kêu não hơn thu
Người vô tư mấy nghe ru cũng sầu
Ta già nghe chẳng sao đâu
Trẻ trung nghe khéo bạc đầu như chơi